Nhạc sĩ Phú Quang

Nhạc sĩ Phú Quang có nhiều ca khúc bất hủ về Hà Nội

Trong hàng trăm bài hát, nhạc sĩ Phú Quang có nhiều ca khúc bất hủ về Hà Nội. Tất cả đã tạo nguồn cảm hứng cho lớp nghệ sĩ đi sau và khán giả.

Ngày 8/12, con gái của nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ ông qua đời lúc 8h45 phút cùng ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Nhạc sĩ qua đời ở tuổi 72 sau thời gian điều trị bệnh. Sự ra đi của nhạc sĩ khiến người hâm mộ, đồng nghiệp tiếc thương.

Trước khi qua đời, nhạc sĩ Phú Quang có hơn 50 năm cống hiến cho ngành nghệ thuật nước nhà với gia tài đồ sộ lên tới khoảng 600 tác phẩm. Phần nhiều trong số đó viết về Hà Nội, đặc biệt Hà Nội những ngày cuối thu, đầu đông. Nhạc sĩ từng nói ông yêu Hà Nội đến cực đoan, ưu ái Hà Nội bởi nơi đây là quê hương của ông.

Em ơi Hà Nội phố – một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Phú Quang và cũng là một trong những bài hát bất hủ về Hà Nội. Như tâm sự của nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, Hà Nội qua ngòi bút Phú Quang lung linh, huyền mặc và là tinh hoa đã tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều lớp thi nhân, nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ. Ông cùng gia đình tới Hà Nội sinh sống vào năm 5 tuổi. Ông có hơn 20 năm sinh sống tại TP.HCM. Nhạc sĩ từng theo học hệ Trung cấp kèn cor và Nhạc viện Hà Nội ngành Chỉ huy dàn nhạc. Ông công tác tại Nhà hát Giao hưởng – Hợp xướng – Nhạc Vũ Kịch từ năm 1967-1978 và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sau năm 1982.

Ngoài các ca khúc, nhạc sĩ còn sáng tác khí nhạc như Khát vọng, Tình yêu của biển, Chuyện kể về tình yêu, Câu chuyện truyền thuyết, Cõi người… Âm nhạc của Phú Quang chủ yếu là trữ tình, đậm chất tự sự. Hầu hết ca khúc có nhịp chậm rãi, mượt mà, da diết, lãng mạn với ca từ đẹp, giàu tính ẩn dụ.

Phần nhiều trong số đó viết về Hà Nội như Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ… Nhiều bài hát, ông không nhắc đích danh nhưng chỉ nghe giai điệu và những hình ảnh trong bài hát, khán giả lập tức nhận ra mảnh đất nghìn năm văn hiến mà ông kể là yêu đến cực đoan.

Hà Nội trong âm nhạc của Phú Quang không tấp nập, sầm uất. Thay vào đó, ông đưa các nhạc phẩm của mình một góc Hà Nội bình yên, lãng mạn và phảng phất những nỗi niềm, sự chiêm nghiệm, nhớ nhung da diết. Đó là một Hà Nội với “Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ”, với “Cây bàng mồ côi mùa đông”, với “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” hay “Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng”.

Phú Quang cũng là một trong những nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ thành công nhất. Có khi ông lấy trọn vẹn bài thơ, nhưng phần nhiều lấy cảm hứng, ý thơ hay tứ thơ. Nhìn chung là một sự chọn lọc tinh túy để bộc bạch những nỗi niềm, tâm sự của chính nhạc sĩ và biến lời thơ thành những giai điệu sinh động, cảm xúc.

Em ơi Hà Nội phố là điển hình trong số đó. Bài hát được nhạc sĩ phổ từ thơ của nhà thơ Phan Vũ. Trong một buổi chiều trà cùng nhạc sĩ Trần Tiến và Phan Vũ, Phú Quang xúc động khi được nghe những câu trong bài thơ. Khi ấy, Phú Quang quyết định viết một bài hát từ bài thơ và tuyên bố ca khúc sẽ nổi tiếng. Không chỉ nổi tiếng như Phú Quang đã nói, Em ơi Hà Nội phố theo nhận định của nhà thơ Phan Vũ thì đã biến bài thơ của ông trở nên lấp lánh hơn.

Phú Quang thừa nhận ông khó tính, đặc biệt với những ca sĩ hát nhạc do ông sáng tác. Ông không thích việc sai lời và càng không đồng tình với sự phá cách. Với ông, điều quan trọng là cứ hát hay, hát đúng, hát giản dị. Đương nhiên, ông cũng nói không với những ca sĩ nữ mặc hở hang.

