Xung đột bãi Tư Chính Phó mặc hay kiện ra Toà Quốc tế?

Sau hơn hai tuần cấm đoán Hà Nội mới cho phép truyền thông đề cập đến hành vi lấn chiếm theo chiến thuật “vệt dầu loang” của Trung Cộng tại bãi Tư Chính, đặc biệt là khai thác công luận quốc tế, sự phản đối của các nước cũng như chính giới Tây phương đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên để chính thức hoá sự ủng hộ của công luận quốc tế này là phải kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế. Trong tình thế hiện tại, rõ ràng là Hà Nội đã hành động quá chậm chạp và cứng nhắc trước hành động “bất chấp đạo lý” và thủ đoạn tinh vi của Trung Quốc, không thể và không dám bảo vệ chủ quyền trước sức mạnh của Trung Quốc, do đó có thể đánh mất chủ quyền bất cứ lúc nào. Nhưng với phán quyết của toà án quốc tế, các thế hệ mai sau vẫn còn có một cơ sơ pháp lý để đòi lại.

Phát biểu trên BBC ngày 23.7.2019, ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Sài Gòn, chuyên về luật Quốc tế, cho biết: “Tôi được biết là mỗi lần có sự kiện như vụ Bãi Tư Chính thì chính phủ thường cho họp các cơ quan ban ngành và tìm ý kiến. Nhưng đến lúc tìm ra giải pháp thì sự việc đã xảy ra một thời gian khá lâu rồi. Trong vụ Bãi Tư Chính phải gần nửa tháng sau mới thấy Việt Nam có tiếng nói chính thức.”

Ông nhận xét rằng trong vụ Bãi Tư Chính Hà Nội đã thể hiện sự mềm mỏng nhất định nhưng nếu cứ mềm mỏng mãi mà không đưa ra “giải pháp phản ứng ngay tức thì” thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong tương lai.

Ông phát biểu: “Giải pháp ngay lúc này, theo tôi là, cần tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của quốc tế bằng mặt trận thông tin. Cần đưa các nhà báo quốc tế tới nơi xảy ra sự việc để đưa tin chân thực, sống động về tình hình nóng bỏng tại nơi này cho thế giới biết, như Việt Nam đã từng làm năm 2014 khi Trung Quốc mang giàn khoan 981 tới vùng biển Việt Nam. Song song với việc này, cần ngay lập tức kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Việc Tòa Trọng tài PCA năm 2016 tuyên bố Philippines thắng trong vụ nước này đơn phương kiện Trung Quốc đã tạo thuận lợi lớn cho Việt Nam để khởi kiện Trung Quốc. Điều mà trước sự kiện 2016 Việt Nam có thể không làm được.”

Trong khi đó thì ông James Kraska, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ, phân tích trên đài VOA rằng Trung Quốc đang hành động “bất hợp pháp” trên Biển Đông và vi phạm “nghiêm trọng” Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Ông James Kraska cũng cho rằng Việt Nam “nên kiện” Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhận định “Việt Nam hầu như là sẽ thắng.” Ông giải thích: “Phán quyết cuối cùng sẽ do chủ tịch của tòa trọng tài quốc tế về luật biển và không có ai (nước nào) ngoài Trung Quốc tin rằng những gì mà Trung Quốc đang làm là hợp pháp”.

Còn Giáo sư Jonathan Odom – chuyên về sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ – thì viết trên Twitter nhận định rằng Hà Nội “có thể dùng hầu hết phần biện hộ” của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế năm 2016 là có khả năng giành chiến thắng về mặt pháp lý.

Vấn đề là Hà Nội có dám hay không và ông viết: “Vấn đề chỉ là liệu Hà Nội có đủ ý chí chính trị để làm việc này hay không”.

Trong khi đó thì ngày 25.7.2019 trang mạng Bauxit đưa ra TUYÊN BỐ VỀ BIỂN ĐÔNG (LẦN THỨ BA), đòi hỏi nhà nước cộng sản phải hành động mạnh mẽ hơn nữa và ý thức rõ về mối đe doạ của đất nước.

Sau khi điểm lại diễn tiến quanh bãi Tư Chính, bản tuyên bô nên rõ:

“[…] Đất nước đang đứng trước tình hình rất nguy hiểm. Chiến tranh có thể nổ bất kỳ lúc nào. Nhân dân Việt Nam quyết tự bảo vệ đất nước mà không biến thành con cờ của các thế lực ngoại quốc.

Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân có tên dưới đây ra tuyên bố yêu cầu Nhà nước Việt Nam:

1. Tăng cường nội lực của đất nước làm chỗ dựa cho an ninh quốc phòng, thực hiện kế sách giữ nước của Đức Thánh Trần Hưng Đạo: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Làm tất cả những gì có lợi cho mối đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước; thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và những điều được qui định trong Hiến pháp Việt Nam. Trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, sửa các luật phản dân chủ như: luật đất đai, luật báo chí, luật an ninh mạng, ban hành luật lập hội, luật biểu tình… Tiến tới một Nhà nước Việt Nam có thể chế dân chủ pháp quyền phổ quát. Nâng cao sức chiến đấu và lòng trung thành bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân của Quân đội, đặc biệt là Hải quân, Cảnh sát biển.

2. Trong các mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại, phải hết sức cẩn trọng, đề cao cảnh giác, đặt quyền lợi quốc gia trên hết.

3. Khẩn trương đấy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ và các nước tôn trọng luật pháp quốc tế và hiện không cưỡng chiếm đất đai biển đảo của Việt Nam nhằm bảo vệ tổ quốc một cách hiệu quả.

4. Lên tiếng tố cáo trước Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, Vũng Mây… vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS). Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra các Toà án Quốc tế thích hợp.

5. Thông tin thường xuyên và kịp thời diễn biến tình hình Biển Đông cho toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới, tranh thủ sự đồng thuận của công luận cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Mặt khác, Nhà nước Việt Nam không được ngăn cản quyền công khai bày tỏ một cách ôn hoà lòng yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc của người dân Việt Nam.”

Liên quan đến hành vi của Trung Quốc, hôm thứ Bảy tuần trước (20.7.2019), Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố: “Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào hoạt động dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.”

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông John Bolton, một nhân vật ‘diều hâu’, cũng viết trên Twitter rằng hành động “có tính áp bức của Trung Quốc” đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa tới hòa bình, ổn định khu vực.

Bình luận của ông John Bolton củng cố thêm cho các nhận xét trước đó của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Trước những phản ứng này, ngày 22.7.2019 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ, cho rằng những bình luận như thế của hai giới chức cao cấp Mỹ là vô căn cứ.

Ông Cảnh Sảng nói thêm rằng Mỹ và “các thế lực bên ngoài” đang khuấy đảo vấn đề tại Biển Đông.

Họ Cảnh tuyên bố: “Đây là sự vu khống chống lại các nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), và trong việc kiểm soát đúng đắn các bất đồng. Các quốc gia và người dân trong khu vực sẽ không tin vào những lời lẽ của họ. Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ hãy chấm dứt cách hành xử vô trách nhiệm đó, và tôn trọng các nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hợp tác vì hòa bình và ổn định tại Biển Nam Trung Hoa.”

Như Việt Luận đã thông tin, tranh chấp mới nhất này bắt đầu từ ngày 3.7.2019 khi Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò địa chất vào thềm lục địa của Việt Nam. Hà Nội đã giữ im lặng cho đến ngày 16.7 mới lên tiếng, dẫu cho Trung Quốc trong hôm 12.7 đã xa gần nhắc nhở Việt Nam “nên bảo vệ hòa bình và ổn định hàng hải bằng các hành động cụ thể”, và rằng Trung Quốc “quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình” ở Biển Đông.

Liên tiếp sau đó, trong các ngày 17 và 19.7, hai nước đã cáo buộc lẫn nhau ‘vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán’ của mình ở Biển Đông, nhưng đều không nhắc tới Bãi Tư Chính.

Bãi Tư Chính, tiếng Anh là Vanguard Bank, Trung Quốc gọi là “Vạn An Than” là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông. Tại đây Việt Nam cho lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.

Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa.

Đài Loan và Trung Quốc quan niệm bãi này thuộc quần đảo Nam Sa.

Sau đây là các diễn biến gần nhất:

 3.7: Tàu thăm dò Hải dương 8 của Trung Quốc vào vùng biển gần rặng san hô gần Bãi Tư chính để “thực hiện khảo sát địa chất”.

 11.7: Nhiều báo quốc tế đưa tin về tình trang đối đầu của tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam “tại địa điểm gần một lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

 12.7: Bộ Ngoại giao Trung Quốc không xác nhận việc có tình trạng đối đầu, nhưng nói Bắc Kinh “quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình” ở Biển Đông.

 8-12.7: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình nói với bà Ngân: “Hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định hàng hải bằng các hành động cụ thể”.

 16.7: Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng: “Chủ trương của Việt Nam là kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình.”

 17.7: Trung Quốc yêu cầu Việt Nam “tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại các vùng biển có liên quan” và “không có các hành động làm phức tạp tình hình”.

 19.7: Việt Nam tuyên bố nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông

 20.7: Hoa Kỳ nói hành động của Trung Quốc “đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Mỹ yêu cầu Trung Quốc “dừng thái độ bắt nạt” đối với các nước trong khu vực.

 22.7: Trung Quốc nói Mỹ “vu khống”, và “không ai tin” những gì giới chức Mỹ nói về tình hình ở Biển Đông.

Related posts