Đoàn Thị Hương: Thân phận Việt Nam!

Hôm 1/4/2019 vừa qua, bị cáo Đoàn Thị Hương của Việt Nam đã bị Tòa án Mã Lai tuyên 3 năm 4 tháng tù giam trong phiên tòa xử vụ án sát hại người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ CS Bắc hàn Kim Jong-un.

Tin tức cho hay, Công tố viện chính phủ Mã Lai đã hủy bỏ cáo buộc ‘sát nhân’ đối với Đoàn Thị Hương sau khi Hương chịu nhận tội “vô ý gây thương tích bằng vũ khí hay phương tiện nguy hiểm”.

Mức hình phạt cao nhất cho tội này là 10 năm tù, thấp nhất là phạt roi và tiền.

Dù vậy, tin từ Kuala Lumpur nói cô Hương rất có nhiều hy vọng được trả tự do vào ngày 1/5/2019 tới đây vì sẽ được ân xá giảm 1/3 bản án (theo luật pháp Mã Lai).

Luật sư người Mã Lai biện hộ cho cô Hương nói rằng “bản án là kết quả nỗ lực vận động của nhiều chính phủ, nhiều tổ chức tôn giáo và tổ chức phi chính phủ.”

Luật sư cũng nói thêm “lý do Đoàn Thị Hương sẽ được trả tự do vào tháng Năm có lẽ vì áp lực của dư luận”, kể cả tại Mã Lai, sau khi chính phủ Mã quyết định miễn tố và trả tự do cho người bị cáo buộc đồng phạm với Hương là phụ nữ người Indonesia, Siti Aisyah mà không thả Đoàn Thị Hương.

*

Xin nhắc lại, Đoàn Thị Hương, 30 tuổi, công dân Việt Nam, bị cáo buộc cùng với 1 phụ nữ mang quốc tịch Indonesia tên Siti Aisyah đã bôi chất độc làm tê liệt thần kinh VX lên mặt Kim Jong-nam, anh em cùng cha khác mẹ của lãnh tụ CS Bắc Hàn Kim Jong-un, tại phi trường Kuala Lumpur năm 2017.

Video của hệ thống camera an ninh (CCTV) cho thấy ngày 13/2/2017, khi Kim Jong-nam ở trong khu vực chờ làm thủ tục lên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Macau thì có 2 phụ nữ đến gần ông ta. Một trong 2 người đưa tay quệt lên mặt ông ta rồi cả 2 vội vã ra khỏi khu này. Kim Jong-nam lảo đảo, té xỉu và sau đó đã chết trên đường đến bệnh viện. Kết quả khám nghiệm xác nhận ông ta tử thương vì tiếp xúc với chất độc gây tê liệt thần kinh VX, một trong những chất độc nhất trong mọi loại tác nhân hóa học được biết.

Kim Jong-nam là anh trai cùng cha khác mẹ của nhà độc tài Kim Jong-un. Trước kia, nhiều nhà quan sát tin rằng Jong-nam đã được chọn để nối ngôi cha là Kim Jong-il nhưng sau đó đã bị thất sủng vì dính líu vào một số vụ tai tiếng, kể cả chuyện từng bị khám phá dùng thông hành giả vào Nhật.

Từ đó, Kim Jong-nam phần lớn sống ở ngoại quốc – cụ thể là tại Macau, Hoa Lục và Singapore. Điều đáng chú ý là Jong-nam từng có lần lên tiếng chỉ trích đường lối cai trị của nhà nước CS Bắc Hàn và từng được trích dẫn trong 1 quyền sách xuất bản năm 2012 phê bình Kim Jong-un, người em cùng cha khác mẹ của mình là “thiếu phẩm chất lãnh đạo”.

Trong cuộc điều tra của Cảnh sát Mã Lai, cả 2 phụ nữ đều khai họ là nạn nhân vô tội. Cả hai khai rằng, trước khi xảy ra sự vụ, họ được thuê để tham dự một trò chơi bôi một loại chất lỏng vào khách tại phi trường, khách sạn và trung tâm buôn bán. Vì thế họ đều nghĩ chuyện ở phi trường Kuala Lumpur cũng chỉ là một trò đùa mà thôi.

