Luận về vài cái Địa Danh!

Anh bạn văn của tui đùa cợt, định nghĩa ‘địa danh’ là tên đất do ông Địa đặt ra. Cũng không sai mấy. Vì Địa là ông Địa; danh là tên.

Dĩ nhiên tên đất là do con người cố cựu của vùng đất đó đặt trước tiên, mà đã là người cố cựu ắt biết rành rẽ mọi ngóc ngách của đất quê mình, kể cả cái ‘Hóc Bà Tó’, nhà nào có đàn bà ‘giá’ (góa) thì thằng chả cũng quen thuộc đường đi lối về, phong ‘thổ địa’ là phải quá rồi!

Chính vì rành sáu câu vọng cổ tên đất quê mình, nên đứa nào lỡ ngu dốt nói trật, viết trật là bà con giận lắm. Tới nhà chơi, một giọt nước mưa trong lu ngoài hàng hiên cũng hổng cho chú mầy uống; nói chi đến mơ tưởng khách đến nhà hổng gà thời vịt đâu nhe!

Chính vì thế, một thổ địa của Hóc Môn,  18 thôn vườn trầu, nổi quạu viết lên cật vấn mấy nhà báo hai nút, từ ngoài Bắc vào là: Sau năm 1975, huyện Hóc Môn viết chữ “Hóc” tới năm 1992. Đến năm 1997, lại viết thành “Hốc Môn’. Rồi từ năm 1998 đến nay lại viết “Hóc Môn’.

Viết loạn xị lên, hồi O hồi Ô; có lẽ vì ông nhà báo thấy Trời mưa thì cho chữ O đội mũ che mưa thành Ô; Trời nắng khỏi cần đội mũ cho chữ O thì để nó đi đầu trần hả?

Bị xỏ ngọt, bị chê ấm đầu, viết lách lung tung tùy theo trời mưa hay nắng; nên ông nhà báo chuyên sống bằng chữ nghĩa, chạy quắn ‘đít’ lên, chạy sút đầu tóc mượn, xẹt vô thư viện, bò lên trên net, lui cui soi kính lúp trong tự điển thì thấy vầy nè: “Thưa độc giả có gởi bìa tờ báo Xuân Nhâm Thân năm 1992 viết tên ‘Hốc Môn’. Bổn báo xin kính cẩn nghiêng mình trước hương linh của tòa soạn mà kính báo rằng: “Thằng cha ký giả nầy ngoài Bắc chân ướt chân ráo mới vô, sở học chưa bằng cái lá mít, nên viết bố láo bố lếu.

Phải viết là ‘Hóc Môn’ mới đúng y bong vì năm 1956, khi thành lập “quận Hóc Môn”, chính quyền VNCH cũng viết Hóc (chữ O)!

Rồi ‘Tự vị tiếng nói miền Nam’, học giả Vương Hồng Sển: “Hóc Môn: tên xứ, trước thuộc huyện Bình Long, nay thuộc tỉnh Gia Định”.

Và ‘Từ điển địa danh hành chính Nam bộ’ bây giờ: “Hóc Môn là quận thuộc tỉnh Gia Định từ 1-1-1918, quận lỵ tại chợ Hóc Môn”.

Tại sao vậy? Vì ‘Hóc’ có nghĩa là “dòng nước nhỏ”. “Môn” là cây môn nước. Như vậy Hóc Môn chỉ vùng đất xa xôi, vắng vẻ, nơi mọc nhiều cây môn nước.

Như Thủ Đức có Rạch Môn. Rạch Bàu Môn và xứ Củ Chi có xóm ‘Bưng Môn’ đó!”

***

À như vậy Hóc Bà Tó hay Hốc Bà Tó vậy ông? À viết đúng thì cũng như Hóc Môn vậy mà. Phải viết là Hóc Bà Tó vì theo nhà văn Sơn Nam, Hóc Bà Tó chỉ một vùng đất thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Hóc là một từ cổ chỉ dòng nước nhỏ, đồng nghĩa với xẻo. Hóc trong Hóc Môn, Hóc Hươu, Hóc Ớt (giữa Sài Gòn và Tây Ninh).

Ban đầu hóc Bà Tó chỉ dòng nước nhỏ mang tên Bà Tó. Còn Bà Tó là ai hổng ai biết vì bả chết mấy mươi đời vương rồi mà không có để lại chứng minh nhân dân để chánh quyền cách mạng ghi tên vào hộ khẩu. He he!

Cũng có ông cho rằng Bà Tó là hóc (rạch nhỏ) ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Bà Tó có lẽ là một người Khmer. Vì ngày xưa hóc ở giữa rừng hoang vắng, xa xôi nên từ ‘Hóc Bà Tó’ chỉ một nơi xa xôi, vắng vẻ.

***

Nhớ hồi năm 1979, tui đã từng từ Cần Thơ ngược Bắc về hướng Sài Gòn, chờ đêm vừa buông lưới, là trèo lên ‘taxi’ (ghe nhỏ) từ Chợ Bà ra sông lớn để lên cá lớn vọt nhưng hụt. Thất thểu bồng con, dắt vợ trở về căn nhà dột nát mà lòng đau như muối xát kim châm; như chuồn chuốn cắn rún!

Cái địa danh Chợ Bà, Bắc Cái Vồn, (sau nầy) mới gọi Bắc Bình Minh, cứ vấn vương trong đầu mà hổng biết cái nghĩa thâm sâu của nó.

Tên gọi Cái Vồn có nghĩa gì? Lục trên web thì có một tác giả viết lăng quằn lít quỵt, cuối cùng cũng hổng biết luôn. He he!

Ổng cho rằng: “Địa danh ‘Cái’ miền Lục tỉnh Nam Kỳ, như: ‘Cái Bè, Cái Cá, Cái Cam, Cái Cui, Cái Da, Cái Dầu, Cái Hóp, Cái Khế, Cái Mơn, Cái Nhum, Cái Nước, Cái Quao, Cái Quýt, Cái Răng, Cái Sao, Cái Sắn, Cái Sâu, Cái Sơn, Cái Tàu, Cái Vồn, Cái Vừng…’ có đến khoảng 200 địa danh, không thể nêu hết.

Ngay cả Trịnh Hoài Đức, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của cũng đều bất lực khi giải thích cái địa danh nầy.

Cũng xin lưu ý, khi con người gọi tên, định danh sự vật, thì chắc phải có lý do; mà lý do của người xưa, người nay không thể giải thích được.

Cấu trúc địa danh ‘Cái…’ là một địa danh thuần Việt, mặc dù trước đây nơi này đã có người Khmer đến định cư sớm; nhưng vai trò của người Việt đến định cư khai phá như một chủ thể đã trên 200 năm. Và nơi này, đã có một cái tên do chính những bậc tiền hiền người Việt đặt ra”.

***

Ông tác giả nầy cho rằng chữ ‘Cái’ là thuần Việt, tui xin không đồng ý. Nếu vậy tại sao ‘Cái Răng’ là cái ‘cà ràng’ từ tiếng Khmer?

“Chợ Cái Răng xứ hào hoa. Phố lầu hai dãy xinh đà quá xinh. Có trường hát cất rộng thinh. Để khi hứng cảnh thích tình xướng ca”.

Thời khẩn hoang miền Nam, “ông Táo” chỉ là 3 cục đất, hoặc đá kê chụm lại, bắc nồi, trách lên, nấu bằng củi đòn, củi chẻ.

Phải cả trăm năm sau, chiếc cà ràng mới xuất hiện, thay thế cho ông Táo thô sơ trước đó.

Cà ràng làm bằng loại đất đặc biệt ở miền núi, tốt nhất là đất miệt Xà Tón (Tri Tôn, An Giang), xài bền, có khi vài năm cũng chưa bể.

Từ Xà Tón, ghe thương hồ chở cà ràng về các đại lý ở chợ Cái Răng. Rồi từ Cái Răng, bạn hàng mới bổ về bán tại các chợ lớn, chợ nhỏ, hoặc bán lẻ tận những vùng sâu, vùng xa khắp Đồng bằng sông Cửu Long.

Cuốn “Tự vị tiếng Việt miền Nam”, ông Vương Hồng Sển có ghi: “Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi, ơ, siêu, trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín, mau sôi”.

***

Theo thiển ý của tui, muốn biết ‘Cái Vồn’ nghĩa là gì phải đi hỏi mấy ông bô lão ‘Khmer Krom’ mới được.

Ý tui là vùng đất Thủy Chân Lạp ngày xưa, đa phần địa danh là của người cố cựu, người Khmer đặt đấy thôi! Từ địa danh Sài Gòn (Rừng Gòn), Mỹ Tho (Con gái đẹp), Sóc Trăng (Hầm bạc), Bạc Liêu (Cây Da lớn) rồi Cà Mau (Vùng nước đen)… vv…

Đây là cái kim chỉ nam để mình đi tìm ý nghĩa của địa danh miền Lục tỉnh Nam Kỳ.

Nhà biên khảo Sơn Nam đi theo cái hướng nầy; nên không bị lạc như các ông Trịnh Hoài Đức, Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh Của.

***

Bên Úc nầy, địa danh do thổ dân (có mặt ở đây cả trăm ngàn năm trước) đặt thì Úc, nó cũng còn xài.

Chỉ trừ mấy thành phố tân lập khi dân Anh, Irish bị đi đày qua thì mới có tên do họ đặt như Melbourne, Sydney, Adelaide, Perth hoặc Darwin chẳng hạn.

Ngay cả vùng quê, sông ngòi, núi non hay biển đảo chưa có tên, là Úc mới tới giành đặt (rất bị ám ảnh về dục tính). Chẳng hạn như ‘Mount Breast’ (Nhủ hoa Sơn) tiểu bang Queensland; chắc na ná ‘Núi Đôi’ của miền Bắc Việt Nam.

So với Úc thì đầu óc tiếu lâm của dân ‘Mít’ mình cũng không có kém cạnh gì.  Bà con mình có ‘Cầu Cu’ trên quốc lộ 32A đi qua 4 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu.

Rồi ‘Cầu Xẻo Bướm’, xã Đông Thái, tỉnh Kiên Giang, đường đi Cà Mau.

Úc có vùng đất tên ‘Lovely Bottom’ (Mông đáng yêu) của tiểu bang Tasmania. Nhưng tui thích nhứt cái tên ‘Đèo Cù Mông’, ranh giới của 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên của miền Trung, xứ Nẩu quê mình!

Chu cha ‘Cù Mông’, cái mông bị cù, cái mông bị chọt léc, làm em yêu cười hăng hắc cho đến tết ‘I Rắc’! Cửa nhà đôi ta chắc êm ấm lắm đó đa!

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts