Một thời để yêu một thời để chết

Chiến Tranh và Hòa Bình là hai mặt của tấm gương trên trái đất, trong thế giới loài người. Quốc gia nào cũng có thời kỳ đi chinh phục và có thời kỳ bị xâm chiếm. Cá nhân nào cũng có Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết.

Với tất cả vạn vật trên mặt đất đều có mùa của nó

Dưới mặt trời mọi mục tiêu đều có riêng mùa

Một thời để sinh ra và một thời để chết

Một thời trồng trọt một thời gặt hái

Một thời chém giết một thời chữa lành

Một thời để thổn thức một thời để cười vang

Một thời khóc than một thời nhẩy múa

Một thời để ôm ấp một thời để buông tay

Một thời để mất mát một thời để kiếm tìm

Một thời để xé nát một thời khâu lại

Một thời lặng thinh và một thời lên tiếng

Một thời để yêu và một thời để ghét

Một thời chiến tranh một thời hòa bình. (Trần Mộng Tú dịch, Kinh Thánh Ecclesiastes 3:1-8)

a time to live a time to die

To everything there is a season,
a time for every purpose under the sun.
A time to be born and a time to die;
a time to plant and a time to pluck up that which is planted;
a time to kill and a time to heal…
a time to weep and a time to laugh;
a time to mourn and a time to dance …
a time to embrace and a time to refrain from embracing;
a time to lose and a time to seek;
a time to rend and a time to sew;
a time to keep silent and a time to speak;
a time to love and a time to hate;
a time for war and a time for peace.
ecclesiastes 3:1-8

Trên thế giới có cả ngàn bài thơ về Chiến Tranh về Hòa Bình đã được viết xuống từ trái tim của thi sĩ, trái tim của những người sống sót với chiến tranh, của những người biết thế nào là cái mong manh giữa sống và chết, giữa tiếng cười và nước mắt.

Tất cả cái hạnh phúc và đau khổ đó, những người lính, những người cầm súng dưới danh nghĩa đi bảo vệ hay đi xâm chiếm, là những người đau khổ hay hạnh phúc đều vượt lên trên tất cả những chịu đựng mà người khác khó hình dung ra được, cho dù chúng ta có mất mát đến thế nào.

Bài thơ HE của Harekrishna Deka, thi sĩ và nhà văn Ấn, đã kể lại về cái chết của người lính được chôn bên vệ đường vẽ ra một hình ảnh cô đơn và đầy xúc động, làm ta liên tưởng đến những cái chết trên dọc đường đào thoát của những quân nhân VNCH trong tháng 3 và tháng 4 năm 1975. Những quân nhân đó chết bằng đủ mọi cách. Họ vừa ngã xuống bằng chính viên đạn bắn vào ngực mình hay viên đạn của kẻ thắng trận bắn thẳng vào đầu anh hay viên đạn bay từ một nơi nào tới trong trận chiến cuối cùng. Anh chết một mình hay chết cùng đồng đội. Họ rủ nhau cùng tự sát, hay mình cô đơn bắn chính mình.

Có ai đủ thời giờ mà đứng lại đắp trên xác tử sĩ một lá cờ tổ quốc?

Có. Lá cờ không hiện diện nhưng lá cờ đó đã phủ rất linh thiêng không hình, không sắc trên ngực người lính vừa gục xuống.

Chính họ đã đắp

Một lá cờ rủ

trên ngực chàng

Thân xác gục xuống, dòng người hoảng loạn dẫm lên, con đường nào anh vừa súng đạn chạy qua, trưa nắng rát hay buổi chiều vừa xập xuống, hay trong bóng tối đêm đen.

Anh gục xuống trong trận đụng độ cuối cùng. Ai đó đã vùi vội trong đêm thân xác anh ở bìa rừng hay thân xác anh bên quốc lộ, sau vườn nhà ai hay giữa chợ, trước cửa giáo đường hay trong sân chùa…

Anh được vùi nông một nấm mộ bất cứ chỗ nào dưới những gót chân của đồng bào anh đang hỗn loạn chạy đạp lên. Thân xác anh, những bàn tay cầm súng, ném đạn, đã vùi chôn trong lòng đất.

Và những ngón tay khô khốc đang nở từng cánh hoa sao, trong bóng đêm, trong bóng tối của đất phủ trên thân anh. Một chùm hoa sao nở.

Và cũng chính họ

Đã chôn hai bàn tay chàng

Trên con đường hành quân vừa qua

trong bóng tối của đêm

Chuyện họ chôn hờ một người lính bên đường là chuyện có thật. Chuyện Chiến tranh là có thật.

Họ kể lại như thế

những chùm hoa sao nở

trên những ngón tay khô

Không ai biết cả

Có ai tin không?

Chắc chẳng ai biết đâu. Những bàn chân trên mặt đất của dân của quân thuộc bên bại trận đang hốt hoảng chạy như bầy châu chấu bị rang trong chảo nóng, hay của những con bò cạp thắng thế đang bò nhôn nhao trên xác người vừa nằm xuống.

Thế rồi, ba mươi năm sau, bốn mươi năm sau, người ta hầu như đã quên đi nhiều lắm. Quên những người lính chết bên đường, quên những người lính chết xác tạt vào bãi biển, quên những người lính ngã xuống trên một mảnh đất nào đó của quê hương.

Thân xác họ mục nát, còn chăng một tấm thẻ bài.

Không đâu, anh không mất tất cả được, thân thể ấy, chân tay ấy vẫn còn giấu trong những mạch nước ngầm, đang nằm cạnh những viên sỏi lăn vào một cõi âm u.

Rằng hai bàn tay đó

và cũng con đường đó

giấu trong một dòng sông

của những viên sỏi nhỏ

chẩy qua hầm âm u

Và từ thân xác đó một sự màu nhiệm đã về, anh là thảo nguyên anh là cánh rừng, là những chùm lá xanh bất tận. Anh dệt trên chính ngực mình cái tấm màn màu xanh đó, không phải chỉ riêng cho anh ngắm nghía mà cho tất cả đồng đội của anh, tất cả đồng bào thân yêu của anh được hưởng cái màu xanh an bình đó.Cái tấm màn màu xanh đó sẽ che đi cái màu đỏ khủng khiếp, đỏ như máu của những người dân đáng thương trong cuộc chiến anh vừa đi qua và vẫn loang xa, loang xa….

Và rồi điều gì nữa

chàng dệt trên ngực mình

một chiếc màn mầu xanh

cho chàng niềm riêng lẻ

cho những người chung quanh.

Hãy nằm yên anh nhé, chiến tranh đã kết thúc hơn bốn mươi năm rồi. Anh đã chết thật rồi, anh chết trước khi chiến tranh chết, và lá cờ vô hình của Tổ Quốc VNCH vẫn đắp trên ngực anh.

Một lá cờ rủ xuống

được đắp trên ngực chàng (*)


Trần Mộng Tú

30-4-2019

(*) Tất cả những câu thơ được dịch từ bản English bài thơ HE của Harekrishna Deka sinh năm 1943, thi sĩ và nhà văn Ấn.

Related posts