Bắc Kinh chính thức thông qua Luật An ninh Hồng Kông

  • Lê Xuân

Cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh trong sáng nay (30/6) đã nhất trí thông qua Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.

Nhiều xe quân sự của ĐCSTQ xuất hiện trên đường phố Hồng Kông vào sáng sớm ngày 25/6.
(Ảnh từ Twitter).

Theo tin từ SCMP, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sáng 30/6 đã chính thức thông qua Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Bắc Kinh trước đó đã luôn nhấn mạnh rằng dự luật là tối cần thiết để ngăn chặn và trừng phạt các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố, cấu kết với thế lực bên ngoài gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia.

Trong vòng 15 phút đầu tiên kể từ khi cuộc họp bắt đầu vào 9h sáng, 162 thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã nhất trí phê chuẩn dự luật, theo các nguồn tin của SCMP

Kể từ khi được đưa ra thảo luận ở kỳ họp Lưỡng hội, dự luật an ninh quốc gia đã gây tranh cãi lớn khi giới quan sát cho hay nó sẽ cho phép chế độ Trung Quốc đàn áp thẳng tay những người phê phán chế độ. Họ nói động thái này đánh dấu chấm hết cho quyền tự trị của Hồng Kông vốn được chế độ Trung Quốc cam kết duy trì theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.

Bất chấp chỉ trích của dư luận quốc tế và các đe dọa chế tài từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc vẫn quyết tâm thông qua dự luật. Thậm chí, Bắc Kinh mới đây còn tuyên bố sẽ phản đòn Mỹ bằng cách hạn chế thị thực đối với các quan chức Mỹ “hành xử thái quá” về vấn đề này.

Trước đó, chỉ có một số ít đại biểu Hồng Kông tham gia cơ quan lập pháp quốc gia được nhìn thấy bản dự thảo luật. Sự thiếu minh bạch và rõ ràng về các điều khoản của dự luật đã khiến nhiều công dân Hồng Kông lên tiếng phản đối mạnh mẽ và xuống đường biểu tình. 

Theo nhiều nguồn tin của SCMP từ trước, các cá nhân bị kết án theo luật mới sẽ có thể phải đối mặt với án tù cao nhất là chung thân, thay vì giới hạn 10 năm như trước đó được đưa ra. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ thiết lập một văn phòng an ninh quốc gia tại Hồng Kông, chuyên xử lý “các trường hợp đặc biệt” mà chính quyền đặc khu không xử lý được.

Chính quyền Hồng Kông cũng sẽ thành lập một Hội đồng an ninh do trưởng đặc khu Carrie Lam đứng đầu và được giám sát, chỉ đạo bởi một ủy ban do chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh lập ra. Hội đồng sẽ bao gồm một cố vấn do Bắc Kinh gửi đến.

Bà Lam sẽ có quyền chỉ định các thẩm phán thụ lý các vụ án liên quan đến an ninh đặc khu – một động thái chưa từng có. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chính quyền ở Bắc Kinh vẫn có quyền bác bỏ phán quyết.

Dự kiến, một cuộc họp ngắn giới thiệu về đạo luật sẽ được tổ chức vào 3h chiều nay giờ địa phương tại văn phòng liên lạc của chính phủ trung ương. Sau đó, Tân Hoa Xã sẽ công bố chi tiết các điều khoản trong luật mới để công chúng được biết rõ.

Luật mới sẽ có hiệu lực vào ngày mai (1/7) – cũng là ngày kỷ niệm 23 năm Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc.

Thông thường, mọi năm vào ngày 1/7, người dân Hồng Kông sẽ tổ chức đại diễu hành với nhiều chủ đề, trong đó nổi bật nhất là các chủ đề chống lại ĐCSTQ. Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông đã cấm các hoạt động diễu hành trong năm nay, lấy lý do dịch bệnh và lo ngại bạo lực. 

Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nhóm tổ chức các cuộc tuần hành ngày 1/7, cho biết họ sẽ kháng cáo quyết định này và sẽ tiếp tục tổ chức diễu hành phản đối Luật an ninh như kế hoạch. Năm ngoái, cuộc diễu hành hôm 1/7 đã thu hút hơn 550.000 người tham gia.

Ông Jimmy Sham Tsz-kit, một thành viên của Mặt trận Nhân quyền Dân sự, cho biết việc cảnh sát liên tục đàn áp quyền tụ tập của người dân đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng nhân quyền ở Hồng Kông đã bị xói mòn. 

Lê Xuân

Related posts