Cám ơn lính chữa lửa Úc

Trong những ngày khói lửa vừa qua, hình ảnh được người Úc quý mến và biết ơn nhất là lính chữa lửa. Ở Úc phần khá đông lính chữa lửa là người tình nguyện.

Là người tình nguyện tham gia vào lực lượng chữa lửa ở Úc, họ luôn luôn sống trong tình trạng báo động. Bất cứ lúc nào, khi đụng chuyện người tình nguyện chỉ được bốn phút là phải có mặt tại sở cứu hoả. Từ sở cứu hoả cho tới hiện trường, người tình nguyện được thêm bốn phút nữa. Hãy nhìn vào nhà của người tình nguyện ở Úc. Họ luôn luôn đậu xe ở chỗ dễ dọt ra nhất. Trong nhà của họ luôn luôn treo sẵn bộ đồng phục chữa lửa. Bằng không có những người tình nguyện đang đêm phải phóng đến trạm chữa lửa mà trên mình không một mảnh vải.

Trong những ngày qua, một trong những đám cháy lớn nhất ở NSW là ở cánh rừng nằm về phía Nam thủ đô Canberra: Đám cháy ở khu lâm viên quốc gia Namadgi và Kosciuszko rộng lên đến 100 ngàn mẫu tây. Sau hai tuần lễ bốc lửa, nhiều đám cháy đã dính liền nhau thành chảo lửa vĩ đại gọi là ‘mega-fire’. Ở Victoria, lửa ở Green Valley cháy lan qua và dính liền với lửa ở East Ournie Creek thành đám ‘mega-fire’ rộng đến 312,000 mẫu tây. Vì sợ lửa lan vào lãnh thổ thủ đô ACT, chính phủ Úc đã phái 19 lính chữa lửa vào biển lửa đó. Nhìn vào thành phần của toán chữa lửa này, chúng ta có thể suy ra ai là người tình nguyện chữa lửa ở Úc. Lẫn lộn ở giữa toán chữa lửa tiền phương là khuôn mặt quen thuộc trên … TV: Ông Tony Abbott, cựu thủ tướng Úc. Mặt ổng cũng lem luốc bụi khói như chàng Jacob Lemmey, 20 tuổi, đang học ngành bang giao quốc tế tại đại học ANU. Lớn tuổi nhất trong toán có nhiệm vụ giữ cho lửa đừng cháy đến tận toà nhà quốc hội Úc ở Canberra là cựu sỹ quan hải quân Alan Ashman, 63 tuổi. Lão tướng này cầm vòi rồng bên cạnh bà luật sư Benita Ainsworth di dân từ Anh quốc. Thật ra, không ai biết tên tuổi và công việc của họ cho đến khi bị… tử nạn. Trong cơn khói lửa hiện thời chúng ta nghe nhiều đến những anh hùng Andrew O’Dwyer, Sam McPaul và Bill Slate. Hai người trước tử nạn ở NSW và người sau ở Victoria.

Là người tình nguyện, phần lớn phải bỏ ngang việc làm để… vác ngà voi! Có người xin chủ cho nghỉ không ăn lương. Có người phải lấy những ngày nghỉ hàng năm. Có người phải bỏ ngang cuộc đi chơi holidays quí giá. Đã vậy, khi đụng chuyện, người tình nguyện phải bới theo cơm nước và phải theo lệnh trên xông vào khói lửa từng shift 8 tiếng mới được nghỉ xả hơi. Nghỉ xong. Tiếp tục shift khác. Vì lẽ này, để giúp người tình nguyện xả thân cứu hoả, mới đây chính phủ Úc đồng ý đền bù đến $6,000 cho công chức tham gia vào lực lượng chữa lửa. Chính phủ đang kêu gọi chủ các hãng tư ở Úc cũng làm vậy. Dù phải hy sinh nhiều, qua cơn bừng bừng của bà Hoả hiện nay, rất đông người sống ở Úc ghi tên tình nguyện vào toán chữa lửa. CFA ở Victoria cho biết gần đây đã nhận được gần một ngàn đơn xin tình nguyện. Thiếu niên từ 11 đến 15 tuổi có thể tình nguyện vào lực lượng ‘Junior Volunteers’. Người lớn có thể ghi tên vào lực lượng trực tiếp cứu hoả (Firefighters (operational) để xông xáo ở trận tiền hay chỉ ở phía hậu phương làm người tình nguyện yểm trợ (support volunters (non-operational). Cách nào cũng góp phần làm nguôi cơn giận của bà Hoả. Bạn đọc ở đâu thì tình nguyện chữa lửa ở đó và hỏi thăm chi tiết ở sở cứu hoả gần nơi mình ở.

Nhiệm vụ của người tình nguyện chữa lửa là gì? Xin thưa: không phải chỉ dập tắt ngọn lửa mà trên hết giữ cho mạng sống và tài sản của hết mọi người được an toàn. Vì lẽ này, trong con khói lửa đang xảy ra ở Úc, đã có người tình nguyện tiếp tục cứu nhà của người khác dầu cho mắt mình thấy lửa bừng bừng thiêu rụi nhà của mình. Chuyện này xảy ra ở Blue Mountains, phía Tây Sydney.
Khi dập tắt ngọn lửa, thông thường người tình nguyện không nhảy vào chảo lửa. Họ tính toán ngọn gió mà vạch ra những khoảng cách giữa lửa rừng với nhà ở của người dân cho lửa rừng không lan rộng thêm. Có khi phải đốt trước. Có khi phải cày thành rãnh lớn. Dẫu cách này hay cách khác chữa lửa luôn luôn là công việc nguy hiểm. Từ năm 1900 đến nay, tính trung bình mỗi năm có 17 lính chữa lửa Úc tử nạn và không ít người bị thương. Ở Blue Mountains, phía Tây thành phố Sydney vào thứ Sáu tuần qua, một chàng thanh niên chữa lửa trạc tuổi hai mươi mặt bị phỏng và phải vào nhà thương. Hai lính chữa lửa khác bị thương ở Kangaroo Island, Nam Úc.

Trước nghĩa cử của ngàn ngàn người tình nguyện trong lực lượng cứu hoả, nhiều bạn đọc nghĩ chắc là chúng ta phải mang bông hồng cài lên mũ áo bám đầy bụi khói. Ai có bông hồng, xin cứ tặng. Riêng người về từ đám tro tàn chắc không lấy gì làm vui hơn khi thấy vài ba mầm non bắt đầu nhú lên từ những gốc cây trơ trụi giữa cảnh hoang tàn.

Việt Luận

Related posts