Anh Quốc sẽ độc lập trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới

Minh Hòa

Ngoại trưởng Vương quốc Anh Dominic Raab phát biểu trong khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo lắng nghe, tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở thủ đô Washington vào ngày 7/8/2019 (ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ).

Lần đầu tiên trong lịch sử Anh Quốc sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt độc lập nhắm vào các cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.

Hãng tin BBC hôm thứ Hai (6/7) cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab sẽ khởi động chế độ trừng phạt mới hậu Brexit của chính phủ Anh Quốc đối với những người vi phạm nhân quyền. Những người này sẽ bị chính phủ Anh liệt kê danh sách và bị đóng băng tài sản.

Trong quá khứ, Anh Quốc chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt tập thể với tư cách là thành viên của Liên Hợp Quốc hoặc Liên minh châu Âu, theo BBC.

Nhưng sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/1/2020, sự kiện được gọi là Brexit, Anh Quốc sẽ thực thi các lệnh trừng phạt một cách độc lập.

BBC trích tuyên bố hôm thứ Hai của Ngoại trưởng Raab: “Từ hôm nay, Vương quốc Anh sẽ có các quyền hạn mới để cấm nhập cảnh vào Anh Quốc những người liên quan đến các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, ngăn chặn họ chuyển tiền qua các ngân hàng của chúng tôi và thu lợi từ nền kinh tế của chúng tôi”.

Ngoại trưởng Raab cũng nói: “Chúng tôi sẽ không để những kẻ tìm cách gây đau đớn và hủy hoại cuộc sống của những nạn nhân vô tội được hưởng lợi từ những gì mà Vương quốc Anh cung cấp.”

BBC trích tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh, cho biết chế độ trừng phạt mới sẽ cho phép Anh Quốc “làm việc độc lập với các đồng minh như Mỹ, Canada, Úc và Liên minh châu Âu”.

BBC cho biết, dự kiến danh sách bị trừng phạt sẽ bao gồm các cá nhân đến từ Nga, Ả rập Saudi, Triều Tiên, nhưng lại chưa bao gồm Trung Quốc. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Luân Đôn sẽ có động thái riêng biệt để trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Thông tin về các lệnh trừng phạt của Anh được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Luân Đôn và Bắc Kinh đặc biệt căng thẳng, sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, thành phố từng là thuộc địa của Anh Quốc. Luân Đôn đã bàn giao Hồng Kông cho Bắc Kinh vào ngày 1/7/1997, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hứa hẹn sẽ đảm bảo cho thành phố này được hưởng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, nghĩa là Hồng Kông tiếp tục duy trì thể chế tư bản chủ nghĩa, ít nhất cho đến năm 2047. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã chính thức “nuốt lời” bằng luật an ninh quốc gia được công bố vào đêm 30/6.

Related posts