Ukraina chiêu mộ hơn 200 hãng công nghệ, 300,000 hacker để ‘đấu’ với Nga

Trần Phong

Ukraine đang sử dụng các công cụ kỹ thuật số để giúp chống lại cuộc tấn công của Nga (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến tại Ukraine đang tiếp tục diễn ra căng thẳng không chỉ trên thực địa mà mở rộng sang cả thế giới công nghệ.

Theo Nikkei Asia, Bộ Chuyển đổi số Ukranie hiện đang đứng đầu cuộc phản công với Nga trong mặt trận công nghệ. Tính tới ngày 14/3, Bộ này đã yêu cầu sự hợp tác của hơn 200 công ty công nghệ với việc dừng hoạt động tại Nga nhằm gây tổn thương tinh thần của người dân nước này, đồng thời chặn đứng tin giả tại nguồn. Đây được xem là một trọng tâm trong chiến lược số của Bộ này.

Nền tảng chia sẻ video YouTube, thuộc sở hữu của Google, hôm 11/3 cho biết đã bắt đầu chặn các tài khoản “có liên quan tới hoạt động truyền thông do Chính phủ Nga tài trợ trên toàn cầu”.

Bộ Chuyển đổi số Ukraine trước đó cũng đã xây dựng một trang web để nhận quyên góp bằng tiền ảo và huy động được hơn 50 triệu đô la Mỹ trong vòng nửa ngày kêu gọi trên mạng xã hội Twitter.

Cũng nằm trong chiến lược này, nhiều người tấn công mạng (hacker) tình nguyện cũng được chiêu mộ. Hôm 26/2, hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Bộ Chuyển đổi số đã thông báo thành lập “Đội quân IT của Ukraine”, gồm những người nhận phân công công việc hàng ngày qua ứng dụng nhắn tin Telegram. Gần 300,000 người trên khắp thế giới đã gia nhập nhóm này để thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các ngân hàng và tổ chức khác của Nga.

Ông Oleksandr Bornyakov, Thứ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine, cho biết sự linh hoạt của Bộ này đã góp phần tăng cường chức chống chịu nằm ngoài mong đợi của Ukraine. Theo ông, nhờ đó mà thủ đô Kiev của nước này vẫn kiên cường bất chấp nhiều dự đoán rằng nó sẽ thất thủ chỉ vài ngày sau cuộc tấn công của Nga.

Peter Singer, giáo sư tại Trung tâm Tương lai Chiến tranh của Đại học bang Arizona (Mỹ), nhận xét trên tờ Politico rằng: “Ukraine đã thành công trong việc lật ngược tình thế trước một nước Nga được cho là bậc thầy về chiến tranh thông tin”

Related posts