Hậu duệ của cố nghệ sĩ Minh Tơ – Bầu Thắng dạy các bạn trẻ Pháp hát Bội!

Tôi đọc facebook của Lưu B Nguyen tin: Thanh Sơn là người con trai út trong gia đình Bầu Thắng – Minh Tơ vừa làm được một kỳ tích là vào nhà hát truyền thống Le Mandapa ở Paris, để giới thiệu về bộ môn Nghệ Thuật Tuồng Cổ Việt Nam.
Nghệ sĩ Thanh Sơn có được dịp may này nhờ bà Giám Đốc Trung Tâm Le Mandapa – Paris có xem một video clip phóng sự về nghệ sĩ Thanh Sơn với nghệ thuật tuồng cổ cha truyền con nối, nên mời Thanh Sơn qua Pháp biểu diễn và giới thiệu nghệ thuật tuồng cổ cho khán giả Pháp và Kiều bào Việt Nam.

Xin được nhắc lại gia phả của nghệ sĩ Thanh Sơn, tính từ đời ông bà Cố nội là Bầu Hát Bội Vĩnh xuân đến thế hệ Thanh Tòng, Thanh Sơn thì gia tộc này đã có 5 đời theo nghề hát, trong đó hai thế hệ đầu theo nghề Hát Bội: Kép Vĩnh và vợ là đào Xuân nổi danh trong Ban Hát Bội Phước Thắng của bà Bầu Hộ diễn thường xuyên ở tỉnh Bà Rịa.. Con trai lớn của kép Vĩnh và đào Xuân là kép Hai Thắng, kép chánh của Ban Hát Bội Phước Xương của bà Ba Ngoạn (1914) hát tại đình Cầu Muối. Vợ của kép Hai Thắng là cô Hai Ngọc (được gọi là bà Bầu Thắng) bỏ tiền ra lập gánh hát lấy tên Vĩnh Xuân Ban – Bầu Thắng, đóng đô tại đình Thái Hưng quận nhứt Saigon. Đình Thái Hưng còn được biết với tên Đình Cầu Quan (sau đổi tên bảng hiệu là Ban Hát Bội Vĩnh Xuân – Khánh Hồng).

Ông bà Bầu Thắng có 7 người con, 2 con trai lớn là Thành Chí và Minh Quang chết trong Chiến Tranh Việt Pháp tại Saigon, còn lại 5 người con đều là nghệ sĩ tài danh: Minh Tơ (vợ là nữ nghệ sĩ Bảy Sự, em của nữ nghệ sĩ tài danh Năm Đồ), Khánh Hồng, Huỳnh Mai (vợ của kép Thành Tôn), Bạch Cúc (vợ của kép Hoàng Nuôi), và Đức Phú.

Ông bà bầu Minh Tơ & Bảy Sự sanh các con:
1- Nữ nghệ sĩ Xuân Yến, chồng là nghệ sĩ Hữu Cảnh có 3 con: nữ nghệ sĩ Trinh Trinh (1977), Bảo Trân, Bảo Châu. Trinh Trinh nhận được huy chương vàng Giải Trần Hữu Trang năm 1995 – 1996.
2-Nghệ sĩ Thanh Tòng, vợ là Ngọc Nhung, sanh các con: Nhật Tân (1976) tốt nghiệp Đại Học Quản Trị Kinh Doanh, và nữ nghệ sĩ Quế Trân (1981), huy chương vàng giải Trần Hữu Trang (1998 – 1999).
3- Nghệ sĩ Thanh Loan – chồng là Nghệ sĩ Trường Sơn: các con Tú Sương (1977) Huy chương vàng THT 1995-1996, Ngọc Trinh (1979), Thanh Thảo (1981).
4- Nghệ sĩ Công Minh, diễn viên sân khấu tuồng cổ.
5- Nhạc sĩ tân và cổ nhạc Minh Tâm, chuyên viên thiết kế chương trình nhạc nền cho các tuồng biểu diễn trên sân khấu và thu vidéo.
6-Nghệ sĩ Thanh Sơn, vai diễn đầu tiên là vai Tào Tháo trong tuồng Huê Dung Đạo hát tại rạp Đại Đồng quận 3 năm 1976, được anh là Thanh Tòng dạy nghề hát căn bản, trở thành giảng viên vũ đạo tuồng cổ Khoa Kịch hát dân tộc Trường Sân Khấu Điện Ảnh TPHCM trong 13 năm liên tục, hiện mở lớp riêng dạy vũ đạo sân khấu cho các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật tuồng cổ.
7-Nữ nghệ sĩ Xuân Thu là chuyên viên thực hiệc phục trang và đạo cụ cho sân khấu Hát Bội và Hồ Quảng.
Để thực hiện hợp đồng với bà Giám Đốc Nhà Hát Le Mandapa – Paris, về chương trình trình diễn trích đoạn tuồng cổ và hướng dẫn học viên trẻ người Pháp học về hóa trang diễn viên tuồng cổ, vũ đạo, cách nói lối, ca hát, nghệ sĩ Thanh Sơn liên lạc được với nghệ sĩ Thanh Bạch và vợ là nghệ sĩ Bạch Lê hỗ trợ, khi anh thuyết trình về nghệ thuật tuồng cổ và cùng hát với anh hai trích đoạn tuồng cổ Bức Ngôn Đồ Đại Việt, San Hậu….

