Anna & Ảo Ảnh Cuộc Tình

Phim Người Tình Không Chân Dung của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc năm 1971 ca ngợi hình ảnh người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cuốn phim được mọi người ái mộ khi được trình chiếu ở miền Nam Việt Nam.

Ca khúc chính trong phim cũng tên Người Tình Không Chân Dung của nhạc sĩ Hoàng Trọng.

“Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu?

Còn trên đời này đang xông pha đèo cao dốc thẩm

hay đã về bên kia, phương trời miên viễn chiêm bao…”.

Với cuộc tình giữa hư và thực chỉ là ảo ảnh mà trước đây Y Vân bày tỏ trong ca khúc Ảo Ảnh: 

“Đã phai tàn thành mây thành khói

Cũng xem như không mà thôi

… Những ân tình chìm trong lòng phố

Cũng theo hư không mà đi!”.

Tháng 3/2019 tôi viết bài Anna Karenina, Người Tình Bất Hạnh theo tác phẩm Anna Karenina văn hào Nga Leo Tolstoy. Nhân vật chính Anna Karenina được gợi hứng một phần từ Maria Hartung (1832-1919), con gái của thi hào Pushkin. Trước đây tôi thích tác phẩm nầy nhưng chưa viết và đùng vào dịp tưởng niệm 100 năm ngày mất của nhân vật đã tạo thành tác phẩm để ghi lại.

Hình ảnh Anna Karenina đã đi vào Nghệ Thuật Thứ Bảy với những minh tinh Âu, Mỹ, Ai Cập, Ấn Độ… nổi tiếng theo thời gian như Greta Garbo, Sophie Danièle Sylvie Marceau, Vivien Leigh, Keira Knightley, Hera Hilmar…

Anna Karenina xinh đẹp, thông minh, trang trọng nhưng theo thi hào Nguyễn Du: “Lạ gì bỉ sắc tư phong. Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. 4 chữ “bỉ sắc tư phong” ám chỉ người đàn bà đẹp có cốt cách phong thái. Bỉ là người đàn bà; Sắc là sắc đẹp; Tư phong là phong cách, phong thái, khiến cho trời xanh cũng phải ghen ghét. Vì vậy cuộc tình của Anna Kerenina với bao nỗi bi thương.

Bố mẹ Anna mất sớm, nàng buộc phải lấy bá tước Alexei Karenin. Karenin là một con người có tâm hồn khô khan, cằn cỗi, khuôn sáo và có lối sống tẻ nhạt. Anna lấy Karenin là do sự sắp đặt của người cô ham tiền và ham địa vị. Trong hoàn cảnh đó “lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu”, đành chấp nhận một nếp sống “yên ổn nhưng buồn tẻ, sang trọng nhưng u uất”. Tám năm trời đằng đẵng bên người chồng quyền quý nhưng vô vị, chưa lúc nào cảm nhận ngọn lửa sống nhiệt thành có thể lụi tắt trong tâm hồn nàng. Vì vậy, tận đáy lòng, nàng đã tự nhủ về quyền được hưởng hạnh phúc cho bản thân.

Anna về thăm gia đình người anh ruột ở Moscow. Mối tình của Anna với Vronsky trong buổi khiêu vũ, trái tim nàng đã xao động và nhen nhóm khát vọng yêu đương. Anna gặp Vronsky, tình yêu vụng trộm đó, Anna cảm thấy có lỗi và hổ thẹn nhưng rồi có thai với Vronsky và suýt chết trong khi sinh nở.. Kể từ đây, nàng chấp nhận hy sinh cho tình yêu, gạt bỏ hết mọi ràng buộc lễ giáo và tự tìm cho mình cuộc sống. 

Thế rồi mối bất hòa giữa hai người và đẩy Anna vào tình trạng tuyệt vọng. Áp lực khắt khe buộc người mẹ phải chọn giữa tình yêu và tình mẫu tử và chúng đã thắng bởi Anna không thể chọn lựa mà không bị đau đớn giày vò. Anna không thể ly dị chồng Alexei Karenin để đến với Vronsky. Karenin không cho nàng nhận con nếu ly hôn, bởi vậy nàng không thể hợp thức hóa cuộc sống lứa đôi với Vronsky. Cái giả phải trả giữa con (Xeripja) và người tình (Vronsky), Anna không chấp nhận phải xa con. Bi kịch của Amma ở chỗ nàng không thể có cả hai và mất một trong hai! Anna quyết định bỏ nhà, chia tay với đứa con trai mà nàng yêu quý để cùng Vronsky và đứa con gái nhỏ ra nước ngoài.

Rồi mối tình của Anna với Levin cũng vấp phải mâu thuận bởi xã hội bấy giờ. Levin thẳng thắn, nhạy cảm, bất mãn với hiện thực xã hội nên muốn tìm hiểu chân lý và hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng Levin không thể thoát ra cái quỹ đạo khắt khe bị ràng buộc đó.

