Chí Phèo mắc dịch!

Như một người bán thuốc Sơn Đông mãi võ, giới truyền thông thế giới, suốt hai tháng nay, cứ bên nây chết, bên kia chết vì con corona virus Wuhan nên em yêu cũng lo sốt vó vì sợ, bèn lên cái ‘phác đồ’ phòng dịch như vầy:

“Ngủ ít nhất bảy giờ một đêm. Sáng thức dậy, vươn vai, tập thể dục 30 phút.

Trước khi ngồi vô bàn ăn sáng thì rửa tay bằng xà bông.

Ăn xong dọn bàn thì dùng thuốc xịt khử trùng, đừng dùng khăn lau, lau cái nầy, lau cái nọ, lau tùm lum, vi khuẩn sẽ lây lan từ bề mặt này sang bề mặt khác.

Xách ‘đít’ leo lên xe ‘bus’ đi làm, em yêu còn dặn vói theo:

“Nhớ ngồi gần cửa sổ nhe, vì gió thổi vô mang không khí trong lành cho cái lỗ mũi của anh. Đừng có xáng lại ngồi gần em nào dù nó có đẹp cỡ người đẹp ưa cởi truồng Ngọc Trinh đi chăng nữa!”

“Em đừng lo! Mấy em Úc thấy anh da vàng mũi tẹt cứ nghĩ anh là Chú ba, người về từ Vũ Hán, là em đã ngồi cách anh chừng ba dãy ghế lận”

“Xong vô Sở, đừng ôm hun con nhỏ nào hết ráo. Cũng đừng bắt tay ‘bông rua’ hay cụng tay nhau như hai võ sĩ đánh bốc lúc thượng đài. Vì bắt tay có nguy cơ lan truyền vi khuẩn gấp 10 lần so với cụng tay nhau. Bắt chưn thì được!”

Chiều về gặp lại em yêu, tui bèn cúi chào con vợ mình theo kiểu Nhựt hoàng vừa lịch sự; vừa giữ vệ sinh cho em.

Bữa tối, em dọn ra toàn là rau rác, may mà còn được một dĩa thịt bò ‘beefsteak’ để ăn bằng dao nĩa. Em yêu hùng hồn tuyên bố:

“Cho tới hết mùa dịch (vật) nầy, nhà mình sẽ ăn theo kiểu Tây, không dùng đũa muỗng thọt tùm lum vô tô canh rồi húp rột rột như trước nữa!”

Em yêu còn dặn thêm lúc đi làm về anh đừng có vác cái mặt buồn so, buồn nào hơn hôm nay, trong mùa ôn dịch nầy vì cái mặt hãm tài nầy gây lo lắng cho em nhiều hơn con ‘coronavirus’ thực sự.

Nên nhớ con người có tới hai loại sức khỏe: sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. ‘Phác đồ’ phòng dịch của em, dạy anh phải răng rắc tuân theo, không có thiếu cái nào hết ráo!

***

Thứ bảy rồi, em kêu tui đi chích ngừa để tránh nhầm lẫn cúm theo mùa với con COVID-19.

Ông bác sĩ gia đình mang khẩu trang như người dơi, tui than phiền với ổng là:

“Tối em em yêu kêu tui ngủ trên lầu đi, em có bật cái cái máy tạo độ ẩm rồi vì vi khuẩn không thích không khí ẩm.

Em sẽ ngủ trong phòng khách dưới nhà trên ghế ‘sofa’.

Chu cha cái nầy găng nhe! Mất cái gối ôm hằng đêm thì làm sao tui ngủ cho được đây hởi Trời?”

Thì ông bác sĩ lại binh em, nói:

“Bà cụ nói đúng quá xá đó! Mấy người bị tiểu đường, bị cao huyết áp, lại cao tuổi, sức đề kháng yếu xìu như cụ đây lỡ dính con coronavirus chưa có thuốc chữa thì dễ đi chầu ông bà ông vải lắm đó!”

Chủ nhựt, em đi siêu thị mua kình kình nhu yếu phẩm đủ cho vợ chồng già ‘nhơi’ ít nhứt hai tuần lễ trong trường họp cơn dịch bùng phát ngoài tầm kiểm soát. Tui cũng chất đầy một xe đẩy toàn là rượu đỏ.

