Bầu đúng, cử xứng!

Thứ Bảy này, 18/5/2019 toàn dân Úc sẽ đi bầu lại nghị viện liên bang để quyết định xem phe nào sẽ lên cầm quyền: Liên đảng Tự Do Quốc Gia dưới quyền đương kim Thủ tướng Scott Morisson sẽ tiếp tục thêm nhiệm kỳ nữa, hay phe Lao Động do Thủ lãnh đối lập Bill Shorten lãnh đạo sẽ dành quyền quản trị đất nước trong 3 năm tới.

Theo dõi tình hình tranh cử, các nhà phê bình thời cuộc tại Úc có nhận xét chung là cuộc đua năm nay sẽ rất khít khao!

Nhìn lại kết quả cuộc bầu cử năm 2016, chính phủ của Thủ tướng Turnbull tái đăc cử với một tỷ lệ kém hơn lần trước (năm 2016 Liên đảng giành được 76 ghế trong tổng số 150 ghế Ha viện, phe Lao động đối lập được 69 ghế và 5 ghế dân biểu độc lập).

Kỳ này, so với ba năm trước, vị thế của chính phủ Morrison đã bị suy yếu vì việc phân chia lại ranh giới đơn vị bầu cử, ngoài ra lại còn vì bị mất chiếc ghế đơn vị Wentworth sau khi ông Turbull từ chức.

Như thế, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 18/5 này, cả hai bên cần đạt được ít nhất 76 ghế dân biểu Hạ viện gồm 151 ghế!

Hiện nay phe Liên Đảng đang giữ 73 ghế Hạ viện nghĩa là phải giành được thêm 3 ghế để được tái đắc cử với thế đa số tối thiểu, tính ra là cần thêm 0.7% số phiếu. Còn phe Lao động đối lập hiện có 72 ghế, cần phải thắng thêm 4 ghế – tức phải lôi kéo thêm được ít nhất 1% số phiếu.

Vì đã mất rất nhiều ghế hồi năm 2016, kỳ bầu cử này cơ hội trở lại cầm quyền của phe Liên Đảng có vẻ khá cam go trong khi phe đối lập Lao Động có lợi thế chiến thắng nhiều hơn, nhưng sự khác biệt trong tình hình ở các tiểu bang có thể giới hạn mức độ chiến thắng của Lao Động.

Và tình hình chung năm nay 2019 khiến các nhà phân tích tin rằng kết quả ở các đơn vị mới là yếu tố quyết định chứ không hẳn là khuynh hướng chung ở cấp tiều bang như những lần bầu cử trước.

Việc phân định lại ranh giới các đơn vị bầu cử (Hạ viện Liên Bang) đã giúp phe Lao Động được lợi thế hơn và làm suy yếu vị thế của Liên Đảng. Cả hai bên do đó đều ra sức vận động để cố giành được càng nhiều ghế càng tốt trong cuộc đua kỳ này.Theo phân tích, cả hai phe đều nỗ lực bảo vệ hàng chục đơn vị có mức thay đổi dưới 3% số phiếu.

Nếu những cuộc thăm dò ý kiến cử tri trong mấy tuần liên tiếp vừa qua là chính xác, cho thấy Lao Động rõ ràng ở thế thượng phong, thì cơ hội chiến thắng của chính phủ Morrison sẽ bị dập tắt vì kết quả ở Victoria, và thế đa số của chính phủ Lao Động sẽ tùy thuộc vào kết quả ở tiểu bang Queensland.

Tại Queensland hiện nay đảng Quốc gia Tự do (LNP) – đồng minh của đảng Tự Do (Liberal) – đang thống trị vì giữ 21 trong số 30 ghế dân biểu của Queensland, đảng Lao Động giữ 8 ghế và dân biểu Bob Katter tiếp tục giữ vững chiếc ghế ở đơn vị Kennedy, phía Bắc tiểu bang.

