Chính quyền Trung Quốc có thể ‘phong tỏa kinh tế’ Đài Loan để bắt quốc đảo phải phục tùng
Tâm Tuệ
Chính quyền Trung Quốc đã nâng mức đe dọa đối với Đài Loan khi chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc đưa ra các biện pháp có lợi cho quốc đảo này.
Tờ Financial Times gần đây đã đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đang “xem xét nghiêm túc” việc cho phép quốc đảo này đổi tên “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc” ở Washington thành “Văn phòng đại diện Đài Loan”. Sau đó, Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ đã đăng bài xã luận cáo buộc đây là hành động đe dọa kinh tế và quân sự của chính quyền Đài Loan đối với chính quyền Bắc Kinh.
Theo đó, chính quyền Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Đài Loan.
Thời báo Epoch Times đã có cuộc phỏng vấn với ông Michael O’Hanlon về khả năng các mối đe dọa này sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần. Thành viên cấp cao và giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washington cho biết việc chính quyền Trung Quốc “phong tỏa kinh tế” là hành động khả thi nhất được thực hiện đối với Đài Loan – và hậu quả có thể đủ để làm tê liệt hòn đảo này. Theo định nghĩa, phong tỏa kinh tế liên quan đến việc cố ý làm gián đoạn nền kinh tế của một quốc gia.
Theo ông O’Hanlon, thay vì ngay lập tức hành động quân sự, chính quyền ĐCSTQ, có nhiều khả năng “tìm cách để dần dần làm tăng nhiệt độ đối với Đài Loan” bằng nhiều loại áp lực kinh tế, tâm lý và chính trị. Ông nói, một kịch bản “phong tỏa kinh tế” dễ hình dung hơn là một cuộc xâm lược có chủ đích.
Ông Dan Steiner, một đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu và chiến lược gia toàn cầu đồng ý với nhận định trên, nói rằng một cuộc tấn công kinh tế sẽ là “hành động hợp lý nhất” đối với chính quyền Bắc Kinh trong tương lai gần. Đe dọa ý chí của người dân Đài Loan để chấp nhận thống nhất với Trung Quốc đại lục là “một khái niệm được cho là đúng đắn – và áp lực kinh tế là một phần không thể thiếu trong đó”.
Ông O’Hanlon nói rằng “phong tỏa nền kinh tế Đài Loan bằng cách can thiệp vào các phương tiện hàng hải ra vào Đài Loan là một mối đe dọa đáng kể – ngay cả khi hòn đảo không bị cắt điện hoàn toàn”. Ví dụ, việc cản trở các chuỗi cung ứng toàn cầu di chuyển vào và ra khỏi Đài Loan có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường chứng khoán của họ, khiến cộng đồng nhà đầu tư rút lui và có khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế.
Trong kịch bản này, ông O’Hanlon nói rằng, chính quyền Trung Quốc “sẽ có đủ đòn bẩy đối với Đài Loan để thiết lập một số yêu cầu có thể dẫn đến một cái gì đó giống như thống nhất”.
Nhưng ông cũng lưu ý rằng ĐCSTQ đã có nhiều hành động lừa dối trên phạm vi toàn cầu. Ông nói: “Đừng ngạc nhiên khi những thứ như thuốc men và các hàng hóa khác được phép vào Đài Loan để ra vẻ nhân đạo, trong khi hành động thực sự lại trái ngược”.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng có thể thiết lập một mối đe dọa quân sự từ xa đối với Đài Loan.
Ông Steiner không tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ mạo hiểm khiến Đài Loan phải “đổ máu” nếu có một cuộc đối đầu thực sự. Đối mặt với khả năng chính phủ Hoa Kỳ tham gia để bảo vệ Đài Loan, chính quyền Trung Quốc có thể không bất chấp rủi ro để tiến hành cuộc xâm lược quân sự, ông nói.
Ông O’Hanlon không loại trừ các hình thức tấn công quân sự khác, bao gồm cả tấn công mạng hoặc tấn công tàu vận chuyển vào một thời điểm nào đó. Ông nói thêm, cả hai lựa chọn đều có thể gây trở ngại cho nền kinh tế Đài Loan.