Chuyện Xứ Người – Bà Năm

Nguyễn Vạn An

Gần nhà gia đình tôi ở Ba Lê, có một quán cà phê bình dân khá lớn. Chúng tôi thường gọi là Quán Ngựa. Quán lúc nào cũng đầy người. Phần lớn là dân thợ thuyền, từ ngoại quốc tới xứ Pháp làm ăn. Rất nhiều các ông bà già đã về hưu. Họ đến đây để gặp nhau, gặp người đồng hương, trò chuyện nói tiếng xứ mình, uống bia, cà phê, xem đá bóng trên ti vi màn ảnh to, đánh lô tô và nhất là để đánh cá ngựa.

Điều đặc biệt với tôi là quán này có một cái bàn rất lớn, đặt trong góc phải khi đi vào cửa chính, gần như dành cho một nhóm người Việt. Nhóm này toàn là đàn bà. Toàn là các bà già! Bà nào cũng ít nhất 70 tuổi, có bà đã trên 90 !

Sáu bẩy bà già người Á Châu mà châu lại với nhau trong một bàn thì ai không để ý. Nhất là còn có thêm hai lý do. Lý do thứ nhất là, vì bà nào người cũng bé nhỏ, nên cái bàn đó nhìn từ xa như trũng hẳn xuống, so với các bàn xung quanh, phần lớn người ngồi là đàn ông thợ thuyền, ai cũng to lớn mập mạp. Lý do thứ hai là, tuy nhỏ người, các bà lại nói rất to và chỉ nói tiếng Việt. Tiếng các bà lanh lảnh, tiếng cười khanh khách, chẳng coi ai ra gì hết. May là quán cũng đầy tiếng nói chuyện ồn ào, đủ thứ tiếng ngoại quốc, và chủ tiệm cũng như khách hàng đã quá quen với các bà, nên cũng chẳng ai than phiền gì.

Tôi tò mò nhiều lần đến đứng ở quầy uống cà phê để có dịp quan sát các bà. Dĩ nhiên là tôi không qua mắt các bà được. Thấy tôi người Việt, lần nào các bà cũng lên tiếng chào mời hỏi thăm. Rồi thi nhau bô bô hỏi chuyện, mặc dù tôi đứng ở quầy, xa bàn các bà tới mấy thước. Không hiểu từ đâu, tôi được đặt tên là “cậu Ba “ ! “Cậu Ba có khoẻ không, vợ con gì chưa ? “, “Cậu Ba hồi này mần ăn ra sao ? “, vân vân.

Các bà là những người Việt Nam đã qua Pháp từ lâu. Tuổi trung bình là 80, như đã nói. Các ông chồng thì đã chết hết cả rồi. Con cháu đã trưởng thành ra ở riêng. Không bà nào chịu ở với con cái dâu rể, dù dâu rể là người ngoại quốc hay người Việt. Họ phần lớn đều có một căn nhà riêng, hoặc đã mua khi còn trẻ, hoặc con cái mua cho. Trong nhóm có mấy người nghèo, không ai thân thuộc, đi ở đậu hết chỗ này đến chỗ kia. Tuy vậy, tất cả sống điều hoà với nhau, ai đói thì chia cho ăn, ai rách thì tìm quần áo cho mặc. Thỉnh thoảng cũng nghe tiếng la lối um xùm, cãi nhau ỏm tỏi, nhưng nói chung họ cùng tình cảnh già nua góa bụa, lẻ loi xứ người, biết đùm bọc lấy nhau. 

Trong nhóm này có một bà tôi rất để ý. Người ta gọi bà là bà Năm, chắc vì bà là người con thứ tư. Người bà cái gì cũng nhỏ. Thân nhỏ, đầu nhỏ, mắt nhỏ, mũi nhỏ, miệng nhỏ, răng nhỏ. Nói chung nét mặt thanh thoát, chắc ngày xưa cũng xinh xắn.

Tuổi khoảng 70-75, tóc vẫn còn đen, tuy nhiều lúc rất dơ. 

Bà hiện ra với tôi dưới hai hình trạng. Lúc bà tỉnh và lúc bà điên. Vì thế có người gọi bà là bà Điên ! Gọi thế thôi, trong lòng có tình thương quí, có chê bai khinh rẻ gì đâu. Không phải lúc nào bà cũng điên, nhưng khi bà lên cơn thì đúng là điên thật. 

Lúc bà tỉnh thì ăn mặc gọn gàng, đầu chải mượt bóng nhoáng, mặt mũi sạch sẽ, má có chút phấn, môi có chút son, hình như còn đánh móng tay nữa. Những lúc đó bà chỉ nói tiếng Pháp, rất rành rọt, trôi chẩy, chia động từ chỉnh chang, có khi còn văn chương điệu bộ, nhắc nhở vài câu thơ của La Fontaine nữa. Nghe nói ông chồng xưa có tiệm cơm, làm ăn thành đạt, có nhà cửa đàng hoàng. Chắc chắn bà cũng có con cái, nhưng tôi chưa bao giờ gặp bà với một đứa con nào. Có lần tôi thấy bà móc trong ví ra một lô các lọ nước hoa nhỏ tý, rồi khoe với cả bàn một thoi son hiệu Christian Dior. Những thứ đó bà vào xin ở các tiệm bán nước hoa. Người ta có các hàng mẫu tý hon làm quảng cáo, chỉ cho mà không được bán. Họ cho bà vì quen bà từ lâu, vì bà tiếng Tây tía lia thành thạo, họ thích bà vì bà già rồi mà còn làm đỏm như con gái.

Lúc bà điên thì rất tội nghiệp. Quần áo lôi thôi, áo trong thòi ra áo ngoài, tóc tai dơ bẩn, môi son bôi vụng về loe loét. Những lúc đó chủ quán đuổi bà ra khỏi tiệm. Bà ngồi chồm hổm bên vỉa đường, bóc gói ra ăn một mình, mắt ngơ ngáo nhìn quanh, miệng nhai lép nhép, trông thương xót vô cùng. Điều rất lạ là những lúc đó bà không nói được tiếng Pháp nữa mà chỉ nói hoàn toàn tiếng Việt. Bà gọi tên mẹ, tên cha, nhắc nhở đến ông chồng và chửi mắng con cái. Tiếng bà oang oang, và những câu chửi không biết bà học từ hồi nào, có vần có vè, nghe rất dễ sợ. Chung quanh người đi đường ai cũng quay lại nhìn, nhưng họ có hiểu gì đâu. Có người đi gọi cảnh sát, nhưng cảnh sát không làm gì được. Vì nói to và chửi thề cảnh sát không hiểu. Mà có hiểu thì nói to chửi thề cũng không phải là một tội lỗi đủ nặng để bắt bà mang về bót. Ở xứ này, luật pháp rất tôn trọng tự do cá nhân.

Bà la lối một hồi, thấm mệt, ngồi tựa vào một gốc cây mà ngủ. Đến khi tỉnh thì các bà kia ra lau mặt lau mũi, rồi dẫn vào ngồi trong tiệm rót nước cho uống.

Một buổi sáng sớm thứ bẩy, tôi mặc quần áo thể dục ra chạy dọc đường cho khoẻ. Qua Quán Ngựa, đã thấy bà ngồi chồm hổm trước cửa tiệm, chờ các bà kia chưa đến. Tôi bèn bỏ cuộc chạy, mời bà vào uống nước, trò chuyện với bà. 

Bà kể lể đủ thứ. Trước kia làm ăn khá giả, có con, có cháu, đứa còn đứa chết, nhưng không hiểu bây giờ con cháu ở đâu ai cho bà tin tức gì cả. Lúc nào cũng chỉ thấy bà có một mình. Bà ở một làng nhỏ khá xa Ba Lê, phải đi buýt và xe điện ngầm, khoảng một giờ rưỡi mới tới Quán Ngựa. Bà vừa già vừa nghèo, được đi xe buýt miễn phí. Bà đi ngoài giờ làm việc, xe vắng người, ngồi cả giờ, rất thoải mái. Ở làng, lúc ông còn sống, ông bà ăn ở cũng tàm tạm với hàng xóm. Nhưng từ lúc ông mất đi, bà đâm ra gàn gàn, ai cũng tránh né. Dần dần, không ai nói chuyện với bà nữa. Bà đi lang thang ngoài đường, nói lảm nhảm một mình. Hàng xóm mà gặp chỉ chào một câu rồi đi thẳng. Có người làm bộ không thấy, hay có thấy cũng chẳng chào. Trẻ con đang cười đùa thấy bà là im thin thít, nắm tay mẹ. Bà nói : “Ai cũng tránh và ghét tôi. Cả con chó gặp tôi, nó cũng sủa ! Tôi mà nằm chết trong nhà chắc cả tuần người ta cũng không hay !”, “Ấy là tôi còn biết tiếng Pháp, và có tiền trợ cấp, tiêu xài cũng tạm đủ. Nếu mình mà đi ăn xin, thì không hiểu người ta đối với mình như thế nào ! “.

Một ngày nọ, trời Phật run rủi, có người dẫn bà tới Quán Ngựa. Bà làm quen, rồi từ đó, ngày nào, gần trưa là tới quán, la cà trò chuyện cho đến tối mới trở về nhà. Có bè có bạn, dần dần bà trở lại bình thường, thỉnh thoảng mới nổi cơn điên lên thôi. Thấy bà đi đi về về mệt mỏi, có một bà khác ở gần Quán Ngựa cho bà về ở cùng. Đó là một bà đã trên 80, được gọi là Bà Đốc, vì chồng ngày xưa là bác sỹ. Bà Đốc có tiền, ăn mặc điệu bộ, có nhà ở ngay Ba Lê. Hai bà ở với nhau được ít lâu, thì có một chuyện đáng tiếc xẩy ra. Một đêm, bà điên nổi cơn, đùng đùng la hét, đập phá lung tung. Bà đập phá rất nhiều bát đĩa, đồ cổ mà bà Đốc đã mua và giữ gìn từ nhiều năm nay. Bà Đốc gọi cảnh sát. Cảnh sát làm biên bản, rồi hỏi bà Đốc có muốn làm đơn kiện không. Bà Đốc nói : “Tôi kiện cáo làm gì. Bà kia lấy tiền đâu mà đền tôi ! Cái số tôi ăn mày nên mới xẩy ra như thế này ! “ Hôm sau, bà Đốc tới Quán Ngưa kể lể. Thế là bà điên và bà Đốc giận nhau, và bà điên dần dần bị xóm Quán Ngựa hắt hủi. Mỗi lần đến, bà ngồi lủi thủi một góc. Rồi bà ra ngồi một mình ngoài vỉa hè. Không có ai nói chuyện, những cơn điên bắt đầu trở lại, và càng ngày càng nặng nề hơn.

Chuyện tới đó thì tôi mất tin tức bà điên. Khi tới hỏi, các bà kia nín thinh, hay nói không biết. Bẵng sau đó ít lâu, một hôm tôi đang đi về nhà, bỗng có tiếng kêu ơi ới : “Cậu Ba, cậu Ba !”. Một bà già chạy tới, mặt quen quen : “Lâu quá không gặp cậu, …Cậu có được mạnh giỏi không ? Ủa, cậu không nhớ tôi sao ? Tôi đây mà… “. Thì ra đó là bà điên. Nhưng dáng điệu, nét mặt khác hẳn ngày trước. Tóc vẫn đen, nhưng sạch sẽ. Da xạm hơn, nhưng rắn bóng như người mới ra biển. Quần áo gọn gàng tươm tất. Nhất là dáng điệu tươi cười, không còn cái buồn lủi thủi như ngày xưa. Điều quá lạ là sau lưng bà, có một ông người Việt gầy còm, tóc bạc, má hóp, còn ngượng nghịu trong một bộ quần áo mới mua, quá rộng đối với ông. Ông nhút nhát chào tôi, với một giọng nói đúng là ở bên nhà mới sang. Một giọng nói “Bắc Kỳ “, cứng rắn, rõ ràng, e lờ en nờ chỉnh chang, mà tôi còn nhớ mang máng khi, lâu lắm rồi, tôi còn ở bên nhà.

Hỏi ra mới biết là trong mấy tháng qua bà điên đã về và sống ở Việt Nam. Hồi đó nước mình rất nghèo, con người đối xử tử tế với nhau. Vừa về nước, đến ở nhờ một người quen ở ngoại ô, xa Sài Gòn, bà đã thấy như sống lại. Ở Pháp, bà là một người thừa, sống nhờ trợ cấp, họ nuôi cho tới chết. Còn ở Việt Nam, bấy giờ nghèo xơ xác, tiền trợ cấp bao nhiêu năm dành dụm đổi ra tiền cụ Hồ, bà tiêu xài thư thả. Ra đường, người ta cười với bà, ai cũng trả lời bà. Ngày nào bà cũng la cà ở xóm chợ, chuyện trò, trả giá, mua sắm này nọ, thấy ăn mày còn cho chút đỉnh. Ít lâu sau, người ta quen bà, gọi bà là “Ngoại “, “Ngoại Việt kiều “. Bà dần dần trở nên sáng suốt, và những cơn điên theo nhau biến mất. Bà đã thành một người hoàn toàn bình thường.

Cho đến một ngày kia, có một người đàn ông cứ theo nói chuyện với bà. Rồi hai người đi đâu cũng có nhau.

Tôi không hiểu rõ câu chuyện như thế nào, nhưng hình như bà bỏ tiền đưa ông đi Tây, rồi ông sống lẩn lút bên này. Về sau bà có lập gia đình với ông hay không và có xin giấy má, công việc cho ông hay không tôi không biết. Nhưng tôi không thể quên được câu chuyện của bà. Một người Việt sống lẻ loi xứ người, bị xã hội ruồng bỏ, hắt hủi, cả ngày kiếm người để nói chuyện, lẻ loi đến phát điên phát khùng, chỉ về nước sống với đồng bào mà khỏi bệnh. 

Chuyện này xẩy ra lâu lắm rồi. Lâu lắm rồi. Hồi đó nước mình rất nghèo, ai cũng quí mến kiều bào khi về thăm nhà…

Related posts