Tin thế giới sáng thứ Ba: Tạp chí Time chọn tỷ phú Elon Musk là nhân vật của năm 2021

Tạp chí Time chọn tỷ phú Elon Musk là nhân vật của năm 2021

Phan Anh

Ngày 13/12, tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn CEO của hãng xe điện Tesla, người giàu nhất thế giới hiện nay, tỷ phú Elon Musk, là nhân vật của năm 2021.

Tỷ phú Elon Musk sinh năm 1971 tại Nam Phi. Ngoài việc điều hành Tesla, ông còn là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX, công ty phát triển chip Neuralink và công ty dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng The Boring Company.

Ngoài việc theo đuổi công việc kinh doanh chính của mình, tỷ phú Musk đang theo đuổi một hệ thống giao thông tốc độ cao được gọi là Hyperloop. Việc cổ phiếu Tesla tiếp tục tăng mạnh đã giúp giá trị tài sản ròng của tỷ phú Elon Musk vượt mốc 300 tỷ USD trên bảng xếp hạng của Bloomberg. Theo bảng xếp hạng tài sản các tỷ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index) cập nhật hôm 29/10/2021, ông Musk hiện tại có tài sản 302 tỷ USD, nhiều hơn người giàu thứ 2 thế giới là tỷ phú Jeff Bezos tới hơn 100 tỷ USD.

Ông Musk hiện cũng giàu gấp đôi các nhân vật tên tuổi khác như Bill Gates hay Mark Zuckerberg hay Lawrence Edward Page (đồng sáng lập Google).

Ngoài các phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến công nghệ và tiền điện tử, ông cũng thu hút chú ý với biểu cảm hài hước, cách đặt tên con hay kiểu tóc mới. Dù vậy, một số phát biểu trên mạng cũng khiến Musk gặp rắc rối với chính quyền Mỹ, đồng thời khiến dư luận ít chú ý tới những thành tựu của tỷ phú này.

Mới đây, CEO của Neuralink cho biết thiết bị cấy ghép não (kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo) đã được sử dụng thành công trên động vật như lợn và khỉ sẽ được thử nghiệm trên người thật vào năm 2022. Trên thực tế, nhiều người đã bày tỏ mối lo ngại rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho nhân loại, với nguy cơ thay thế con người trong tương lai. Chính ông Musk cũng từng đưa ra cảnh báo rằng công nghệ này sẽ thao túng nhân loại vĩnh viễn trừ khi chúng ta bắt đầu kiểm soát nó ngay lập tức.

Danh hiệu “Người đàn ông của năm” của tạp chí Time được các biên tập viên của tạp chí nêu tên vào cuối mỗi năm dương lịch kể từ khi thành lập năm 1927. Người phụ nữ đầu tiên được chọn là Wallis Simpson năm 1936. Truyền thống này sau đó biến đổi, không chỉ bình chọn cá nhân mà còn xét đến ảnh hưởng của các nhóm, phong trào hoặc ý tưởng có tác động lớn nhất với thế giới trong từng năm. Nó được đổi thành “Nhân vật của năm” kể từ năm 1999. Danh hiệu không hẳn là giải thưởng nhưng thể hiện sức ảnh hưởng của cá nhân hoặc những người được nêu tên tới thế giới trong năm đó.

Năm 2020, Tổng thống và Phó Tổng thống hiện tại của Mỹ, ông Joe Biden và bà Kamala Harris, là những người chiến thắng trong đề cử Nhân vật của năm của tạp chí Time. Trước đó một năm, tạp chí đã trao danh hiệu này cho nhà hoạt động sinh thái Greta Thunberg.

Danh hiệu này không nhất thiết là hình thức tôn vinh, bởi nhân vật được chọn cũng có thể do ảnh hưởng tiêu cực, ví như trường hợp của trùm phát xít Adolf Hitler từng được chọn là “Người đàn ông của năm” vào năm 1938.

