Bắc Kinh quảng cáo không công cho cuốn sách chống Trung Quốc

Trong một hành động như cố tình chọc giận Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giáo sư Clive Hamilton đã chọn ngày 4.6 – là ngày tưởng niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn – để ra mắt bản dịch Hoa ngữ cuốn Cuộc xâm lăng thầm lặng: Trung Quốc đã biến Úc thành một nước bù nhìn như thế nào (Silent Invasion: How China Is Turning Australia into a Puppet State).

Giáo sư Clive Hamilton hiện giảng dạy môn đạo đức công cộng (public ethics) tại Đại học Charles Sturt và nguyên tác tiếng Anh đã ra mắt vào năm ngoái để rồi bị truyền thông nhà nước Trung Quốc đả kích dữ dội, nào là “thứ rác rưởi”, “đầy sai trái” và “vô ích”. Nhưng chính nhờ vậy họ đã quảng cáo không công cho cuốn sách, làm nảy lên như cầu tìm đọc tại Đài Loan, Hồng Kông và cộng đồng người Hoa chống cộng tại nhiều nơi trên thế giới.

Chính nhu cầu này đã dẫn đến sự ra mắt của bản dịch tiếng Hoa.

Tuy nhiên việc ra mắt bản tiếng Anh cũng đầy trắc trở. Đầu tiên Nhà xuất bản Allen & Unwin đồng ý thực hiện và theo dự tính thì sẽ phát hành vào cuối năm 2017, tuy nhiên cuối cùng nhà xuất bản này đã phải đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc và các tổ chức vận động hành lang của họ tại Úc. Sau đó Giáo sư Hamilton tìm đến Nhà xuất bản của Đại học Melbourne (Melbourne University Press) nhưng cũng bị từ chối và việc này khiến ông giận dữ công kích điều này như là “chiến thắng của Đảng cộng sản Trung Quốc”.

Sau đó Nhà xuất bản Hardie Grant của ông Sandy Grant nhận lời phát hành. Ông Grant là người đã xuất bản cuốn hồi ký gây tranh cãi của cựu nhân viên tình báo Anh Peter Wright vào thập niên 1980s, bất chấp nỗ lực ngăn cản của chính phủ Anh.

Tuy nhiên người Trung Quốc có khả năng đọc tiếng Anh không nhiều, cho dù bản Anh ngữ online bán khá chạy tại Hồng Kông, thúc đẩy đến nhu cầu dịch sang tiếng Hoa.

Buổi ra mắt sách tại Sydney hôm thứ Ba do tổ chức Liên minh Bảo vệ Giá trị Úc (Australian Values Allianc: AVA), một tổ chức thúc đẩy dân chủ đã bị Bắc Kinh xếp hạng là “bài Trung Quốc”.

Phát biểu tại buổi ra mắt ông John Hugh, phát ngôn viên của AVA, đã nhấn mạnh: “Những người nói tiếng Hoa cần biết rõ Cộng sản xấu xa như thế nào và không để mình bị bộ máy tuyên truyền của nó đánh lừa. Không có nhiều người Trung Quốc đọc thạo tiếng Anh và bản dịch này là mối đe dọa với Hoa lục. Nhiều người sống tại Hoa Lục có thói quen tìm mua sách bị cấm trong nước khi du lịch đến Đài Loan và Hồng Kông. Tôi tin là cuốn sách này sẽ xuất hiện trong thị trường chợ đen tại Hoa lục”.

Phát biểu tại buổi ra mắt, Giáo sư Hamilton ghi nhận rằng sau khi cuốn sách được phát hành vào năm ngoái, cùng với việc Huwai bị cấm tham gia đấu thầu mạng 5G, Bắc Kinh đã thức tỉnh và thay đổi chiến thuật.

Cần nhắc lại là trong cuốn sách trên Giáo sư Halminton cho biết hàng ngàn gián điệp Trung Quốc đã hội nhập vào xã hội Úc ở mọi cấp độ, từ lĩnh vực chính trị đến hàn lâm, kinh doanh và các nhà thờ – giáo hội tại các vùng ngoại ô và các hội nhà văn tại các địa phương. Theo ông thì đây là một chương trình hành động có lớp lang và hệ thống của chính quyền Trung Quốc nhằm làm xói mòn chủ quyền của Úc.