Nghệ sĩ Thanh Bạch và nữ nghệ sĩ Bạch Lê là hai nghệ sĩ tài năng nổi danh đồng thời với nghệ sĩ Thanh Tòng, Xuân Yến, Thanh Loan, Trường Sơn, Thanh Thế, Bửu Truyện. Hai vợ chồng Thanh Bạch và Bạch Lê sang Pháp hơn hai chục năm qua, thông thạo Pháp ngữ. Con gái của nữ nghệ sĩ Bạch Lê tên Sophie vừa tốt nghiệp Đại Học Âm Nhạc Pháp, cả ba người Thanh Bạch, Bạch Lê, Sophie sẽ giúp rất nhiều cho Thanh Sơn khi Thanh Sơn giảng giải cho các học viên người Pháp đến học về hóa trang, diễn xuất, điệu bộ, những nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật tuồng cổ… trong 6 trích đọan tuồng: Trần Bình Trọng, Lý Thường Kiệt, Câu Thơ Yên Ngựa, Ngô Tôn Quyền, Bao Công Tra Án Quách Què, Tống Nhơn Tôn. Nghệ sĩ Thanh Sơn với hai nghệ sĩ Thanh Bạch, Bạch Lê biểu diễn hai trích đọan tuồng San Hậu và Bức Ngôn Đồ Đại Việt…thể hiện qua âm nhạc, phục trang, cách vẽ mặt, hóa trang, vũ đạo, cách nói lối, cách ca, diễn của nghệ sĩ hát tuồng cổ.

Theo dõi chương trình làm việc của nghệ sĩ Thanh Sơn tại Trung Tâm Le Mandapa – Paris qua các clip vidéo, tôi thấy nghệ sĩ Thanh Sơn và Thanh Bạch dạy cho các em người Pháp, Ý… cách vẽ mặt các vai tuồng cổ, động tác vuốt râu, cách cầm quạt, múa gậy, thực hiện những động tác tỏ tình cảm vui, buồn, ghét, giận theo phong cách hát tuồng cổ. Lớp hướng dẫn động tác vũ đạo sân khấu thực hiện trong những ngày 25 đến 29 tháng 3 / 2019.

Sau khi xem cách dạy vũ đạo, hóa trang và diễn hai trích đoạn tuồng cô, các nhà nghiên cứu Pháp về nghệ thuật tuồng cổ VN nhiệt liệt khen ngợi ba nghệ sĩ lão thành Thanh Sơn, Thanh Bạch, Bạch Lê và chụp hình lưu niệm ngay trên sân khấu Nhà Hát Le Mandapa. Báo chí văn học nghệ thuật Pháp viết nhiều bài giới thiệu nghệ thuật tuồng cổ VN và ngợi khen nghệ sĩ Thanh Sơn.
Nhân dịp theo dõi hoạt động của nghệ sĩ Thanh Sơn tại Pháp, tôi liên tưởng đến nghệ sĩ và khán giả tại miền Nam dưới chế độ toàn trị của Cộng Sản. Cộng Sản VN xóa đi dấu vết và những điều hay của nghệ thuật sân khấu của cha ông để lại, khuyến khích những lối diễu hề dung tục, để làm cho dân trí thấp xuống, khiến cho dân chúng chỉ biết ăn chơi, sa đọa và quên đi đất nước đang bị giặc Trung Quốc xâm chiếm lần hồi. Và tôi lại nhớ lời nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”. Cộng Sản VN bán nước cho giặc Trung Quốc (Thà mất nước hơn mất đảng) lời tuyên bố của TBT đảng CS Nguyễn Văn Linh).

Xem video clip thâu hình trích đoạn tuồng Bức Ngôn Đồ Đại Việt diễn tại nhà hát Le Mandapa, tôi mến phục tài năng diễn xuất của nghệ sĩ Thanh Bạch và Thanh Sơn. Thương tài nữ nghệ sĩ Bạch Lê, vẫn múa kiếm đẹp như thuở xuân thời.
Xin được chia sẻ niềm vui và mừng sự thành công của ba cháu.

Nguyễn Phương 97 tuổi vẫn mê hát hò!
Tháng 4 /2019

Related posts