Bất chấp Covid-19, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục chạy đua vũ trang

Thùy Dương


Đại dịch Covid-19 cho dù gây nhiều thiệt hại nặng nề nhưng vẫn không thể dập tắt sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ, điển hình là cuộc đụng độ chết người ở biên giới hai nước hôm 15/06/2020, nhưng ẩn sau cuộc chạy đua vũ trang khu vực này là gì ?

Về chi tiêu quân sự, Ấn Độ đứng hàng thứ tư thế giới. AFP

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc và căng thẳng ở Biển Đông
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm sút, ngân sách quân sự được công bố trong phiên họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc ngày 22/05 cũng giảm theo. Nhưng nếu so sánh với các lĩnh vực khác thì thực ra ngân sách quốc phòng trên thực tế không bị ảnh hưởng nhiều. Đây không phải là điều gây ngạc nhiên vì Trung Quốc luôn mơ ước trở thành cường quốc hải quân hàng đầu thế giới, trong khi căng thẳng với Ấn Độ, Mỹ và một số nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục leo thang do Trung Quốc liên tục đòi chủ quyền lãnh thổ. Tại Biển Đông, va chạm với nhiều nước vẫn xảy ra thường xuyên từ vài tháng nay, bất chấp dịch bệnh Covid-19. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã tố cáo Bắc Kinh  khai thác thế yếu của các nước Đông Nam Á khi đó đang bận rộn chống dịch.

Trung Quốc dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á-Thái Bình Dương
Khi tránh giảm, trong chừng mực có thể, các phương tiện dành cho lĩnh vực quốc phòng cho dù việc giảm chi ngân sách trong năm 2020 là điều không tránh khỏi, Trung Quốc tỏ ra nhất quán với chính sách tăng cường năng lực quân sự từ vài thập kỷ nay.

Xu hướng chạy đua vũ trang này đang thúc đẩy tất cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng chi tiêu quân sự quốc gia. Nếu Washington vẫn chi tiêu cho quốc phòng nhiều gấp 2,5 lần so với Bắc Kinh, thì Trung Quốc mới là nước đầu tư nhiều vào quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, một phần đáng kể trong ngân sách của Trung Quốc được dành để hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và các ngành công nghiệp quốc phòng.

Do vậy, Trung Quốc hiện giờ thoát khỏi việc phải nhập khẩu thiết bị quân sự của Nga nhờ phát triển các loại vũ khí mới. Trong số các thiết bị mới của Trung Quốc, có tên lửa, máy bay, tàu chiến, « vũ khí » mạng hoặc không gian, và cả tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng vượt quá tốc độ âm thanh. Để đánh giá khả năng phòng thủ của mình, Bắc Kinh không ngần ngại thực hiện các hành động đe dọa và răn đe. Lầu Năm Góc cũng đã công nhận Trung Quốc là cường quốc hải quân hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh dường như không muốn mở rộng ảnh hưởng quân sự ra ngoài châu Á, nhưng rõ ràng Bắc Kinh vẫn khao khát thống trị khu vực.

Ấn Độ, đối thủ quân sự của Trung Quốc ?
Theo số liệu mới nhất của SIPRI cho năm 2018, xét về chi tiêu quân sự, Ấn Độ đứng thứ tư thế giới. Phải nói là Ấn Độ đang chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. New Delhi đã khởi động một quá trình hiện đại hóa tổng thể quân đội nhờ công nghệ trong một số lĩnh vực.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân quốc gia đầu tiên được khánh thành vào năm 2009, và giai đoạn đầu tiên của chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo Ấn Độ khởi động vào năm 2006 và hoàn thành vào năm 2020. Thông qua hiện đại hóa vũ khí, New Delhi muốn chắc chắn là toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Ấn Độ.

