Thông báo đỏ

Thông báo đỏ (Red Notice) là tựa đề quyển sách của Bill Browder, người đã vận động thành công cho Luật Magnitsky tại Mỹ, Canada và châu Âu. Browder sinh năm 1964 tại Mỹ. Ông nội của Bill là Earl Browder từng làm lãnh tụ nghiệp đoàn ở Kansas. Earl được mời tới Moscow vào năm 1926 để huấn luyện trở thành một nhà lãnh đạo cộng sản. Earl lấy vợ Nga và sinh ra 3 đứa con trai. Đứa lớn nhất tên Felix là bố của Bill. Earl đưa gia đình về Mỹ vào năm 1932 và dọn tới New York. Ông đại diện cho Đảng Cộng sản Mỹ tranh cử tổng thống vào năm 1936 và 1940. Tuy không thắng nhưng ông cũng lấy được 80,000 phiếu. Sự kiện này làm cho Tổng thống Roosevelt lo ngại. Vào năm 1941, Earl bị bắt và tuyên án 4 năm tù vì vi phạm luật liên quan tới giấy thông hành. Nhưng sau một năm thì được ân xá vì quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Liên bang Sô viết trong Đệ nhị Thế chiến.
Sau cuộc chiến, Earl bị thẩm vấn triền miên vì chiến dịch truy lùng phù thủy tìm và tiêu diệt tận gốc cộng sản nằm vùng của Thượng Nghị Sỹ Joe McCarthy. Vợ ông lo sợ và khuyên các con nên tránh né chính trị. Với bà, sự nghiệp cao quý nhất là học thuật nhất là khoa học hoặc toán học. Felix, bố của Bill nghe lời mẹ và học xong cử nhân khi chỉ 18 tuổi. Hai năm sau Felix lấy bằng tiến sĩ toán tại Đại học Princeton khi chỉ mới 20 tuổi.
Dù là một trong những nhà toán học trẻ giỏi nhất, Felix vẫn là con của lãnh tụ ‘đỏ’ Earl Browder. Khi Đệ nhị Thế chiến bắt đầu, Felix muốn theo đuổi sự nghiệp học thuật nhưng Đại học Princeton từ chối cấp thư hoãn dịch. Felix được giải ngũ và xin dạy tại một trường đại học nhỏ là Brandeis University. Hội đồng quản trị trường rất đổi vui mừng khi nhận đơn của một nhà toán học tốt nghiệp từ Printon nhưng dội ngược khi nhận ra ông là con của lãnh tụ Đảng Cộng sản. Rất may là vào lúc đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị là Eleanor Roosevelt cho rằng không nên từ chối một khoa học gia lỗi lạc theo đuổi sự nghiệp chỉ vì lý lịch gia đình, dù rằng chính chồng bà đã từng bỏ tù Earl. Nhờ vậy mà Felix được nhận và trở thành một học giả xuất sắc. Vào năm 1999, Felix nhận Huân chương Khoa học Quốc gia do chính Tổng thống Clinton trao tặng.

Mẹ của Bill là Eva cũng có một cuộc đời ly kỳ không kém. Bà sinh ra trong một gia đình của người mẹ đơn thân gốc Do thái tại Vienna vào năm 1929. Trước đe dọa của Đức Quốc Xã, mẹ của Eva là Erna buộc phải cho Eva làm con nuôi của một gia đình người Do thái bên Mỹ. Khi chỉ mới 9 tuổi, Eva đã một mình tự đón xe lửa đi xuyên châu Âu rồi lên tàu thủy đến Mỹ để gặp cha mẹ nuôi và bắt đầu một cuộc sống mới yên bình và đầy đủ. Nhưng 3 năm sau, Erna trốn khỏi Áo và tìm đến nhà cha mẹ nuôi của Eva để nhận lại con. Họ dọn vào một căn chung cư một phòng và Erna phải ngồi may 80 tiếng một tuần để kiếm sống. Dù trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng Eva là một học sinh xuất sắc và được MIT cấp học bổng. Bà gặp Felix tại đó và họ lấy nhau vào năm 1948. Bill Browder ra đời vào năm 1964 trong một gia đình mang dòng máu học thuật nhưng thiên tả. Thomas, anh của Bill nối gót cha mẹ và ghi danh học tiến sĩ vào lúc 19 tuổi. Trong khi đó, Bill chỉ là một cậu học trò trung bình. Khi 12 tuổi, cha mẹ quyết định giử Bill vào trường nội trú ở Colarado. Nhưng Bill không lo học mà chỉ tập hút thuốc, uống rượu và trốn học để đi chơi. Kết cuộc Bill bị đuổi ra khỏi trường. Cha mẹ cho rằng Bill mắc bệnh nên đưa đi gặp các bác sĩ tâm thần và tâm lý. Cha mẹ càng ép thì Bill càng cố ý làm ngược lại. Rốt cuộc, Bill quyết định cách ‘trả thù’ tốt nhất là trở thành một nhà tư bản trong một gia đình thiên tả.

Nhưng không có trường đại học có tiếng nào chịu nhận cả. Chỉ có Đại học Colarado ở Boulder là trường được tạp chí Playboy chấm hạng nhất về phương diện ăn chơi nhận đơn ghi danh của Bill. Nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy. Có nghĩa là chỉ biết chơi bời, gái gú. Chỉ đến khi có một người bạn học bị bắt sau khi đánh cướp ngân hàng vì nghiện ma túy thì Bill mới thức tỉnh và lo chăm chỉ học hành. Sau 2 năm, ông được nhận vào Đại học Chicago. Sau đó, Bill ghi danh và tốt nghiệp MBA tại trường nổi tiếng là Đại học Standford vào năm 1989. Bill dọn qua Luân đôn bắt đầu công việc làm với Boston Consulting Group (BCG) vào tháng 8 năm 1989 theo đuổi giấc mơ trở thành một nhà tư bản tại Đông Âu.
Sau một khoảng thời gian ngắn làm việc cho Robert Maxwell và Salomon Brothers, Bill quyết định tự dựng ra quỹ đầu tư và vào Nga hoạt động. Chính sách tư hữu hóa của Nga dẫn đến việc các cổ phiếu được bán với giá rẻ mạt đẻ ra hàng chục nhà tỷ phú tư bản đỏ trong chớp nhoáng. Bắt đầu với số vốn khiêm nhường chừng 25 triệu, quỹ đầu tư mang tên Hermitage của Bill gia tăng thần tốc lên tới 4.5 tỷ và trở thành quỹ đầu tư ngoại quốc lớn nhất tại Nga. Nhưng ông phải trả giá cho sự thành công này. Để bảo vệ quỹ đầu tư của mình, Bill phải đấu với các nhà tư bản đỏ sử dụng mánh khoé ăn cắp tài sản công ty bỏ tuối riêng. Mà các nhà tư bản đỏ của Nga đều phải nuôi các lực lượng an ninh và băng đảng mafia phòng khi hữu sự. Thương gia bị ám sát vì cạnh tranh thương trường là một hiện tượng bình thường tại Nga. Trong giai đoạn đầu, Bill được Vladimir Putin yểm trợ vì lúc đó Putin mới nhậm chức cần phải răn đe các nhà tài phiệt để củng cố quyền lực. Nhưng gió đổi chiều vào tháng 10 năm 2003 khi Putin bắt nhà tài phiệt dầu hỏa Mikhail Khordorkovsky và là người giàu nhất nước Nga thời đó có tài sản ước lượng lên tới 15 tỷ Mỹ kim. Theo Bill dự đoán, các nhà tư bản đỏ sau đó đã lần lượt thoả thuận chia chác tài sản và lợi nhuận với Putin. Đổi lại, Putin bảo đảm cho họ trục lợi làm giàu. Có nghĩa là Putin trở thành trùm, đầu sỏ của đám tài phiệt tư bản đỏ trong Liên bang Nga.

Vào tháng 11 năm 2005, Bill Browder bị trục xuất khỏi Nga vì lý do ‘an ninh quốc gia’. Bill âm thầm bán hết cổ phiếu và rút vốn, chỉ giữ lại một văn phòng nhỏ với một vài nhân viên phòng khi có thay đổi. Nhưng tai họa ập đến vì an ninh bố ráp văn phòng và tịch thu hết tất cả văn kiện. Sau đó không lâu, nhân viên cho biết là có án lệnh của tòa phán rằng quỹ của Bill thiếu nợ một công ty khác tới 230 triệu Mỹ kim. Con số này trùng hợp với số tiền thuế mà quỹ đầu tư Hermitage đã đóng cho Sở thuế Nga từ lợi nhuận khi bán cổ phiếu rút vốn (capital gains).
Bill mướn Sergei Magnitsky điều tra vụ việc. Magnitsky là một luật sư 35 tuổi chuyên về luật thuế. Sau một thời gian điều tra, Magnitsky phát hiện ra chính các nhân viên an ninh giả mạo chữ ký và dùng con niêm của quỹ đầu tư xin Sở thuế trả lại 230 triệu vì ‘khai nhầm’. Chỉ sau một ngày nộp đơn, quan chức Sở thuế (cũng là đồng bọn) chấp thuận và trả lại 230 triệu cho các quan chức an ninh chia chác với nhau. Magnitsky viết thư tố cáo gửi cho Bộ Nội vụ. Nào ngờ các quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ được cử điều tra đơn tố cáo của Magnitsky lại có dính líu tới vụ gian lận 230 triệu. Thay vì được tuyên dương vì giúp nhà nước tố cáo tội phạm, Magnitsky bị bắt bỏ tù rồi tra tấn cho tới chết vì không chịu rút lại đơn tố cáo.
Bill Browder điều tra và biết các quan chức tham nhũng mua mấy căn biệt thự và đi du dịch ăn chơi khắp nơi ở châu Âu và Trung Đông. Ông than phiền với Bộ Ngoại giao Anh nhưng họ không thể làm gì vì tội phạm diễn ra ở Nga. Bill tìm cách vận động với Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng chính quyền Obama lúc đó muốn nối lại quan hệ ngoại giao với Nga. Nhờ có người quen giới thiệu, Bill Browder được Thượng Nghị sĩ Ben Cardin (Dân Chủ) và John McCain (Cộng Hòa) ủng hộ đệ trình dự luật Magnitsky cấm không cho nhập cảnh vào Mỹ và niêm phong tài sản các quan chức tham nhũng vi phạm quyền con người. Lúc đầu, Thượng Nghị Sỹ John Kerry Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao không muốn đưa dự luật ra thảo luận vì ông muốn thay thế Hilary Clinton làm ngoại trưởng. Nhưng may mắn là sau 20 năm thương thuyết, Nga được nhận vào WTO. Giới thương gia Mỹ muốn nhảy vào làm ăn thì chính quyền Obama phải vận động Quốc Hội bãi bỏ Đạo luật Jackson Vanik (Tu chính). Cái giá phải trả là Đạo Luật Magnitsky. Vào ngày 14/12/2012, Tổng Thống Obama ký bãi bỏ Đạo luật Jackson Vanik (Tu chính) và cùng lúc ban hành Luật Magnitsky.
Vào ngày 19/12/2012, Putin ban hành luật cấm gia đình người Mỹ nhận con nuôi Nga để trả đũa. Chưa hết, Bill Browder bị tòa án Moscow xử khiếm diện về tội trốn thuế và tuyên án 9 năm tù vào năm 2017. Sau đó, cảnh sát Nga gửi thông báo đỏ cho Interpol để bắt Bill Browder. Putin cay cú và muốn biến Bill thành một tội phạm quốc tế bị truy nã khắp nơi. Nhưng Interpol không chấp nhận vì cho rằng đây là một vụ án có động cơ chính trị. Trong một cuộc họp báo chung với Tổng Thống Trump tại Helsinki vào tháng 7 năm 2018, Putin tuyên bố là sẽ cho FBI thẩm vấn 12 quan chức Nga bị tố là can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nếuTrump đồng ý trao Bill Browder cho Nga xử lý.
Luật Magnitsky bắt đầu áp dụng chỉ với Nga với danh sách 18 quan chức tham nhũng vi phạm quyền con người của Sergei Magnitsky. Vào năm 2016, Tổng Thống Obama ký ban hành Luật Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Act) áp dụng khắp nơi. Danh sách (sổ đen) do Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành. Tính tới tháng 12 năm 2019, có khoảng 200 cá nhân và tổ chức khắp nới trên toàn thế giới nằm trong sổ đen này.

Vào tháng 10 năm 2017, Quốc Hội Canada ban hành Luật Công lý cho Nạn nhân của Quan chức Tham nhũng Nước ngoài (The Justice for Victims of Corrupt Foreign Officials Act (Sergei Magnitsky Law) bắt đầu với 52 cá nhân trong sổ đen. Vào tháng 12 năm 2019, Liên Âu đồng ý tiến hành soạn thảo Luật Magnitsky. Nỗ lực không mỏi mệt của Bill Browder không chỉ trả công lý cho Luật sư Sergei Magnitsky mà con mang hy vọng đến cho tất cả mọi người dân thấp cổ bé miệng sống dưới ách cai trị độc tài của các quan tham và ác.
Úc có lẽ là tiền đồn sau cùng. Trong 2 năm qua, một số thành viên và tổ chức trong cộng đồng gồm có CĐNVTD, VOICE, Tổ Chức Yểm trợ Nhân quyền, Hội Luật gia, Multicultural Communities Council of NSW và Democratic Youth Australia dưới sự điều hợp của Luật sư Janice Le đã âm thầm làm việc vận động cho Luật Magnitky tại Úc. Vào tháng 12 năm 2019, Ngoại Trưởng Marise Payne thông báo là Quốc Hội Úc sẽ cứu xét việc ban hành Luật Magnitsky và kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến và gửi đệ trình về trước ngày 31 tháng Giêng. Luật sư Janice Le đã soạn xong bản đệ trình gửi cho Quốc Hội. Bước kế tiếp là vận động các dân biểu nghị sĩ đưa vấn đề này vào nghị trình của Ủy ban Nhân quyền để thảo luận. Nếu tiến triển tốt thì Ủy ban Nhân quyền sẽ mở các cuộc điều trần công cộng mà các tổ chức XHDS có thể ghi danh tham dự và đóng góp ý kiến.
Con đường tranh đấu cho Luật Magnitsky tại Úc còn nhiều chông gai đòi hỏi nỗ lực kiên trì của các thành viên và tổ chức tranh đấu cho nhân quyền. Hy vọng là một ngày không xa, Quốc Hội Úc sẽ ban hành Luật Magnitsky để chúng ta có thể lập sổ đen các quan chức tham nhũng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tìm cách hạ cánh an toàn tại Úc. Và cái tên đầu tiên trong danh sách có thể là tay công an đã nổ súng hành quyết bắn vào tim và đầu của Cụ Lê Đình Kình ngay trong những ngày đầu năm của thập niên mới gây bao nỗi bàng hoàng, phẫn uất, sững sờ cho tất cả mọi người Việt có lương tri ở trong và ngoài nước.

Ls Nguyễn Văn Thân
.

Related posts