Người Việt hôm nay có yêu nước không?

Tình trạng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Cộng trên biển Đông, tại khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng lãnh hải kinh tế thuộc chủ quyền Việt Nam, tới nay

vẫn tiếp tục sau nhiều tuần báo chí trong nước và quốc tế tường thuật, phân tích về tranh chấp đã và đang diễn ra, từ việc các tàu Hải cảnh của CVN đối đầu với đoàn tàu hộ tống chiếc tàu thăm dò Hải Dương 8 ngay trên bãi Tư Chính, nơi đang có dàn khoan của VN hoạt động.

Tình hình có vẻ càng lúc càng trở nên gay cấn trong những ngày gần đây, khi nhà cầm quyền CSVN và Trung Cộng liên tiếp tung ra những lời chỉ trích và cáo buộc lẫn nhau.

Tuy nhiên, trái với năm 2014 khi nổ ra vụ tàu thăm dò Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam khiến bùng nổ những cuộc tuần hành, biểu tình rầm rộ, lần này cho đến nay, chưa có một cuộc biểu tình nào của người dân ở bất cứ nơi nào trên toàn đất nước Việt Nam (mặc dù trên các phương tiện truyền thông xã hội có rất nhiều người đã lên tiếng hết sức mạnh mẽ). Trước thực tế đó, nhiều người đã nêu câu hỏi “Tại sao? Phải chăng người Việt-trong nước- nói chung đã quá chán ngán, mỏi mệt hay nhuệ khí bày tỏ lòng yêu nước nay đã hoàn toàn thui chột?”

Trên các trang mạng và phương tiện truyền thông xã hội rất đông cá nhân và tổ chức thuộc giới cổ súy và tranh đấu cho dân chủ hầu như có cùng quan điểm để giải thích về tình trạng này. Đó là quan điểm cho rằng trong quá khứ, trước nguy cơ chủ quyền đất nước bị Trung Cộng xâm phạm thì người dân Việt trong nước đã từng nhiệt tình bày tỏ lòng yêu nước, phản đối nhưng đã bị nhà cầm quyền CSVN tìm đủ mọi cách đàn áp hết sức dã man và vì thế, giờ đây người dân trong nước đã chọn thái độ “thờ ơ”.

Điểm qua một số những bài viết/phát biểu trên các trang mạng ‘độc lập’ hay/và các tài khoản cá nhân trên mạng facebook, twitter chúng ta thấy được lý do tại sao.

*

Trước hết, tóm tắt lại diễn biến đối dầu tại bãi Tư Chính trên biển Đông thì từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay, Trung Cộng đã đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 cùng các tàu Hải cảnh vào khu vực bắc Bãi Tư Chính và trong Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Trong khi tin này được nhiều cơ quan truyền thông và tổ chức quốc tế loan tải rộng rãi thì tuyệt nhiên toàn bộ hệ thống thông tin của nhà nước- với hơn 800 tờ báo cộng thêm mạng lưới truyền thanh, truyền hình lại im như thóc, hoàn toàn im lặng một cách khó hiểu! Mãi đến sau khi nhà nước CSVN- qua miệng của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao- ngày 19/7 đưa ra lời tuyên bố đại khái rằng chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính là tuyệt đối và nước ngoài không được xâm phạm (chưa dám gọi đích danh Trung Cộng) thì bắt đầu các báo chí nhà nước mới bắt đầu phụ họa!

Và kể từ đó thì nhịp độ -và cường độ- mới tăng dần mỗi ngày chỉ trích hành động gây hấn của Trung Cộng ở Biển Đông.

Trang báo mạnh VTC ra vẻ có lời lẽ mạnh nhất với bài “45 năm Trung Quốc leo thang với dã tâm chiếm trọn Biển Đông” điểm lại toàn bộ những vụ Trung Cộng đã tấn công, xâm chiếm đảo và xâm lấn vùng biển Việt Nam từ năm 1974 đến nay. Tờ Thanh Niên hôm 22/7 có bài “Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo”, tờ Tuổi Trẻ cùng ngày trích dẫn lời một giáo sư Đại học Hoa Kỳ “Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centimet chủ quyền”. Trong khi đó, trang báo mạng Zing thì có bài “Đây là mức độ gây hấn mới của Trung Quốc trên Biển Đông”. Và tới ngày 25/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN Lê Thu Hằng đã được phép nêu đích danh Trung Cộng rằng “Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Ngay cả sau khi có nhiều bài viết trên các cơ quan truyền thông quốc doanh-thí dụ như bài với tựa đề có tính chất kêu gọi, thúc giục như “Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc” trên báo nhà nước như VietNam Net (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông của nhà nước) gọi đích danh “Trung Quốc” với đầy dẫy từ ngữ mạnh bạo như “dã tâm, xâm chiếm, tham vọng bành trướng…” nhằm khơi dậy tinh thần chống Trung Cộng của người dân Việt Nam thì vẫn không thấy có một cuộc biểu tình nào.

