Cập nhật tin thế giới sáng thứ Năm: Reuters: Rất khó để người bệnh tại Trung Quốc có được thuốc trị COVID Paxlovid

Reuters: Rất khó để người bệnh tại Trung Quốc có được thuốc trị COVID Paxlovid

Gói thuốc kết hợp Nirmatrelvir/ritonavir (Paxlovid) dạng uống của hãng dược Mỹ Pfizer (Ảnh: Stock for you / Shutterstock).

Paxlovid là loại thuốc trị COVID của Pfizer hiếm hoi được nhà chức trách Trung Quốc phê chuẩn. Tuy nhiên, việc tìm được loại thuốc này tại Trung Quốc không phải là chuyện dễ dàng.

Nhu cầu về thuốc quá tải

Hãng Reuters của Anh hôm 16/1 đưa tin, vào tháng 12/2022, người cha 83 tuổi của một cư dân Bắc Kinh đã bị COVID-19 và bắt đầu bị ho cùng đau nhức người, ông đã phải chạy vạy khắp nơi để tìm cách điều trị.

Gói kết hợp thuốc uống Nirmatrelvir/ritonavir (Paxlovid) của Pfizer là một phương pháp điều trị hiệu quả, nhưng bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện để được kê đơn và các bệnh viện phải có thuốc trong kho để cung cấp. Do tình trạng thiếu giường bệnh trầm trọng trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, nên rất khó tìm được giường trống để nhập viện.

Trả lời phỏng vấn hãng tin, cư dân Bắc Kinh này cho biết: “Tôi không chắc liệu Paxlovid có giúp khỏi bệnh hay không, vì khi cha tôi nhận thuốc, ông ấy đã nhiễm COVID-19 được một tuần rồi, bây giờ chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện”.

Nhưng thật không may, cha anh sau đó đã qua đời.

Hoàn cảnh mà cư dân Bắc Kinh này gặp phải cũng được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, qua đó chỉ ra vấn đề người Trung Quốc rất khó mua được thuốc uống Paxlovid của Pfizer thông qua các kênh chính thức.

Vào tháng 2/2022, thuốc uống Paxlovid của Pfizer đã được nhà chức trách Trung Quốc phê duyệt, nhưng ở Trung Quốc loại thuốc này không được sử dụng để điều trị COVID-19 cho đến khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 12/2022 sau khi chính quyền Trung Quốc hủy bỏ chính sách ‘zero COVID’.

Trong khi CEO Albert Bourla của Pfizer tuyên bố hàng ngàn liệu trình thuốc Paxlovid đã được chuyển đến Trung Quốc vào năm 2022 và trong vài tuần qua lại chuyển đến hàng triệu liệu trình, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn thừa nhận nguồn cung Paxlovid không thể đáp ứng nhu cầu của dịch bệnh tại Trung Quốc hiện nay.

Hãng Pfizer cho biết trong một tuyên bố: “Pfizer đang tích cực hợp tác với chính quyền Bắc Kinh và tất cả các cơ quan liên quan để đảm bảo rằng Paxlovid có thể được cung cấp cho Trung Quốc một cách kịp thời. Chúng tôi vẫn đang hợp tác với chính quyền Bắc Kinh để đáp ứng nhu cầu điều trị COVID-19 của người bệnh tại Trung Quốc”.

Không thể đưa Paxlovid vào bảo hiểm y tế

Reuters dẫn nguồn tin từ Nhật báo Quảng Châu cho hay, bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện United Family Healthcare ở Quảng Đông được yêu cầu trả 6000 nhân dân tệ (khoảng 891 USD) để kiểm tra sức khỏe y tế trước khi có thể chi trả 2300 nhân dân tệ (khoảng 342 USD) để mua được [một liệu trình] Paxlovid.

Bệnh viện đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Theo dự báo tháng 12/2022 của công ty dữ liệu y tế Airfinity, trong 5 tháng tới Trung Quốc sẽ cần 49 triệu liệu trình [thuốc Paxlovid] điều trị COVID-19, nhưng chỉ riêng trong tháng 1 năm nay cần hơn 22 triệu liệu trình điều trị.

Hiện nay, thuốc uống Paxlovid của Pfizer cũng có thể mua được tại Trung Quốc dưới dạng nền tảng kê đơn trực tuyến với giá 2.170 nhân dân tệ (khoảng 322 USD), nhưng thuốc thường nhanh chóng bán hết ngay khi có.