Em yêu hỏi:

“Anh mua rượu chi mà dữ thần ôn vậy?”

“Cái nầy đâu chỉ là rượu thôi đâu mà nó còn là cồn sát trùng cái cổ họng và bao tử của anh.

Em thừa biết con vi khuẩn nầy nó tấn công vào hai buồng phổi của mình. Mà trước khi nó theo không khí đi vô thì nó phải qua cái miệng, cái lỗ mũi của anh, nó gặp chất cồn sát trùng nầy thì cha nó cũng chết!”

***

Đi ‘shopping’ về, chưa kịp soạn đồ ra là em yêu leo lên ‘facebook’ đọc được cái bài: ‘Dịch Thiếu Văn Hoá’ của thằng cha Chí Phèo làng Vũ Đại ngoài Bắc. Em phùng mang trợn mắt trắng dã thấy ghê, gầm lên như Chúa Sơn lâm:

“Thằng nầy dám chửi em, chửi luôn cả người Việt mình ở hải ngoại nè anh”:

“Cha! Sao đứa nào xăm mình dữ vậy nè? Đâu để anh đọc coi!”

***

Chí Phèo làng Vũ Đại viết dại, viết dột như vầy:

“Cả ngày hôm nay tôi nhìn những hình ảnh người Việt hải ngoại đi mua đồ trữ dịch corona mà tôi thấy thật hổ thẹn.

Chen nhau, xô đẩy vì mấy kết nước, mấy bao gạo cho bản thân mà quý vị để lại hình ảnh ích kỷ, xấu xa trong mắt người khác.

Quý vị ở Mỹ mà tư cách quý vị thể hiện trên miếng ăn thật tồi tàn, không thể chấp nhận.

Quý vị may mắn sống ở đất nước có tự do nhưng quý vị đã không tự ý thức được việc mình làm ảnh hưởng như thế nào cho cộng đồng người Việt và cả văn hoá gốc Á.

Quý vị đang tự phản ứng quá mức về dịch bịnh. Điều này chứng tỏ quý vị chỉ lo sợ mất quyền lợi của riêng mình mà thôi.

Quý vị quá ích kỷ!

Dịch corona không lan tỏa nhanh bằng hành động quý vị ngày hôm nay.

***

Thằng Chí Phèo mắc dịch nầy chửi tui, tui hổng quởn đâu mà giận, mà tức; nhưng nó dám chửi mấy Má, mấy chị, trong đó có em yêu của tui là hổng được rồi; nên tui bèn chửi lại nó.

“Ê! Viết như vậy là hỗn hào quá đáng; do nhìn không quá cái lỗ mũi của mình, mà đòi làm cha để phê phán, rồi chửi bới lung tung hè!

Bộ chú mầy không thấy nhiều ông tai to mặt lớn lãnh đạo quốc gia trên thế giới nầy lo sốt vó chạy đôn, chạy đáo, chạy tới, chạy lui hay sao?

Ngay cả Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng phải xính vính, mặt rầu rầu như vừa bị em yêu xét túi!”

Thị trường chứng khoán trên toàn thế giới từ New York tới Hong Kong, London, Sydney gì gì đó đua nhau lao dốc. Nền kinh tế sẽ rơi vào suy trầm là cái chắc, làm ảnh hưởng tới túi tiền còm cỏi của mọi người, trong đó có ta!

Ngân hàng dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ vừa cắt lãi suất rất sâu, tới 0.5 % (Úc 0.25%) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tính giảm thuế cho dân cu li cũng vì muốn kích thích tiêu dùng của người dân Mỹ đó chớ.

Nhà hàng Tàu bán nhẫm xà đua nhau khánh tận! Cái nào còn ngáp ngáp cứ than dài thở vắn hổng biết chừng nào ‘ngộ’ sẽ đi đây!

Hãng máy bay có cái đã sập tiệm rồi, du thuyền hổng còn ai dám đi, hòa nhạc, trình diễn thời trang đều dẹp dẹp hết!

Ngược lại gạo, đường, mắm, muối, sà bông, giấy ‘toilet’ mấy người mẹ, người vợ ào ào đi mua về vì lo sợ như hồi Tết Mậu Thân, năm 68, Việt Cộngvô tới tận Sài Gòn vậy! Giờ thì sợ cơn đại dịch nó có thể vượt ngoài vòng kiểm soát, thành phố sẽ giới nghiêm 24/7 cả nước như bên nước Ý.

Lỡ có cách ly, nói nôm na là bị nhốt miết trong nhà, hổng được ra đường thì phải có cái mà ăn chớ. Ăn xong là phải đi cầu thì giấy ‘toilet’ hổng có đâu có được nè!

Vậy mà chú mầy dám chửi vợ của ta sao?

Ở đất nước tự do, người ta được quyền làm cái gì mà pháp luật không cấm. Đi mua nhiều chừng nào thì nhà sản xuất và các siêu thị mừng chừng ấy. Dĩ nhiên sản xuất sẽ nhiều hơn, buôn bán ì xèo hơn. Tiền vô ào ào ngu sao mà không mừng? Họ sẽ làm hết sức để cung ứng nhu cầu ‘đột xuất’ nầy.

“Vợ ta mua đồ kình kình bằng tiền đã đổ mồ hôi sôi nước mắt của ta làm ra; chớ vợ ta đâu có đi xin ai.

Xưa giờ, em yêu mua bất cứ thứ gì đều được Úc nó cám ơn. Mua càng nhiều nó cám ơn nhiều chừng nấy. Chưa thấy thằng ‘khùng’ nào dám chửi em yêu bao giờ? Ta còn không dám chửi em sao chú mầy lại dám hả?”

***

Trong chế độ tư bản, thị trường tự do việc mua bán là hàng đầu là ưu tiên số một qua cầu Bến Lức. Mua nhiều bán nhiều là kinh tế khởi sắc, nó lên để tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm thì tốt cho người dân chớ?

Đâu phải là cái thời lúc CS Bắc Việt mới chiếm được Sài Gòn.

“Con cắn cơm cắn cỏ, con lạy bà mậu dịch viên bán cho con 100 ‘cà gram’ thịt ‘nợn’ vì con của con đang bị ốm!”

Chắc chú mầy đã quên câu khẩu hiệu:

“Đả đảo Thiệu Kỳ mua gì có nấy!

Hoan hô Hồ Chí Minh mua cây đinh phải xin giấy!”

***

Ai mà hổng lo cho chồng con, cha mẹ, anh em của mình trước trong thời ôn dịch chớ? Mấy người Mẹ, người chị Việt Nam tin mình hơn tin chính phủ.

(Chồng em em còn không tin thì chánh phủ là cái đinh gì?)

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế CS Việt Nam Vũ Đức Đam, tai to mặt bự, tuyên bố Việt Nam sẽ hết dịch (vật) vào tuần tới.

Nghe vậy, vợ chồng, cha con dân Hà Nội ùn ùn bỏ chạy vô Sài Gòn trốn (dịch). Còn ai có gan ở lại chịu trận thì cũng đổ xô đi mua gạo, đường, mắm, muối, giấy toilet ùn ùn ra đó.

Còn trên thế giới từ Âu sang Mỹ, các sắc dân trắng, vàng, đen, đỏ, cũng làm y hịt như bà con mình, cũng ùn ùn đi siêu thị mua nhu yếu phẩm đó thấy hông?

Bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng có người tốt và kẻ xấu. Cái vụ bà con mình ùn ùn đi mua nhu yếu phẩm, đâu phải giành đồ phát chẩn hay giựt đồ cúng cô hồn tháng Bảy đâu? Thì xấu, thì làm hổ thẹn cho chú mầy cái giống gì ?

Sao chú mầy chỉ dám chửi Bà con mình ở hải ngoại. Chú mầy có ngon thì ra mặt xưng tên, xưng hùng xưng bá, chửi hết ráo đi; thì ta e rằng chú mầy không còn một cái răng mà ăn cháo trắng!

Chú mầy đúng là cái thằng Chí Phèo mắc dịch!

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts