Việt Luận phỏng vấn Nguyễn Vi Yên, nhà hoạt động Xã Hội Dân Sự Việt Nam

Lời tòa soạn: Nguyễn Vi Yên, từ Việt Nam, đang tập sự tại văn phòng của dân biểu Chris Hayes để học hỏi về sự vận hành của một chính quyền dân chủ trong gần 3 tháng qua.
Trong thời gian qua chúng tôi được gặp Vi Yên vài lần trong những buổi tâm đàm và đây là người bạn đã để lại cho chúng tôi nhiều sự nể phục và quý mến. Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng kiến thức, tấm lòng và hoài bão của cô gái Tây Nguyên này dành cho quê hương không nhỏ chút nào.
Vi Yên sinh tại tỉnh Đắk Lắk, tốt nghiệp ngành Ngoại Thương tại Sài Gòn, từ năm 18 tuổi, cô là một trong những người thành lập nhóm “Tinh Thần Khai Minh” để tiếp nối sự nghiệp của cụ Phan Chu Trinh và cũng đang là một thành viên của tổ chức VOICE.
Trước khi Vi Yên sắp rời Úc để tiếp tục cuộc hành trình tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tự do dân chủ, Việt Luận có cuộc phỏng vấn này để chia sẻ với độc giả.

Việt Luận (VL): Chúng tôi được biết Vi Yên có mặt tại Úc hơn 2 tháng qua, tập sự tại văn phòng của dân biểu đơn vị Fowler (NSW) là ông Chris Hayes để học hỏi kinh nghiệm, Vi Yên có thể cho độc giả biết lý do chọn làm việc với Dân biểu Chris Hayes tại Úc?
Vi Yên: Thưa anh, trước khi sang Úc thực tập trong văn phòng dân biểu Chris Hayes, tôi là một thực tập sinh trong tổ chức VOICE đặt trụ sở tại Manila, Philippines. Tại VOICE, các nhà hoạt động xã hội Việt Nam được đưa ra nước ngoài để học tập các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc như về dân chủ, nhân quyền, hòng mai này trở về nước tham gia xây dựng xã hội dân sự Việt Nam.
Khi còn ở trong nước, tôi vốn là một người hoạt động trong lĩnh vực phổ biến kiến thức chính trị đến công chúng. Công việc chính của tôi là tổ chức các buổi hội thảo về khoa học chính trị, giảng dạy về nhân quyền, biên soạn các sách về dân chủ, và chuyển ngữ các tài liệu chính trị từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Thấy được niềm đam mê của tôi đối với tri thức chính trị, VOICE đã kết nối tôi với dân biểu Chris Hayes. Rất may mắn, ông Chris Hayes đã tạo điều kiện cho tôi sang Úc thực tập tại văn phòng ông trong vòng ba tháng, để tham gia trực tiếp vào chiến dịch vận động tranh cử Liên bang. Đây là một cơ hội rất đáng giá để tôi quan sát và trải nghiệm môi trường chính trị sôi nổi của nước Úc.