Bộ binh Ấn Độ được biết đến là một trong những đội quân linh hoạt nhất trên thế giới, cũng là trụ cột của các lực lượng vũ trang Ấn Độ. Còn Hải Quân Ấn Độ đứng thứ năm trên thế giới, đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh và lợi ích của đất nước ở Ấn Độ Dương, Vịnh Bengal, biển Ả Rập và thậm chí ở cả Biển Đông. Trong lĩnh vực không gian, chính sách của Ấn Độ đã phát triển trong những năm gần đây. New Delhi đã phóng các vệ tinh quan sát quân sự vào năm 2015 và 2016. Đến năm 2019, Ấn Độ đạt được khả năng bắn hạ vệ tinh, giống Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.

Xung đột biên giới và các đồng minh phương xa
Nỗ lực quân sự của Ấn Độ cũng có thể được giải thích bằng những căng thẳng địa chính trị dai dẳng với các nước láng giềng. Biên giới Ấn Độ vẫn được quân sự hóa mạnh, ở vùng Kashmir cũng như ở cao nguyên Hymalaya. Ở phía tây thì Ấn Độ có xung đột với Pakistan, ở phía đông thì với Trung Quốc, đồng minh kinh tế của Islamabad. Bao quanh Ấn Độ là những nước không phải là đồng minh mà cũng chẳng phải là đối tác chiến lược, nên Ấn Độ phải tìm kiếm đồng minh, đối tác ở những nơi khác.

Từ hơn một thập kỷ nay, New Delhi từng bước phát triển các mối quan hệ đối tác và thỏa thuận an ninh với Washington. Mỹ cũng xích lại gần Ấn Độ với hy vọng New Delhi một ngày nào đó sẽ kìm được đà phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Sau xung đột Kargil năm 1999, hai nước Mỹ – Ấn đã xích lại gần nhau để đối phó với trục Trung Quốc – Pakistan, liên minh này đã đạt được thỏa thuận về chia sẻ sử dụng các căn cứ quân sự, chuyển giao công nghệ và tiến hành các cuộc tập trận chung ngày càng nhiều.

Xung đột ở Kashmir cho thấy giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa có sự hòa giải. Quan hệ Ấn Độ – Pakistan cũng có thể xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, Ấn Độ củng cố quân đội không chỉ vì Pakistan, mà còn vì mối đe dọa từ Trung Quốc.

Một mặt, Bắc Kinh dường như đã trở thành một trong những đồng minh kinh tế và chiến lược lớn nhất của Islamabad, góp phần làm gia tăng căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã giúp Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân để làm đối trọng với Ấn Độ. Mặt khác, New Delhi và Bắc Kinh vẫn còn có tranh chấp lãnh thổ sau chiến tranh Trung-Ấn 1962. Trong những năm gần đây, một số khu vực như Arunachal Pradesh và Leh thường chứng kiến các vụ đụng độ giữa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và cảnh sát biên giới Ấn Độ – Tây Tạng.

Trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành đối thủ thực sự của Trung Quốc trong khu vực, nhưng hiện tại, khoảng cách giữa quân đội hai nước vẫn là rất lớn và không ngừng tăng. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đàm phán được về thỏa thuận thành lập các căn cứ quân sự bao quanh Ấn Độ. Chiến lược được gọi là “chuỗi hạt ngọc trai” cho phép hải quân Trung Quốc lập các điểm hỗ trợ trong suốt tuyến giao thương hàng hải đến Trung Đông, như ở Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, ở Miến Điện và thậm chí là vùng Sừng châu Phi, tại Djibouti.

Tình hình càng trở nên phức tạp với cuộc khủng hoảng Covid-19. Ấn Độ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hoạt chất của Trung Quốc để sản xuất dược phẩm. Giới chức chính trị và quân sự Ấn Độ tiếp tục coi Bắc Kinh là một đối thủ nguy hiểm, cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng cuộc khủng hoảng y tế để mở rộng phạm vi ảnh hưởng quanh Ấn Độ Dương thông qua việc hỗ trợ cho các nước trong khu vực.

Related posts