“Có ca sĩ kia rất nổi tiếng hát nhạc của tôi, tôi rất thích. Nhưng có lần thấy cô hát trên truyền hình phá cách, tôi bày tỏ ngay là không thích. Nhạc của tôi không vặn vẹo, uốn éo được. Nếu biến báo thì có là thiên tài cũng chỉ là làm hỏng nhạc tôi mà thôi”, nhạc sĩ từng tâm sự.

Cũng bởi thế mà diva Thanh Lam từng có thời điểm than thở với Phú Quang vì không được ông đưa sang Mỹ biểu diễn.

“Tôi bảo với Thanh Lam, cháu điên quá, lúc nào cháu cũng như sốt hơn 40 độ, nếu chỉ còn 37 độ như người bình thường thì chú mời. Chú chỉ cần cháu điên 3-4 phần thôi, đừng điên đến 10 phần. Sau đó một thời gian, Thanh Lam gặp tôi và bảo Cháu chỉ còn 37 độ. Và tôi cho Thanh Lam đi cùng”, nhạc sĩ nhớ lại.

Trong ánh chớp số phận diễn ra cuối tháng 10/2019 là live show cuối cùng của nhạc sĩ. Live show này có sự tham gia của những ca sĩ đã đồng hành với nhạc sĩ suốt chặng đường âm nhạc như Ngọc Anh 3A, Thanh Lam, Tấn Minh, Minh Chuyên, saxophone Trần Mạnh Tuấn…

Với những ca khúc quen thuộc như Gửi một tình yêu, Khúc mùa thu, Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội… Phú Quang chia sẻ live show là một cuộc hồi tưởng của ông về quá khứ. Ở đây, ông tổng kết cuộc đời gắn liền với âm nhạc. Theo ông miêu tả, cuộc đời đó có những phút giây chìm đắm, ngọt ngào nhưng cũng không thiếu sự cay đắng như một ly cà phê.

Phú Quang bền bỉ với nghề. Gần như mỗi năm, ông đều có album ra mắt và thực hiện trung bình 2 live show. Có những live show của ông thậm chí tổ chức nhiều đêm liên tiếp. Phú Quang giải thích ông có hàng trăm ca khúc nên cần nhiều live show để giới thiệu hết.

Phú Quang không thể lý giải việc tại sao tổ chức live show thường xuyên, ông vẫn được khán giả ủng hộ và luôn trong tình trạng cháy vé. Nhưng có lẽ chính những rung cảm, nỗi niềm sâu đậm mà chân thành trong âm nhạc Phú Quang đã chinh phục khán giả.

Mà những cảm xúc như thế thì luôn dễ chạm vào sâu thẳm trái tim người nghe nhạc. Cũng như việc “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” đã yên nghỉ nhưng gia tài hàng trăm ca khúc bất hủ của ông sống mãi trong lòng khán giả yêu nhạc.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, chia sẻ với truyền thông ông cho biết mình đã suýt chết khi còn là trẻ sơ sinh và được một cha đạo cứu sống. Sau đó, ông chuyển lên Hà Nội lúc ông 5 tuổi, có một ngôi nhà ở phố Khâm Thiên nơi gia đình đã sinh sống 7 đời. Nhạc sĩ Phú Quang kể từ năm 13 tuổi, ông đã có thể làm câu đối nhờ thừa hưởng tình yêu văn học, nghệ thuật của người mẹ.

Sáng tác đầu tay của ông là bản Ballad Niềm Tin viết cho violoncello và piano vào năm 1967. Cũng trong năm 1967, ông tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor tại Nhạc viện Hà Nội và công tác tại Nhà hát Giao hưởng – Hợp xướng – Nhạc vũ kịch Việt Nam cho đến năm 1978.

Từ năm 1978 đến năm 1982, ông học tập và tốt nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc và sau đó làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Từ năm 1986, ông chuyển vào sinh sống tại TP.HCM và lần lượt làm việc ở Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng TP.HCM. Đến năm 2004, cố nhạc sĩ thành lập Công ty Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Phú Quang.

