Hồi ký của một chinh nhân – Tamar Lê

Hồi còn học trò thời trung học, tôi rất thích đọc cuốn truyện Đời Phi Công của Toàn Phong (Nguyễn Xuân Vinh). Đây là một trong những sách đầu tiên nói về ‘tình yêu và cuộc đời của lính’ mà tôi mê đọc. Khi đó ông là một sĩ quan không quân đi học lái máy bay ở Pháp. Lời văn của ông rất nhẹ nhàng, lãng mạn dễ thương.

Từ ngày qua Úc học và sau đó thì làm nghề ‘gỏ đầu trẻ’ ở đaị học Tasmania gần 50 năm, tôi it khi có cơ hội đọc truyện tiếng Việt. Lý do chung là Tasmania không có sách Việt để đọc vào thời ấy, và ngày nào cũng lo viết bài nghiên cứu vì đại học với áp lực ‘publish or perish’.

Tuần rồi, để cho thời gian qua mau trong thời gian lockdown, anh Út Cao và tôi ngồi lân la chuyện trò ở quán café trong Highpoint Shopping Centre. Tôi được anh chia sẻ về những kỷ niệm của anh thời học trò ở Saigon và những ngày tháng ở quân trường và chiến trường. Tôi ngồi nghe say sưa rồi quên mất ly café đả nguội lạnh từ bao giờ.

May quá năm ngoái, anh Út Cao có gởi cho tôi cuốn Hồi ký ‘Cuộc Hành Trình Thú Vị Nhưng Có Nước Mắt’, và tôi có đọc thoáng qua .. nhưng nay, sau khi được chính anh kể chuyện đời lính của mình, nhìn ánh mắt đăm chiêu với những hoài niệm của một thời dễ yêu và dễ chết, hình như có một động lực mạnh thúc đẩy tôi ngồi cả ngày đọc lại cuốn hồi ký của anh.

Khác với chuyện tình thơ mộng và lời văn trau chuốt của Toàn Phong trong  ‘Đời Phi Công’, hồi ký của anh Út Cao nói lên những sóng gió của những ngày tháng vô định của thời học trò, quân trường, chiến trường, ngày dài trong trại tù sau 75, rồi ra tù đương đầu với thời thế và đổi thay của xã hội.

Anh Út Cao trút ra hết nỗi lòng của mình, không cần phải gò bó, đắn đo, vuốt ve trau chuốt lời văn cho cầu kỳ. Đây là cái hay nét đẹp nói lên cảm giác trung thực của anh trong ‘Cuộc Hành Trình Thú Vị Nhưng Có Nước Mắt’.

Nhìn hình của anh thời lính, đẹp trai, oai hùng, và ‘chịu chơi’, tôi đoán thế nào anh cũng được nhiều đóa hoa hồng trìu mến đợi chờ những lúc anh về phép, để rồi: 

“Ai đem cánh hoa rừng về tặng em.

Ai băng gió sương cho em đợi chờ.

Và những lúc anh về, ai kể chuyện đời lính em nghe”. (TTT)

Trong khi đọc, tôi như ‘cuốn theo chiều gió’ với những thăng trầm trong đời sống tình cảm và binh nghiệp của anh; tuy vậy tôi rất thích nét hài hước vừa dễ thương vừa đầy tình người của anh.   Phải công nhận, anh có một đời sống nội tâm rất dồi dào, dù phải đương đầu với bao nhiêu nghiệt ngã của cuộc đời.

Related posts