Hội năm ngoái 2018, một thẩm phán Mã Lai tuyên bố rằng chính quyền Mã đã thu thập được đầy đủ bằng chứng cho thấy Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah cùng 4 người đàn ông Bắc Hàn đã cùng tham gia vào một âm mưu được lập kế hoạch kỹ lưỡng để giết người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un.

Khi lý lịch của nạn nhân được tiết lộ, nhà cầm quyền CS Bắc Hàn luôn phủ nhận có liên can đến vụ giết người, nhưng 4 người đàn ông -xác nhận là công dân Bắc Hàn- đã trốn khỏi Malaysia ngay trong ngày 13/2/2017. Cho tới nay cả 4 người vẫn không bị bắt -dù đã có lệnh “truy nã” của Interpol.

Sau khi Hương bị bắt, gia đình không có khả năng đi Mã Lai để gặp Hương mà chỉ có thể vài lần tìm đến Tòa Đại sứ Malaysia tại Việt Nam để xin giúp đỡ. Đồng thời từ khi cô Hương bị bắt giam tới khi ra Tòa, ngay cả nhà cầm quyền CSVN cũng chẳng có ai đến gặp gia đình về chuyện giúp đỡ bào chữa.

Thế nhưng hoàn cảnh của 2 đồng bị cáo đã kết thúc tại Tòa hoàn toàn trái ngược.

*

Trong phiên Tòa hôm 11/3/2019 vừa rồi, Tòa án Mã Lai quyết định miễn tố và phóng thích người phụ nữ Indonesia nhưng tiếp tục truy tố Đoàn Thị Hương về tội danh sát nhân.

Theo báo chí Mã Lai và ngoại quốc theo dõi vụ án này thì đã có nhiều dấu hiệu bất thường vào phiên toà hôm thứ Hai, 11/3, ngày bị cáo Indonesia bất ngờ được thả.

Theo tin tức, dù phiên toà dự trù diễn ra lúc 9 giờ sáng, nhưng hai bị cáo, vốn luôn phải có mặt ở toà ít nhất một tiếng trước khi phiên xử bắt đầu, chỉ được đưa đến toà lúc 9 giờ 30.

Đến 10 g thì phiên toà bắt đầu nhưng kết thúc gần như ngay lập tức sau lời tuyên bố của Công tố viên “không tiếp tục truy tố Siti Aisyah” khiến Đoàn Thị Hương sững sờ đến mức suy sụp tinh thần nên Luật sư bào chữa phải yêu cầu Tòa cho ngưng vì Hương không thể tiếp tục phần khai trước toà.

Vẫn theo báo chí thì đó không phải là một quyết định bất ngờ của các Công tố viên vì họ đến toà mà không mang theo bất kỳ một hồ sơ nào, chứng tỏ việc trả tự do Siti Aisyah đã được thu xếp từ trước.

Tiếp theo đó, các phóng viên dự cuộc họp báo tại Tòa Đại sứ quán Indonesia hôm 11/3 tường thuật rằng “gần như tất cả mọi việc đều đã được chuẩn bị sẵn sàng với bàn ghế sắp xếp sẵn và nhân viên Tòa Đại sứ lập tức phân phát các bản thông cáo đầy đủ, hoàn toàn không một sự vội vã, không một chút bất ngờ”.

Theo tin của báo The Guadian thì hồi tháng Bảy năm ngoái 2018 Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đã gặp Thủ tướng Mã Lai Mahathir Bin Mohamad để vận động giải quyết trường hợp cô Siti Aisyah và sau đó có gặp thêm một lần nữa với Thủ tướng Mahathir, Bộ trưởng Tư pháp Mã Lai Tommy Thomas và Tư lệnh Cảnh sát Mã.

Bộ trưởng Tư pháp Indonesia Yasonna H. Laoly, cũng xác nhận việc Siti Aisyah được thả chính là kết quả của chính sách ngoại giao cao cấp giữa 2 chính phủ, kể cả nỗ lực liên tục vận động hành lang ở các cấp cao nhất. Bộ trưởng Yasonna H Laoly nói ông đã đích thân gửi thư tới Bộ trưởng Tư pháp Mã Lai bênh vực công dân của mình rằng “Siti Aisyah đã bị lừa gạt, không biết gì về việc cô ta đã bị lợi dụng như một công cụ tình báo của chế độ CS Bắc Hàn”. Cũng cần biết, chỉ 2 ngày sau khi xảy ra vụ 2 phụ nữ bị bắt và bị cáo buộc tội giết người, ngày 15/2/2017, Tổng thống Indonesia ông Joko Widodo đã ra lệnh chính phủ phải hết sức cố gắng vận động cho công dân mình.

Rõ ràng nhờ vậy mà tuy cùng bị bắt giữ và cùng bị truy tố vì cáo buộc sát nhân nhưng cô Siti Aisyah người Indonesia đã được tự do.

Chưa hết, trong khi Mã Lai phủ nhận phán quyết Tòa có chịu ảnh hưởng tác động của Indonesia thì chính phủ của Tổng thống Widodo lại chẳng những không hề ngần ngại, mà thậm chí còn tự hào tuyên bố về những nỗ lực việc ‘giải cứu’ công dân mình!

Giới quan sát cho rằng lý do chính phủ ông Widodo quyết tâm như vậy vì việc giải cứu Siti Aisyah sẽ đem lại lợi thế chính trị cho đương kim Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng Tư này.

Sau khi rời nhà tù Mã Lai, Siti Aisyah đã được đón chào như một nữ anh hùng, được cả những viên chức cao cấp nhất đến bắt tay chúc mừng. Cô Siti còn được mời đến phủ Tổng thống, để bắt tay và cám ơn Tổng thống Widodo – và hình ảnh đó chắc chắc sẽ xuất hiện trong các tấm bích chương vận động bỏ phiếu cho ông vào tháng Tư này!

Dù việc vận động hành lang diễn ra một cách khá kín đáo, việc Tòa án Mã Lai đột ngột trả tự do cho bị cáo người Indonesia đã dẫn đến một số chỉ trích của công luận Mã cho rằng chính quyền của Thủ tướng Mahathir đã để cho ngoại bang can thiệp vào nội bộ, nhất là hệ thống pháp luật của mình.

Công luận đã không ngạc nhiên khi Thủ tướng Mã Mohamad Mahathir khăng khăng “Đây là quyết định của tòa án. Đó là quá trình tuân thủ pháp luật” dù chính ông Mahathir trước đó đã hai lần gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo bàn về trường hợp của Siti Aisyah.

*

Thế còn nhà nước CS Việt Nam đã làm gì để hỗ trợ cho cô Đoàn Thị Hương, công dân của họ?

Tờ báo Người Lao động của nhà nước CSVN nói hồi đầu tháng Ba Hà Nội đang xem xét việc “triển khai công tác bào chữa cho bị cáo Đoàn Thị Hương đang bị xét xử về tội gết người tại Malaysia”.

Thế nhưng tổ chức gọi là Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì nói với báo NLĐ rằng việc đó “cần được thực hiện qua con đường ngoại giao”. CSVN bào chữa rằng “trở ngại khiến luật sư Việt Nam không được đưa sang biện hộ cho Hương vì vấn đề chủ quyền tư pháp. CSVN và Mã Lai không có hiệp ước gì về tư pháp trong khi luật sư Indonesia được tham gia vào vụ án vì 2 nước có hiệp định trao đổi và tương trợ tư pháp vơi nhau”.

Và chỉ sau khi Tòa Mã Lai quyết định trả tự do cho công dân Indonesia hôm 12/3/2019 thì theo báo chí trong nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN mới điện thoại cho Ngoại trưởng Malaysia, để “đề nghị Mã Lai cũng trả tự do cho Đoàn Thị Hương” giống như bịcan người Indonesia.

Báo NLĐ loan tin “Ngoại trường CSVN Phạm Bình Minh đã nói với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah rằng giới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm đến vụ này”. (!)

Đây có lẽ nỗ lực giờ chót của nhà cầm quyền CSVN trước kết quả phiên Tòa hôm 11/3.

Thế nhưng Công tố viện Mã Lai không chấp nhận yêu cầu này, hoặc nói cho chính xác, Bộ trưởng Tư pháp Mã Lai Tommy Thomas không chấp thuận những gì phía CSVN đề nghị.

Việc Ngoại trưởng CSVN điện đàm kêu gọi Mã Lai trả tự do cho Đoàn Thị Hương chỉ là chuyện tìm cách xoa dịu công luận Việt Nam, chứ chẳng có ảnh hưởng gì với phía Mã Lai.

Số phận của Đoàn Thị Hương chẳng khác gì một con vật tế thần, nạn nhân của chế độ CSVN!