Đa số người Canada ủng hộ tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022

Thanh Trúc

Hình ảnh minh họa về Olympic Bắc Kinh 2022 (ảnh: Từ video của BBC)

Theo một cuộc thăm dò mới, phần lớn người Canada ủng hộ tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 vì hồ sơ nhân quyền tai tiếng của chính quyền Trung Quốc. Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của các vận động viên tham gia tranh tài tại sự kiện thể thao này, theo Epoch Times.

Được thực hiện bởi Công ty Nghiên cứu có trụ sở tại Vancouver, cuộc thăm dò cho thấy 56% người Canada được hỏi ủng hộ tẩy chay Thế vận hội, dự kiến ​​diễn ra tại Bắc Kinh, từ ngày 4 tháng 2 đến ngày 20 tháng 2 năm 2022.

Mức độ ủng hộ cho một cuộc tẩy chay vẫn như trong một cuộc khảo sát do Research Co. thực hiện vào tháng 8, khi 2 người Canada Michael Spavor và Michael Kovrig vẫn còn bị giam ở Trung Quốc. Cả hai đã bị bắt giữ vào tháng 12 năm 2018, trong một sự kiện được nhiều người coi là sự trả đũa việc Canada bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu, theo đề nghị của Hoa Kỳ.

Chủ tịch của Research Co., Mario Canseco, cho biết, kết quả cho thấy, công chúng Canada không thay đổi quan điểm tiêu cực của họ đối với chính quyền Trung Quốc, bất chấp việc Kovrig và Spavor được thả vào tháng 9.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy, 70% người Canada lo lắng về sự an toàn của các vận động viên tham gia Olympic Bắc Kinh 2022.

Gần 3/4 số người Canada (tương đương 74%) tin rằng, các vận động viên muốn phản đối hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc trong Thế vận hội. 71% cho rằng, Ủy ban Olympic quốc tế không nên trừng phạt những người lên tiếng bảo vệ nạn nhân bị đàn áp bởi chính phủ Trung Quốc.

Các nhóm bị đàn áp bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công và người Hồng Kông ủng hộ dân chủ.

Ngày 8/12, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo, Canada sẽ cùng các đồng minh tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022. Trước đó, đại diện của Chính phủ Mỹ nói rằng Hoa Kỳ sẽ không cử bất kỳ đại diện ngoại giao nào tới sự kiện này.

Người dân Canada cũng đã tìm ra những cách khác để phản đối sự vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ và thể hiện sự ủng hộ tẩy chay Thế vận hội, với 45% số người được hỏi nói rằng, họ sẽ không xem các chương trình phát sóng về sự kiện này.

Thái độ không thiện cảm với ĐCSTQ cũng được phản ánh trong hành vi của người tiêu dùng. Theo cuộc thăm dò, tổng cộng 52% người Canada tuyên bố sẽ kiểm tra nhãn “mọi lúc” hoặc “trong hầu hết trường hợp” để xem sản phẩm mà họ mua có sản xuất ở Trung Quốc không.

Hai phần ba (hay 68 phần trăm) nói rằng, họ tránh mua hàng Trung Quốc, trong khi chỉ 32 phần trăm nói rằng, họ không bao giờ từ chối mua các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Cuộc khảo sát của Research Co. được tiến hành trực tuyến từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 12, với 1.000 người Canada trưởng thành được hỏi.

WHO cung cấp thông tin mới nhất về biến thể Omicron

Phan Minh

Theo WHO, biến thể Omicron dường như lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta. REUTERS – DADO RUVIC

Hiện biến thể Omicron đã có mặt ở 63 quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua 12/12/2021 công bố những thông tin mới về biến thể này, mặc dù các dữ liệu vẫn còn tản mạn, chưa đầy đủ.

Theo WHO, biến thể Omicron dường như lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta, vốn vẫn là biến thể gây ra hầu hết các ca nhiễm Covid-19 hiện nay trên thế giới. Omicron cũng làm cho vac-xin kém hiệu quả hơn nhưng đổi lại, các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Omicron hiện lây lan mạnh ở Cộng hòa Nam Phi, nơi biến thể Delta hiện diện không nhiều, trong khi tại Anh Quốc, Delta chiếm đa số nhưng sắp tới, có thể Omicron sẽ chiếm đa số các ca nhiễm.  