Điểm lại những cuộc biểu tình trong nước chống Trung Cộng thì thấy hầu như những cuộc biểu tình lớn tại Việt Nam trong những năm gần đây đều vì Trung Cộng.

Ngày 9/12/2007, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình chống Trung Cộng tại cả Hà Nội, Sài Gòn phản đối vụ Trung Cộng tuyên bố chính thức sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào đảo Hải Nam của Trung Cộng, lập nên Thành phố Tam Sa. Tại Sài Gòn, bản Tuyên cáo của người Việt Nam yêu nước thu được hơn 3-ngàn chữ ký, trong đó có một số văn nghệ sĩ.

Tháng 4 năm 2008 một cuộc biểu tình tại Hà Nội phản đối cuộc rước đuốc Thế vận Olympics Bắc Kinh đã bị dập tắt nhanh chóng.

Ngày 5/6/2011, biểu tình nổ ra ở cả Hà Nội và Sài Gòn, đoàn biểu tình tập hợp trước tòa đại sứ và tòa Lãnh sự Trung Cộng, đòi Bắc Kinh tránh xa các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền vì chuyện một tàu hải giám Trung Cộng cố ý cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam khi tàu này đang hoạt động khảo sát dầu khí ở Biển Ðông. Liên tiếp những ngày cuối tuần sau đó, người dân tại Hà Nội liên tục biểu tình phản đối Trung Cộng cho đến đầu tháng 8/2011 thì nhà cầm quyền CSVN thẳng tay đàn áp, bắt bớ người tham gia biểu tình.

Sang mùa hè năm 2012, hàng ngàn người đã xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Cộng mời thầu dầu khí trong vùng biển Việt Nam và quyết định để thành phố Tam Sa quản trị cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 5 năm 2014, các cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng đưa giàn khoan dầu khí HD-981 vào hải phận VN bùng nổ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước (Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hoá… ) Trong khi đa số những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa nhưng một số cuộc biểu tình tại Bình Dương và Hà Tĩnh đã biến thành bạo động nhắm vào các công ty bị coi là của người Hoa (gồm cả từ Trung Cộng lẫn Đài Loan, Singapore và ngay cả 1 công ty Đại Hàn cũng bị vạ lây).

Sau đợt biểu tình này, CSVN đã hung bạo đàn áp thẳng tay những người biểu tình, nhiều người bị đưa ra Tòa kết án tù-kể cả 3 nhà hoạt động thuộc Hội Anh em dân chủ chỉ quay phim, chụp ảnh đoàn biểu tình.

Một trong số những bài viết bày tỏ nhận định của cá nhân, nghệ sĩ kiêm đạo diễn trong nước, Nguyễn Công Vượng-tự Vượng Râu- cho rằng lý do khiến hôm nay người dân có vẻ “thờ ơ” chỉ vì lòng yêu nước của họ đã bị “tổn thương”.

Nhắc lại chuyện khi tàu thăm dò Trung Cộng vào sâu thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014, và các cuộc tưởng niệm những người lính Việt (cả Nam lẫn Bắc) đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và biên giới phía bắc, đều bị đàn áp “những người xuống đường đã bị chính quyền quy chụp phản động, bắt bớ, đánh đập”. Chưa hết, nhà nước CSVN còn sử dụng đám tay sai thường được gọi là dư luận viên “bêu riếu, bôi nhọ” những người biểu tình bằng những lời “vô liêm sỉ” chỉ vì họ “chống Trung Cộng xâm lược đất nước ta”. Nghệ sĩ Vượng Râu nói rằng khi yêu nước là có tội vi “bất cứ ai yêu nước muốn gìn giữ non sông mà lên tiếng cho bất công hay phản đối xâm lăng của giặc tàu thì đều bị quy vào là phản động, hậu quả của việc gắn nhãn “phản động” là nó làm “tổn thương nhiều người, tổn thương đến trái tim Yêu Nước, tổn thương đến tấm lòng vì Sơn Hà Xã Tắc của những người yêu quê hương Việt Nam”. Và như vậy khi chủ quyền của đất nước bị đe dọa, “những người yêu nước khi xưa đôi khi họ dửng dưng, thậm chí nhà nước có cho phép và kêu gọi xuống đường biểu tình thì những nhân sĩ, trí thức, những nhà dân chủ tiên phong cũng sẽ chẳng xuống đường nữa! Họ không xuống đường không phải vì sợ bị bắt bớ, mà đơn giản là họ đã nản, họ đã chán sau khi chịu tổn thương quá nhiều vì yêu nước”.

