Lò gạch hoang – Truyện ngắn

Lò gạch hoang

Ông nội tôi làm nghề bốc thuốc gia truyền. Nghe nói nghề bốc thuốc có từ thời cụ tổ của dòng họ tôi. Cụ tổ ngày xưa nghèo đi ở cho một gia đình người Tàu. Gia đình họ trải nhiều đời làm thầy lang danh tiếng khắp vùng, sau này con cháu sang nước Việt vẫn giữ được nghề của tổ tiên truyền lại. Thấy cụ tổ tôi thông minh sáng dạ, lại thật thà, chất phác, giàu lòng thương người nên họ truyền nghề để sau này kiếm kế sinh nhai.

Trải qua nhiều đời, tới ông nội tôi vẫn giữ được nghề gia truyền. Khắp vùng đều nghe danh tài đức của ông tôi. Không những chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo, mà gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn ông đều dang tay cứu chữa, có khi không lấy tiền thuốc. Ông thường bảo nghề bốc thuốc không phải để làm giàu, mà đem tài năng của mình cứu người. Bất cứ hoàn cảnh nào, trong khả năng của mình đều phải hết lòng chữa trị, như thế mới là một lương y.

Không giàu sang về vật chất, nhưng ông tôi giàu tình người, khắp vùng ai ai cũng quý mến, kính trọng. Con cháu học gương ông đều hiếu nghĩa, ngoan hiền. Làng trên, xóm dưới luôn lấy gia đình ông tôi làm gương răn dạy con cháu.

Năm ấy ông tôi đã hơn 80 tuổi. Già yếu nên việc bốc thuốc dần chuyển sang cho bố tôi làm. Chỉ những bệnh tình hiểm nghèo khó chữa lắm ông mới trực tiếp bắt mạch, cắt thuốc.

Bố tôi là con cả, nên ông bà ở chung với gia đình tôi. Nhà tôi 5 gian, rộng rãi, ông chọn gian cuối bên trái làm nơi uống trà, đọc sách.

Một buổi tối nọ ông thức rất khuya, do mới mượn được một quyển sách đông y quý hiếm, nên ông miệt mài đọc quên cả thời gian.

Bỗng ông nghe ngoài ngõ có tiếng chó sủa liên hồi, ông cất tiếng gọi bố tôi:

– Quang con ra ngoài xem, có chuyện gì mà chó sủa dữ vậy.

Bố tôi đang ngủ, choàng dậy cầm chiếc đèn bão đi ra cổng, lát sau quay vào:

– Không có gì bố ạ, chắc có người đi ngang qua nên chó nó sủa hóng vậy thôi. Khuya rồi bố đi ngủ thôi.

– Sách hay quá, để bố đọc nốt vài trang này rồi nghỉ. Nể lắm người ta mới cho mượn đấy – Ông tôi vừa nói vừa cắm cúi ghi chép những ý hay cần lưu lại.

Một chặp sau, chó lại sủa dồn lên như thể chúng xua đuổi người hoặc vật gì đó đang vào cổng nhà tôi.

Bố tôi bực mình vội bật dậy cầm gậy khua bầy chó, bắt mỗi con nằm một góc:

– Không có gì cả mà cũng sủa om lên, nằm im hết nào – Bố tôi cáu kỉnh quát lũ chó.

Nằm im được độ 10 phút, chúng lại đồng loạt nhổ dậy xông ra cổng, cắn rát rạt, gầm gừ dữ dội hơn lần trước.

Ông tôi cau mày, đặt quyển sách xuống, tay cầm đèn, tay chống gậy bước ra sân. Ông thấy loáng thoáng có bóng người ngoài cổng.

– Thằng Quang mắt mũi thế nào không nhìn ra, rõ ràng có người chó nó mới sủa – Ông lẩm bẩm một mình.

Tiến lại gần cổng, ông giơ đèn lên, thì ra là một bà lão, mặc áo gụ, vấn khăn mỏ quạ trên đầu, gật đầu lễ phép chào:

– Chào thầy ạ.