Levin là người duy nhất đã nhận ra vẻ đẹp sâu sắc trong tâm hồn bí ẩn của Anna và lo sợ rằng kẻ thô bạo như Alexei Karenin và nông cạn, hời hợt như Vronsky không thể làm nàng hạnh phúc. Levin cũng là người đàn ông rất có trách nhiệm, trân trọng bổn phận với gia đình, coi chuyện hôn nhân là quan trọng. Nhưng trái tim khi đã rung động, đồng cảm thì khó tránh được.

Với Anna Karenina, người đàn bà muốn tìm khát vọng, lẽ sống đẹp trong tình yêu nhưng hạnh phúc ban đầu nàng theo đuổi tan vỡ. Nàng mong tìm hình ảnh khác để xoa dịu dằn vặt, nỗi buồn, cô đơn… rồi rơi vào cơn tuyệt vọng và tìm đến cái chết. Cái chết của Anna nói lên khát vọng tình yêu!

Sau khi Anna chết, Vronsky vô cùng đau khổ. Chàng xin gia nhập vào quân đội tình nguyện giúp người Serbia trong cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Levin và vợ Kitty vẫn tiếp tục cuộc sống gia đình hạnh phúc ở nông thôn và sinh được một cậu con trai.

*

Gặp lại người bạn cố tri từ thời trong quân ngũ, bóng dáng anh như The guitarist của Picasso, phong trần, lang bạt nhưng trong tình yêu lại lãng man, yếu đuối. Tác phẩm Anna Karenina do Vũ Ngọc Phan dịch với tựa đề An Na Kha Lệ Ninh vào thập niên 40. Thời trai trẻ anh đã đọc, bị mê hoặc bởi hình ảnh Anna. Sau đó những minh tinh tuyệt sắc trong phim với hình bóng Anna đã ngự trị trong tâm hồn anh. Và với niềm ước vọng ảo ảnh đó trở thành hiện thực trong cuộc đời mình.

Trải qua thăng trầm của lịch sử cũng như cuộc đời anh phải chịu nhiều đắng cay khi mất nước, bị lao tù, mộng ước tiêu tan cho đến khi lưu lạc xứ người…

Tình cờ anh bắt gặp cái tên Anna, liên tưởng lại nhân vật đã một thời mộng mơ trong dĩ vãng. Ô hay! Sở thích và tâm hồn hình như giống nhau, đồng cảm. Thế nhưng lại xa cách nhau như Sao Mai & Sao Hôm. Sao Mai và Sao Hôm tuy một nhưng hai tên gọi khác của Sao Kim (Venus, nữ thần của sắc đẹp và của tình yêu trong thần thoại La Mã).

Trước lúc mặt trời mọc, Sao Kim xuất hiện ở phía Đông, nên còn được gọi là Sao Mai. Sau khi mặt trời lặn, thấy Sao Kim mọc lên ở phía Tây nên gọi là Sao Hôm.

Trong ca dao có câu:

“Buồn trông chênh chếch sao Mai

Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ…”

Sao Mai, Sao Hôm tuy cùng vì sao nhưng lại xuất hiện ở hai phương trời, hai thời điểm khác nhau vì vậy coi như biểu tượng thường nhắc đến gợi nỗi nhớ da diết, niềm ly biệt, mất mát vô bờ. Người ta bơ vơ tìm nhau giữa hư vô.

Theo lời tâm sự, giữa anh và nàng đã có cuộc sống gia đình riêng rẽ nhưng nói như nhà tư tưởng Pháp Blaise Pascal “Trái tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không biết đến” (The heart has its reasons which reason knows not).

Với anh, nếu ngược dòng thời gian của thời xa xưa, có lẽ sự đồng cảm, đồng điệu… đam mê cuồng nhiệt và say đắm. Nhưng giờ đây như hai vì sao lạc, nghìn trùng xa cách như Sao Mai Sao Hôm để hướng về phương Đông trước bình minh và vọng về phương Tây khi hoàng hôn tàn như cuộc đời anh.

Anh nhắc lại cuốn phim Người Tình Không Chân Dung mà khi hai đứa xem xong cảm thấy thương thân phận người lính, uống say cho vơi nỗi buồn. Sao lại không chân dung, mường tượng trong hư ảo, phác họa trong tâm trí cũng tạo thành chân dung.

Vẫn hình bóng Anna trong tiểu thuyết và điện ảnh với tình yêu. Anh cảm nhận điều đó nhưng tự nghĩ còn xứng đáng để đáp lại cuộc tình nồng cháy trong hoàng hôn của cuộc đời? Và, anh không muốn Anna, nếu có, mang vết thương lòng như nhân vật của văn hào Leo Tolstoy. Anh tự rút lui và trốn chạy, chấp nhận đau khổ, coi như ảo ảnh cuộc tình. Cùng một trái tim lãng mạn như thần Vệ Nữ nhưng lại hai vì sao chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc.

Đêm cuối tuần, hai đứa chén tạc chén thù như thuở xưa. Anh đọc tới đọc lui mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

“Gặp gỡ chừng như truyện Liễu Trai

Ra đi chẳng hứa một ngày mai

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai?”.

Anh chia sẻ cùng tôi và cảm thông ảo ảnh cuộc tình, tôi viết. 

Vương Trùng Dương

Little Saigon 9/2019

Related posts