VL: Vào năm 2014, khi mới 18 tuổi, Vi Yên là một trong những người đã thành lập nhóm “Tinh Thần Khai Minh”. Vi Yên có thể cho biết lý do thành lập nhóm này và công việc chính của nhóm trong 6 năm qua là gì?
Vi Yên: Vào những năm mười bảy, mười tám tuổi, tôi không nghĩ ngợi quá nhiều về viễn kiến hay khát vọng cho phong trào đấu tranh của Việt Nam.
Lúc ấy, nhóm các anh chị em chúng tôi chỉ đơn thuần là những người trẻ say mê đọc sách triết học chính trị, như cuốn ‘Bàn về Tự do’ của John Stuart Mill hay ‘Khế ước Xã hội’ của Jean-Jacques Rousseau. Song chúng tôi phát hiện ra rằng sách vở trong lĩnh vực này ở Việt Nam quá ít ỏi, trong khi hầu như không có những không gian cởi mở để người trẻ cùng tham gia trao đổi, thảo luận về các vấn đề chính trị.
Sáu anh chị em trẻ tuổi chúng tôi bèn lập ra nhóm Tinh Thần Khai Minh, với phương châm “Sapere Aude! – Hãy dám nghĩ!” trong luận văn ‘Khai Minh là gì’ của triết gia Immanuel Kant. Cứ hai tháng một lần, dưới sự giúp sức của Nhà xuất bản Tri Thức do Giáo sư Chu Hảo đứng đầu, chúng tôi tổ chức các buổi hội luận, tọa đàm với những chủ đề như tinh thần tự do, các mô hình dân chủ, Hiến pháp Mỹ, v.v… Mỗi buổi hội luận như vậy thu hút từ 100 đến 200 người đến tham dự, chia sẻ, và tranh luận.
Về sau, các hoạt động hội thảo trở nên khó khăn, chúng tôi chuyển sang biên soạn sách. Những cuốn sách với tựa đề như ‘Dân chủ và Xã hội Dân sự’, ‘Luật, Hiến pháp, và Pháp quyền’ đã được xuất bản trực tuyến hằng tháng, và đến tay công chúng thông qua trang web của chúng tôi.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang dịch sách và dịch các bài báo trên Tạp chí Dân chủ (Journal of Democracy) sang tiếng Việt.
Qua gần sáu năm hoạt động, nhóm Tinh Thần Khai Minh vẫn giữ vững mục tiêu ban đầu của mình, đó là tập trung nghiên cứu về chính trị Việt Nam và đưa những tri thức khoa học chính trị đến với đông đảo công chúng.

VL: Ngoài nhóm “Tinh Thần Khai Minh”, chúng tôi còn được biết Vi Yên là người đang tích cực trong các hoạt động của Xã hội dân sự tại Việt Nam, Vi Yên có thể cho độc giả biết thêm hoạt động này của mình?
Vi Yên: Để có một cái nhìn đa chiều về xã hội Việt Nam, tôi đã chọn làm một số công việc hoạt động xã hội khác nhau với những cách tiếp cận đa dạng.
Chẳng hạn, khi tổ chức các lớp học về nhân quyền trong một nhóm các cố vấn nhân quyền, tôi có dịp làm việc với vài trăm bạn trẻ đến từ các tổ chức xã hội khác, cũng như các nhà báo, luật sư. Cách họ tiếp cận vấn đề rất thực tế, và chính họ là những người đang bắt tay vào việc tạo ra những thay đổi hàng ngày trong xã hội. Họ đấu tranh với nạn kỳ thị người đồng tính, họ kêu gọi bảo vệ môi trường ở Cát Bà, họ quay phim viết báo về thảm họa Formosa, họ vận động kêu gọi thay đổi những luật lệ bất hợp lý.
Trong khi đó, ở nhóm Tinh Thần Khai Minh hoặc ở nhóm dịch FGroup, các hoạt động học thuật đưa tôi lại gần với giới nghiên cứu và xuất bản. Những nhóm này làm việc âm thầm, song đem lại những đóng góp nền tảng rất quan trọng vào công cuộc khai dân trí. Họ dịch những cuốn sách giáo dục trẻ em của Montessori, xuất bản các tác phẩm của George Orwell, và tổ chức các nhóm nghiên cứu độc lập về nhiều vấn đề xã hội.
Song công việc đem lại cho tôi nhiều niềm vui nhất có lẽ là tham gia vào các chiến dịch vận động. Tháng Sáu năm trước, cùng với các bạn trẻ khác, chúng tôi đã lập ra nhóm Save NET, khởi xướng chiến dịch “Phản đối Luật An ninh mạng”. Sau vài tháng vận động, chúng tôi đã thu hút gần 120,000 chữ ký của người dân và 27 chữ ký của các tổ chức. Chúng tôi còn tổ chức lớp học trực tuyến, xuất bản cẩm nang về Luật An ninh mạng, và thực hiện các công việc truyền thông để người dân hiểu được tác hại mà luật này gây ra đối với quyền tự do ngôn luận.
Làm việc qua nhiều tổ chức và được gặp gỡ nhiều bạn trẻ nhiệt huyết, tôi thấy mình may mắn vì được sát cánh cùng các bạn trên con đường tranh đấu cho một Việt Nam tốt đẹp hơn.

VL: Nhiều người trong và ngoài nước đang tỏ ra bi quan về sự thờ ơ của tuổi trẻ Việt Nam trong nước đối với tình hình đất nước, Vi Yên có cùng nhận định như vậy không?
Vi Yên: Cũng như nhóm Tinh Thần Khai Minh hay Save NET, ở Việt Nam hiện nay có nhiều nhóm bạn trẻ hoạt động tích cực trong mọi lĩnh vực xã hội, như về kinh tế, môi trường, giáo dục, luật pháp. Nhờ có những người trẻ mạnh dạn lên tiếng về quyền của mình, Điều 292 của Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, Luật về Hội đã được hoãn thi hành, nhiều quyền trẻ em và quyền phụ nữ được cải thiện.
Cũng chính nhờ các nhóm hoạt động xã hội trẻ mà các nhóm người dân yếu thế trong xã hội bắt đầu có chỗ dựa để lên tiếng. Chúng ta phải thừa nhận rằng, nhìn lại hơn mười năm qua, quy mô của các cuộc biểu tình đã tăng liên tục theo thời gian, trong đó có sự tham gia đông đảo của giới trẻ.
Nhìn chung, từ kinh nghiệm hoạt động của bản thân, tôi nhận thấy rằng rất nhiều người trẻ ngày càng nhận thức rõ về các vấn đề xã hội, và bắt đầu có những hành động thiết thực để tạo ra sự thay đổi cho quốc gia.
Tuy nhiên, từ chỗ nhận thức đi đến hành động (như xuống đường biểu tình, lên tiếng phản đối, chống lại bất công) là một hành trình dài. Hành trình này đòi hỏi nhiều yếu tố, không chỉ cần đến những người trẻ mà còn là câu chuyện của mọi người dân Việt Nam nói chung.
Trong tình hình hiện nay, chính quyền gia tăng đàn áp, trong khi không có nhiều tổ chức có đường hướng hoạt động phù hợp cho người trẻ tham gia. Tôi cho rằng, với hiện trạng này, chúng ta cần thêm nhiều tổ chức đào tạo, thêm các diễn đàn hướng dẫn người trẻ về các vấn đề xã hội, trao tri thức và kỹ năng cho họ để họ tự tin góp sức một cách tích cực vào sự thay đổi cho quốc gia.

VL: Vi Yên có lạc quan là vì áp lực của quốc tế và của người dân, trong một tương lai gần chính quyền CSVN phải nhượng bộ cho phép các tổ chức Xã hội dân sự hoạt động công khai?
Vi Yên: Trong những năm gần đây, để có thể ký kết các hiệp định thương mại với các nước dân chủ tự do, Việt Nam đã buộc phải tuân thủ một số chuẩn mực quốc tế về nhân quyền.
Chẳng hạn như trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Âu châu EVFTA, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Âu châu là Bernd Lange từng khẳng định rằng: “Nếu (Việt Nam) không có tiến bộ về nhân quyền, đặc biệt là quyền của người lao động, thì Nghị viện châu Âu không thể nào phê chuẩn hiệp định này (EVFTA).” Ngay sau đó, Việt Nam đã phải cam kết rằng trong hai năm 2019-2020, Việt Nam sẽ hoàn tất phê chuẩn hai công ước lao động quan trọng là Công ước ILO số 87 và 98 của Tổ chức Lao Động Quốc tế. Đây là những công ước mở đường cho việc thành lập các công đoàn độc lập.
Trong khi đó, dưới áp lực của người dân, Luật về hội đã liên tục bị hoãn vì có quá nhiều điểm bất hợp lý, bóp nghẹt không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.
Đây là những chỉ dấu khả quan cho thấy chính quyền Việt Nam đang dần nhượng bộ trước các áp lực đến từ cả trong nước lẫn bên ngoài.
Tuy nhiên, trước cuộc thương chiến Mỹ-Trung hiện nay, chúng ta thấy được rằng đây vừa là cơ hội lại vừa là thách thức cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước.
Việt Nam nằm ngay giáp biên giới Trung Quốc, chính quyền hai nước lại cùng mang ý thức hệ cộng sản, nên chính quyền Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng và tác động từ sách lược đàn áp xã hội dân sự của Trung Quốc. Trong lúc đó, cách tiếp cận của nhiều nước Tây phương đối với Việt Nam là “phát triển trước, dân chủ sau”. Họ đầu tư và hợp tác thương mại với Việt Nam song chưa thực sự chú trọng vào vấn đề nhân quyền. Đây chính là thách thức mà các tổ chức xã hội dân sự phải đối mặt.
Song đó cũng chính là cơ hội, khi người dân chủ động lập ra các tổ chức xã hội của riêng mình để đấu tranh trước các đàn áp ngày càng gia tăng. Cùng lúc đó, khi Việt Nam ngày càng có các quan hệ ràng buộc về mặt kinh tế với các nước Tây phương, thì giới hoạt động xã hội có thể sử dụng các cơ chế nhân quyền quốc tế để vận động các quốc gia này gây áp lực lên chính quyền Việt Nam, buộc Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực nhân quyền và cơi nới không gian hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự.

VL: Chúng tôi được biết là Vi Yên sẽ rời khỏi Úc và sau đó có thể trở về Việt Nam, bạn cho biết những công việc, dự án, hoài bão… trong những ngày tháng sắp tới?
Vi Yên: Hiện tại, phát triển các nhóm nghiên cứu học thuật vẫn đang là công việc chính của tôi. Để tiến xa hơn trong công việc này, bản thân tôi phải là một người nghiên cứu chuyên nghiệp. Do vậy, tôi sẽ dành thời gian sắp tới để tập trung cho việc theo học các chương trình đào tạo Thạc sĩ.
Sau một thời gian chưa đầy hai năm học tập và làm việc tại các nước Âu châu, Đông Á, Đông Nam Á, và Úc, tôi nhận thấy con đường mình đi ngày càng rõ ràng. Bản thân tôi may mắn có cơ hội ra ngoài để quan sát thế giới rộng lớn, nhờ vậy mà tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Hoài bão của tôi là có thể đem những cơ hội tương tự như thế đến với nhiều người trẻ Việt Nam, để cùng nhau tạo nên một thế hệ những người trẻ đầy nhiệt huyết, dũng cảm, được đào tạo chuyên nghiệp, để chung tay phát triển xã hội dân sự Việt Nam, tạo ra những thay đổi đột phá cho các vấn đề chính trị – xã hội.

VL: Trước khi rời khỏi Úc, một cách ngắn gọn, Vi Yên có thể cho biết cảm tưởng sau thời gian làm việc với một dân biểu Úc và về cộng đồng người Việt tại đây?
Yến Vi: Tôi rất biết ơn ông Dân biểu Chris Hayes đã trao cho tôi cơ hội quý giá này, tôi không chỉ được trực tiếp làm việc cho cuộc vận động tranh cử của ông, mà còn được tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng người Việt nơi đây.
Qua chuyến đi gây quỹ của VOICE đầu tháng Sáu này, tôi cũng đã có dịp gặp gỡ với cộng đồng người Việt tại Úc châu từ khắp các nơi như Sydney, Melbourne, Adelaide và tới đây là Brisbane.
Tôi vui khi thấy cộng đồng người Việt ở khắp nước Úc vẫn luôn quan tâm và một lòng hướng về Việt Nam, sát cánh với những người tranh đấu ở trong nước. Tôi tin rằng chừng nào người Việt còn thương nhau và thương quê hương mình, thì chừng đó tương lai của Việt Nam còn lạc quan, dẫu rằng phía trước có nhiều khó khăn đón đợi.

VL: Cám ơn Vi Yên đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Vi Yên: Cảm ơn anh và các độc giả báo Việt Luận.

Related posts