– Chào bà – Ông tôi đáp – Đêm hôm khuya khoắt thế này, bà đến đây chẳng hay có việc gì thế.

– Thưa thầy, chẳng là con dâu tôi bị bệnh cả mấy ngày nay, chữa chạy đủ loại thuốc mà chả bớt. Tối nay nó đau dữ quá, tôi liều đến gõ cửa kêu cầu thầy nhủ lòng thương mà cứu lấy cháu nó.

Làm thầy thuốc nhiều năm, ông tôi đã gặp nhiều những trường hợp nguy cấp, nửa đêm, gà gáy họ vẫn tới gõ cửa kêu cầu như thế này. Chẳng quả giờ giấc, đường xa, ông tôi xách tráp đi ngay. Giờ tuổi cao, nhưng trường hợp đêm hôm thế này ông thường sai bố tôi đi thay.

– Được rồi, để tôi gọi cháu Quang dậy, theo bà tới nhà.

Bà lão ngần ngừ rồi nói:

– Cháu nó bệnh hiểm nghèo chắc phải thầy cứu mới qua khỏi. Mong thầy rủ lòng thương giúp cháu nó một phen. Gia đình tôi cả đời không quên được ơn này.

Ông tôi cười xòa:

– Cháu Quang bốc thuốc cũng mát tay, chẳng kém gì tôi, bà cứ yên tâm. Tôi giờ già yếu, đi lại khó khăn lắm.

– Cháu nó nghe tiếng thầy từ lâu, chỉ mong được gặp thầy. Thầy cố gắng giúp với ạ, nhà tôi cũng gần đây thôi.

Ông tôi thoáng chút tần ngần, nhưng nghĩ gần đây thì mình có thể cố đi được. Cứu người là quan trọng, người ta khẩn khoản như thế, lẽ nào mình làm nghe.

– Bà đợi tôi một chút – Nói xong ông vào nhà sửa soạn một số vật dụng, rồi quay ra đi theo bà lão.

Đường làng vắng lặng, nhà ven đường đều đã tắt đèn đi ngủ, bóng bà lão bé nhỏ, còng lưng tập tễnh đi phía trước, ông cầm đèn bão và tráp bước theo sau.

Vòng vèo qua sân đình, ao làng tiến thẳng ra cánh đồng. Chợt bà lão dừng lại chỉ tay về phía trước.

– Nhà có ánh đèn là nhà tôi đấy ạ.

Ông nhìn theo hướng tay chỉ, thấy xung quanh đồng lúa rộng lớn, có một ngôi nhà còn đang thắp đèn.

Đi thêm một đoạn thì tới. Ngôi nhà gạch 3 gian khá bề thế, cửa nhà mở toang, bên trong 2 đèn được thắp sáng trưng, soi rõ một người thanh niên đang ngồi mép giường, bên cạnh một phụ nữ quấn chăn, gương mặt tái nhợt.

– Hai vợ chồng nó đang chong đèn đợ thầy đấy ạ – Bà lão vừa nói vừa đẩy cửa rộng ra – Cháu nó là con trai tôi, từ ngày vợ bị bệnh nó cứ phải trông nom suốt đêm như thế, tội lắm.

Ông tôi nhìn quanh một lượt. Nhà này ước chừng xây cũng khá lâu, nhưng đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, tinh tươm. Nhìn trang phục ăn mặc, tranh treo tường, vật dụng trong nhà chứng tỏ gia chủ cũng thuộc hàng khá giả. Nhưng sao không ở trong làng mà ở ngoài đồng như thế này.

Bất giác người con gái rên khe khẽ.

– Em ráng chịu thêm tí nữa, có thầy Quân tới rồi, thầy giỏi nức tiếng vùng này, em yên tâm đi – Tiếng người chồng nhỏ nhẹ vỗ về.

Ông tôi vội vàng nắm tay bắt mạch cho cô gái. Độ chừng vài phút ông tươi cười bảo:

– Bệnh này đơn giản thôi, do nhà mình vội vàng cho cháu uống lung tung nhiều thứ thuốc quá, không đúng bài nên nó phát ra nặng thêm thôi. Tôi cắt tạm ba thang, uống trong ba ngày là bớt. Sau này cứ hầm gà với thạch thất, cho cháu ăn đều là hồi phục.

Cắt thuốc xong, bà lão lại dẫn đường đưa ông tôi về tận cổng mới lễ phép cảm ơn rồi ra về.

Vài tháng sau không thấy bà lão đó quay lại. Ông tôi chắc mẩm bệnh con dâu bà ấy đã khỏi rồi.

Một tối trăng rằm, ông kê chõng tre ra sân ngắm trăng uống trà, thỉnh thoảng bật một vài hơi điếu cày, nhả khói mơ màng. Gió từ sông thổi vào phe phẩy các tàu lá chuối.

– Vào ngủ đi ông, khuya rồi – Bà tôi từ trong nhà nói vọng ra.

– Trăng hôm nay đẹp quá, trời trong vắt không một gợn mây, tôi ngắm mươi phút nữa rồi vào.

Đêm trăng sáng nào ông cũng ngắm trà thưởng nguyệt như vậy. Những lúc ấy ông ngẫm nghĩ viết một vài tứ thơ. Thơ làm ông khá hay, thường được đọc trong các buổi sinh hoạt người cao tuổi của làng.

Bỗng ông thấy tiếng chó lao xao ngoài đầu hẻm, rồi dồn dần vào ngõ. Ông nhác thấy từ xa có bóng người thập thò ngoài cổng.

– Ai đấy, đợi tôi ra mở cổng – Ông đánh tiếng.

– Chào thầy – Tiếng một bà lão cất lên.

Thì ra là bà lão hôm nọ, dẫn ông về nhà chữa bệnh cho con dâu.

– Mời bà vào nhà uống nước, chẳng hay khuya khoắt thế này bà đến đây có chuyện gì?

– Cảm ơn thầy, khi khác ạ. Giờ con dâu tôi nó bị đau, mong thầy rủ lòng thương cắt cho cháu vài ấm thuốc.

– Cháu nó lại tái phát bệnh cũ à?

– Không ạ, nó bị trượt chân trên bờ ruộng trật khớp, sưng tím cả bàn chân không đi lại được.

Tần ngần một hồi ông tôi bảo:

– Để sớm mai tôi cho cháu Quang sang nhà nắn khớp, giờ cũng khuya lắm rồi bà ạ.

– Cháu nó đau nhức cả tuần nay rồi. Nó không chịu đựng được nữa, buộc tôi phải tới cầu cạnh thầy. Mong thầy cố gắng giúp tối nay, nó đau nhìn xót, tội nghiệp lắm ạ.

Nhìn bà lão khẩn khoản, lo âu, ông tôi thấy thương tình gật đầu đồng ý.

Đi theo bà lão loanh quanh một hồi cũng tới nơi. Cảnh nhà vẫn như lần trước. Người chồng ngồi bên cạnh luôn miệng an ủi, động viên vợ. Chân con dâu bà ấy để lâu đã sưng to, máu tụ tím ngắt. Ông nắn lại khớp, đắp thuốc cho tan máu bầm.

– Cho cháu nằm, giữ nguyên vị trí bàn chân như tôi đã nắn, hạn chế đi lại. Độ 3 ngày nữa tôi sẽ đến đắp thuốc khác cho cháu.

Bà lão và con trai rối rít cảm ơn, biếu ông 1 con gà luộc, kèm theo 1 xấp tiền. Ông tôi xua tay:

– Thuốc này có sẵn hái ở vườn, không phải tiền nong gì đâu.

– Thầy cứ cầm lấy, đây là tấm lòng của mẹ con tôi cảm tạ thầy. Đêm khuya mà thầy vẫn nhọc công tới nhà là phúc đức cho gia đình tôi lắm ạ.

