Tế Hanh: thơ và đời

Tế Hanh, một nhà thơ nổi tiếng thuộc loại tiên chỉ của làng thơ Việt Nam trong nước từ trần ngày 16 tháng 7 năm 2009 sau hơn mười năm nằm liệt giường vì bị xuất huyết não thọ 88 tuổi.

Ông được coi như là một thi sĩ của phong trào Thơ Mới thời tiền chiến với những bài thơ đầu tay viết lúc tuổi còn rất trẻ. Từ ù năm ông 15 tuổi, đi học ở Huế và ở nơi đây ông đã gặp những nhà thơ cùng khuynh hướng và cùng tham dự vào một cuộc vận động văn học mà có người đã cho rằng đó là một thời kỳ vàng son của phong trào Thơ Mới. Những bài thơ đầu, ngay từ lúc xuất hiện đã làm nhiều người để ý và đến bây giờ đã thành những bài thơ tiêu biểu một thời không những của riêng nhà thơ Tế Hanh mà còn của văn học thời tiền chiến và cả văn học Việt Nam nữa. Ðó là bài Những Ngày Nghỉ Học, Lời Con Ðường Quê, và Quê Hương.

Những bài thơ này ông viết lúc còn ngồi ghế nhà trường Quốc Học và ở đây ông đã gặp những người rất nổi danh sau này như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư,.. để tạo thành một phong trào thi ca đặc sắc.

Năm 1939, sau kỳ nghỉ hè Tế Hanh học năm thứ tư bậc thành chung vào tựu trường, ông đưa cho bạn bè xem bản thảo tập thơ Nghẹn Ngào gồm 29 bài thơ vừa sáng tác. Cùng lúc đó thì Tự Lực Văn Ðoàn đang mở một cuộc thi thơ. Những người bạn của ông chép tay lại bản thảo và gửi đi dự thi. Qua năm sau cũng vào mùa hè, ông thi trượt bằng thành chung và đang học để đi thi lại thì nhận được tin mình đoạt giải thơ. Tập thơ Nghẹn Ngào này về sau được bổ sung thêm và năm 1944 được nhà xuất bản Ðời Nay in lại thành tập thơ Hoa Niên.

Trong bài trả lời cuộc phỏng vấn của nhà thơ Lê Minh Quốc, chính Tế Hanh đã nói về những bài thơ đầu tay của mình:

“Năm 1939 tôi hoàn thành tập thơ gồm 29 bài và đặt nhan đề Nghẹn Ngào. Các bạn học chung lớp đọc thấy thích thú khuyên tôi nên gửi dự thi văn chương của Tự Lực Văn Ðoàn. Tôi đồng ý. Mùa hè năm 1940, báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Ðoàn đã công bố kết quả với hai tập thơ được giải thưởng là Bức Tranh Quê của nữ sĩ Anh Thơ và Nghẹn Ngào của tôi. Sau đó tôi nhận được bằng khen với bảy chữ ký của nhà văn, nhà thơ: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ và Xuân Diệu. Trên báo Ngày Nay tháng 7 năm 1940, Nhất Linh có viết bài bình luận về hai tập thơ này. Nhất Linh viết: “Khi nói đến tập Nghẹn Ngào thì hai bài thơ Quê Hương và Những Ngày Nghỉ Học sẽ còn mãi trong thi đàn Việt Nam”. Mặc dù được giải thưởng nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn vì quanh tôi trong Phong Trào Thơ Mới cũng xuất hiện nhiều tài năng và bản thân tôi cũng muốn tiến xa hơn. Do đó trong hai năm 1940, 1941 tôi viết thêm một số bài để tập thơ Nghẹn Ngào thành 40 bài và gửi ra Hà Nội để xuất bản. Thấy nhan đề Nghẹn Ngào hơi buồn nên tôi đã đổi thành Từ Nhớ Ðến Thương nhưng thấy hơi ví von nên cuối cùng tôi đổi thành Hoa Niên. Tên này hợp với hồn thơ và chất thơ của mình hơn cả. Sự đổi tên này mất hai năm. Cuối năm 1944 nhà xuất bản Ðời Nay tiến hành in và năm 1945 tập thơ ra đời. Khi đó cách mạng đến tôi theo cách mạng và tham gia kháng chiến ở Liên Khu 5. Chín năm sau, 1954 khi tập kết ra Bắc tôi mới thấy lần đầu tiên tập thơ Hoa Niên của tôi do nhà thơ Hồ Dzếnh tặng lại.”

Hoài Thanh & Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam đã có nhận định về Tế Hanh:

“Tôi thấy Tế Hanh là người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi lại được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc không thanh âm như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương” như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật: sự mỏi mệt say sưa của con thuyền lúc trở về bến, nỗi khổ đau chất chứa trên toa tàu nặng chĩu, những vui buồn sầu tủi của một con đường. Tế Hanh luôn nói đến những con đường. Cũng phải. Trên con đường ngưng lại biết bao nhiêu bâng khuâng hồi hộp.”

Qua những lời viết trên, một điều rõ ráng là từ những bài thơ đầu này, biểu lộ một tình yêu quê hương thiết tha và một tình cảm trong sáng có pha chút lãng mạn bàng bạc trong suy nghĩ trong ngôn từ. Thơ gần với cảm quan với tình cảm hơn là phân tích suy đoán của lý luận. Khởi viết lúc tuổi chưa đến hai mươi, như con chim ra ràng nhìn trời cao muốn bay bổng và trong tâm trí gợi ra biết bao nhiêu là dặm đường xa.Những bài thơ của Hoa Niên của mơ mộng học trò, của lãng mạn thi nhân đã được biết bao nhiêu là tuổi trẻ đón nhận một cácch nồng nhiệt cũng là một hiện tượng thuận lý. Dù rằng, những cậu học trò đọc trong những cuốn giáo khoa tiểu học ngày xưa, những trang sách Tân Quốc Văn, bây giờ đã thành những ông già trên tuổi sáu mươi vẫn mơ hồ một nỗi niềm nào phảng phất. Chút cũ càng quê kiểng, chút xôn xao đầu đời, những con đường xưa, những hè phố cũ, những nồng biếc không gian, những mơ hồ thời gian, tất cả ngưng đọng lại để thành hồi sinh những đoạn đời đã qua, những cuộc sống đã mất biệt không còn hiện hữu.

Ðọc những bài thơ như Quê Hương, ai mà không cảm thấy nhớ đến thắt ruột mảnh đất mình đã chào đời. Ðọc Những Ngày Nghỉ Học, ai mà không dừng được nhớ nhung về tuổi hoa niên ngày xưa đầy mơ với mộng…

“làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

nước bao vây cách biển nửa ngày sông

khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã

phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

… Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

màu nước xanh cá bạc chiếc buồm vôi

thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơii

tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.”

 Ấn tượng quê hương là con thuyền, là cánh buồm vôi, là cái mùi nồng nàn của đại dương, trong thơ Tế Hanh đã thành những ấn tượng chẳng thể nhòa phai với mọi người. Làng của Tế Hanh là một làng chài lưới nằm trên một bến sông xa biển tới nửa ngày đường trên một cù lao trên sông Trà Bồng. Câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho người đọc là câu “cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/ rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Câu thơ vừa hùng tráng vừa thi vị, làm nổi bật được cái hồn thẳm sâu ẩn trong ngôn ngữ. Mà hình ảnh lại đẹp và đầy ứ sự sống của cuộc đời trong lành của thiên nhiên cao rộng hiền hòa.

Có một bài thơ, của một người nhạy cảm, nhìn đời sống tuy lạnh lùng với người đời nhưng lại nồng nàn với người thơ. Nếu bảo đó là những câu thơ của vu vơ, của “ru với gió, mơ với trăng, và vơ vẩn cùng mây” thì cũng không phải là sai.

“Những ngày nghỉ học tôi hay tới

Ðón chuyến tàu đi đến những ga

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau

Có chi vương vấn trong hơi máy

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề

Khói phì như nghẹn nỗi đau tê

Lâu lâu còi rúc nghe rên rỉ

lòng của người đi réo kẻ về.

