Xã hội nhân danh

Thái Hạo

23-6-2021

Lãnh đạo 2 nước thực hiện nghi lễ cắt băng khánh thành cụm công trình – Ảnh: N.N

Đọc thấy thông tin 300 tỉ đồng đã chi cho “cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen” vừa khánh thành tại Bình Phước mà đau xót.

Tôi có 10 năm sống ở Bình Phước, một tỉnh “vùng sâu vùng xa” nghèo khổ, thanh niên thất nghiệp, lêu lổng cờ bạc, nghiện hút đầy trong những xóm ấp. Trộm cắp như rươi, đến nỗi nhà tôi từ con cá dưới ao, con gà trong vườn, con chó trong nhà đều không thể nuôi nổi; những giò lan không sao giữ được. Tôi đi vắng, trở về đã thấy cửa nhà bị cậy tung, lấy sạch, luôn sống trong bất an và lo lắng. Người ta không phải trộm, mà công khai trộm, trộm như cướp. Việc kiến thiết xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, đảm bảo an sinh chưa bao giờ cần thiết đến thế. Vậy mà 300 tỉ đồng, 300 tỉ đồng vừa ra đi nhân danh “giáo dục thế hệ trẻ”

Ở cái đất nước này, người ta nhân danh đủ thứ. Nhân danh tình yêu, nhân danh trách nhiệm, nhân danh nghĩa vụ. Nhân danh trẻ em, nhân danh phụ nữ, nhân danh người già, nhân danh truyền thống, nhân danh văn hóa, nhân danh giáo dục, nhân danh lý tưởng. Nhân danh con cái, nhân danh học trò, nhân danh hậu thế, nhân danh nhân dân. Tất cả những cái đó mang một tên chung: đạo đức. Diễn ngôn đạo đức tràn ngập khắp nơi. “Đạo đức” trở thành thứ bị bội thực và gây sợ hãi. “Đạo đức” đe dọa tất cả và “đạo đức” chi phối tất cả. Người ta nhân danh những lý tưởng mơ hồ để khép tất cả vào một hiện tại tối tăm và một tương lai vô định.

Nhân danh, hiểu nôm na là “lấy cớ”, là “mượn lý do”. “Cớ” chứ không phải nguyên nhân, không phải động lực. Nó chỉ là cái đinh rỉ được sơn lại lấp lánh để treo những chiếc áo nhàu nhĩ to tướng, nó là một thứ mơ hồ nhưng đầy sức mạnh đe dọa và bao giờ cũng đủ “tốt đẹp” để biện minh.

Nhân danh con người nhưng bỏ quên con người; nhân danh chứ không nhân bản, không lấy cuộc sống thật sự của con người làm mục đích. Khắp trên đất nước này, đói cơm rách áo, thất nghiệp chơi bời, dịch dã hoành hành, lạc hậu thấp kém nhưng sự nhân danh càng ngày càng lớn, càng ngày càng nhiều và phủ kín như mây đen trước cơn giông tố.

Chưa bao giờ thấy kinh sợ “đạo đức” đến thế. Loại diễn ngôn đạo đức này phải biến mất, biến mất để thay bằng thứ lời nói của đời thường: ngay thẳng, giản dị và thật thà. Phải khước từ những kẻ rao giảng, phải quay lưng lại với bọn nói đạo lý. Chúng ta chỉ cần sự thật. Và sự thật.

Related posts