Từ chối năm lần bảy lượt không được, ông đành phải nhận cho họ vui.

Bà lão lại dẫn đường đưa ông về nhà, tới nhà thì gà đã gáy sang canh hai.

Từ ngày chuyển việc thăm khám, cắt thuốc cho bố tôi ông có thời gian rảnh rỗi hơn. Hôm nào không đi tìm cây thuốc thì ông lại sang sân đình đánh cờ, uống trà với mấy cụ cao tuổi.

Một buổi ông chơi cờ với cụ Từ Thúy, mải đánh tới tối mịt vẫn chưa về. Sự nhớ hôm nay đã được 3 ngày, cần thay thuốc cho con dâu bà lão tới nhà hôm nọ, ông bảo:

– Tối nay tôi phải đi thay thuốc cho người ta, xin phép cụ hôm khác chơi tiếp vậy.

Cụ Từ Thúy đang say sưa ván cờ dang dở, chưa muốn nghỉ:

– Những việc ấy thầy cứ để thằng Quang nó làm đi, có tuổi rồi, nghỉ ngơi, vội vàng chi.

– Khổ nỗi nhà này họ cứ một mực đòi tôi phải trực tiếp cắt thuốc mới yên tâm. Thôi thì họ đã nhờ, từ chối cũng không tiện.

– Vậy thầy đi sớm rồi lại nhà tôi chơi tiếp, thằng con rể mới biếu ấm trà ngon lắm, cụ qua thưởng thức xem sao.

Ông tôi sực nhớ ra cả hai lần qua nhà bà lão đều đêm khuya, giờ chẳng nhớ rõ lối đi.

– Tôi phải đợi người ta tới dẫn đường, chẳng biết giờ nào, không dám hẹn với cụ.

– Ô hay, làng này nhà nào, ngõ nào cũng thông thuộc hết, sao thầy lại không tự đến cho nhanh.

– Nhà họ ở ngoài cánh đồng, lối ấy tôi cũng chẳng rành.

Cụ Từ Thúy nheo mắt đăm chiêu:

– Làng ta làm gì có nhà nào ngoài đồng nhỉ, lạ thật. Nhà tôi ngay rìa đồng có nhà nào sao tôi lại không biết.

– Thú thật với cụ việc đồng áng từ trước tới giờ, con cháu nó làm, tôi chẳng mấy khi ra đấy. Nên tôi cũng không rành. Tối hôm đó quả thật bà lão có con dâu bị bệnh dẫn đi lòng vòng tôi không nhớ lối.

– Không thể thế được, chắc thầy nhầm lẫn thế nào thôi, làng ta cả 2 cánh đồng không có chỗ nào có nhà ở ngoài ấy cả. Mà thầy qua đồng Mả hay đồng Miếu?

Làng tôi có 2 cánh đồng, phía sau đình làng là đồng Mả, cánh đồng dưới chân núi Tiên là đồng Miếu.

Tên 2 cánh đồng có từ lâu đời, đồng Mả gần bãi nghĩa địa của làng, đồng Miếu có ngôi miếu thờ thành hoàng làng. Có lẽ vì thế mà các cụ ngày xưa đã đặt tên đồng làng như vậy.

Ngẫm nghĩ một hồi ông tôi bảo:

– Đồng mả cụ ạ, đêm tối tôi vẫn thấy lờ mờ mồ mả trong bãi tha ma làng ta.

Cụ Từ Thúy đập tay xuống bàn:

– Nhà tôi gần đồng Miếu, đồng Mả thì hơi xa nhưng thằng Huấn con tôi nó ở gần đó, ngày nào tôi chả ghé qua thăm cháu nội, không hề có nhà nào ở đấy cả. Đêm tối thầy hoa mắt nhìn nhầm chăng?

