Ông phó luôn là vật tế thần

Ngày 18 tháng 4 năm 2019 báo Tuổi Trẻ đăng bài “Hàng loạt vụ nâng điểm, giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La vẫn ngoài cuộc?:

Gần 50 thí sinh được sửa nâng điểm, nhiều cán bộ liên quan bị khởi tố, hàng chục phụ huynh ‘mua điểm’ đang dần lộ diện. Nhưng giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La dường như vẫn đứng ngoài cuộc.

Trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La, đến thời điểm này đã có 6 người của ngành giáo dục tỉnh này bị khởi tố điều tra, gồm phó giám đốc Sở GD-ĐT Trần Xuân Yến, trưởng phòng, phó trưởng phòng và một chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, một phó trưởng Phòng chính trị – tư tưởng, một phó hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn.

Nay lại lộ diện thêm một phó giám đốc sở – ông Nguyễn Duy Hoàng, chánh thanh tra sở – ông Phan Ngọc Sơn và một trưởng phòng khác của Sở GD-ĐT là ông Nguyễn Ngọc Hà (trưởng Phòng giáo dục trung học) có con nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm, với mức nâng từ 3 đến 8,7 điểm.

[..] Càng đi sâu điều tra, càng thấy vụ gian lận thi cử tại Sơn La có nhiều tình tiết phức tạp, diện liên quan rất rộng, thậm chí có dấu hiệu cho thấy không chỉ diễn ra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Câu hỏi đặt ra là trước tình trạng thi cử “nát” như vậy, trách nhiệm của ông Hoàng Tiến Đức – giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, đến đâu và tỉnh Sơn La sẽ xử lý thế nào với trường hợp này?”

Để hiểu lý do tại sao ông Giám đốc Hoàng Tiến Đức vẫn bình an vô sự, chúng ta hãy ngược thời gian, lùi lại năm 2012 khi xảy ra vụ án Đoàn Văn Vươn.

Chữ ký của phó chủ tịch huyện

Vụ cưỡng chế nhà ông Đoàn Văn Vươn

Vụ cưỡng chế diễn ra ngày 5/1/2012 tại Tiên Lãng (Hải Phòng) được xem đỉnh điểm về xung đột về đất đai, những bất cập về cả pháp luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở địa phương.

Từ đầu việc chính quyền cấp đất cho ông Vươn là sai luật, sau đó khi thu hồi lại đất cũng sai luật nốt dẫn đến việc em trai ông Vươn chống bằng vũ lực. Lúc sự việc xảy ra thì ông Vươn đang mắc bẫy chính quyền, ôm chồng đơn từ giấy má ra tòa án Hải Phòng để giải quyết bằng pháp luật.

Em ông Vươn dùng súng shotgun bắn vào đoàn cán bộ và kích nổ qua bom tự tạo bằng bình gas khiến 6 cán bộ bị thương gồm công, bộ đội. Ngay lập tức chính quyền đã phá sập nhà của ông Vươn, đẩy vợ con ông Vươn vào cảnh màn trời chiếu đất. Anh em ông Vươn thì bị bắt và truy tố với các cáo buộc “chống người thi hành công vụ, tàng trữ vũ khí, giết người”, “cùng người nhà chống lại lực lượng thi hành lệnh cưỡng chế”.

Tuy nhiên dư luận Việt Nam lại sôi lên, kể cả một số tờ báo chính thức và cán bộ lão thành, thậm chí cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, đã tận tình bênh vực cho ông Vươn, cho rằng ông hành động là do “tức nước vỡ bờ”, vì quá uất ức trước quyết định tịch thu mờ ám với khu đất mà ông đã bỏ mồ hôi và cả máu của con cái mình để tạo dựng.

Sự vụ được các tờ báo có tiếng của thế giới thông tin, xem như là tín hiệu của một sự bất ổn trong xã hội Việt Nam thì giới đảng viên lão thành xem là một thử thách, một bài toán mà chính phủ phải giải quyết trọn vẹn mới mong bảo vệ được chế độ.

Gần một tháng sau, ngày 4. 2. 202 nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới lên tiếng can thiệp khi yêu cầu đảng ủy và chính quyền Hải Phòng phải làm rõ ba điểm:

  1. Việc thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào?
  2. Việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không?
  3. Nhà của ông Đoàn Văn Vươn do ai phá hủy?

Ba ngày sau, 7.2.2012, Thành ủy Hải Phòng tuyên bố biện pháp kỷ luật: “tạm đình chỉ công tác” với chủ tịch kiêm phó Bí thư huyện ủy Lê Văn Hiền, phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh.

Ngay lập tức “Liên chi hội thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng” đã gởi văn bản lên thủ tướng, tuyên bố không đồng tình với cách xử lý này,

Theo họ thì “người phải chịu trách nhiệm đầu tiên” phải là bí thư huyện uỷ: cần phải cách chức, và khai trừ ông này. Sau đó phải cách chức, khai trừ 6 cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tư pháp huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Chánh văn phòng huyện.

Riêng trường hợp phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khanh thì tổ chức này lại ủng hộ. Theo họ thì ngày 18.10.2010 và liên tiếp trong năm 2011, ông Khanh đã phản đối quyết định cưỡng chế đất. Văn bản viết: “Nhưng Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng buộc ông Khanh làm trưởng đoàn cưỡng chế là có vấn đề không lành mạnh cần xem xét”.

Như vậy hệ thống chính trị huyện Tiên Lãng đã “dí” ông phó chủ tịch này vào vị trí đầu sóng ngọn gió, buộc ông phải ký vào các quyết định cưỡng chế, thậm chí làm trưởng đoàn cưỡng chế.

Vì giấy trắng mực đen rành rành ra đó, ông Khanh không thoát khỏi số phận của mình, ngày 22.10.2012 ông Khanh bị bắt giam và truy tố với tộ danh “hủy hoại tài sản”. Nửa năm sau, ngày 10.4.2013 ông Khanh bị phạt 30 tháng tù giam, sau kháng án được chuyển thành 30 tháng tù treo!

Nhưng ông Khanh không phải là ngoại lệ.

Chữ ký của Viện phó Viện kiểm sát

Nguyễn Hữu Linh hiện là một trong những cái tên “hot” tại Việt Nam, sau vụ ông ta “nựng” em bé trong thang máy.

Từ vụ này, người ta lại lôi ra một “tội” của Linh khi còn đương chức Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng. Trong vai trò này, Linh đã ký lệnh truy tố làm tang gia bại sản một người dân lương thiện.

Nếu chuyện dâm tặc của ông Linh là chuyện cá nhân thì việc ông ta ký vào một quyết định truy tố sai lại là đặc điểm mang tính hệ thống: chỉ có phó chủ tịch, phó giám đốc, phó sở, phó bí thư mới ký vào những quyết định nhạy cảm, gây tranh cãi, có thể bị khiếu nại.

Trước vụ “nựng” em bé, Nguyễn Hữu Linh từng bị báo chí chiếu tướng. Đó là phóng sự điều tra “Mất sạch sự nghiệp vì bị bắt oan” trên báo Tuổi Trẻ ngày 8.4.2018:

“Ba lãnh đạo của 3 công ty đóng tại Đà Nẵng đang làm ăn bình thường thì bỗng nhiên bị công an bắt tạm giam vô cớ. Vụ án này vừa được Viện KSND TP Đà Nẵng đình chỉ điều tra.

Vụ án gây xôn xao dư luận ở TP Đà Nẵng trong thời gian dài, khi giới luật sư cho rằng cơ 47quan chức năng cố tình hình sự hóa quan hệ dân sự.

Được trả tự do sau thời gian bị bắt tạm giam, cả ông Nguyễn Tấn Bình (41 tuổi, trú quận Hải Châu) và Phan Thanh Trà (46 tuổi, trú quận Liên Chiểu) đều đau đớn nói: “Sự nghiệp mất sạch”.

