Tìm cách cứu hồ nước hồng

Hồ nước hồng Pink Lake ở Tây Úc từng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách vì màu nước lạ lẫm. Bây giờ sức thu hút này đã mất và màu hồng đã lùi vào quá khứ.

Hồ nước này có chiều dài khoảng 4km, rộng 2km, diện tích mặt nước khoảng 990ha. Được phát hiện lần đầu năm 1848, hồ đã thu hút nhiều nhà thám hiểm và khách du lịch muốn tận mắt thấy màu sắc kỳ lạ của hồ.

Đến năm 1966, một cuộc vận động dành riêng tên Pink Lake đã được chấp thuận.

Màu hồng của nước là tự nhiên, không thay đổi, vẫn giữ nguyên màu khi nước được đưa ra khỏi hồ, được tạo thành từ một loài tảo tên duinella salina.

Đây là loài tảo phát triển mạnh trong nước mặn có thể sản xuất ra beta carotene vốn là sắc tố tạo màu cho củ cà rốt. Chính tảo duinella salina đã giúp hồ có màu hồng nổi bật.

Tuy nhiên trong khoảng 10 năm trở lại đây, hồ Hillier mất dần màu hồng của mình. Sắc hồng ngày càng nhạt đến nỗi nhiều người đã bực tức lên tiếng yêu cầu chính quyền lấy lại tên Pink Lake bởi không còn đúng nữa.

Bà Mary Noonan – nhân viên hướng dẫn du lịch ở hồ Pink Lake – than vãn có những du khách ngoại quốc lái xe hàng trăm cây số để đến Pink Lake nhưng cuối cùng phải ngậm ngùi thấy hồ không còn hồng nữa, Bà cho biết một số tỏ vẻ thất vọng, một số thì tỏ ra giận giữ.

Nhiều khoa học gia đã dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân và nhận định rằng dù loài tảo duinella salina vẫn còn với số lượng nhiều trong hồ, tuy nhiên chúng lại không sản xuất thêm beta carotene như trước đây nữa.

Tiến sĩ Tilo Massenbauer, thuộc Đại học Queensland giải thích: “Nguyên nhân có thể do lượng muối trong hồ đã xuống thấp để tảo chuyển hóa thành beta carotene. Trước đây, hồ có độ mặn gần tương đương với biển Chết, thậm chí người dân còn làm muối từ nước hồ nhưng đến năm 2007 hoạt động này gần như không còn”.

Nhưng lý do nào đã dẫn đến tình trạng nồng độ muối bị giảm? Đó là do hoạt động xây dựng ở địa phương đã tác động đến đặc điểm của hồ. Cụ thể, trong 10 năm trở lại đây, một số xa lộ và đường hỏa xa được xây dựng trong vùng đã lấp đi những dòng chảy tự nhiên đổ vào hồ.

Hồ gần như bị cô lập, và các đường tự nhiên cung cấp muối cho hồ gần như không còn khiến độ mặn của nó giảm đi đáng kể.

Hiện tại, Massenbauer cùng 2 nhà khoa học khác đang nghiên cứu làm sao để tăng lượng muối trong hồ và cần xác định tăng bao nhiêu là đủ.

Nghiên cứu của Massenbauer dự kiến kéo dài trong 6 tháng trước khi đề nghị những phương án cứu vẫn.

Trong khi đó thì nhà môi trường học Steven Butler -đang làm việc cho chính phủ Tây Úc, giải pháp khả dĩ nhất hiện thời là xây dựng một đường chảy tự nhiên vào hồ nước để đưa lượng muối cao trở lại. “Tuy nhiên cũng phải mất ít nhất một vài năm để muối có thể tích tụ dần, nhưng tôi tin rằng rồi hồ nước cũng hồng trở lại – ông Butler nói – Việc này tốn khá nhiều chi phí và nỗ lực từ chính phủ”.

Related posts