Tin Việt Nam sáng thứ Tư: Sài Gòn thêm 710 ca

Hiểu Minh

Thêm 1.019 bệnh nhân COVID-19 trong 24 giờ, Sài Gòn 710 ca

Zing – Theo bản tin 18h ngày 6/7, Bộ Y tế công bố thêm 500 bệnh nhân mắc COVID-19 trong nước. TP.HCM, Đồng Tháp, Bình Dương ghi nhận nhiều ca mới.

Theo bản tin của Bộ Y tế, tính từ 12h đến 18h30 ngày 6/7, Việt Nam ghi nhận thêm 500 ca mắc Covid-19 tại TP.HCM (271), Đồng Tháp (99), Bình Dương (92), Phú Yên (16), Long An (8 ), Nghệ An (3), Bắc Giang (2), Bắc Ninh (2), Hà Nội (2), Trà Vinh (2), Lạng Sơn (1), Hưng Yên (1), An Giang (1). Trong đó, 462 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng đã được phong toả.

Như vậy, cộng dồn sau 3 bản tin của Bộ Y tế, trong ngày 6/7, Việt Nam có thêm 1.019 ca ghi nhận trong nước tại Sài Gòn (710), Đồng Tháp (99), Bình Dương (92), Phú Yên (41), Long An (14), Hà Nội (12), Đồng Nai (11), An Giang (11), Hưng Yên (6), Bắc Giang (5), Thanh Hóa (4), Bắc Ninh (3), Nghệ An (3), Vĩnh Long (2), Hà Nam (2), Lạng Sơn (2), Trà Vinh (2). Trong đó, 872 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng đã được phong toả

Nhà máy 4.000 công nhân phát hiện gần 70 ca nhiễm

VnExpress – Ghi nhận 69 ca nhiễm, Công ty Hansoll Vina ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1, TP. Dĩ An, cầu cứu chính quyền địa phương vì lo ngại lây nhiễm chéo ở nhà máy.

Sáng 6/7, bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, ca nhiễm đầu tiên phát hiện ngày 30/6 tại một xưởng sản xuất. Sau đó, toàn bộ lao động được lấy mẫu xét nghiệm gộp, phát hiện nhiều ca dương tính nên nhà máy bị phong toả. Hôm qua, ngành y tế Dĩ An lấy mẫu xét nghiệm PCR cho lao động nhưng chưa có kết quả. Toàn bộ công nhân phải ăn ở, sinh hoạt tại nơi sản xuất.

“Tình huống quá bất ngờ, chúng tôi lúng túng, gặp nhiều khó khăn”, bà Yến nói và cho biết thêm trước đó nhà máy chuẩn bị khu cách ly tập trung cho các F1, rộng chừng 100 m2, nhưng hiện không đủ chỗ. Phần lớn diện tích ở nhà máy đều lắp máy móc; nhà vệ sinh, nhà tắm không đáp ứng nhu cầu công nhân ở lại.

Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Ở đợt dịch thứ tư, tính đến chiều 5/7 địa phương ghi nhận 652 ca Covid-19. Dịch xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.

Hà Nội đề nghị người dân chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết

VnExpress – Ngày 6/7, trong bối cảnh hai ngày qua, Hà Nội ghi nhận 10 ca dương tính ở Đông Anh (4 ca), Mỹ Đức (5 ca) và Hoàng Mai (một ca). Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị cơ quan chức năng và người dân “không được phép lơ là, chủ quan”.

Theo ông Dũng, hiện trên toàn quốc 55 tỉnh thành có dịch, số ca mắc ở cộng đồng lớn, nhiều trường hợp không rõ nguồn gốc. Hà Nội sau 8 ngày không ghi nhận ca mắc mới đã xuất hiện ổ dịch, nguy cơ bùng phát cao. Vì vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, chỉ ra khỏi nhà khi có việc thực sự cần thiết; khai báo y tế đầy đủ khi về từ vùng có nguy cơ.