Cuộc đời của nhạc sĩ Phú Quang: Từng suýt chết khi còn là trẻ sơ sinh, 13 tuổi đã biết làm câu đối, cả trái tim hướng về Hà Nội

Sự nghiệp của nhạc sĩ Phú Quang gắn liền với những bài hát trữ tình viết về Hà Nội, là nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận trong suốt con đường sáng tác kéo dài nhiều thập niên của ông. Hà Nội Ngày Trở Về, Mơ Về Nơi Xa Lắm, Im Lặng Đêm Hà Nội, Tôi Muốn Mang Hồ Gươm Đi, Lãng Đãng Chiều Đông Hà Nội, Chiều Phủ Tây Hồ… Và chắc chắn phải kể đến Em Ơi Hà Nội Phố, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của cố nhạc sĩ Phú Quang.

Ca khúc phổ từ bài thơ Hà Nội Phố của Phan Vũ. Bài thơ Hà Nội Phố ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: vào tháng 12/1972, khi Hà Nội đang trải qua những ngày tháng bị bom Mỹ tàn phá nặng nề. Giữa bầu không khí đầy đau thương của Thủ đô những năm tháng chống Mỹ, những vần thơ tuyệt đẹp của Phan Vũ ra đời, vừa đượm buồn nhưng cũng ẩn chứa hi vọng.

Bẵng đi một thời gian, đến năm 1986, lúc này hòa bình đã lập lại từ lâu, nhạc sĩ Phú Quang gặp được nhà thơ Phan Vũ. Rung động trước những câu thơ trong Hà Nội Phố, cố nhạc sĩ đã viết nên tuyệt phẩm Em Ơi Hà Nội Phố. Ca khúc Em Ơi Hà Nội Phố sau này được rất nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công, có thể kể đến NSND Lê Dung, NSƯT Thanh Lam, diva Mỹ Linh, diva Hồng Nhung,…

Nói về tình yêu Hà Nội của mình, cố NS từng chia sẻ: ” Tôi yêu Hà Nội vì hai điều. Thứ nhất, Hà Nội là quê hương tôi. Tôi là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, tôi cũng thiên vị với Hà Nội. Thứ nữa, tôi là một ‘thổ dân’ của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại, với những nhủ thầm ‘phố nhỏ, đường nhỏ, có gì hấp dẫn đâu’.” Thậm chí, nhạc sĩ từng nói: “Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”.

Suốt 4 thập niên hoạt động nghệ thuật, ngoài sáng tác ca khúc, cố nhạc sĩ Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet, các bản giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hoà tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Âm nhạc của cố nhạc sĩ cũng góp phần vào sự thành công của nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam: Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười (Đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh), Ai Xuôi Vạn Lý (Đạo diễn: Lê Hoàng),…

Anh trai kế ông là nhạc sĩ Phú Ân, con gái cả của cố NS là Giảng viên Piano Nguyễn Trinh Hương (1975) đã tốt nghiệp thạc sĩ Nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky (Liên bang Nga). Cô đã kết hôn với nghệ sĩ violon nổi tiếng Bùi Công Duy (trưởng khoa Dây học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Từ năm 2008, nhạc sĩ Phú Quang trở về Hà Nội, mảnh đất mà ông dành cho một tình yêu đến ám ảnh. Hồi tháng 3/2021, nhạc sĩ Phú Quang được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để điều trị vì biến chứng của bệnh tiểu đường. “Thời gian qua, sức khỏe của ông yếu, phải thở bằng máy. Hiện các bác sĩ tại đây đang thử tập cai máy thở cho ông. Vì tuổi cao nên thời gian phục hồi của ông khá lâu”, gia đình nhạc sĩ Phú Quang thông báo.

Bà Trịnh Anh Thư, vợ của cố nhạc sĩ, chia sẻ với truyền thông trong thời điểm đầu năm 2021 cho biết nhạc sĩ Phú Quang cứ vài tháng lại phải vào viện điều trị 1 lần. Được biết, nhạc sĩ Phú Quang mắc bệnh tiểu đường hơn 30 năm. Vào tháng 5/2020, ông phải nhập viện điều trị ở phòng hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Năm 2020, ông từng nhập viện dài ngày trong tình trạng nguy kịch.

Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn miệt mài làm việc cho đến tận những năm tháng cuối đời. Nhạc sĩ đôi lúc đãng trí những việc thường nhật, nhưng nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Ông vốn không thích ai hát sai lời, nhạc của mình.

Nhiều người ví von, trong số những nghệ sĩ tạo nên linh hồn và âm thanh của Hà Nội, hội họa có Bùi Xuân Phái, còn âm nhạc có Phú Quang. Ngày hôm nay, người con ưu tú và đầy nặng lòng với Hà Nội đã vĩnh viễn ra đi, để lại trong lòng người ở lại niềm tiếc thương vô hạn.

Related posts