Kẻ về không nói mắt vương vương

Thương nhớ lan xa mấy dặm trường

Lặng lẽ tôi về theo bước họ

Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.”

Thi sĩ thường có những lúc thương vay khóc mướn như thế. Nỗi buồn thường hay lây và cuộc đời đầy những sân ga mà ở đó nỗi bùi ngùi chia tay giữa người đi và kẻ ở. Những sân ga hoang trống, những con tàu nặng nề chuyển bánh, những tiếng còi tàu thét lên như gửi lại nỗi niềm. Những câu thơ như “Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu/ ngàn đời không đủ sức đi mau/ có chi vương vấn trong hơi máy /mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau/” thật giàu hình ảnh dù cho có ước lệ nhưng vẫn có sức truyền cảm.Thơ của Tế Hanh có hồn ở trong đó và mặc dù chữ nghĩa giản dị, ý tưởng cũng bình thường thích hợp với cảm quan và suy nghĩ của nhiều người nên có sự lôi cuốn người đọc để khởi đi vào một không gian, thời gian muôn thuở…

Xuân Sách, một nhà thơ đã phác thảo nhiều chân dung văn nghệ sĩ với lối diễn tả độc đáo. Và với Tế Hanh là những đường nét khá chân phương và nhiều thông cảm và chia sẻ:

Quá tuổi Hoa Niên đã bạc đầu

Tình còn dang dở tận Hàng Châu

Khúc ca mới hát sao buồn thế

hai nửa yêu thương một mảnh sầu

 Xuân Sách dùng tên những tác phẩm của Tế Hanh như Hoa Niên, Hai Nửa Yêu Thương hoặc nhan đề bài thơ như Bài thơ tình ở Hàng Châu để gợi lên những đặc tính của con người và tác phẩm của ông. Thơ quê hương của ông trước năm 1945 với tập Hoa Niên đượcc coi là đỉnh cao nhất của thơ ông. Thơ tình cảm, nhớ nhung quê hương về sau này như trong tập Hai Nửa Yêu Thương biểu lộ tình cảm ở miền Bắc nhớ miền Nam và cả hai nơi đều gợi đến sự dở dang không toàn vẹn của những tấm lòng luôn luôn hoài niệm quê hương.

Có hai con người thi sĩ Tế Hanh. Một, của thời tiền chiến của Hoa Niên, Nghẹn Ngào. Và một của thời sau này của lòng nhớ thương quê mẹ đã xa, của những tình cảm mà các nhà phê bình văn học hiện thực xã hôi chủ nghĩa gọi là cái tôi chung của mọi người, khác với cái tôi chủ về cá nhân một mình của thời tiền chiến. Dĩ nhiên, so sánh giữa những tác phẩm cùng của Tế Hanh giữa trước năm 1945 và sau năm 1945, của những nhà phê bình này đều nhận định rằng phần sau đồ sộ và có vóc dáng hơn thời kỳ trước. Riêng với tôi thì cảm giác khi đọc thơ Tế Hanh thì ngược lại. Tôi từ khi học tiểu học đã biết đến Tế Hanh qua những bài thơ đã thành bài học thuộc lòng của thời thơ ấu. Có thể sự kiện ấy thành ấn tượng trong tôi nên khi đọc những tập thơ về sau này như Hai Nửa Yêu Thương, Tiếng Sóng, Lòng Miền Nam, Gửi Miền Bắc,… vẫn thấy không thích thú bằng và đôi khi còn cảm thấy khó chịu vì những câu thơ bài thơ có tính tuyên truyền khích động chiến tranh hoặc ca ngợi chế độ… Có lẽ, vì tôi đã sống ở miền Nam nên khó chia sẻ được với những suy nghĩ của những người cầm bút mà mục đích chính của các công việc có tính nghệ thuật của họ là phục vụ cho những mục tiêu chính trị tuyên truyền của chế độ…

Nhưng có nhiều nhà phê bình của nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng nhận thấy những bất cập trong thơ của ông về thời gian sau này.

Thí dụ như Vũ Quần Phương trong Nhà Thơ Việt Nam Hiện Ðại (nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội năm 1984) có nhận xét về Tế Hanh:
“Thơ Tế Hanh khi hay là một thứ hay thực chất, rất ít trang sức, và khi dở cũng dở một cách thật thà không ẩn giấu trong ngôn ngữ hình ảnh. Cho nên thơ Tế Hanh khi thiếu hụt nội dung tình cảm, để sa xuống một thứ thơ vụng về, không nên có như về cuộc trao trả tù binh Mỹ ở sân bay Gia Lâm 1973, anh viết:

“Gia Lâm- 29 tháng Ba

những tên giặc lái bước ra cúi đầu

chúng đi nhanh đến chiếc tàu

núi sông như thể đổi màu từ đây..”

Những câu thơ quả là thô sơ về ý tứ và tình cảnh.”

Tôi cũng đồng ý với Vũ Quần Phương với nhận xét về các bài thơ như vè và giả dối để phục vụ cho chế độ mà tôi đọc thấy tương tự như thế rất nhiều trong các tập thơ của Tế Hanh. Thơ của ông già dặn về kỹ thuật, về ngôn ngữ nhưng lại có những suy nghĩ gượng gạo, viết một bài thơ không ngoài mục đích chứng tỏ lòng trung kiên với Ðảng và chế độ…

Hồng Diệu, trong một bài viết “Ðọc Giữa Những Ngày Xuân của Tế Hanh” đăng trên báo Văn Nghệ số 715 năm 1977 có đoạn:

“Những năm vùa qua, thơ ta phục vụ rất đắc lực các nhiệm vụ chính trị. Các nhà thơ đủ lứa tuổi đã xông xáo, ứng chiến phục vụ kịp thời trên mặt trận văn học, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương ta có nhiều bài thơ vừa nóng hổi tính thời sự lại có đủ sức đứng lâu dài trong trí nhớ người đọc. Tuy vậy vì nguyên nhân này nguyên nhân khác ta cũng đã để xuất hiện một bệnh khá phổ biến: bệnh dễ dãi. Sự dễ dãi này ở các bạn làm thơ trẻ nhưng không phải không thấy trong các nhà thơ lớp trước. Cũng có lúc Tế Hanh rơi vào trường hợp này. Giữa Những Ngày Xuân có nhiều ý tứ, hình ảnh, cảm xúc, cũng như nhịp điệu quá quen thuộc trong thơ Tế Hanh. Anh lại để một số câu, chữ trở đi trở lại quá nhiều.

 Có người nói nếu Tế Hanh lược đi một số bài thì tập thơ của anh sẽ hay. Về phần tôi, tôi thấy hầu hết các bài thơ trong tập đều được cấu từ một cách khá bằng phẳng. Ít có những tứ thơ độc đáo. Ít có những ý thơ sắc sảo. Phần lớn cảm xúc đều lướt qua mặt ngoài của hiện tượng mặc dù tình cảm của anh có tràn trề. Tâm trạng của nhà thơ và đối tượng nhà thơ thể hiện thường ẩn khá sâu tìm kỹ mới thấy. Cho nên nếu nói như Vigni: “Thơ là nhiệt tình kết tinh lại” thì có thể nói, thơ Giữa Những Ngày Xuân giàu nhiệt tình nhưng nhiệt tình ấy chưa được kết tinh. Tôi cho rằng đây là nhược điểm chủ yếu của Giữa Những Ngày Xuân và của một số bài thơ trước kia nữa của Tế Hanh. Do đó vấn đề chính là ở chỗ trong tư tưởng chủ đạo của ngòi bút, ở cả tập, nhà thơ cần đi vào cốt lõi của vấn đề hơn nữa.”

Cái nhược điểm chung của những nhà văn nhà thơ miền Bắc có lẽ bởi vì cứ phải theo những khuôn mẫu sáng tác phục vụ chế độ, phục vụ Ðảng nên khó lòng sáng tạo được những công trình riêng của mình. Thành ra, ở các nhà thơ như Xuân Diệu, như Lưu Trong Lư… công trình văn nghiệp của thời tiền chiến vẫn là chính yếu so với thời gian sau này mà họ xưng tụng là được sự hướng dẫn của Ðảng. Ở trường hợp nhà thơ Tế Hanh cũng giống y như vậy…

Một nhà phê bình văn học khác, Mã Giang Lân, trong “Ðọc Con Ðường và Dòng Sông” của Tế Hanh đăng trên báo Văn Nghệ số 892 năm 1980 cũng nhận xét;

“Tôi nghĩ, đóng góp của một nhà thơ là ở phần độc đáo riêng của mình miễn là hay là sáng tạo để làm nên sự đa dạng phong phú của nền thơ. Ðòi hỏi nhà thơ nào cũng phải khái quát, phải trí tuệ thì sẽ không khỏi hạn chế những khả năng khác. Vả lại trong cuộc sống trong nghệ thuật nhiều khi cái sâu sắc lại thấy ở những điều bình thường giản dị mà chúng ta gặp trong thơ Tế Hanh. Có điều cái giản dị ấy chắc chắn là đã phải trải qua một quá trình rèn luyện lao động nghệ thuật nếu không sẽ thành dễ dãi sơ sài. Thì chính Tế Hanh ở Con Ðường và Dòng Sông này cũng có lúc nôm na đơn giản. Có thể dẫn ra những đoạn, những câu bình thường và những ý nông nhẹ vì thiếu chọn lọc, xúc cảm (Kỷ niệm về một bài hát, Nông trường tôi quê ta, Xuân đẹp hai lần) Ở đây tác giả ghi chép việc đời nhưng còn thiếu tình đời, kể chi tiết nhưng chưa chuyển hóa thành năng lượng thơ. Cho nên ý chưa sâu mà tình cảm lại không đậm thì bài thơ khó lòng đứng được…”

Kể ra làm các bài thơ theo đơn đặt hàng của nhu cầu chính trị thì khó lòng đạt được mục đích hoàn thành một bài thơ hay. Khi tâm chưa động, hứng chưa đủ và với cái khuôn mẫu sẵn dành thì làm sao lôi cuốn người đọc được.

 Trần Lê Văn trong “Bài Ca Sự Sống hay hát từ Hoa Niên” đăng trong Văn Nghệ số 49 năm 1985 cũng có nhận định về sự “dễ dãi” của Tế Hanh.

“Trong mười bốn tập thơ đã in và mấy tập thơ mới chưa in của Tế Hanh có không ít những câu thơ hay. Song le những câu không hay cũng khó mà tính đếm. Cái nhược cũng đã thành nếp của anh là nhiều “dễ tính” với mình, chất liệu cuộc sống chưa nhào cho nhuyễn, lọc cho tinh đã viết thành thơ. Có lần anh viết về hoa mà chỉ thấy kể lể chứ nào thấy sắc hương:

Cùng với hoa đào phai

Có thêm hoa đào thắm

Có thêm hoa đơn ghép

Cùng với hoa dơn đơn

Hoa cứ đẹp nhiều hơn

Nhờ bàn tay lao động.

Ðiều này thì ai mà chẳng biết nhưng cũng trong ý này giá nhà thơ khám phá ra cái gì mới thì thú vị hơn. Cái nhược trong thơ Tế Hanh chính anh cho là cái vụng. Tôi cũng nghĩ thế. Làm thơ mà điệu bộ quá thì không hay đã đành nhưng vụng về quá thì cũng không thích…”

 Và còn có nhiều lời phê bình khác về những bài thơ kiểu như trí tuệ như chính luận của Tế Hanh. Cảm nghĩ của tôi khi dị ứng với những bài thơ xưng tụng Hồ Chí Minh, mô tả những cái tốt đẹp của xã hôi chủ nghĩa, của con người mà cái tôi trở thành chung thành một khuôn mẫu kể cả trong những đề tài riêng của từng cá nhân như tình yêu, như cảm nghĩ từ cuộc sống có lẽ không phải vì cái chỗ đứng của tôi khác với chỗ đứng của người sống trong xã hôi chủ nghĩa. Bởi vì như tôi dẫn chứng, những nhà phê bình cùng sống cùng viết với ông cũng có những nhận định tương tự giống tôi.

 Với tôi, thơ hay nhất của Tế Hanh vẫn là những bài thơ của Hoa Niên thời tiền chiến. Ở đó, tôi tìm được lòng yêu quê hương đất nước… ở đó tôi tìm được những tâm tình trong sáng ngây thơ của tuổi trẻ. Không biết thơ của ông bị sa sút vì ông đã sống trong xã hôi cộng sản không? Nếu ông không tập kết ra Bắc, có thể ông sẽ có những bài thơ tuyệt tác hơn mà phát xuất vì chính cuộc đời và tấm lòng của ông? Ông sẽ không phải viết để có được một địa vị, một chỗ đứng…

Từ văn chương đến đời thường, một người viết trẻ tuổi hơn ông nhưng cũng có lúc gần gũi ông trong cuốn sách “Cây Bút, Ðời Người” là Vương Trí Nhàn có những nhận định về Tế Hanh như sau:
“Tuy nhiên hình như con người Tế Hanh có vì những sự tôi rèn đó mà thay đổi thì cũng rất kín đáo. Trước sau ông vẫn giữ nguyên cái tính ngơ ngơ ngác ngác và cái xúc động hồn nhiên kiểu học trò của mình- ít ra là ở bên ngoài.

Về mặt chức vụ mà xét trong nhiều năm Tế Hanh từng là ủy viên Ban chấp hành hoặc Thường vụ hội nhà văn (như Ban thư ký về sau), từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong Ban phụ trách nhà xuất bản Văn Học những năm nó còn lệ thuộc vào Hội. Nhưng ông đã dễ dàng thoát ra cái ràng buộc đó để trở về vị trí một người lao động có nghề, một nhà thơ lấy sáng tác làm lẽ tồn tại.

 Nói vậy liệu có nghĩa là bảo Tế Hanh hoàn toàn thoát tục và sống khờ khạo không biết lo liệu những chuyện riêng? Còn nhớ ai đã đốp chát hỏi Tô Hoài “Người ta bảo anh khôn quá anh nghĩ sao?”. “Cậu sống được ở trên đời này, ai chẳng phải có một chút khôn, cái chính là đừng khôn lỏi, lộ liễu, đừng tham quá đến mờ cả mắt mà thôi”. Cái định lý của Tô Hoài quả là đúng với mọi người kể cả trường hợp Tế Hanh chúng ta đang nói. Khi nghe tôi bảo rằng ông Tế Hanh luôn luôn ngơ ngác, mấy đồng nghiệp phũ mồm đã bảo ngay ngơ ngác làm sao, có cái gì người khác có mà ông ấy thiệt thòi không có đâu? Lại có người lặng lẽ bổ xung một nhận xét: “Nhưng theo kinh nghiệm của tôi là muốn biết đời sống văn nghệ có gì mới cứ gặp ông Tế Hanh, cái ăng ten của ông ấy thuộc loại cực nhạy, nói nôm na là bố ấy cũng ma xó lắm!”. Vâng các nhận xét ấy đều có lý, mỗi con người là một thế giới không cùng và nói chung chúng ta sẽ thất vọng khi muốn tìm hiểu quá kỹ về một người nào đó. Song tôi thấy trên đại thể thì Tế Hanh đó là một con người dễ chịu. Người giữ được cốt cách thi nhân. Người biết điều. Và người có khôn thì cũng là khôn kín đáo.”

Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921 tại thôn Ðông Yên xã Bình Dương huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi và từ trần lúc 12 giờ sáng ngày 16 tháng 7 năm 2009 thọ 89 tuổi.

Ông là một nhà thơ đóng góp rất nhiều cho văn học Việt Nam và từ thời tiền chiến đã đóng góp vào trong phong trào thơ mới với những bài thơ được truyền tụng mãi về sau. Ông được nhắc đến với những bài thơ bày tỏ lòng yêu thương quê hương tha thiết, những tình cảm trong trắng đơn sơ và những tình yêu tha thiết của một trái tim mãi mãi tươi trẻ. Ơû những người hậu sinh như chúng tôi, khi ông mất là dịp để đọc lại những bài thơ đã thành tài sản quý báu của văn chương Việt Nam như Quê Hương hay Những Ngày Nghỉ Học…

Nguyễn Mạnh Trinh

Related posts