Thông điệp đầu năm


Chu Thập

Tennis không phải là một môn thể thao tôi ưa thích. Lũ trẻ nghèo  chuyên đá banh bưởi trên những gò đất khô cằn nứt nẻ như tôi nhìn vào những sân “quần vợt” như một thế giới hoàn toàn xa lạ. Có ngủ cũng không dám mơ được làm người trưởng giả, mặc quần sọt trắng, áo thun trắng, mang giày ba ta trắng để gọi là đi đánh Tennis. Cho tới ngày nay, tôi cũng chưa một lần bước vào một sân quần vợt nào. Vậy mà bất cứ trận thi đấu nào có mặt danh thủ Roger Federer, tôi luôn thấy mình bị thôi thúc phải xem cho bằng được. Tôi say mê danh thủ này vì lối chơi điệu nghệ của anh. Nhưng chính tư cách của anh mới là điều thu hút tôi nhiều nhứt. Dù chỉ đáng tuổi con của tôi, anh vẫn xứng đáng để tôi tôn lên bậc thày trong trường học làm người. Anh đã dạy tôi nhiều điều. Năm nay anh nhắc lại cho tôi về tầm quan trọng của lòng biết ơn.

Mới đây, nhân dịp đến Melbourne để tham dự Giải Australian Open, danh thủ người Thụy Sĩ này đã dành cho Đài truyền hình CNN của Mỹ một cuộc phỏng vấn qua đó anh đã không cầm được nước mắt khi nhắc đến tên của ông Peter Carter, một huấn luyện viên người Úc đã dẫn dắt anh khi anh mới chập chững bước vào sân đấu.

Ông Carter đã khám phá ra tiềm năng của Federer khi ông đến chơi tại câu lạc bộ Tennis ở Basel, Thụy Sĩ. Federer cho biết chính người thày này đã dạy cho anh kỹ thuật mà dần dần anh đã phát huy thành ngón nghề riêng của anh. Rất tiếc là năm 2002, khi Federer được đưa lên đỉnh cao của nghệ thuật chơi tennis và danh vọng, Carter đã qua đời trong một tai nạn giao thông tại Nam Phi.

Nói chuyện với phóng viên của đài CNN, Federer đã không cầm được nước mắt khi nhớ lại người huấn luyện viên đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời và sự nghiệp của anh. Anh nói: “Peter (Carter) thực sự là một người quan trọng trong cuộc đời của tôi. Nếu tôi phải nói lên lòng biết ơn vì kỹ thuật mà tôi có được ngày hôm nay, thì người tôi mang ơn chính là Peter”. Federer cho biết khi hay tin thày mình qua đời, anh xem đó như một “tiếng gọi” thôi thúc anh phải gia tăng tập luyện. Cứ có dịp là anh nhắc lại công ơn của người thày của mình.

Khi đến Úc tham gia Giải Australian Open hồi năm 2017, Federer đã khẳng định: “Về kỹ thuật của tôi, Peter Carter là người có ảnh hưởng lớn nhứt.” Anh giải thích rằng chính anh là người đã kiện toàn kỹ thuật và lối chơi nhẹ nhàng uyển chuyển của anh. Nhưng theo anh, Peter Carter mới là người đặt nền móng cho kỹ thuật ấy.

Để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với người đã từng dẫn dắt mình ở bước đầu, cứ mỗi lần đến Úc để thi đấu, Federer đều mời cha mẹ của người quá cố đến tham dự. Anh nói rằng cha mẹ của Peter Carter là những người rất quan trọng đối với anh.

Trên sân đấu cũng như trong đời thường, Federer lúc nào cũng cư xử đẹp. Khi bày tỏ lòng biết ơn, anh cũng thể hiện một nét cao đẹp khác trong nhân cách là sự khiêm tốn. Thật vậy, biết ơn không chỉ có nghĩa là biết mình mắc nợ với người khác, mà chính là nhận biết những giới hạn của mình. Ngày xưa khi chập chững cắp sách đến trường, có học sinh nào mà không học thuộc lòng câu “không thày đố mày làm nên”. Dù có là thiên tài đi nữa, có ai mà không cần một hay nhiều người thày trong cuộc đời. Biết ơn và khiêm tốn là đôi cánh giúp con người bay lên trong sự trưởng thành nhân cách. Tôi học được điều đó qua cách cư xử của danh thủ Federer.

