Ai bảo vệ trẻ em Việt Nam?

Cứ theo tài liệu tuyên truyền của đảng và nhà nước CSVN thì … chẳng ở đâu trẻ em được thương yêu, chăm sóc và bảo vệ tốt như ở … Việt Nam! CSVN luôn tự khoe rằng :

“Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em.

Từ các bản Hiến pháp, các Bộ luật; Luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc.

Đặc biệt, vấn đề về trẻ em cũng đã được Hiến pháp 2013 đề cập, quan tâm. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là măng non sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này.”

Ngày 20/11/1989, Liên Hiệp Quốc thông qua và phê chuẩn “Công ước về quyền trẻ em” gồm 54 điều khoản có hiệu lực từ ngày 20/11/1990. Trong lời mở đầu, công ước đã khẳng định: “Để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông…”. Đến ngày 26/1/1990, Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em và phê chuẩn Công ước này ngày 20/2/1990. Theo tài liệu thì như vậy, VN là quốc gia thứ hai trên thế giới và cũng là quốc gia đầu tiên ở Á châu phê chuẩn Công ước này. Việc phê chuẩn Công ước đã tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho việc bảo vệ trẻ em ở Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những nghĩa vụ đối với việc thực thi.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có một đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản liên quan đến trẻ em – Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có các quy định nghiêm cấm các hành vi như cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi; cản trở việc học tập của trẻ em; áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật …

Tuy nhiên, tình hình lao động trẻ em tại Việt Nam đang ở mức báo động. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2008, cả nước có 26.027 trẻ em phải lao động nặng nhọc dưới mọi hình thức. Nếu tính ngược lại từ 2006 thì đã có khoảng 930.000 lao động trẻ em. Một báo cáo chi tiết về tình trạng sử dụng lao động trẻ em khảo sát tại 8 tỉnh, thành và 3 làng nghề do Viện Khoa học Lao động và xã hội nhà nước công bố khiến nhiều người phải giật mình. Kết quả khảo sát cho thấy gần 45% trẻ em phải làm việc trong điều kiện không bảo đảm nhiệt độ, ánh sáng; gần 40% phải làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao ảnh hưởng đến sức khỏe và trên 27% bị ảnh hưởng của hóa chất độc, ô nhiễm không khí, hơi, khí độc hại nơi làm việc.

Đó là nói chuyện về lĩnh vực lao động.

Còn về lĩnh vực tệ nạn xâm phạm tình dục trẻ em thì chỉ với các con số thống kê vừa được Bộ Công An CSVN đưa ra về các vụ xâm hại tình dục trẻ em năm 2018 thì nạn này cũng vô cùng nghiêm trọng.

Theo một bản tin của tờ Trí Thức Việt Nam thì “theo thống kê mới nhất, năm 2018, cả nước phát giác 1,269 vụ xâm hại trẻ em (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1,233 thủ phạm đã xâm hại tình dục 1,141 trẻ em.So với năm 2017 thì đã giảm 2.8%. Thống kê của năm 2017 là 1,547 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục trong số 1,592 vụ xâm hại trẻ em mà 1,669 thủ phạm đã bị xác định.”

Vẫn theo bản tin này Bộ Công An CSVN phân tích theo tội danh thì cho thấy có 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em và trong đó có tới 48 trẻ em bị giết.

Cũng theo thống kê nói trên, những địa phương xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em gồm: Hà Nội 88 vụ, thành Hồ 77 vụ, Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ…Tuy vậy, chỉ có 1,360 thủ phạm bị đưa ra tòa, trong khi 162 thủ phạm chỉ bị “xử lý hành chính.”

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội CSVN, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ mỗi 8 giờ thì lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại về tình dục. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ được báo động và tố cáo, trong khi trên thực tế, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Phòng chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Tệ nạn này ngày càng có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam. Còn tại Việt Nam, trước đây trẻ bị xâm hại thường là từ 13 đến 18 tuổi nhưng nay đã xuất hiện nhiều vụ bị xâm hại ở lứa tuổi từ 5 đến 13!

Đáng chú ý, 93% thủ phạm các vụ xâm hại tình dục là người có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân.

Vì tình hình xâm hại tình dục trẻ em vẫn nghiêm trọng như đã xảy ra suốt nhiều năm qua, hồi tháng Tám năm ngoái 2018, nhà cầm quyền CSVN đã tổ chức một hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em tại hơn 600 địa điểm với sự tham gia của hơn 18,000 đại biểu các cấp. Trong hội nghị này, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh và Xã Hội VN đưa ra các con số cho biết, mỗi năm có tới khoảng 2,000 vụ trẻ em bị xâm hại được phát giác, trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Tuy nhiên con số này vẫn chưa đầy đủ, vì theo tờ Thời báo Tài Chính thì “Những hành vi, vụ bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm”!!!

Theo bản phúc trình Out of the Shadows Index do Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit – EIU) nghiên cứu trên 40 quốc gia (những nước có số lượng trẻ em dưới 19 tuổi chiếm 70% số lượng trẻ dưới 19 tuổi trên toàn thế giới) về mức độ bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục thì Việt Nam đứng hàng thứ 4 từ dưới đếm lên!

40 quốc gia được nghiên cứu dựa theo các tiêu chí: môi trường xã hội an toàn và ổn định cho gia đình và trẻ em; mức độ bảo vệ trẻ em về mặt pháp lý để đối phó với tệ nạn này; cam kết và khả năng của chính phủ trong việc chống lại nạn xâm hại trẻ em; và sự tham dự của các ngành nghề, xã hội dân sự và giới truyền thông.

Với thang điểm từ 0 đến 100, thì Úc được 74.9 điểm, nằm ở nhóm đầu, xếp hạng 4/40, đứng sau Anh quốc (82.7), Thụy Điển (81.5) và Canada (75.3). Các nước Á châu thuộc nhóm này (có hệ thống bảo vệ trẻ em tốt nhất) có Đại Hàn (71.6) và Nhật Bản (63.8).

Việt Nam được 42.9 điểm/100, nằm trong nhóm cuối, đứng thứ 37/40,tức là đứng sau tất cả các quốc gia khác trong khu vực như Philippine (55.3), Malaysia (53.4), Cambodia (52.5), Sri Lanka (50.8), Indonesia (47), Trung Cộng (43.7). Thậm chí Ấn Độ -là quốc gia xảy ra nhiều vụ chấn động thế giới về tệ nạn tấn công tình dục nhưng cũng được số điểm 57.6, xếp hạng 13/40. Các quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng là Mozambique (37.8), Ai Cập (31.2) và Pakistan (28.3).

*

Về nạn xâm hại trẻ em về mặt tình dục ở Việt Nam, chỉ cần theo dõi tin tức trên báo chí- nhưng nhất là qua các mạng xã hội, vấn đề nhức nhối hiện nay là càng ngày số tuổi của nạn nhân càng nhỏ trong khi con số những kẻ có quyền thế, chức tước hoặc vị trí đáng lẽ là mẫu mực về đạo đức (nhất là giới giáo chức) ngày càng nhiều hơn trước.

Điển hình là trường hợp vụ xâm hại mới xảy ra tại thành Hồ hồi đầu tháng Tư này. Sự vụ như sau:

Khoảng 9 giờ tối ngày 1 tháng Tư tại khu chung cư Galaxy 9 ở quận Tư, thành Hồ một người đàn ông (khoảng 50 tuổi) đi vào thang máy chung cư lúc này có 1 bé gái sinh sống tại tầng 10 cũng vào thang máy để lên nhà. Khi cửa thang máy vừa đóng lại, người đàn ông này đã dở trò đồi bại, dâm ô bé gái. Khoảng 10 phút sau gia đình bé gái này thông báo cho bảo vệ chung cư Galaxy 9 và khi xem lại hình ảnh video do ống kính an ninh gắn trong thang máy quay được cho thấy câu chuyện quả thật đã có xảy ra. Một nhân viên bảo vệ thuộc ca trực đêm 1/4 cho biết, bé gái này thường hay đi 1 mình xuống đường để mua hàng trong siêu thị. Nhân viên bảo vệ cho biết thêm, người đàn ông đó đã có hơi men trong người, trước khi lên thang máy còn chia tay 1 người bạn.

Ngày 2/4, đoạn video clip quay cảnh bên trong thang máy được mạng xã hội lan truyền rộng rãi. Công an quận 4 thành Hồ sau đó xác định người đàn ông đó là Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958, ngụ Đà Nẵng) và là cựu Phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Đà Nẵng.

Ngày 3/4 Linh bị gọi tới Công an để lấy lời khai. Trước mật Công An, Linh nhận mình chính là người đàn ông trong clip và khai rằng vì thấy bé gái dễ thương nên đã ôm hônchỉ nựng mà thôi!

Cho tới nay Linh vẫn một mực khẳng định là chỉ có hành vi “nựng” bé gái, chứ không sàm sỡ, dâm ô… Gia đình bé gái nạn nhân đã có đơn tố cáo tội phạm gửi cơ quan tố tụng quận Tư.

Công luận trong nước đã hết sức giận dữ trước hình ảnh hiển nhiên của vụ xâm hại tình dục trẻ em hết sức trắng trợn và bỉ ổi này.

Gần như ngay sau đó, người dùng internet đã truy ra được lý lịch và địa chỉ nhà riêng của Linh ở Đà Nẵng, trên một con phố trung tâm sầm uất. Địa chỉ nhà của Linh lập tức trở thành một nơi nhiều người đến chụp ảnh bày tỏ sự căm phẫn. Thậm chí, có người sơn cả chữ “Ấ. Dâm” lên cửa nhà Linh.