Vào ngày 8/1, Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo đàm phán giá cả với Pfizer đã thất bại, theo đó Paxlovid không thể được đưa vào bảo hiểm y tế của Trung Quốc.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Lục Tu Viễn (Lu Xiuyuan) tại nhóm “Kinh tế – Chính trị Thiên Quân” chỉ ra rằng do quỹ bảo hiểm y tế hạn chế, vì trước đó nhà chính quyền Trung Quốc đã chi cho mục tiêu xét nghiệm axit nucleic và bối cảnh nhiều người thất nghiệp, vì vậy không thể đưa thuốc vào chế độ bảo hiểm nữa. Trong tình hình Trung Quốc đang chịu cơn bão táp của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, nếu đưa Paxlovid vào bảo hiểm y tế cho mọi người thì sẽ có vấn đề với quỹ an sinh xã hội.

Ông nói rằng việc ĐCSTQ từ chối đưa Paxlovid vào bảo hiểm y tế cũng liên quan đến những cân nhắc chính trị: “Nếu Paxlovid đóng vai trò chi phối ở góc độ chuyên môn nhất định tại Trung Quốc, như vậy những lời dối trá của nhà cầm quyền Trung Quốc có thể dễ dàng bị bại lộ, hệ quả họ sẽ không thể duy trì nhiều chính sách kiểm soát liên quan bối cảnh đại dịch”.

Thiên Thanh, Vision Times

Tập đoàn Microsoft thông báo sa thải 10.000 nhân viên

(Ảnh minh họa: VDB Photos/Shutterstock)

Hôm 18/1 vừa qua, tập đoàn Microsoft đã thông báo kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm vào ngày 31/3 tới. Đây dự kiến sẽ là đợt sa thải mới nhất trong lĩnh vực công nghệ Mỹ khi nhiều tập đoàn tiếp tục thu hẹp quy mô nhân sự để vượt qua tình hình kinh tế khó khăn, theo tờ CNBC.

Cụ thể, trong một email gửi tới nhân viên, CEO Microsoft Satya Nadella cho biết rằng số người bị sa thải nêu trên tương đương gần 5% tổng số nhân viên của tập đoàn và một số thông báo sẽ được đưa ra trong ngày 18/1. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng sẽ thực hiện sự thay đổi đối với danh mục phần cứng và hợp nhất một số văn phòng cho thuê.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh công ty phần mềm nổi tiếng Mỹ đang chịu áp lực phải duy trì tốc độ tăng trưởng cho mảng điện toán đám mây Azure, sau vài quý suy thoái trên thị trường máy tính cá nhân ảnh hưởng đến doanh số bán thiết bị và hệ điều hành Windows. Hồi tháng 7/2022, Microsoft cho biết đã sa thải một số vị trí. Tháng 10/2022, trang Axios đưa tin công ty đã sa thải khoảng 1.000 nhân viên ở một số bộ phận.

Tháng 1/2023, tập đoàn Amazon cho biết có kế hoạch cắt giảm hơn 18.000 việc làm do kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và việc hãng đã tuyển dụng nhanh chóng trong thời gian đại dịch COVID-19. Kế hoạch này là lớn nhất trong các đợt cắt giảm gần đây, bao gồm cả tại các tập đoàn lớn như Meta, ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghệ Mỹ. Trong thông báo với nhân viên, Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy cho biết một số vị trí bị cắt giảm sẽ ở khu vực châu Âu và những lao động bị ảnh hưởng sẽ nhận được thông báo ngày 18/1.

Làn sóng tái cơ cấu của các hãng công nghệ lớn trở nên dồn dập và trở thành đề tài thu hút sự chú ý vào những tháng cuối năm 2022, với hàng trăm hàng nghìn nhân viên bị mất việc làm chỉ trong vỏn vẹn có vài tháng. Meta, Twitter hay Google là những “ông lớn” đi đầu trong việc cắt giảm nhân sự trên diện rộng.

Phan Anh

Getty Images kiện công ty AI vì sao chép bất hợp pháp hàng triệu bức ảnh

(Ảnh minh họa: Eric Broder Van Dyke/Shutterstock)

Hôm 17/1, hãng truyền thông của Mỹ Getty Images đã thông báo chuẩn bị kiện một công ty công nghệ vì thực hiện hành vi sao chép bất hợp pháp hàng triệu bức ảnh của hãng này để sử dụng cho công cụ nghệ thuật trí tuệ nhân tạo (AI), theo tờ The Verge.

Getty Images, còn được biết đến là kho ảnh trực tuyến, cáo buộc công ty công nghệ Stability AI vì sử dụng hình ảnh của hãng và của các đối tác với mục đích kiếm lời.

Stability AI vận hành một công cụ có tên là “Stable Diffusion”, trong đó cho phép người dùng tạo những hình ảnh kết hợp từ một số từ ngữ văn bản nhưng thường sử dụng nguyên liệu lấy từ trên mạng khi chưa được cho phép.

Hiện vấn đề bản quyền liên quan những sản phẩm này vẫn gây tranh cãi, trong đó các nhà sáng tạo và các nghệ sĩ cho rằng những công cụ trên đã xâm phạm tài sản trí tuệ của họ nhưng các công ty AI cho rằng họ đang làm theo đúng các quy định về “sử dụng bình đẳng”.

Các công cụ như Stable Diffusion và Dall-E 2 đã trở nên phổ biến trong năm 2022, nhanh chóng trở thành một xu hướng toàn cầu với những hình ảnh dựa theo phong cách của các nghệ sĩ nổi tiếng tràn ngập trên các nền tảng truyền thông xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng thu hút sự chú ý của các nghệ sĩ, các nhiếp ảnh gia và những nhà sáng tạo khác cùng các luật sư. Stability AI cũng đang đối mặt với 1 vụ kiện tập thể ở Mỹ, mới khởi động tuần trước, trong đó 3 nghệ sĩ cáo buộc công ty này vi phạm bản quyền.

Trong khi đó, Getty Images cũng đã bắt đầu các thủ tục pháp lý tại tòa án London (Anh). Trong thông báo mới, Getty Images cho rằng Stability AI đã sao chép một cách bất hợp pháp và xử lý hàng triệu hình ảnh có bản quyền của hãng. Getty Images cho biết đã từng cấp phép cho một số công ty khai thác kho hình ảnh của hãng để “huấn luyện” các công cụ AI nhưng chưa từng nhận được đề nghị nào từ phía Stability AI.

Phan Anh

Ngoại trưởng Nga: Xung đột chỉ có thể kết thúc khi Kyiv ngừng đe dọa Moscow

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: ID1974/Shutterstock)

Theo ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine chỉ có thể kết thúc khi Kyiv ngừng đe dọa Moscow. Ông cho biết thêm rằng bế tắc hiện tại dựa trên những lo ngại về an ninh của Nga, theo hãng tin RT.

Cụ thể, tại cuộc họp báo thường niên hôm 18/1 vừa qua, khi được hỏi liệu giai đoạn chiến sự hiện tại ở quốc gia láng giềng có thể kết thúc trong năm nay hay không, ông Lavrov trả lời rằng “các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt không phải là điều viển vông, không tự dưng mà có, mà được xác định bởi các lợi ích an ninh cơ bản, hợp pháp của Liên bang Nga”.

Ông nói điều này hoàn toàn phù hợp khi đề cập đến tình hình ở các nước láng giềng. Ông cho biết: “Ukraine, giống như bất kỳ lãnh thổ nào khác giáp với Nga, tất nhiên không nên đặt cơ sở hạ tầng quân sự gây ra mối đe dọa trực tiếp cho đất nước của chúng tôi”.

Giới chức Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự cho dù phải mất bao lâu. Bên cạnh việc loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, các mục tiêu bao gồm phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, cũng như bảo vệ người dân ở Donbass.

Hôm 15/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đánh giá lạc quan về tình hình chiến sự ở Ukraine. Ông cho hay rằng “mọi thứ đang tiến triển trong khuôn khổ kế hoạch của Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân”.

Bình luận của người đứng đầu Điện Kremlin được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào ngày 14/1 rằng họ đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào “hệ thống chỉ huy, kiểm soát quân sự của Ukraine và các cơ sở năng lượng liên quan”, nhắm trúng “tất cả các mục tiêu được chỉ định”.

Tuần trước, cơ quan này cũng xác nhận rằng các lực lượng của Moscow đã giành kiểm soát thị trấn Soledar chiến lược của Donbass. Thị trấn này là một phần của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, nhưng đã bị quân đội Ukraine nắm giữ từ năm 2014. DPR đã sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9/2022.