Vào khoảng thập niên 1960, tại Hoa Kỳ, người ta thấy rộ lên trong tâm lý học một trào lưu kêu gọi nuôi dưỡng và phát huy lòng tự tin. Các cuộc nghiên cứu trước đó đã khám phá ra rằng những người có lòng tự tin, nghĩa là nghĩ “cao” và nghĩ “tốt” về mình thường thành công trong cuộc sống và ít gặp vấn đề hơn người khác. Thời đó, nhiều nhà nghiên cứu và hoạch thảo chính sách tin rằng nâng cao lòng tự tin của dân chúng sẽ giúp tạo ra được nhiều lợi ích về mặt xã hội như giảm bớt tội ác, kết quả học tập tốt, có việc làm tốt, ít thiếu hụt tài chính v.v…

10 năm sau, tức thập niên 1970, trào lưu thúc đẩy và nuôi dưỡng lòng tự tin được dạy cho các bậc phụ huynh, được các nhà tâm lý trị liệu, các chính trị gia và các nhà giáo dục nhìn nhận và biến thành một chính sách giáo dục. Người ta khuyến khích các nhà giáo dục bằng mọi cách phải xiển dương lòng tự tin nơi học sinh. Nếu học sinh do lười biếng hoặc vì những lý do nào đó mà không đạt được điểm cao, hãy nâng điểm của các em lên. Làm như thế sẽ giúp cho các học sinh dở cảm thấy ít mặc cảm hơn. Học sinh cũng được khuyến khích để nêu lên những lý do tại sao các em cảm thấy mình là người đặc biệt. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tinh thần cũng không ngừng rao giảng cho các tín hữu rằng trong con mắt của Thiên Chúa, họ là những con người độc nhứt vô nhị, được mời gọi để trở thành những con người xuất chúng phi thường, chứ không chỉ là hạng trung bình. Người ta đua nhau tổ chức các cuộc hội thảo để rêu rao câu “thần chú”: bất cứ ai cũng đều có thể là một người ngoại hạng và thành công vượt bực!

Phát huy và nuôi dưỡng lòng tự tin đã trở thành một phong trào trong xã hội Mỹ. Nó đã trở thành gần như một niềm tin tôn giáo và một phần của văn hóa Mỹ: ai cũng phải tin rằng mình có thể là một người ngoại hạng xuất chúng. Những người có tiếng tăm trong xã hội đều kêu gọi như thế. Những nhà tài phiệt cũng nhắn nhủ như thế. Các chính trị gia cũng không ngừng rêu rao điều đó. Ngay cả nữ hoàng hội thoại Oprah cũng lập lại điều đó: mỗi người đều có thể là một người phi thường. Tất cả mọi người đều xứng đáng để trở thành vĩ đại (x. Mark Manson, The Subtle Art of Not Giving a F*CK, Pan Macmillan Australia Pty Ltd 2016, trg 41-60).

Khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) cũng gợi lên cho tôi trào lưu ấy. Tự nhận mình là người bị bắt nạt nhiều nhứt trên thế giới, đệ nhứt phu nhân Melania Trump cũng đã tung ra một chiến dịch lấy tên là “Be Best” với mục đích khuyến khích trẻ em Mỹ hãy xem mình là “nhứt”, là ngoại hạng trong con đường riêng của mình.

Quả thật, Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại. Nước này có rất nhiều người vĩ đại. Nhưng kể từ thập niên 60 đến nay, đâu phải mọi người Mỹ đều là những Bill Gates, những Martin Luther King…Thật ra nếu ai cũng đều là ngoại hạng, phi thường và “nhứt” (best) hết thì  ai sẽ là hạng “trung bình”.

Thời trai trẻ, tôi cứ tưởng mình “phải có công gì với núi sông”. Thế rồi, tuổi đời càng chồng chất, thất bại muôn mặt trong cuộc sống ập phủ xuống…tôi càng hiểu và chấp nhận những giới hạn và bất toàn của mình. Sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút. Não bộ của tôi là một bộ máy kém hữu hiệu nhứt. Nhớ trước quên sau. Lý luận không tới nơi tới chốn. Làm những quyết định hời hợt thiếu suy nghĩ. Nhìn người và nhận định về cuộc sống một cách chủ quan hoặc đầy thành kiến. Ngày nay, ngay cả khi thế giới đang cung cấp cho tôi tất cả mọi phương tiện để trở thành phi thường hay ngoại hạng, tôi vẫn thấy mình hoàn toàn bất lực. Mạng lưới Thông tin Toàn cầu, Google, Facebook, YouTube và hàng trăm hệ thống truyền thông hiện đại trước mắt có vẻ dễ như trở bàn tay với ngay cả những đứa bé chưa thực sự cắp sách đến trường lại là những vũ trụ bí hiểm của tôi. Sự tập trung và chú ý của tôi cũng có giới hạn. Tôi không thể tiêu thụ hay tiêu hóa tất cả mọi thức ăn được bày ra trước mặt. Nói chung, kỹ thuật của thời đại chỉ làm cho tôi cảm thấy choáng ngợp và ý thức hơn về những giới hạn và bất toàn của mình. Tôi biết rằng dù cho có sống thêm nhiều năm nữa thì tôi cũng không thể nào bắt kịp những tri thức được coi như thông thường của thời đại này. Mỗi lần cái máy vi tính tôi dùng để viết bài hay cái băng tầng “internet” trở chứng là những lúc tôi “thấm thía” cái giới hạn của mình. Xét cho cùng, tôi chỉ là một thứ ốc đảo bơ vơ ngày càng lùi vô quá khứ. Không nói đến nỗi cô đơn hiện sinh mà ai cũng đang gậm nhấm trong sâu thẳm của cõi lòng, có lúc nào mà tôi không cảm thấy mình cần có người khác. Có ai mà một cách nào đó không là thày của tôi. Tôi mang ơn biết bao nhiêu người.

Mỗi dịp đầu năm, tôi thường lắng nghe các thông điệp của các nhà lãnh đạo chính trị và nhứt là tôn giáo. Thường họ cũng chỉ lập lại những lời sáo rỗng. Năm nay, tôi đón nhận việc danh thủ Federer bày tỏ lòng biết ơn với người huấn luyện viên cũ của mình như một thông điệp đầu năm.

Ở khởi đầu một năm mới, người ta thường làm một số quyết tâm. Hơn ai hết có lẽ hầu như nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng có những quyết tâm đầu năm. Chính vì vậy mà nhà viết bỉnh bút nổi tiếng của tạp chí Time là ký giả Ian Bremmer mới ngồi nghĩ ra một số quyết tâm của các nhà lãnh đạo thế giới. Chẳng hạn, trong số ra ngày 14 tháng Giêng vừa qua, Ian Bremmer đã viết giùm cho Tổng thống Donald Trump những lời quyết tâm như: “Tôi quyết tâm phải thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Cộng là nước đang giở trò gian lận với chúng ta, sẽ xóa bỏ chính sách y tế Obamacare, sẽ xây một bức tường biên giới lớn và đẹp, sẽ cắt giảm thuế cho mọi người….sẽ ký sắc lệnh hoàn toàn ngăn cấm không cho người Hồi giáo được vào Hoa Kỳ…sẽ không đi nghỉ, sẽ không chơi golf, sẽ nói với mọi người rằng không hề có Toa rập (Collusion với Nga), sẽ làm cho Nước Mỹ vĩ đại trở lại và sẽ xuống 3 cân Anh. Cũng như năm ngoái thôi”.

Cũng như mọi người, năm nào tôi cũng làm một số quyết tâm và cũng như mọi năm, lần nào tôi cũng lập lại câu “cũng như năm ngoái thôi”.

Không biết năm nay tôi có nên lập lại danh sách những quyết tâm đầu năm của những năm trước không. Nhưng ngẫm nghĩ về “thông điệp đầu năm” của  “ông thày” Federer, năm nay có lẽ tôi chỉ xin quyết tâm một điều: cố gắng mỗi ngày nuôi dưỡng và nói lên lòng biết ơn với mọi người. Biết ơn mọi người để ý thức hơn về những giới hạn, bất toàn và khuyết điểm của mình. Biết mình hơn để khiêm tốn hơn và khiêm tốn hơn để dễ dàng cảm thông hơn với người khác. Và cảm thông hầu mới mong có được cuộc sống an bình và hài hòa với mọi người như nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Mã từng dạy: “Cảm thông là yêu thương. Cảm thông mang lại an bình và cùng với an bình là sức khỏe. Hãy trân quý sự cảm thông”.

Related posts