Cựu tù nhân lương tâm, người đã từng bị bắt bớ đánh đập, giam cầm, đọa đầy là bloger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) cũng đồng quan điểm rằng “Thủ phạm làm cho lòng yêu nước bị thui chột, bị vùi dập, đó chính là đảng cộng sản. Về sự thờ ơ đó, mình không thể trách người dân được. Bởi vì những người dân thờ ơ ngày hôm nay chính là những người bị đạp vào mặt, bị quăng xuống đường khi đi biểu tình chống Trung Cộng. Và những người dân thờ ơ ngày hôm nay chính là những người bị kết tội phản động, tuyên truyền chống nhà nước”.

Một nhà văn-cũng là Võ sư- Đoàn Bảo Châu viết trên facebook rằng “Giờ thì những sự đàn áp, đánh đập người yêu nước đã có kết quả rồi đấy, hành xử của chính quyền làm người dân cảm thấy lòng yêu nước của họ bị rẻ rúng, kèm theo đó là sự uất ức trong dân chúng tăng cao, dẫn đến thái độ mặc kệ và chờ xem chính quyền cùng với giới dư luận viên sẽ làm gì.

Chỉ ở cái xứ xở này thì chính quyền mới có cái kiểu hành xử quái gở như những năm qua… Hành động ngu xuẩn ấy đã mang lại một sự phân rã tư tưởng trong con người Việt Nam. Nếu có chiến tranh, điều ấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thắng bại.”

*

Ngay sau khi có tin tàu Trung Cộng hoạt động ở Bãi Tư Chính, gây căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Cộng, hôm 23/7, trên diễn đàn Bàn luận về Kinh tế – Chính trị của đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đặt câu hỏi “Biển Đông nếu có chiến tranh, mấy anh chị có tự nguyện cầm súng bảo vệ chủ quyền đất nước không? Giả sử nếu bảo vệ được rồi lại tiếp tục làm trâu ngựa cho lũ búa liềm đè đầu cưỡi cổ – vậy chúng ta chọn thế nào?”

Đa số ý kiến đóng góp nói rằng họ “mặc kệ nếu chiến tranh xảy ra trên Biển Đông”.

Trong số 255 lời bình luận, đa số ý kiến cho rằng “ngu gì đi làm bia đỡ đạn” hay “thời nông dân cầm súng giữ nước qua rồi. Bây giờ đến thời con ông cháu cha [của các quan chức] đánh giặc”. Bên cạnh đó là rất nhiều người khẳng định nếu họ có súng, họ “săn quan tham” trước, hoặc “diệt bọn phản quốc, bán nước, thù trong trước, diệt giặc ngoài sau”. Một số ý kiến khác nói “chuyện đó có đảng, nhà nước lo” hay “hãy để cho đảng viên đi trước đã, dân đi theo sau”.

*

Một nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, nói với đài BBC rằng “người dân không xuống đường vì họ cảm thấy lòng yêu nước của họ đã từng bị chính quyền lợi dụng và “phản bội” thể hiện qua các sự kiện biểu tình phản đối HD-981 năm 2014 hay biểu tình phản đối Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình sang Việt Nam năm 2015. Nhất là thái độ im lặng đáng ngờ của nhà nước CSVN và hệ thống tuyên truyền quốc doanh trước vụ bãi Tư Chính, truyền thông mạng xã hội của dân chúng và các trang báo mạng tự do không thuộc quản lý của nhà nước CSVN đã đi đầu trong việc loan tin, còn các báo chính thống (của nhà nước) thì cả hơn chục ngày sau mới thấy đưa tin.”

Dương Đại Triều Lâm cho rằng “Bên cạnh đó, việc chính quyền trấn áp, bỏ tù hơn 100 người trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hồi năm ngoái cũng là một trong những nguyên nhân. Tôi nghĩ rằng lòng yêu nước của người dân luôn rất mạnh mẽ. Một khi tổ quốc bị ngoại xâm thì bằng mọi hình thức, người dân sẽ chiến đấu để bảo vệ quê hương, dù trên mạng hay ngoài đường. Trong sự việc này, có lẽ chính quyền lựa chọn ổn định chính trị trong nước để “đàm phán” với Trung Cộng nên truyền thông Nhà nước đã đưa tin sự việc rất chậm trễ và chưa mạnh mẽ phản đối sự việc. Nhìn vào phản ứng của người dân trên mạng xã hội, tôi thấy người dân dường như không còn tin nhiều vào các biện pháp của chính quyền nữa”.

Gần như 100% ý kiến những người hoạt động liên quan đến các hoạt động chống Trung Cộng hay đường Lưỡi Bò có cùng một ý kiến chung là bây giờ mọi việc đã như thế thì hãy cứ để cho đảng và nhà nước lo trước đã.

Như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo

“Dẫu cường nhược có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có”.

Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã từng trải qua giai đoạn kéo dài đến 1000 năm Bắc thuộc nhưng rồi vẫn giành lại được độc lập, nhưng trong bối cảnh các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước CSVN vẫn khăng khăng “duy trì tình hữu nghị, đoàn kết với Trung Cộng qua châm ngôn 16 chữ Vàng, 4 tốt”, khi người dân nóng lòng muốn bảo vệ tổ quốc mà nhà cầm quyền vẫn tiếp tục đi đêm với Bắc Kinh, như Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang phân tích trên trang cá nhân: “Chưa bao giờ, chưa một lần nào nhà nước có một phát ngôn công khai thể hiện sự tôn trọng đối với một thứ quyền căn bản của công dân- quyền tụ tập, quyền biểu tình. Và quan trọng hơn nữa, chưa có bất kỳ một cán bộ, quan chức nào của đảng, nhà nước, công an, quân đội, tóm lại là các cơ quan chức năng có liên quan… phải chịu trách nhiệm về những hành động trấn áp tàn bạo mà các lực lượng công quyền đã gây ra đối với nhân dân. Một lời xin lỗi cũng không. Một sự thừa nhận quyền biểu tình cũng không. Một tiếng cảm tạ lòng yêu nước càng không.”

Trong khi người dân đang rất quan tâm cần sự minh bạch trắng đen rõ ràng các đường lối chính sách của nhà nước trong tình hình thực tại nhưng đảng và nhà nước CSVN vẫn tiếp tục chơi trò ‘lá mặt lá trái’ với người dân. Những hành động đó của nhà cầm quyền cho thấy việc kêu gọi người dân bảo vệ chủ quyền đất nước chỉ là một sự mị dân lừa gạt. Vì thế nhiều người đã nói thẳng “Yêu nước thì phải rõ ràng chứ không phải theo kiểu thời vụ lúc này lúc khác. Yêu nước không cần phải bị định hướng hay không phải hỏi bất cứ ai. Dù ban tuyên giáo hay báo đảng đã “bật đèn xanh”, gián tiếp hô hào người dân xuống đường nhưng người dân Việt Nam hôm nay đã đủ tỉnh táo để hiểu rằng yêu nước là vô điều kiện, không cần ai cho phép, không cần ai bật đèn xanh, khi nào thấy cần thiết thì tự khắc xuống đường.”

Và có thể kết luận điều quan trọng nhất mà đảng và nhà nước CSVN phải làm ngay, nếu muốn huy động được lòng yêu nước của người dân như ý kiến của nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, là “Điều đầu tiên là đất nước này cần phải có sự dân chủ hóa, phải thay đổi Hiến pháp, phải loại bỏ điều 4 Hiến pháp và các điều chẳng hạn như là luật đất đai và lực lượng quân đội phải tách ra khỏi sự chỉ huy của đảng Cộng sản.”

Nếu không thì tội đồ đưa Việt nam đến vòng nô lệ lần nữa không ai khác hơn ban lãnh đạo đảng CSVN hiện nay đang cố bám chặt quyền lực bằng mọi giá, kể cả bán nước!

Phạm Thạch Hồng

Related posts