Trung Cộng lăm le tiếp thu Úc

Trang thời sự này không muốn nhắc chuyện Trung Cộng nữa. Nhưng không muốn cũng không được vì trong tuần qua có quá nhiều chuyện liên quan đến Trung Cộng và có ảnh hưởng mạnh lên đời sống của chúng ta. Vì vậy, thay vì viết chuyện khác, tuần này – một lần nữa – Cổ Nhuế xin phiền bạn đọc lại nhìn vào một số hoạt động ‘dơ dáy, dễ gì giấu giếm’ của nước đang muốn bá chủ thế giới nhằm lũng đoạn nội tình yên ổn của đất phương Nam . Trung Cộng lũng đoạn đất nước này đến độ cựu giám đốc tình báo Úc phải lo lắng dùng chữ ‘take over’ mà Cổ Nhuế mượn tạm chữ Việt Cộng để dịch bậy thành … ‘tiếp thu’.

Điệp viên Vương Lập Cường

Trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật tuần này, nhiều tờ báo Úc xuất bản tại Melbourne và Sydney đưa tin một cựu điệp viên Trung Cộng đã từng hoạt động tại Hongkong, Đài loan và Úc bỗng chém vè. Anh này đến Úc bằng chiếu khán du lịch, sau đó bắt liên lạc với cơ quan tình báo Úc (ASIO) và khai ra hoạt động của mình. Anh ta khai tên Wang Liqiang – 王立强, Vương Lập Cường – và dường như đang lẫn trốn ở Sydney.

Theo đó, Wang Liqiang cho biết trong năm năm qua mình đã làm việc cho mật vụ Trung Cộng tại Hongkong, Đài loan và Úc. Người đào thoát cho biết chính mình đã nhúng tay bắt cóc năm người bán sách ở Hongkong rồi lôi cổ qua Trung Cộng. Điều khiến Úc quan tâm là Wang Liqiang khai ra nhiều hoạt động của mật vụ Trung Cộng ở Úc. Đã nhiều lần chính trị gia và báo chí Úc nhắc đến một số hoạt động này. Nhưng dựa vào lời khai của Wang Liqiang, Úc phải lo lắng hơn nữa vì Trung Cộng không những mua đất, mua nhà, mua công ty, thuê mướn chính trị gia khi họ về vườn hay dùng tiền hủ hoá bọn người đang có chức… mà Trung Cộng đã tiến thêm một bước đến gần như ‘tiếp thu’ Úc. Đó là gài người vào quốc hội liên bang Úc.

Chết trong lữ quán

Từ lời khai của Wang Liqiang, người ta nhớ lại cái chết kỳ bí của một người Trung Hoa khác tại Úc. Vào tháng Ba, năm …, cảnh sát Úc tìm thấy thi thể một người đàn ông ‘có hình dáng châu Á’ chết trong căn phòng ở một lữ quán tại Mount Waverley, phía Đông Nam thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria.

Người ta đặt nhiều câu hỏi chung quanh cái chết chưa rõ nguyên do. Nạn nhân tên là Bo ‘Nick’ Zhao là một đảng viên đảng Tự Do ở Victoria hành nghề bán xe hơi hạng sang. Trước đó chừng một năm, Bo ‘Nick’ Zhao có gặp một xì thẩu Trung hoa khác. Xì thẩu này hào phóng hứa tặng $1 triệu Đô la để Bo ‘Nick’ Zhao, lúc đó 32 tuổi, ứng cử dân biểu liên bang tại đơn vị Chisholm (tiểu bang Victoria). Trùng hợp, ghế dân biểu liên bang tại Chisholm này vừa được một người gốc Trung hoa (dân biểu Gladys Liu) đắc cử. Xì thẩu kia tặng số tiền lớn ấy với điều kiện sau khi đắc cử ‘dân biểu’ Bo ‘Nick’ Zhao phải tạo ảnh hưởng của đảng Cộng sản Trung hoa lên chính trường Úc.

Sau cuộc tiếp xúc với xì thẩu kia, Bo ‘Nick’ Zhao đã báo với cơ quan tình báo Úc (thường gọi là ASIO). Người ta ngờ vì báo cho Úc hay, Bo ‘Nick’ Zhao có thể đã bị thanh toán. Cho đến nay, pháp y chưa tìm ra nguyên do khiến Bo ‘Nick’ Zhao chết và cảnh sát Úc chưa đi đến kết luận nào. Dẫu thế, nhìn vào cái chết của Bo ‘Nick’ Zhao, nghị sỹ James Paterson (người mới đây bị Trung Cộng từ chối nhập cảnh) cho rằng Trung Cộng đã xen vào nội tình nước Úc ‘trầm trọng hơn ông lo sợ’.

Từ Petrov đến Wang Liqiang

Hay tin có điệp viên Trung Cộng tố cáo nước ngoài lăm le can thiệp vào nội tình Úc, thủ tướng Scott Morrison cho biết ông ‘rất bối rối và lo lắng, deeply disturbing and troubling’. Nhưng ông lợi dụng cơ hội này để khoe chính phủ ông đã chấn chỉnh nhiều luật lệ để tránh cho nước Úc khỏi gặp nguy. Trong số này, thủ tướng kể ra việc chính phủ lập bộ nội vụ để đương đầu với tất cả đe doạ bất kỳ từ đâu đến. Rõ ràng, một điệp viên nước ngoài hô hoán đang có một nước ngoài can thiệp mạnh mẽ vào chính trường Úc sẽ là phép thử cho luật chống lại các hoạt động do thám và can thiệp của nước ngoài vào nội tình Úc. Luật này đã do quốc hội Úc thông qua vào năm 2018 dưới thời chính phủ Malcolm Turnbull.

Dầu rất bối rối và lo lắng, thủ tướng Úc từ chối trả lời những câu hỏi trực tiếp dính dáng với chuyện cựu điệp viên Wang Liqiang xin tị nạn chính trị ở Úc. Ông ấm ớ cho rằng xin tị nạn và đào thoát khỏi nhiệm vụ gián điệp là hai chuyện khác nhau. Được biết Wang Liqiang đến Úc bằng chiếu khán du lịch, rồi đào thoát và xin tị nạn. Dân biểu Andrew Hastie (người vửa bị Trung Cộng cấm nhập cảnh) kêu gọi chính phủ cho Wang Liqiang tị nạn.

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên Úc đối diện với một điệp viên Cộng sản đào thoát. Đã có nhiều. Rung rinh nước Úc một thời là điệp viên Vladimir Petrov, đệ tam tham vụ toà đại sứ Nga tại Canberra, đào thoát năm 1954. Điệp viên Nga Petrov khai ra mạng lưới tình báo của Nga đã trải rộng tại Úc. Trong số này có cả nhân viên kề cận của cựu thẩm phán tối cao pháp viện và lãnh tụ đảng Lao động H.V. Evatt. Tình báo Nga thâm nhập sâu rộng vào guồng máy hành chánh của Úc đến độ Úc phải mở cuộc điều tra đặc biệt (Royal Commission) để đối phó. Và Wang Liqiang cũng không phải là điệp viên đầu tiên của Trung Cộng đào thoát tại Úc. Vào năm 2006, một nhân viên cao cấp trong toà lãnh sự Trung Cộng tại Sydney, tên là Chen Yonglin (陈用林, Trần Dụng Lâm) đã đào thoát. Dường như người này bây giờ đang sống ở Mỹ.

Tát bùn vào mặt kẻ đào thoát

Về phía Trung Cộng, khi đọc bản tin từ những tờ báo lớn do tập đoàn Nine làm chủ – Trung Cộng dùng ngay cây gậy do ông Donald Trump khua nhiều lần. Đó là kết tội báo chí Úc đã sập vào các bẫy của bọn tung tin thất thiệt! Nhưng khi phát ngôn viên của Trung Cộng nói chưa khô nước bọt thì ông giám đốc tình báo Úc (ASIO) đã lên tiếng xác nhận: cơ quan tình báo Úc đã biết vụ này và đang điều tra. Xưa rày ASIO rất ít khi lên tiếng. Lần này ông giám đốc Mike Burgess mở miệng thì cũng là chuyện lạ.

Vì Úc xác nhận chuyện chàng Wang Liqiang đào tẩu là có thiệt, Trung Cộng quay qua chiêu bôi bẩn. Trung Cộng nói Wang Liqiang chỉ là một tên tội phạm đang bị truy nã vì gian lận. Hắn trốn chạy mạng lưới luật pháp vì đã lừa nhiều người. Cùng một lúc, đảng Cộng sản ra lệnh cho cái loa tuyên truyền Global News (Hoàn cầu Thời báo) tát bùn bẩn vào mặt Wang Liqiang. Theo đó, Wang Liqiang láo khoét (mà Úc vẫn tin). Chàng này chỉ mới 26 tuổi thì làm gì có thể giữ chức vụ quan trọng trong bộ nội vụ của Trung Cộng. Trẻ tuổi như vậy mà ‘dám’ nhận mình đã nhúng tay bắt cóc những người bán sách ở Hongkong, len lỏi vào giới sinh viên ở thành phố Cảng Thơm và khuynh đảo kết quả bầu cử năm 2018 tại Đài loan.

Bắn yểm trợ cho Hoàn cầu Thời báo, trang web của toà đại sứ Trung Cộng ở Canberra, công an Cộng sản ở Thượng hải cho rằng: anh chàng Wang này đã từng bị kết tội gian lận khi nhập cảng xe hơi vào năm 2016 và bị án treo 15 tháng. Cũng vụ này, Wang Liqiang đã cuỗm của người làm ăn chung số tiền lên đến $650,000. Vì vậy, hắn ta chạy trốn lưới pháp luật đó thôi.

Khui lại chuyện của bà Gladys Liu

Vì có người từ Trung Cộng sang Úc, đào thoát và khai Trung Cộng không những can thiệp vào nội tình Úc mà còn muốn gài người vào quốc hội liên bang Úc – quá khứ của dân biểu Gladys Liu một lần nữa bị đặt vấn đề. Canberra không hiểu tại sao bọn Cộng Hoà Cờ Đỏ (Red Flag Republic) lại nhắm đến ghế Chisholm này. Ở thủ đô liên bang Úc đang nổi lên xì xầm … chắc Úc phải gởi ngài Alexander ‘007’ Downer sang Bắc Kinh. Tới Bắc Kinh ngài 007 của Úc sẽ lân la vào quán rượu để săn tin. Nhớ lại chính ngài Alexander 007 của Úc là người đầu tiên trên thế giới biết chuyện Nga thả điệp viên bôi bẩn ứng cử viên Hillary Clinton để giúp Donald Trump thắng. Ngài 007 của Úc biết vậy đang khi uống rượu ở Luân đôn. Từ đó, Mỹ phải mở cuộc điều tra do thẩm phán Muller đứng đầu.

Nghị sỹ Kimberley Kitching (Lao động) đưa chuyện bà này không khai ra những hội đoàn ngoại vi của đảng Cộng sản mà chính bà có chân. Cùng một lúc, nghị sỹ Rex Patrick (Độc lập) kêu gọi dân biểu Gladys Liu mau mau ra một tuyên cáo làm cho rõ mình có dính dáng gì với đảng Cộng sản. Hơn nữa, theo lời nghị sỹ Patrick, dân biểu đơn vị Chisholm cần giải thích rõ ràng về món quà $100,000 bà tặng để chi phí trong cuộc vận động tranh cử trong tháng Năm vừa qua.

Vì lời khai của cựu điệp viên Wang Liqiang cho hay anh ta đã từng hoạt động tại Đài loan, nên Đài loan cũng phản ứng. Wang Liqiang khai xếp của mình ở Đài loan là Xiang Xin. Xiang Xin làm chủ công ty đầu tư có tên là China Innovation and Investment Limited. Không biết có phải trùng hợp hay không, ông Xiang Xin và vợ đã bị mật vụ Đài loan chận lại ở phi trường Đài Bắc khi hai người sắp lên máy bay. Mật vụ Đài loan cho biết hai người này bị chận lại vì ‘có liên quan đến một bản tin’. Ngược lại, cả hai ông bà chủ công ty đầu tư China Innovation and Investment Limited nói: mình không hay biết gì tin tức từ Úc cả. Hơn nữa, hai ông bà khai thêm: công ty chưa bao giờ mướn Wang Liqiang cả.

Trung Cộng muốn tiếp thu Úc

Chuyện xảy ra trong tuần qua tại Úc càng làm cho cuộc sống trong ‘hoà bình lạnh’ giữa hai nước Úc và Trung Cộng thêm lạnh. Trung Cộng vẫn là người mua hàng hoá xộp nhất của Úc. Úc đào được bao nhiêu khoán sản, nuôi được bao nhiêu trừu bò thì chở một phần ba sang Trung Cộng. Cùng một lúc, Úc nhập cảng bao nhiêu hàng hoá để tiêu dùng thì lên đến 20% từ Trung Cộng chở sang. Buôn bán rất mạnh với nhau nhưng khi có chuyện chẳng lành ở Úc thì bóng dáng Trung Cộng gần như luôn luôn thấp thoáng ở phía sau. Chưa bao giờ Úc nói thẳng tên Trung Cộng khi máy computer bị hắc, bản quyền bị ăn cắp, bí mật quốc gia bị do thám, thủ tục bầu cử tự do bị lũng đoạn, đất đai và công ty bị mua, đại học bị tố cộng tác với chính quyền đàn áp dân …

Hình như Trung Cộng đang muốn điều gì lớn lao hơn so với hãng chế sữa, trại nuôi bò, và bất động sản. Điều Trung Cộng đang sắp đặt ở phần đất phía Nam bán cầu không những là tạo một vòng vây gồm các nước châu Á và Thái Bình Dương để chặt tay chặt chưn nước Úc mà còn ‘tiếp thu, take over’ chính nước Úc. Chữ ‘take over’ do ông Duncan Lewis, cựu xếp lớn tình báo ASIO, đã dùng. Nhớ lại, Cộng sản đã từng chơi trò chơi dân chủ để quấy rồi và đi đến tiếp thu Việt Nam Cộng Hoà. Ở trong nước Việt Nam Cộng Hoà chắc là không ai lớn tiếng đòi ‘dân chủ, tự do’ cho bằng mấy ông bà ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản. Nhưng khi tiếp thu Việt Nam Cộng Hoà xong thì hai chữ ‘tự do, dân chủ’ bị người Cộng sản gọi là … con c.

Trở lại chuyện ở Úc, cựu giám đốc ASIO, ông Duncan Lewis, cảnh cáo dân Úc ‘sẽ có ngày ông bà thức dậy và thấy nhiều điều bị quyết định ở trong đất nước của chúng ta mà lại không vì quyền lợi của đất nước này, You wake up one day and find decisions made in our country that are not in the interests of our country’. Sao người ta có thể làm vậy? Xin thưa: chỉ cần gài người của phe ta ngồi vào các ghế bọc da xanh, da đỏ trong toà nhà quốc hội liên bang Úc.

Trước mối nguy bị con ngựa thành Troy chui tọt vào cơ quan quyền lực nhất tại Úc, cả hai đảng lớn (Tự do và Lao động) đều nhìn nhận mình dễ dãi khi đề cử người tranh cử. Nghị sỹ Kimberley Kitching (Lao động) đề nghị đảng minh bạch hơn về nguồn gốc số tiền dâng cúng và ứng cử viên phải công khai mình dính dáng với các tổ chức ngoại vi của nước ngoài như thế nào. Ở bên phía cầm quyền, nghị sỹ Concetta Fierravanti-Wells thẳng thừng kêu gọi Úc phải cứng rắn khi giao tiếp với Bắc Kinh. Bà nghị sỹ này vào năm 2017 đã từng gióng lên tiếng chuông cảnh cáo nước Úc bị Trung Cộng ảnh hưởng. Năm nay, bà lại đòi chính phủ Liên đảng phải bắt Bắc Kinh nhất nhất tuân theo luật lệ, tôn trọng các giá trị của nền dân chủ Úc và Úc không được khuất phục vì bất cứ thứ gì mờ ám xảy ra ở phía hậu trường kinh tế.

Đã có lúc có người thấy các ông bà nghị sỹ / dân biểu Úc cãi nhau như mổ bò nên cười ruồi mà rằng ‘Sao không thuê ngay 227 trự từ Trung Cộng qua đây. Cho chúng ngồi trỏng. Vừa rẻ. Vừa dễ bảo nữa’. Không ngờ câu cười ruồi này đang bị Trung Cộng lăm le thi hành.

Cổ Nhuế

Related posts