Giáo sư Hamilton nêu ra danh sách dài trên 40 chính trị gia Úc mà ông cho là “đang làm việc cho chính quyền toàn trị Trung Quốc”, có thể là có khi họ làm việc một cách vô tình. Trong số đó thì kẻ bị chỉ trích nhiều nhất là ông Bob Carr và Giáo sư Hamilton đã dành riêng một chương mang tên “Beijing Bob” (Bob Bắc Kinh), kẻ đã ráo riết vận động cho một chính sách ủng hộ Bắc Kinh trong nội bộ đảng Lao Động.

Giáo sư Hamilton nhắc lại việc ông Carr được bổ nhiệm làm giám đốc sáng lập của Viện nghiên cứu quan hệ Úc – Trung (ACRI) thuộc Đại học UTS (University of Technology of Sydney) ở Sydney năm 2015. Lúc đó nhà tài phiệt Trung Quốc Hoàng Tương Mạc (Huang Xiangmo) đã bỏ ra $1.8 triệu để thiết lập ACRI rồi mời Bob Carr về làm Giám đốc kiêm Giáo sư. Thực chất thì ông Carr cho mượn cái danh “cựu thống đốc – cựu ngoại trưởng” để ăn lương, Hoàng là chủ tịch hội đồng quản trị, chuyên lo kiếm ra tiền cho ACRI để trả lương.

Bây giờ thì ai cũng biết rõ ông Hoàng Tương Mạc là ai, kẻ đã bị cấm trở lại Úc vĩnh viễn.

GS Hamilton cũng nêu ra mối quan hệ “lạ kỳ” giữa Giáo hội Thiên Chúa Giáo Úc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, một tổ chức vô thần với lịch sử lâu dài đàn áp Thiên Chúa Giáo.

Giáo sư Hamilton nêu ra những tài liệu mật của chính quyền Trung Quốc với nội dung hướng dẫn các cán bộ của mình cách thức xâm nhập các giáo hội của nguời gốc Trung Quốc ở hải ngọai. Ông viết: “Họ hướng dẫn cán bộ mình cách theo dõi, thâm nhập và “Trung Quốc hóa” các giáo hội Trung Quốc ở hải ngọai bằng cách xiển dương khái niệm của đảng về “tình yêu tinh thần” của dân tộc Trung Hoa.”

Giáo sư Hamilton nhận xét là năm 2014 trang web của Chinese Methodist Church tại Canberra đã đưa ra thông điệp liên hệ sự trỗi dậy của Đảng Cộng sản như là ý của Thượng Đế: “Sự chính đáng đầy ấn tượng của Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và sự trỗi dậy của nước Trung Hoa hiện đại là một phần trong chương trình của Thượng Đế, là định trước và là phước lành.”

Tác giả cũng dẫn lời nhiều mục sư gốc Trung Quốc, cho biết có nhiều đảng viên Cộng sản thâm nhận giáo hội của họ.

Trung Quốc còn tạo dựng ảnh hưởng qua các hội nhà văn, với sự kiện tổ chức là Hội nhà văn Trung Quốc tại Úc (Australian-Chinese Writer’s Association) vừa bị các “thành phần thân Bắc Kinh chiếm đọat”.

Giáo sư Hamilton còn chỉ trích Hội Nhà văn Victoria (Writers Victoria) và Đại hội Nhà văn Melbourne (Melbourne Writers Festival) đã “khờ khạo” đứng ra chủ tọa cho các nhóm nhà văn Trung Quốc họat động dưới sự điều khiển Bắc Kinh, những kẻ chỉ có mục đính “phổ biến thể giới quan của đảng Cộng sản Trung Quốc trong xã hội Úc, vốn hòan tòan không dung thư với cái nhìn khác biệt và nghệ thuật.”

Related posts