 Từ chỗ làm ăn thuận lợi, cả hai gia đình đang lâm cảnh nợ nần, cuộc sống khó khăn.

Ông Bình cho biết Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng hình sự hóa vụ việc dân sự giữa Công ty cổ phần Chefmeat Việt Nam (Công ty Chefmeat – đóng trên địa bàn quận Sơn Trà) và Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê.

Cụ thể, Công ty Chefmeat do ông Kamogari Yamato làm tổng giám đốc (đại diện đối tác Nhật Bản góp vốn 51%) và ông Nguyễn Xuân Thắng làm phó tổng giám đốc (góp vốn 49%).

Theo ông Bình, trong quá trình xây dựng các hạng mục của nhà máy Chefmeat, Công ty Trí Tuệ Việt do ông Bình làm giám đốc nhận thầu thi công hệ thống cơ điện. Ông Bình giới thiệu ông Phan Thanh Trà (giám đốc Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê) ký hợp đồng kinh tế với Chefmeat nhận lại công việc của mình.

Do ông Trà không chắc chắn chất lượng thiết bị Trung Quốc, nên thay đổi thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc như trong hợp đồng (mới 100%) sang thiết bị đã qua sử dụng do Nhật Bản sản xuất.

Việc thay đổi này được ông Trà chủ động làm việc với Công ty Chefmeat để thương lượng sửa sai và khắc phục đền bù. Từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng, hơn 4 năm qua, tất cả máy móc thiết bị mà ông Trà lắp đặt hoạt động bình thường” – ông Bình kể.

Điều đáng nói, trong hợp đồng có nêu rõ bất kỳ trường hợp tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại tòa.

Nhưng không rõ lý do gì mà Công an TP Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam cả tôi và ông Trà về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc hình sự hóa khiến chúng tôi phá sản” – ông Bình bức xúc.

Cùng cảnh với ông Bình, ông Trà cho biết từ ngày ông bị bắt giam, mọi thứ sụp đổ hoàn toàn. “Đắng cay đến nỗi vợ tôi trước đây chỉ biết ở nhà nội trợ, chăm lo con cái, khi tôi bị bắt thì phải đi làm công nhân để trang trải cuộc sống” – ông Trà đau đớn nói.”

Những mất mát này xuất phát từ chữ ký của Viện phó Nguyễn hữu Linh trong quyết định tury tố ký vào cuối tháng Ba năm 2017. Bất chấp các cán bộ thuộc ấp đề nghị không truy tố vì đây là tranh chấp dân sự.

Nhưng rồi vụ án chẳng đi đến đâu vì sau đó chính quyền Đà Nẵng trải qua nhiều thay đổi, trong đó người có quyền lực cao nhất là Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh bị mất chức vì bảo kê cho “mafia địa ốc” Phan Văn Anh Vũ.

Lúc này toàn bộ những quyết định trái luật dưới “trào Nguyễn Xuân Anh” được đưa ra xét lại, trong đó có vụ truy tố oan này.

Đầu năm 2018 trong cuộc họp liên ngành giữa Ban Nội chính, Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an Đà Nẵng, Linh phải đứng ra kiểm điểm và nêu đích danh sự “chỉ đạo” của nguyên Bí thư thành uỷ Nguyễn Xuân Anh và Trưởng ban nội chính Trần Thanh Vân.

Linh cho biết lúc đó Anh còn lớn tiếng chỉ đạo “các anh cứ làm đi, tôi chịu trách nhiệm”.

Tại sao đích thân Bí thư thành ủy ra lệnh mà Viện trưởng VKS Đà Nẵng không ký, phải để Viện phó ký thay?

Như vậy có thể thấy ba điều:

Thứ nhất, đó là một quyết định trái luật, ông vua con của Đà Nẵng đã dẫm lên pháp luật.

