Cập nhật tin COVID tại VN tối 21/7: Ra ngoài không cần thiết, phạt xong có thể đưa vào khu cách ly

Hiểu Minh

Việt Nam vượt 65.000 ca nhiễm

Straitstimes – Tính đến sáng 21 tháng 7, theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 2.787 ca nhiễm virus corona mới, trong đó Tp HCM vẫn nhiều nhất với 1.739 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 65.607 bệnh nhân và 334 ca tử vong.

Liên quan đến vaccine, Hãng tin Reuters cho biết, Việt Nam hôm 20/7 đã đạt được các thỏa thuận về chuyển giao công nghệ đối với vaccine ngừa COVID-19 của Nga và Mỹ.

Trước đó, vào tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đang xem xét đề xuất của một nhà sản xuất không được nêu tên ở Việt Nam về việc trở thành trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA.

Bộ Y tế Việt Nam cũng đang đàm phán với Nga để sản xuất vaccine Sputnik V.

TP.HCM bùng COVID-19 mạnh, Bộ GTVT tức tốc giảm đường bay để bảo vệ Hà Nội

Vietnamnet – Trong bối cảnh dịch diễn biến khó lường tại các tỉnh phía Nam đặc biệt là tại Tp HCM, Bộ GTVT đã đề xuất dừng khai thác các đường bay kết nối Hà Nội và các tỉnh phía Nam, để bảo vệ thủ đô.

Theo nội dung văn bản do Thứ trưởng GTVT ký gửi Chính phủ được báo Việt Nam Net trích dẫn, Bộ GTVT cho biết đã dừng khai thác toàn bộ các đường bay từ Hà Nội đi/đến Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo; giảm các đường bay từ TP.HCM, Cần Thơ, Phú Quốc.

Ngoài ra các cảng hàng không, sân bay khu vực phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Sáng 21 tháng 7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội công bố thêm 26 ca nhiễm mới, trong đó 23 ca là F1 của trường hợp ghi nhận trước đó và 03 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng. 

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 534 trường hợp dương tính, trong đó số ca nhiễm ghi nhận ngoài cộng đồng là 321 trường hợp.

Người dân ra ngoài khi không cần thiết, phạt xong có thể đưa vào khu cách ly

Vietnamnet – Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang, sáng 20/7, Đến nay, Kiên Giang có 193 ca mắc Covid-19, riêng trong đợt dịch này có 154 ca (68 ca nhập cảnh và 86 ca trong cộng đồng), liên quan đến 6 ổ dịch, gồm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao, An Minh, An Biên. 10/15 huyện, thành phố của Kiên Giang đã có ca dương tính nCoV.

Kiên Giang thiết lập 9 vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch với khoảng 2.113 hộ dân ở các huyện Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và TP Rạch Giá.

Theo ngành chức năng Kiên Giang, qua giám sát, ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 17/7 đến nay không phát hiện ca nhiễm mới bên trong bệnh viện. Tuy nhiên, các ổ dịch tại huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận và An Minh hiện rất phức tạp.

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch sáng 20/7, người đứng đầu tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương phải tăng cường công tác quản lý địa bàn, chỉ đạo thành lập các đội truy vết, lấy mẫu. 

Khẩn trương khoanh vùng truy vết, điều tra tìm nguồn lây ở các ổ dịch để kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Tiếp tục tuyên truyền, tăng cường tuần tra lưu động và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc đi ra ngoài không có lý do chính đáng.

“Nếu người dân không chấp hành tốt vẫn ra ngoài khi không cần thiết, sau khi xử phạt xong có thể đưa vào khu cách ly để quản lý.” Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh.

Ông Thành còn yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát hiện có, thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Tuỳ theo tình hình trên địa bàn quản lý có thể thành lập thêm các chốt kiểm soát khi cần thiết.

Tiếp tục khảo sát mở rộng thêm các khu cách ly mới và phải đảm bảo an toàn đúng quy trình, quy định.

Dịch lan nhanh ở miền Tây, Long An hơn 1.400 ca dương tính chưa cấp mã số

Tuoitre – Tính đến 18h30 ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An thông báo tỉnh này đã phát hiện 2.301 trường hợp dương tính với COVID-19 trong cộng đồng tại 15/15 huyện, thị xã thành phố. 

Chỉ tính riêng trong 24 giờ trước đó, tỉnh này đã phát hiện thêm 517 trường hợp dương tính và chỉ trong 10 ngày qua, tỉnh này đã phát hiện hơn 1.600 ca nhiễm COVID-19. 

Trong số này có 13 người tử vong, và đến thời điểm này chỉ mới có 870 trường hợp được Bộ Y tế cấp mã số bệnh nhân. Còn 1.431 ca chưa được cấp mã số.

Tại Tây Nam Bộ, còn hai tỉnh có số lượng mắc COVID-19 cao là Đồng Tháp và Tiền Giang.

Trong cùng ngày, Đồng Tháp tiếp tục phát hiện 66 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm từ ngày 24-6 tại tỉnh này đến nay là 1.441 ca (1.439 bệnh nhân đã được cấp mã số). Còn tại Tiền Giang, trong ngày phát hiện thêm 133 ca, nâng tổng số lên 1.263 ca (895 bệnh nhân đã được cấp mã số). 

‘Thư mời test nhanh tự trả phí’ ở Long An, huyện nói vận động chứ không bắt buộc

Phản ánh tới báo tuoitre, người dân ở xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết trong ngày 19-7, họ có nhận được thư mời do uỷ ban xã ban hành với nội dung mời đến địa điểm test nhanh sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ các hộ dân trên địa bàn huyện Tân Trụ.   

Tuy nhiên, trong thư mời này ghi “chi phí: test sàng lọc hộ dân tự chi trả”. 

Người dân này phản ảnh “Chi phí xét nghiệm sàng lọc khi Nhà nước thực hiện thì Nhà nước chi trả, tại sao lại bắt người dân chi trả?”.

Giải thích về sự việc trên, ông Trương Thanh Liêm – chủ tịch huyện Tân Trụ cho biết đúng là xã Bình Trinh Đông có gửi thư mời trên đến các hộ dân. “Tuy nhiên, đây là thư mời, vận động, khuyến khích người dân đi test sàng lọc để kịp thời phát hiện COVID-19 chứ không bắt buộc”.

Theo ông Liêm, thời gian qua nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Tân Trụ và để giải quyết nhu cầu cho những người cần giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2, huyện Tân Trụ đã tổ chức 11 điểm test nhanh trên toàn địa bàn huyện. 

“Đối với những người thuộc diện có nguy cơ lây nhiễm, cần truy vết để khoanh vùng chùm lây đảm bảo phòng chống dịch buộc phải lấy mẫu test nhanh thì chi phí đều do ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác sàng lọc, sớm phát hiện các trường hợp lây nhiễm trên địa bàn theo chủ trương của tỉnh, chúng tôi khuyến khích thêm mỗi hộ dân một người cũng nên đi xét nghiệm để đảm bảo mình không mắc bệnh. 

Mức giá xét nghiệm đều tuân theo quy định của Bộ Y tế và chúng tôi đều miễn phí đối với những người hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người đang công tác phòng chống dịch… và xin nhắc lại việc này chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc đối với các hộ dân. Thư mời này xem như là thông báo địa điểm test nhanh để người dân được biết”, ông Liêm nói.

Related posts