Bình luận: Chỉ có nỗ lực quốc tế mới có thể chấm dứt tội ác của ĐCSTQ ở Tân Cương

Ngọc Mai

Cô Jewher Ilham, con gái của một nhà kinh tế người Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù chung thân và Sophie Richardson, giám đốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã có bài bình luận về vấn nạn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác tại Tân Cương đăng trên trang The Guar Dian.

Năm 2014, trong loạt bài phát biểu riêng với các quan chức, chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình, đã tuyên bố, ông có ý định tấn công mạnh mẽ ở Tân Cương, khu vực phía tây bắc của Trung Quốc, nơi khoảng 13 triệu người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng người Hồi giáo khác chiếm một nửa dân số. Thực tế, cái gọi là chiến dịch “tấn công mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan” kèm theo các chính sách đàn áp hàng thập kỷ đã chứng minh rõ ràng: Chính quyền Trung Quốc đang phạm tội ác chống lại loài người.

Nhà kinh tế học người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti, người đã cống hiến sự nghiệp của mình để thúc đẩy bình đẳng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, đã trở thành một nạn nhân của cuộc đàn áp [của ĐCSTQ] tại Tân Cương, với bản án tù chung thân dựa trên các cáo buộc vô căn cứ. Con gái ông, Jewher đã không gặp cha mình kể từ năm 2013. Các thành viên khác trong gia đình cô cũng không gặp ông Tohti từ năm 2017. 

Số phận của ông Tohti là một điềm báo nghiệt ngã về chiến dịch đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và những người Hồi giáo khác trên khắp Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Từ đó, chính quyền Trung Quốc đã tùy tiện bắt giữ khoảng 1 triệu tín đồ Hồi giáo nói tiếng Turk vào các trại cải tạo chính trị. Ở đó, họ chịu áp lực phải từ bỏ bản sắc văn hóa của mình. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác bị bỏ tù sau các phiên tòa giả mạo và bị đưa ra các bản án khắc nghiệt. Nhiều người bị tra tấn, bỏ tù hoặc bắt giữ bí mật. 

Ngoài những cách thức bạo lực nhằm tước bỏ nền văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn đang thực hiện một chương trình, mà theo cách nói của họ là để “tẩy sạch” tư tưởng “cực đoan” của của các nhóm người thiểu số. Hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ, người thuộc các dân tộc thiểu số nói tiếng Turk và tín đồ Hồi giáo khác đã bị cưỡng bức làm việc trong các nhà máy, nơi họ không được tự do trở về nhà. 

Khu vực Tân Cương đang ngập tràn công nghệ giám sát do chính quyền sử dụng để trừng phạt [người dân]. Sự tàn phá văn hóa, bao gồm loại bỏ ngôn ngữ, san ủi các nhà thờ Hồi giáo, phá hủy các nghĩa trang cùng với những tổn hại tâm lý sâu sắc, có lẽ sẽ không thể phục hồi. 

Trẻ em bị thể chế hóa mà không có sự đồng ý của cha mẹ, một số phụ nữ bỏ trốn khỏi Tân Cương đã chia sẻ những câu chuyện ớn lạnh về bạo lực tình dục họ phải chịu đựng trong trại giam. Năm 2017, một quan chức phụ trách tôn giáo của ĐCSTQ từng nói “Phá vỡ dòng dõi của họ, phá vỡ gốc rễ của họ, phá vỡ sự kết nối của họ và phá vỡ nguồn cội của họ” khi nói về chiến dịch đàn áp ở Tân Cương. 

Bằng chứng về những lạm dụng của ĐCSTQ đã chồng chất lên nhau, chính quyền Trung Quốc đã thử nhiều chiến lược khác nhau để bác bỏ cái gọi là “sự ác ý và rên rỉ của các thế lực thù địch”. Cách tiếp cận ban đầu của các quan chức Trung Quốc chỉ đơn giản là phủ nhận những tội ác đã xảy ra.

Khi đối diện với lời khai của những người đã bị giam giữ tùy tiện, [khi bị chất vấn về] hình ảnh vệ tinh cho thấy các trại cải tạo được xây dựng và mọc lên ở Tân Cương, ĐCSTQ đã lèo lái câu chuyện và nói rằng họ đang cung cấp chương trình “đào tạo nghề” để giúp phát triển kinh tế trong khu vực. Các quan chức chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng việc tham gia là tự nguyện và đã tổ chức các chuyến thăm cho các nhà ngoại giao, nhà báo và thậm chí các nhân vật tôn giáo. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục “ném đá” các nhà điều tra quốc tế độc lập, phủ nhận những người chỉ trích [họ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ] và tạo ra một làn sóng tuyên truyền.

Chính phủ các nước và các quan chức Liên Hợp Quốc ngày càng chỉ trích các hành động của ĐCSTQ. Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt phối hợp chưa từng có. Hàng chục chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc, cao ủy nhân quyền và tổng thư ký đã bày tỏ lo ngại về cách đối xử của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhóm như Liên minh Chấm dứt Lao động Cưỡng bức ở vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ cũng đang gây áp lực buộc các tập đoàn ngừng thu lợi từ những tội ác [lạm dụng lao động] này. Khoảng 20% ​​lượng bông trên thế giới đến từ vùng Tân Cương, tương đương với khả năng 1/5 hàng may mặc bông trên thị trường bị nhiễm độc do lao động cưỡng bức của ĐCSTQ với người Duy Ngô Nhĩ. Một số thương hiệu, chẳng hạn như Marks & Spencer và Eileen Fisher, đã chọn cách làm đạo đức bằng cách loại khu tự trị Tân Cương khỏi chuỗi cung ứng của họ.  

Các bài phát biểu năm 2014 của ông Tập không chỉ ra rằng các quan chức Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về những tội ác này, và đây là lúc các chính phủ khác và Liên hợp quốc cần phải hành động để chứng minh rằng ĐCSTQ đã sai. Nhiều chính phủ đã thúc đẩy một cuộc điều tra do Liên hợp quốc hậu thuẫn về vùng Tân Cương. Nếu Bắc Kinh tiếp tục cản trở cuộc điều tra như vậy thì các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc nên thu thập bằng chứng bên ngoài Trung Quốc. Các chính phủ cũng có thể bắt đầu điều tra trách nhiệm hình sự của từng cá nhân [trong việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ]. 

Sự lạm dụng quyền lực của chính quyền ĐCSTQ – từ việc bịt miệng các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo, phá hủy nền dân chủ của Hồng Kông, đến việc ĐCSTQ ngày càng gia tăng các nỗ lực giám sát toàn cầu – đã chứng minh rằng bộ máy cầm quyền Bắc Kinh đã bị luật pháp quốc tế bỏ qua. 

Mức độ lạm dụng với ông Tohti và rất nhiều người khác trên khắp vùng Tân Cương là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu thế giới bên ngoài không thể ngăn chặn các tội ác này sẽ chỉ khiến Bắc Kinh tự do thực hiện các tội ác chống lại loài người. Bởi vậy, chính phủ, các tổ chức quốc tế và những tổ chức bị Bắc Kinh coi là “thế lực thù địch” cần phải hành động.

Related posts