28 cuộc đình công, ngừng việc tập thể tại Việt Nam vì lương, thưởng Tết

Việt Hưng

28 cuộc đình công, ngừng việc tập thể vì lương, thưởng Tết
Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) đình công tập thể từ ngày 7 – 12/2. (Ảnh: Fanpage Nghệ An)

Trong 6 tuần đầu năm 2022, đã có 28 cuộc ngừng việc, đình công tập thể xảy ra tại 12 tỉnh, thành. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc doanh nghiệp chi trả lương, thưởng Tết thấp.

Ngày 16/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng công nhân lao động tạm ngừng việc tập thể để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, tăng phụ cấp, giảm giờ làm, xảy ra tại nhiều địa phương như: Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An…

Trong 6 tuần đầu năm (tính đến hết ngày 12/2), trên cả nước đã xảy ra 28 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại 12 địa phương, giảm 7 cuộc so với dịp Tết Nguyên đán 2021.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể, đình công không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người lao động chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp; doanh nghiệp trả thưởng thấp hơn so với Tết 2021, điều kiện trả thưởng…

Trong số các cuộc ngừng việc tập thể dịp đầu năm, điển hình nhất là cuộc ngừng việc kéo dài 4 ngày xảy ra trước Tết Nguyên đán tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai. Cuộc ngừng việc có hơn 16.000 lao động tham gia với lý do không đồng ý việc công ty ra thông báo giảm tiền thưởng cuối năm 2021 so với năm 2020 là 30%.

Một số vụ đình công tập thể xảy ra sau Tết Nguyên đán như: 5.000 công nhân tại Công ty TNHH Viet Glory (sản xuất giày dép) tại tỉnh Nghệ An đình công tập thể từ ngày 7 – 12/2; 5.300 lao động ở Công ty TNHH Vienery (Đài Loan, sản xuất giày dép) ở Ninh Bình ngừng việc hôm 11/2…

Qua các vụ đình công tập thể, người lao động yêu cầu tăng lương cơ bản; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc COVID-19; phản ánh việc trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng…

Ngoài các nguyên nhân trên, ông Phan Văn Anh – Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN – cho hay, để xảy ra mâu thuẫn còn do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động; không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém…

Trước tình hình trên, Tổng LĐLĐVN yêu cầu tổ chức công đoàn địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết; chia sẻ, tư vấn người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động tại địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để nắm tình hình các doanh nghiệp; hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công.

Các tổ chức công đoàn địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp với Sở Lao động – Thương binh – Xã hội; Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động.

Việc rà soát nhằm có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra.

Việt Hưng

Related posts