Về phần mình, Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm trong đó có yêu cầu Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine. Kyiv khẳng định không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Cuối tháng 12/2022, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho hay: “Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng con đường ngoại giao. Mọi cuộc chiến kết thúc nhờ các hành động cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán”.

Phan Anh

16 người thiệt mạng gồm Bộ trưởng Nội vụ Ukraine trong vụ trực thăng rơi gần Kyiv

Cảnh bốc cháy dữ dội ở hiện trường sau khi trực thăng rơi ở gần vườn trẻ trong khu cư dân ngoại ô Brovary gần thủ đô Kyiv. Bộ trưởng Nội vụ cùng một số quan chức Ukraine đã chết trong vụ trực thăng rơi sáng Thứ Tư 18/1. (Nguồn: Chụp màn hình Sky News)

16 người thiệt mạng, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, khi trực thăng rơi ở gần vườn trẻ trong khu cư dân ngoại ô Brovary gần thủ đô Kyiv, Reuters và nhiều hãng tin báo cáo.

Chiếc trực thăng đang chở Bộ trưởng Nội vụ 42 tuổi Denys Monastyrsky cùng 8 quan chức khác đã bị rơi lúc buổi sáng trời còn tối có nhiều sương mù và bốc cháy dữ dội gần một vườn trẻ khu vực dân cư không xa Kyiv. Tất cả đã thiệt mạng.

Ông Denys Monastyrsky. (Nguồn: Mvs.gov.ua/ Wikipedia)

Trước đó, thống đốc khu vực Oleksiy Kuleba thông báo 18 người thiệt mạng trong đó có 3 trẻ em, 29 bị thương trong đó 15 trẻ em. Nhưng vừa rồi, Kyrylo Tymoshenko, Phó chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết 16 người thiệt mạng, và 30 người bị thương trong đó có 12 trẻ em.

Cảnh sát trưởng quốc gia Ihor Klymenko cho biết Bộ trưởng Nội vụ Monastyrskyi đã thiệt mạng cùng các quan chức khác trên một chiếc trực thăng thuộc lực lượng khẩn cấp của bang.

Trong đó còn có 2 nhân vật cao cấp của Bộ. Yevhen Yenin là thứ trưởng thứ nhất, và Yurii Lubkovich là thư ký nhà nước có nhiệm vụ tổ chức công việc của Bộ. Trước khi chuyển sang Bộ Nội vụ, ông Yenin đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đại diện cho Chính phủ Ukraine ở nước ngoài.

Cố vấn Bộ Nội vụ Anton Herashchenko cho biết 3 người đó là bạn bè của nhau và là các chính khách đắc lực của chính quyền Zelensky.

“Có trẻ em và… nhân viên trong nhà trẻ vào thời điểm xảy ra thảm kịch này,” Thống đốc vùng Kyiv Oleksiy Kuleba viết trên Telegram.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Telegram rằng đây là “thảm họa kinh khủng” và “buổi sáng đen tối,” cùng với “nỗi đau không tả được thành lời.”

Hiện chưa rõ thông tin về nguyên nhân của vụ việc, cả từ phía Ukraine và Nga.

Như vậy ông Monastyrskyi, chịu trách nhiệm về cảnh sát và an ninh nội bộ Ukraine, là quan chức cấp cao nhất của Ukraine thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu cho đến nay.

Bối cảnh hiện nay, Ukraine và Nga vẫn đang giằng co ở chiến tuyến phía Đông, và đều chịu tổn thất. Chiến trường hiện vẫn xoay quanh thị trấn Bakhmut.

Các đồng minh phương Tây sẽ gặp mặt vào thứ Sáu (20/1) tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức bàn về vấn đề cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Chủ đề nổi bật tập trung vào Đức, quốc gia có quyền phủ quyết đối với bất kỳ quyết định nào của NATO gửi xe tăng Leopard của mình, vốn được quân đội khắp châu Âu trang bị và được nhiều người coi là phù hợp nhất cho Ukraine.

Vương quốc Anh, nước đã phá vỡ điều cấm kỵ của phương Tây trong việc gửi xe tăng chiến đấu chủ lực vào cuối tuần qua bằng cách hứa hẹn một đội Challenger của mình, đã kêu gọi Đức chấp thuận Báo đốm Leopard. Ba Lan và Phần Lan đã nói rằng họ sẽ sẵn sàng gửi Leopards nếu Berlin cho phép.

Thiên Đức

Related posts