Bỏ quy định ra vào TP. Vinh phải xét nghiệm COVID-19

Vtc – Ngày 6/7, Cơ quan chức năng Nghệ An vừa quyết định dỡ bỏ hàng loạt chốt ra vào, dỡ bỏ quy định người dân phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được ra vào TP Vinh.

Cho phép các hoạt động dịch vụ không thiết yếu tại địa bàn 5 huyện thị là Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và thị xã Cửa Lò được hoạt động trở lại. Riêng đối với địa bàn TP Vinh, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà thành phố đã đề ra tại Kế hoạch đề ra ngày 03/7.

Hàng hóa vào Sài Gòn ‘oằn mình’ vì phí xét nghiệm COVID-19

Chỉ riêng tiền xét nghiệm COVID-19 cho người từ Sài Gòn đi các tỉnh lân cận, đã khiến doanh nghiệp đưa được hàng hóa vào TP.HCM phải gánh thêm rất nhiều chi phí.

Sáng hôm qua (5/7), trên diễn đàn chăn nuôi Đồng Nai, anh T.Q.H. (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) thông tin, anh vừa đến Bệnh viện H.Nhà Bè để làm xét nghiệm COVID-19, cả tiền khám và phí xét nghiệm hết 338.000 đồng.

Kết quả ghi âm tính, nhưng có ghi chú “kết quả chỉ mang tính sàng lọc, không khẳng định”. Nếu lấy thời hạn theo quy định của Bà Rịa-Vũng Tàu là 5 ngày/ 1 giấy xét nghiệm, trong 1 tháng, người làm việc từ TP.HCM đi 2 tỉnh trên phải mất thêm 1,352 triệu đồng cho 4 lần xét nghiệm.

Tương tự, anh Phan V. Phương, thương lái tại khu vực miền Nam cho biết, anh cũng làm xét nghiệm COVID-19, để đi lại mua hàng từ miền Đông Nam bộ lên TP.HCM mỗi ngày. “TP. Dĩ An ( tỉnh Bình Dương) quy định giấy xét nghiệm chỉ 3 ngày, phí xét nghiệm tại nhiều bệnh viện huyện là 238.000 đồng, phí khám mỗi lần lấy mẫu thì mỗi nơi một giá, từ 80.000 – 100.000 đồng/lần. Như vậy, mỗi tháng cũng “bay” gần 2,5 triệu đồng. Một xe có 2 người cần xét nghiệm, 1 tháng mất thêm 5 triệu đồng. Nếu không chấp nhận tốn thì tự động nghỉ ở nhà thôi”. Tại TP.HCM, chi phí xét nghiệm nhanh tại các phòng khám tư hiện dao động từ 350.000 – 550.000 đồng/lần.

Trước đó, một loạt các tỉnh thành từ bắc vào nam đều có quy định người từ TP.HCM đến, phải có giấy xét nghiệm âm tính có giá trị trong 3 ngày kể từ ngày có kết quả. Trớ trêu là nhiều doanh nghiệp chở hàng ra tận miền Bắc với quá nhiều trạm thực hiện kiểm tra y tế… thời gian đi đường kéo dài hơn 3 ngày, xe đến nơi, nhưng tài xế không thể đưa hàng vào tỉnh được vì giấy xét nghiệm vừa… hết hạn.

Trong khi đó, quy định của mỗi tỉnh, thành lại khác nhau, chưa thống nhất. Nơi cho phép giấy xét nghiệm có thời hạn 7 ngày, nơi thì 5 ngày, có tỉnh thành chỉ cho giá trị trong vòng 3 ngày. Thậm chí, một số nhà máy còn ra yêu cầu riêng, quy định tài xế phải có giấy xét nghiệm giá trị trong vòng 3 ngày, và phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được vào lấy hàng, thật sự rất khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh kiến nghị: “Chính phủ nên đưa ra quy định, điều kiện áp dụng chung. Chống dịch là cần thiết, nhưng cứ mỗi nơi một quy định như hiện nay, thì rất khó tránh khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất”.

Related posts