Tuy nhiên số ghế có tỷ lệ chênh lệnh rất dễ bị đổi chủ cũng nhiều nhất ở Queensland. 12 đơn vị tại tiểu bang này hiện có tỷ lệ chênh lệch dưới 5% – trong đó 8 ghế của LNP và 4 ghế của Lao động. 8 ghế khác có tỷ lệ chênh lệch (để đổi chủ) rất thấp, dưới 2% (5 ghế của LNP và 3 ghế của Lao động). Như thế chỉ cần một tỷ lệ thay đổi rất nhỏ ở Queensland cũng có thể là yếu tố xoay chuyển chuyện thắng thua của cuộc bầu cử kỳ này.

Nói theo ngôn ngữ nhà binh thì chính quyền Liên đảng của đương kim Thủ tướng Morrison đang dựa vào đảng Quốc gia Tự do LNP để củng cố tuyến phòng thủ ở Queensland, đồng thời cố gắng tấn công chiếm đơn vị Herbert khỏi tay Lao động. Trong khi chiến lược này khiến phe đối lập Lao động khó giành chiến thắng hơn nhưng vẫn còn đủ các mục tiêu khác để Lao độngchiến thắng dù không kiếm thêm được ghế nào ở Queensland.

*

Trong những ngày qua, hai bên đã cố gắng đưa ra những kế hoạch về các lĩnh vực quan trọng nhất là thuế khóa, kinh tế, môi trường, chính sách di trú, đồng thời cũng không quên hứa hẹn những kế hoạch cải tổ quan trọng về giao thông, gia cư, giáo dục v.v…

Như tất cả mọi cuộc bầu cử – cả tiểu bang lẫn liên bang – lần này cử tri Úc cũng được nghe nhiều hứa hẹn lớn lao với các “gói quà” rất hào phóng của cả hai phe liên tục trưng bày nhằm hút phiếu.

Đương kim Thủ tướng Morrison thì tập trung nỗ lực quảng bá cho đề tài chính “tăng trưởng kinh tế”. Thông điệp mà ông Morrison tha thiết kêu gọi cử tri Úc là “bây giờ không phải là lúc để quay lưng (với Liên đảng)” mà phải “tiếp tục và tiếp tục với công việc xây dựng nền kinh tế của chúng ta bằng cách ủng hộ những lựa chọn nguời dân Úc đang muốn mỗi ngày và giúp họ vững tin hơn vào kế hoạch cho tương lai.” Ông Morrison cũng đả kích chương trình “đánh thuế cao, chi tiêu lớn” của phe Lao Động.

Trong khi đó, lãnh tụ đối lập thì chọn địa điểm biểu tương để phát đi lời kêu gọi quan trọng là cùng địa điểm mà Cố Thủ tướng Lao động Gough Whitlam đã vận động tranh cử năm 1972 với bài phát biểu nổi tiếng “Đã đến lúc (It’s Time), đánh dấu một thời kỳ phục hưng của Lao Động”.

Ông Shorten nói rằng ông muốn nói chuyện tại một nơi “có ý nghĩa đối với đảng Lao động và nước Úc”.

Nội dung chính trong bài phát biểu của lãnh tụ đối lập là so sánh điểm tương đồng của 2 cuộc bầu cử (năm 1972 và 2019) là một “quyết định của thế hệ” cử tri Úc đang gặp.

Như thế, trong khi Thủ tướng Morrison kêu gọi cử tri đừng ‘quay lưng’, thì lãnh tụ đối lập Shorten kêu gọi cử tri Úc hãy bỏ phiếu để thay đổi “liên đảng hỗn loạn” bằng đội ngũ “đoàn kết và ổn định” của mình.

Như vậy “giữ nguyên, đừng quay lưng” hoặc “thay đổi” là tùy nơi cử tri.

Đi bầu ở một quốc gia dân chủ, tự do như Úc vừa là quyền lợi cao quý, vừa là bổn phận bắt buộc của mỗi công dân.

Hãy nhớ đi bầu, và chọn đúng, cử xứng để khỏi uổng phí lá phiếu và để khỏi bị phạt vạ (nếu không có lý do chính đáng)

Việt Luận

Related posts