WHO chưa thể khẳng định bất cứ điều gì do chưa có được dữ liệu đầy đủ, tuy nhiên, tổ chức y tế này dự đoán rằng biến thể Omicron có khả năng hoạt động mạnh hơn biến thể Delta ở những nơi có sự lây nhiễm cộng đồng.

Các dữ liệu hiện tại cũng chưa đủ để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh do Omicron gây ra, mặc dù hiện tại các triệu chứng xuất hiện là từ “nhẹ đến trung bình” ở cả miền nam châu Phi, nơi biến thể này được phát hiện.  

Cũng có những dấu hiệu cho thấy, vac-xin có phần kém hiệu quả hơn đối với Omicron. Mặc dù vậy, các phòng thí nghiệm Pfizer và BioNTech – nơi sản xuất vac-xin Cominarty, đã khẳng định vào cuối tuần trước rằng vac-xin vẫn hiệu quả để chống lại biến thể này sau 3 mũi tiêm.  

Còn tại Pháp cũng theo báo Le Figaro trích dẫn, giáo sư dịch tễ Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Khoa học Covid-19 của Pháp không loại trừ khả năng cần tiêm liều vac-xin thứ 4 để chống lại những biến thể Covid-19 sau này có thể xuất hiện. 

Vụ Mỹ ‘‘đề nghị’’ bán tàu chiến: Hy Lạp tái khẳng định mua chiến hạm Pháp

Trọng Thành

Ảnh tổng hợp dự phóng về hạm đội Pháp vào cuối năm 2030 cho thấy một chiếc khinh hạm phòng thủ và tấn công (ngoài cùng bên trái) – loại bán cho Hy Lạp – tháp tùng theo một tàu tiếp liệu trên biển và một hàng không mẫu hạm thế hệ mới. © Rama, CC BY-SA 3.0/wikipedia

Đúng một ngày sau khi chính phủ Mỹ « bật đèn xanh » cho phép bán 4 tầu chiến cho Hy Lạp, ngày hôm qua, 11/12/2021, chính quyền Hy Lạp ra thông báo tái khẳng định sẽ mua chiến hạm Pháp.

Theo AFP, bộ Quốc Phòng Hy Lạp đã ra một thông báo cho biết “chính phủ đã quyết định”, và “các hợp đồng sẽ sớm được trình lên các cơ quan hữu quan tại Quốc Hội để chuẩn bị bỏ phiếu thông qua”.

Một nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Hy Lạp cho AFP biết thêm “thỏa thuận Pháp–Hy Lạp đang có hiệu lực và sẽ được thực thi… Đích thân thủ tướng Hy Lạp đã thông báo về việc này”. Tuyên bố của chính quyền Hy Lạp được đưa ra ngay sau tuyên bố tương tự từ phía bộ Quân Lực Pháp.

Ngày 28/09/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã long trọng ký kết thỏa thuận mua bán 3 tàu chiến trị giá khoảng 3 tỉ euro. Theo thỏa thuận này, ba khinh hạm phòng thủ và can thiệp do hãng Naval Group thiết kế và lắp ráp tại Pháp, dự kiến sẽ được giao cho Hải Quân Hy Lạp trong hai năm 2025-2026.

Cũng theo thỏa thuận này, Pháp có thể bán cho Hy Lạp thêm một chiến hạm thứ tư cùng loại. Thỏa thuận nói trên nằm trong chiến lược của nước Pháp nhằm tăng cường nền quốc phòng của châu Âu và chủ quyền của châu Âu.

Việc chính quyền Mỹ thông báo sẵn sàng bán cho Hy Lạp bốn chiến hạm có thể sử dụng cho cùng nhiệm vụ được đưa ra sau chưa đầy ba tháng vụ Anh, Úc và Mỹ bất ngờ đúc kết một thỏa thuận về tàu ngầm, phá vỡ “hợp đồng thế kỷ” mua tầu ngầm Pháp của Úc, dẫn đến khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Paris với Washington và Canberra.

Sau “khủng hoảng tàu ngầm Úc”, Mỹ và Pháp đã tìm cách hàn gắn quan hệ. Trong cuộc hội kiến cuối tháng 10/2021 tại Roma, hai nguyên thủ Mỹ, Pháp đã thông báo ý định “mở một cuộc đối thoại chiến lược về phương diện thương mại quân sự”, đặc biệt về các quyết định xuất khẩu vũ khí.

Vụ Mỹ đề nghị bán tàu chiến cho Hy Lạp lần này là hoàn toàn khác. Theo một nguồn tin từ bộ Quân Lực Pháp, chính quyền Mỹ đã thông báo trước bằng văn bản cho đồng minh Pháp về việc này, khác hẳn với vụ tàu ngầm hồi tháng 9.  Paris hoàn toàn không bị bất ngờ. Chính quyền Pháp cũng giải thích là đề nghị bán tàu chiến cho Hy Lạp của Mỹ “sẽ không đi xa hơn”.

Lãnh đạo Ngoại Giao châu Âu: Trung Quốc là thách thức chiến lược và ý thức hệ

Thùy Dương

Ngoại trưởng nhóm nước G7 họp tại Liverpool, Anh Quốc ngày 12/12/202, chụp ảnh kỷ niệm. REUTERS – POOL

Tại hội nghị các ngoại trưởng khối G7 được tổ chức ở Liverpool, Anh Quốc, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell, ngày 11/12/2021 nhận định, Trung Quốc giờ đây là một thách thức chiến lược và ý thức hệ.

Chính vì Trung Quốc đã trở thành một thách thức, cả về chiến lược và ý thức hệ, nên theo ông Josep Borrell, Liên Âu “cần phải cảnh giác, hợp lực để bảo đảm, chẳng hạn, tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông”, nơi 40% lượng hàng xuất khẩu của Liên Âu đi qua. Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu cũng nhấn mạnh, việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông là “rất quan trọng”,  là “xương sống” của nền kinh tế châu Âu.

Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị vào hôm qua, G7 cho biết các ngoại trưởng “đã thảo luận về hàng loạt vấn đề và thách thức, chẳng hạn tình hình ở Hồng Kông và Tân Cương, Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.” Các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ “quan ngại” về điều mà họ gọi là “các chính sách kinh tế cưỡng chế” của Trung Quốc.

Trang tin News 24 nhắc lại : Mặc dù Trung Quốc là đối tác lớn nhất của châu Âu về thương mại và hai bên có mối quan hệ kinh tế vững chắc, nhưng đối với Bruxelles, chính phủ Trung Quốc có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền và Bắc Kinh là “một đối thủ mang tính hệ thống”. Vào tháng 11/2021, Ủy Ban Châu Âu đã công bố một chiến lược đầu tư toàn cầu trị giá 340 tỉ đô la, với tên gọi Global Gateway, nhằm củng cố mối quan hệ bền vững với thế giới. Dự án được xem là nhằm tạo đối trọng với sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường – BRI – của Trung Quốc. 

Ngoại trưởng Đức : Nord Stream II sẽ ngừng hoạt động nếu căng thẳng Nga-Ukraina gia tăng

Thùy Dương

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và đồng nhiệm Đức Annalena Baerbock gặp song phương bên lề cuộc họp ngoại trưởng G7 tại Liverpool, Anh Quốc, ngày 10/12/2021. REUTERS – POOL

Viện dẫn thỏa thuận giữa Đức và Mỹ, tân ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tối Chủ Nhật 12/12/2021 tuyên bố, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II nối từ Nga sang Đức qua Biển Baltic sẽ không đi vào hoạt động nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraina tiếp tục leo thang.  

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã đưa ra lời cảnh báo này trên kênh truyền hình ZDF, trong bối cảnh Tây phương lo ngại về khả năng quân đội Nga tấn công Ukraina. Ngoại trưởng Đức kêu gọi các bên tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để làm giảm căng thẳng giữa Ukrain và Nga.

Thông điệp G7 gửi đến Putin

Leo thang căng thẳng quân sự giữa Nga-Ukraina là một trong những hồ sơ quan trọng được đề cập đến trong hội nghị các ngoại trưởng nhóm G7 diễn ra trong hai ngày 11 và 12/12/2021 tại Liverpool, Anh Quốc. Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới cảnh báo Nga sẽ phải gánh chịu hàng loạt hậu quả nặng nề, phải trả giá đắt nếu chính quyền Vladimir Putin tấn công quân sự nước láng giềng Ukraina. Hôm qua, tại hội nghị, các ngoại trưởng G7 đã bày tỏ tình đoàn kết để đối phó với Nga.

Trong thông cáo chung, ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật và Ý cũng như lãnh đạo Ngoại Giao châu Âu đã gửi “một thông điệp rõ ràng đến Vladimir Putin”, kêu gọi Nga “xuống thang” và “tìm kiếm các giải pháp ngoại giao”, khẳng định “đoàn kết” trong việc tố cáo việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraina và những phát biểu của Matxcơva nhắm vào Kiev. Các ngoại trưởng cũng tái khẳng định “hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.

Thái độ cứng rắn đối với Iran

Không chỉ nhắm vào Nga, hội nghị ngoại trưởng nhóm G7 còn có những lời lẽ cứng rắn với Iran. Ngoại trưởng Anh, Liz Truss, hôm qua 12/12 cảnh báo Iran sẽ chỉ còn « một cơ hội cuối cùng » để có thể thương lượng nghiêm túc nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Theo AFP, trong cuộc họp báo ở Liverpool, ngoại trưởng Anh kêu gọi phái đoàn Teheran đến đàm phán với “một đề xuất nghiêm túc” và đây là “điều quan trọng sống còn” bởi nhóm G7 “sẽ không để Iran trang bị vũ khí hạt nhân“. 

Liên Âu dự tính trừng phạt công ty Nga chuyên cung cấp lính đánh thuê

Thùy Dương

Ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu gặp nhau tại Bruxelles, Bỉ, ngày 13/12/2021. AP – Virginia Mayo

Ngoại trưởng các thành viên Liên Hiệp châu Âu hôm nay 13/12/2021 họp tại Bruxelles dự trù các biện pháp trừng phạt Wagner – công ty bán quân sự tư nhân của Nga, để đáp trả việc Wagner triển khai lính đánh thuê gây bất ổn cho châu Âu và châu Phi.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Laxmi Lota giải thích:

Cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản tại Liên Hiệp Châu Âu : các biện pháp trừng phạt này sẽ nhắm vào các cá nhân và thực thể có liên hệ với tập đoàn tư nhân Wagner của Nga.

Một nhà ngoại giao của Liên Âu khẳng định là các biện pháp nói trên nhắm vào “rất nhiều hành động bất hợp pháp” mà công ty này thực hiện ở châu Âu và châu Phi. Quyết định này đã đạt được sự đồng thuận trong cuộc họp gần đây nhất của các ngoại trưởng Liên Âu hôm 15/11 vừa qua.

Ngoại trưởng Pháp khi đó đặc biệt tuyên bố: “Có một mối đe dọa ở Mali”. Pháp đang lo ngại về việc Nga triển khai lính đánh thuê Nga ở vùng Sahel. Trong một cuộc gặp với các đại diện Nga, Paris đã cảnh báo : “Đó là điều không thể chấp nhận được”.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp cho biết là đã có rất nhiều tài liệu về những hành động tàn bạo đã xảy ra ở những nước khác mà không hề bị trừng trị. Quan chức này nêu lên trường hợp của Cộng Hòa Trung Phi. Nhiều tổ chức phi chính phủ cáo buộc Nga sử dụng nhóm Wagner và lính đánh thuê để phục vụ lợi ích của Nga ở nước ngoài, thế nhưng Matxcơva phủ nhận mọi liên hệ. 

Related posts