Như chẳng có tin tức gì cho thấy nhà cầm quyền CSVN tích cực vận động hành lang để tìm tự do cho công dân nước mình.

Thực tế, theo sự quan sát của truyền thông quốc tế thì nhà cầm quyền CSVN trong hai năm qua, có vẻ phó mặc cho toà án Malaysia xét xử. Ngoài ra, ngay báo chí VN cũng loan tin kèm ý kiến dư luận ngay tại Việt Nam cũng chỉ trích Hương, cho rằng dù bị lợi dụng, thì cô vẫn cần phải chịu trách nhiệm thích đáng vì hậu quả hành động dại dột của mình.

Ngược lại, dư luận Indonesia coi Siti Aisyah như một nạn nhân, như trong lá thư của Bộ trưởng Tư pháp Indonesia gửi Bộ trưởng Tư pháp Malaysia nói thẳng: “Aisyah bị lừa và không biết gì về việc bị sử dụng như một công cụ tình báo của CS Bắc Hàn”.

Rõ ràng nhà cầm quyền CSVN trước đó chịu ít áp lực công luận trong nước hơn phía Indonesia trong việc ‘giải cứu’ công dân của mình. Điều này giải thích tại sao Nội không thực sự chủ động, và không cố tâm vận động giúp Đoàn Thị Hương.

Ngay từ ngày đầu, Indonesia đã cử một phái đoàn chuyên viên sang trợ giúp cho công dân họ về các thủ tục pháp lý và ngày ra Tòa đã cử 4 luật sư để bào chữa cho Siti Aisyah.

Còn Đoàn Thị Hương thì sao? Báo chí nhà nước ém nhẹm mọi việc và chỉ khi chuyện nổ bùng trên mạng xã hội thì bấy giờ báo mới đăng tin. Ngày ra Tòa, Hương chỉ có duy nhất 1 luật sư bào chữa và lại do chính phủ… Malaysia chỉ định!

*

Như nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Hà Nội, Đức Cha Ngô Quang Kiệt đã từng phát biểu về cảm tưởng chua chat và tủi nhục của công dân khi cầm sổ thông hành do nhà nước CSVN cấp phát ra ngoại quốc -và bị CSVN bẻ quẹo sự thật để kích động dư luận phản ứng chỉ trích-, số phận những công dân mang trên mình quyền sổ thông hành của “nước CHXHCN Việt Nam” thật bất hạnh!

Họ bị bỏ rơi bởi ngay chính cái hệ thống cầm quyền, những kẻ đáng ra cần quan tâm nhất.

Họ mang quôc tịch VN nhưng chưa bao giờ có quyền được làm một con người đúng nghĩa.

Thân phận người dân VN quả thật quá cay đắng xót xa, nhất là khi gặp chuyện bất trắc nơi đất khách quê người!

Đoàn Thị Hương không những không trông mong gì được vào đám viên chức ngoại giao CSVN này mà còn là nạn nhân bị “kẹt” trong mối quan hệ rất tồi tệ giữa Mã Lai và CSVN về một vụ án mới xẩy ra năm ngoái.

Đó là vụ “Trong một phán quyết được đưa ra hôm 30/5/2018, Tòa án CS tại thành Hồ đã bác bỏ kháng cáo đòi ngân hàng Vietinbank hoàn trả số tiền lên tới gần 5 tỷ đồng VN (tương đương 215 triệu Mỹ kim) mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như 1 viên chức của ngân hàng đã chiếm dụng mà buộc rằng thủ phạm chính Huyền Như mới có trách nhiệm phải bồi thường số tiền đã lừa đảo nnày! Theo phán quyết đó thì Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) – một chi nhánh của Tập đoàn Berjaya của Malaysia, Bhd hầu như sẽ không có hy vọng lấy lại được 10 triệu Mỹ kim bị mất (tương đương 70% số vốn điều lệ của công ty này) và có thể khiến cho doanh nghiệp này phá sản”.

Rõ ràng nhà cầm quyền CSVN coi mạng sống con dân Việt như cỏ rác, sẵn sàng phó mặc công dân mình làm vật tế thần mà không chút đắn đo hay xót xa.

Đoàn Thị Hương là hình ảnh tiêu biểu, bằng chứng không thể chối cãi của thân phận bất hạnh của người dân Việt Nam hôm nay!

Phạm Thạch Hồng

Related posts