Nghe cụ Từ Thúy khẳng định chắc nịch như đinh đóng cột như vậy, ông tôi chợt thấy hoang mang. Ông tôi say sưa nghề bốc thuốc, chẳng mấy khi quan tâm đồng áng nên không rành đồng Mả, đồng Miếu có nhà dân ở hay không. Nhưng mà rõ ràng nhà cửa thế, nhìn nhầm thế nào được.

– Này, có khi nào thầy chữa bệnh cho ma không đấy – Cụ Từ Thúy thì thầm – Đồng Mả là nhiều ma quỷ lắm, nhiều người thấy rồi.

– Mả quỷ gì đâu cụ. Chính tay tôi nắn xương khớp cho người ta mà – Ông tôi cười nói – Thôi, giờ muộn rồi xin phép cụ tôi về đây.

Ông rất lo lắng cho người bệnh, từ trước đến nay ông luôn coi vấn đề sức khỏe của người bệnh là trên hết. Hôm nay đã đủ 3 ngày, cần thay thuốc mới cho con dâu bà lão. Thuốc không đắp đều, khả năng lành bệnh sẽ khó. Thế nhưng không nhớ đường làm sao có thể đến đây.

Ông bồn chồn đi đi lại lại ngoài sân. Khoảng 11 giờ đêm tiếng chó lao xao ngoài cổng, ông vội đi ra, thì đúng là bà lão hôm nọ.

– Tôi tính đi sang mà không biết lối.

– Vâng, chào thầy. Tôi vẫn nhớ lời thầy dặn, hôm nay đã được 3 ngày, rước thầy sang thăm bệnh cho cháu nó ạ.

Lần đi này ông cố gắng quan sát, ghi nhớ lối đi, để lần sau có thể tự tới, không cần bà lão đưa đường.

Vòng qua phía sau đình làng, đi một đoạn, tới gốc cây gạo già, men theo bờ ruộng, tới một bãi dâu, đi qua một bãi ngô rất rộng. Đường đi khá dài, cứ hun hút trong đêm tĩnh mịch, một hồi lâu mới tới. Trên gò đất cao, ngôi nhà ba gian xây bằng gạch thô trước mặt, ánh đèn trong nhà le lói hắt ra.

Vợ chồng con bà lão vui mừng mời ông vào nhà.

– Cháu thấy đã đỡ chưa? Ông hỏi.

– Bớt đau hơn mấy ngày trước rồi ạ – Cô gái thỏ thẻ lên tiếng.

Ông tôi lại gần gỡ thuốc cũ ra, bàn chân cô gái đã bớt sưng hẳn, chỉ còn bầm tím nhẹ.

– Bớt già nửa rồi. Chỉ cần thay thay thuốc lần này là hết thôi cháu – Ông tươi cười nói.

Đời làm thầy thuốc của ông tôi là thế, thấy người bệnh khỏi, ông vui mừng như chính bản thân mình vậy. Khi bốc thuốc khám bệnh, ông nhập tâm, dường như không để ý những thứ xung quanh.

Đắp thuốc mới xong, cô gái thấy nhẹ nhõm, tươi tỉnh hẳn lên, lễ phép cảm ơn ông. Người chồng chạy vào nhà đem ra 1 giỏ trái cây và 1 xấp tiền, gọi là tiền trả công.

– Ấy chết, không cần thế đâu. Tôi đã nói rồi, thuốc này tôi tự hái được trong vườn, không hề tốn kém. Còn trái cây này để cho vợ cháu ăn cho mau khỏe.

– Thầy cứ cầm lấy cho vợ chồng cháu nó vui – Bà lão nài nỉ.

– Không được. Tôi bốc thuốc bao năm nay, tôi chỉ lấy tiền thuốc hay tiền công ở những ca nặng thôi. Một chút trật xương khớp đơn giản thế này, tôi làm giúp thôi.

Ông tôi một mực không nhận. Bà lão ái ngại nói:

– Thầy đã không nhận thì đành thôi vậy. mẹ con chúng tôi sẽ ghi nhớ ơn này của thầy.

Bà lão lại đi trước dẫn lối đưa ông tôi về.

– Cụ Từ Thúy khéo lo, ma quỷ cái gì. Có khi nhà họ mới chuyển về đây xây cất nên ít người biết. Cánh đồng này gần bãi tha ma, người ta sợ sệt đồn thổi, chứ có đâu ma quỷ – Ông tôi thầm nghĩ.

Qua bãi ngô một đoạn, đến đầm sen. Mua này không có hoa, chỉ còn lác đác những tấm lá già xơ xác. Chợt ông thấy có nhiều đom đóm bay lập lòe trên mặt đầm. Kì lạ, lúc đi không thấy, sao giờ chúng ở đâu ra mà nhiều thế. Đêm nay không trăng, nhưng trời không một gợn mây, ánh sao tỏa xuống vẫn có thể nhìn thấy xa xa. Bỗng ông thoáng thấy ở 1 góc đầm có 3 đứa trẻ đang chơi đùa, bóng chúng nhấp nhô, khi mờ khi tỏ.

Quái, giờ này dứt khoát không thể có con cái nhà ai lại nhẩn nha chơi ở đây được. Ông tôi rùng mình khi chợt nghĩ, có khi nào đó là những bóng ma.

Ông đi nhanh tới gần bà lão để hỏi xem bà lão có nhìn thấy đám trẻ kia giống mình không.

Chợt ông thất kinh, suýt thét lên thành tiếng khi thấy bà lão…không hề có bóng trên mặt đất. Chân bà đang đi không chạm đất, mà lướt trên những ngọn cỏ.

Ông tôi lạnh toát sống lưng, dụi mắt nhìn lại cho kĩ. Lần này thì bà ấy bước trên đất, nhưng rõ ràng không có bóng người hắt ra phía sau.

Rờn rợn trong người ông vội lẩm nhẩm đọc câu thầy chú lấy lại bình tĩnh. Khi tới cổng, bà lão vẫn lễ phép cúi chào ra về.

Cả đêm ông không ngủ được hoảng sợ tốt độ. Lúc này ông mới chợt nhớ ra mấy ngày trước có nhận gói quà là con gà luộc và một xấp tiền, mà ông quên khuấy mất, tuổi già nên ông tôi hay nhớ trước quên sau. Ông vội lục tìm rồi mở ra. Con gà đã thiu bốc mùi chua loét, bên trong dòi bọ lúc nhúc trong rất kinh hãi. Ông còn kinh ngạc hơn 1 xấp tiền bữa trước chỉ toàn là tiền lẻ lấm lem bùn đất.

Cả đêm ông không ngủ được, sáng hôm sau vội đến nhà cụ Từ Thúy.

– Chào cụ, tối qua tôi đến nhà ấy, có lẽ là ma chứ không phải người. Mà lạ thật, rõ ràng nhà cửa, tôi còn nắn khớp, sao lại thế được nhỉ.

– Ha ha – Cụ Từ Thuý cười lớn – Thì giờ thầy với tôi ra đồng Mả là rõ ngay thôi.

Cụ Từ Thúy dẫn ông tôi theo đường tắt đi ra cánh đồng. Tới đúng gò đất tối qua có ngôi nhà thì chỉ thấy là cái lò gạch hoang. Xung quanh có vài ba nấm mồ, cỏ dại phủ kín. Trợn tròn mắt kinh ngạc ông tôi không thể thốt lên lời.

– Đấy, nhà cửa có đâu, thầy gặp ma rồi – Cụ Từ Thuý chậm rãi nói – Trước đây lò gạch này của nhà ông Lý Thuận. Vào năm cả làng bị ôn dịch hoành hành, người ta thấy có 3 mẹ con ăn mày không hiểu sao nằm co quắp chết ở đây. Người làng chôn họ quanh lò gạch. Từ đấy, cứ mỗi lần nung gạch là lại bị sập lò, hết lần này đến lần khác không tài nào làm được. Từ đấy ông Lý Thuận phải bỏ, không làm nữa, nó trở thành hoang hóa. Người đi làm đồng sáng sớm, hay về muộn khi trời tối thường gặp hồn ma ba mẹ con người ăn mày.

– Thôi đúng rồi – Ông tôi thầm nghĩ – Chẳng gì mỗi lần mình đến cứ thấy ngôi nhà lạnh lẽo. Nắm bàn chân cô gái thấy đơ cứng, không mềm mại như người thường. Hãi hùng quá.

Từ hôm ấy, ông tôi bị ốm suốt 2 tuần, người lúc nào cũng bần thần, lo lắng.

Độ hơn ba tháng, một buổi tối ông kê chõng tre ra sân nằm hóng mát. Trăng thanh gió mát ông thiu thiu ngủ. Chợt ông gặp lại bà lão. Bà khoanh tay lễ phép chào ông rồi nói:

– Tôi đến chào thầy, ngày mai 3 mẹ con tôi phải rời đây rồi, sắp tới có trận hồng thủy rất lớn. Mà thầy cũng mau thu dọn đồ đạc, lánh nạn chỗ khác, kẻo không kịp.

Nói xong bà lão biến mất trong làn sương khói mờ ảo. Tỉnh dậy ông thuật lại cho bố tôi. Bố tôi bảo:

– Không biết có thật không, nhưng ngày mai con vẫn cứ cho các cháu gói ghém đồ đạc để trên cao. Mấy ngày nay mưa bão liên tục, có khi lụt lội cũng nên.

Ngày hôm sau mưa lớn cả ngày không ngớt, nước sông dâng lên vùn vụt. Đêm đến thì nước đã tràn vào làng, cánh đồng nước phủ trắng xóa, dân làng nhốn nháo chạy lụt. Năm ấy làng tôi trải qua trận lụt lớn nhất trong lịch sử. Mùa màng thất bát, đói kém khắp nơi.

Một lần ông tôi qua làng Bài Hạ chữa bệnh. Do bố tôi bận việc trên huyện, nên ông phải khăn gói xách tráp đi. Khám chữa xong, khi trở về giữa trời trưa nắng gắt, ông ghé gốc đa nghỉ tạm.

Bỗng có 1 làn gió mát thổi qua, phe phẩy các tán lá. Ông thiu thiu nhắm mắt nghỉ ngơi. Chợt ông nghe có tiếng văng vẳng bên tai:

– Con chào thầy ạ. Lâu lắm, hôm nay con mới gặp thầy. Vợ con được thầy chữa nay khỏi hẳn bệnh rồi. Âm dương cách trở chúng con chẳng biết lấy gì cảm tạ ơn thầy. Ba mẹ con nhà chúng con đã được phong thành hoang cai quản làng này ạ. Thầy cứ nghỉ ngơi ở đây, đợi qua giờ Hợi hẵng đi đò.

Ông choàng tỉnh dậy, thì thấy cách đó không xa có một ngôi ngôi miếu khói hương nghi ngút.

Nghe lời dặn, qua giờ Hợi ông xuống bến Vạn để qua đò về nhà. Từ xa ông đã thấy người dân xúm đen bao quanh bờ sông, lại gần ông mới biết người ta đang mò vớt xác người chết đuối. Chuyến đò vừa nãy qua sông gặp xoáy nước bị lật, cả năm người trên đò đều bị chết chìm. Người ta mới vớt được xác 1 người, 4 các còn lại bị dòng nước cuốn trôi mò cả 1 khúc sông vẫn không thấy.

Ông tôi giật mình thất kinh, nếu vừa nãy mình không nghỉ lại gốc đa, thì cũng đã ngồi trên chuyến đò thảm khốc này rồi. Người con trai của bà lão đã báo mộng giúp ông thoát chết trong gang tấc.

Từ đấy cứ ngày rằm, mồng một ông tôi lại đến ngôi miếu ở làng Bài Hạ thắp hương cảm tạ nghĩa tình của con trai bà lão, nay đã là thành hoàng làng này.

Related posts