Thứ hai, cơ quan pháp luật Đà Nẵng không làm việc theo pháp luật mà là hành động theo mệnh lệnh chính trị.

Thứ ba, đó là một mệnh lệnh chính trị dẫm lên luật pháp, do đó ông viện trưởng né mặt, đẩy viện phó vào tình thế làm con dê tế thần!

Ông phó để tế thần

Trong cả hai trường hợp dẫn trên, chúng ta đều thấy rằng cả ông phó là Nguyễn Văn Khanh lẫn Nguyễn Hữu Linh bị dí vào tình thế phải ký. Và đó cũng là lý do tại sao trong hầu như toàn bộ các vụ tai tiếng, cá vụ đổ bể về tài chính, chỉ có các phó giám đốc, phó bộ trưởng (thứ trưởng), phó chủ tịch, phó viện trưởng, phó hiệu v.v… bị kỷ luật, bị ra tòa, bị thân bại danh liệt trong khi sếp của họ vô sự hay chỉ bị sứt mẻ loàng xoàng.

Ai cũng biết kẻ thủ phạm chính trong vụ cướp đất tại Thủ Thiêm là nguyên Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải, tuy nhiên cho tới nay kẻ bị kỷ luật lại là ông phó Chủ tịch kiêm Phó bí thư thành ủy Tất Thành Cang!

Tất Thành Cang

Những vai phó như thế được sếp trực tiếp cất nhắc, không chỉ để vừa phụ tá mình trong công việc, trong cuộc đấu đá nội mà còn để làm dê tế thần, làm Lê Lai cứu chúa. Tất cả những quyết định gây tranh cãi và nhạy cảm về chính trị, đặc biệt là liên quan đến đất đai hay tài chính, đều bị sếp dí cho cấp phó ký thay. Không phải là những ông phó này không biết, nhưng để tiến thân, họ phải chấp nhậm là tấm thảm lót chân cho sếp, xem như “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”: trót lọt thì hoạn lộ hanh thông, đổ bể thì đó là cái “vận” của mình.

Không chỉ là chốn quan quyền mà cả trong vấn đề chuyên môn cũng vậy. Thí dụ chuyện tay nghề giải phẩu tại các bệnh viện, việc sử dụng cấp dưới để làm dê tế thần hay thảm lót chân lại là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Với những ca mổ khó, lằn ranh sinh tử là 50 – 50 thì các bác sĩ trưởng khoa thường dí cho các bác sĩ trẻ, mới ra trường nhưng cũng lăng xăng trong phòng mổ với danh hiệu “bác sĩ cố vấn” hay “chỉ đạo chuyên môn”, gọi là tạo điều kiện học tập và rèn luyện cho đội ngũ kế thừa.

Nếu ca mổ thành công, họ sẽ đứng ra nhận hết vinh quang. Nếu ca mổ thất bại, bệnh nhân bị thiệt mạng thì danh vị “bác sĩ cố vấn” hay “bác sĩ chỉ đạo chuyên môn” sẽ bị khai tử theo, chỉ còn anh bác sĩ trẻ mới ra trường lãnh đủ!

Đây cũng chính là một lý do dẫn đến tình trạng tình trạng… “thừa phó”.

Tình trạng thừa phó

Trong cuộc họp Quốc hội ngày 31.10.2014 về tình hình ngân sách năm 2014 Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) phát biểu:

“Hiện chúng ta đang lạm phát cấp phó. Cả nước có 139.000 cơ quan hành chính, hưởng ngân sách thì tương đương có 139.000 cấp trưởng và gấp 2 – 3 – 4 lần lên là số lượng cấp phó, có nơi 5 – 6, thậm chí 7 – 8 cấp phó nhưng không hiệu quả, giẫm chân lên nhau. Nhiều khi là xin cho, chạy chọt, bổ nhiệm theo phong trào nên nếu trung bình một cấp phó phải chi thêm 30 triệu đồng/năm phụ cấp chức vụ thì ít nhất sẽ phải chi hơn 4.000 tỉ đồng/năm. QH cần có nghị quyết yêu cầu các cấp bố trí ngân sách cho cấp phó tối đa không quá 3 người”.

Đó là chuyện của 5 năm về trước, Bây giờ hãy bắt đấu từ chính phủ hiện tại: dưới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là 5 phó Thủ tướng là Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Vương Đình Huệ,Trịnh Đình Dũng.

Anh, Úc, Đan Mạch hay Hà Lan gì cũng có duy nhất một phó thủ tướng, nước Mỹ rộng lớn thế, kinh tế đồ sộ thế nhưng chỉ có một phó tổng thống. Riêng Việt Nam có tới năm ông!

Để phục vụ cho cái bộ máy điều hành “cường quốc phó thủ tướng” này lại có bộ phận hành chánh mang tên “Văn phòng chính phủ” (VPCP). Rau nào sâu đó, văn phòng này cũng lâm vào tình trạng “thừa phó”.

Đứng đầu văn phòng này là “Chủ nhiệm VPCP”, hiện tại là Mai Tiến Dũng. Chức này có “hàm” ngang với bộ trưởng thường được gọi là “Bộ trưởng – Chủ nhiệm”. Ông “bộ trưởng-chủ nhiệm” này cũng không thua thủ tướng có tới 5 phó chủ nhiệm: Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Cao Lục, Nguyễn Sỹ Hiệp, Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Duy Hưng.

Nhưng chưa hết, VPCP bao gồm 19 ban ngành khác nhau, gồm 15 “vụ”, 2 “cục” cùng hai cơ quan chuyên môn là “Trung tâm tin học” và “Cổng thông tin điện tử”. Mỗi vụ hay trung tâm như thế thì ngoài vụ trưởng còn có từ hai đến bốn vụ phó!

Sinh thời Mao Trạch Đông đã đưa ra chủ trương gọi là “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị”, tức quậy lên cho thiên hạ đánh nhau để mình đứng giữa làm “ngư ông đắc lợi”. Hiện tại các ông thủ tướng, bộ trưởng, giám đốc xứ ta cũng vậy: càng nhiều phó, cấp phó này sẽ càng đại lọan và giám đốc sẽ đại trị!

Hãy tưởng tượng công ty chỉ có mỗi một ông trưởng và một ông phó. Thể nào ông phó cũng săm soi bới lông tím vết, tìm ra trăm phương ngàn kế để gài bẫy cấp trên tực tiếp của mình để giành chức vụ lãnh đạo. Tuy nhiên nhưng nếu có hai, ba hay bốn, năm ông phó thì tình hình sẽ khác. Trước khi giải quyết ông trưởng thì các ông phó phải tính sổ với nhau và phải chiếm được lòng tin của ông trưởng trước đã. Do các ông phó lo đánh nhau nên ông trưởng được “đại trị”, ung dung làm ngư ông đắc lợi.

Mặt khác, như đã nói ở trên, càng có nhiều cấp phó, sếp ở trên càng có nhiều người để chết thay cho mình. Đó là những kẻ phải hạ bút vào các văn bản mang tính nhạy cảm về chính trị hay bất minh về kinh tế.

Tóm lại, từ những thông tin như vậy chúng ta thấy được một thực tế chua chát của bộ máy hành chính – công quyền tại Việt Nam.

Nó không hiện diện để phục vụ xã hội mà để phụ vụ chính nó, phục vụ guồng máy cai trị.

Và chúng ta cũng thấy được tình trạng luật rừng. Thích thì bổ nhiệm cấp phó. Bổ nhiệm đả ban phát bổng lộc cho vây cánh, cho người thân hay chỉ đơn giản là để khiến nội tình lộn xộn nhằm bảo vệ quyền làm “thủ trưởng” của mình cũng như tìm người chết thay cho mình!

Với một bộ máy “hành chính công quyền” như vậy, đất nước sẽ không thể nào ngóc đầu lên nổi!

Lê Trọng Hiệp

Related posts