Người dân càng phẫn nộ hơn nữa khi thấy cung cách phản ứng của nhà cầm quyền, phần nào đã xác nhận quan điểm của người dân bao năm nay, đó là luật pháp nhà nước CSVN không phải để tìm công lý mà là công cụ để đàn áp người dân; nhằm bảo vệ giai cấp cầm quyền –kể cả khi phạm tội- chứ không phải bảo vệ người dân hay nạn nhân của bọn này. Đó là điều thấy rõ trong trường hợp cũa Nguyễn Hữu Linh, người “trong hệ thống,” là “đồng chí”, là “đã có 30 năm cống hiến” và vốn là người rất hiền lành, đạo đức (!!!).

Như Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng đã có ý kiến rằng “Linh làm sai còn gia đình hắn vô can, việc sơn lên cửa hay ném chất dơ vào nhà Linh là hành động vi phạm pháp luật.” Ngay tờ báo Tuổi Trẻ ở thành Hồ cũng có bài phân tích về luật pháp đối với các “phản ứng của dân chúng” như vậy. Còn trên mạng xã hội (như facebook) đã có nhiều ý kiến kêu gọi “tội ai nấy chịu”.

*

Ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em không phải là nạn chỉ xảy ra ở Việt Nam. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đã và đang diễn ra ở mức đáng báo động tại khắp mọi quốc gia trên thế giới.

Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Đại Hàn, Indonesia … đã mạnh tay áp dụng những biện pháp cứng rắn để loại trừ loại tội phạm nguy hiểm này.

Ở Hoa Kỳ, cũng như ở Úc, theo định nghĩa của luật, chỉ cần “chạm vào nơi nhạy cảm hoặc vào vùng vải vóc, quần áo che bên trên nơi nhạy cảm” là đã đủ để xác định hành vi dâm ô đối với trẻ em. Tùy theo cấp độ phạm tội, thủ phạm xâm hại trẻ em sẽ bị xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trong đó, hình phạt chung thân là mức cao nhất. Hiện nay, một số tiểu bang ở Hoa Kỳ đã đề nghị phải nâng mức phạt cho tội phạm tấn công tình dục trẻ em lên mức tử hình.

Ở Á châu, tháng 10/2016, Quốc hội Indonesia đã thông qua một dự luật, trong đó áp dụng án phạt nặng hơn đối với kẻ bạo hành tình dục trẻ em. Theo đó, kẻ phạm tội có thể bị tử hình, bị “thiến hóa học”, tù chung thân hoặc phạt tù tối thiểu 10 năm. Sau khi ra tù, những kẻ này tiếp tục bị buộc phải đeo trang bị điện tử để Cảnh sát có thể theo dõi mọi hoạt động của họ suốt ngày, 24/24.

Tại Việt Nam, nếu căn cứ theo tất cả luật đã được ban hành thì hành vi của Nguyễn Hữu Linh quả đã rành rành. Một luật sư tại Hà Nội cho rằng “nếu hành vi của Linh đủ để cấu thành tội phạm thì vẫn bị khởi tố như bình thường”. Lý do là vì, tội danh “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, theo điều 146 BLHS không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. (Điều 146 quy định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm).

*

Cùng hưởng ứng với lời của Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng có nhiều ý kiến trên các trang mạng chỉ trích quan điểm bực tức của công chúng.

NHững người này kêu gọi “tội ai nấy chịu”, hãy chừa Linh ra ngoài.

Nhưng khi nói “tội ai nấy chịu” có quan chức CSVN nào nhớ tới “những hành động xịt sơn, vẽ bậy, bao vây, doạ nạt, khủng bố tinh thần” mà họ đã dùng để trấn áp những người bất đồng chính kiến, những người mong mỏi Việt Nam sớm được thực sự Tư do, Độc lập, Hạnh phúc?

Khi nói “tội ai nấy chịu”, nhà cầm quyền CSVN có nhớ rằng chính họ đã trả thù một cách vô cùng hèn hạ, thâm độc đối với vợ con, thân nhân của quân nhân công chức miền Nam sau ngày 30/4 hay chăng?

Không phải khi nào pháp luật cũng có thể đem lại công lý cho người bị hại. Thế nhưng cuộc sống cũng có cách đòi công lý riêng cho những con người thấp kém, bị áp bức trong xã hội. Đó là phản ứng của cộng đồng trước một kẻ vi phạm tiêu chuẩn căn bản của đạo đức như Linh. Họ bêu riếu, mắng chửi, xịt sơn lên nhà của Linh với mong muốn tìm được công lý và trừng trị kẻ ấu dâm.

Nếu có xót thương thì phải thực sự xót thương cho nạn nhân nhỏ tuổi và gia đình bởi vì chính họ mới là những người phải mang theo vết hằn này mãi mãi trong đời. Họ có quyền được công lý, lẽ phải bảo vệ.

Phạm Thạch Hồng

Related posts