Con kên kên!

Kevin Carter, một phóng viên nhiếp ảnh, sanh ngày 13, tháng Chín, năm 1960 tại Johannesburg, South Africa (Nam Phi) ở khu toàn người da trắng, trong một gia đình trung lưu.
Thời thơ ấu, ông thường thấy Cảnh sát truy bắt những những người tội phạm người da đen gần nơi ông sinh sống.
Gia đình của ông theo đạo Công giáo, đầu óc cởi mở. không thành kiến; nên có lần ông đặt câu hỏi là: “Tại sao lại thân phụ và thân mẫu của ông lại rụt rè yếu đuối trong việc đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc đang bao trùm trên đất nước Nam Phi?”

Tốt nghiệp Trung học, Carter bỏ ngang trường Đại học Dược Khoa, không ra trường để làm Dược sĩ mà tình nguyện gia nhập và phục vụ binh chủng Không Quân trong 4 năm.
Năm 1980, ông chứng kiến một người hầu bàn da đen bị bức hiếp, bị xúc phạm, bị chửi bới. Carter đứng lên cương quyết bảo vệ người da đen nầy. Hâu quả những đồng đội hùa nhau đánh đập ông một trận thừa sống thiếu chết. Thế là ông đào ngủ.
Năm 1983, chứng kiến cuộc đánh bom ở Church Street ở Pretoria, Kevin Carter quyết định trở thành một nhà báo làm việc cho tờ Johannesburg Star, chuyên săn những hình ảnh về sự tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang xảy ra trên đất nước của ông.
Kevin Carter là người đầu tiên chụp ảnh ghi lại những cuộc treo cổ, hành hình công khai những người Nam Phi da đen vào giữa thập nên 1980.
“Tôi kinh hoàng khi chứng kiến những việc họ làm. Và khi bức hình kinh khủng nầy được những người dân Nam Phi bàn tán xôn xao lúc ấy, tôi nghĩ rằng chứng kiến những hành động kinh hoàng nầy phải được ghi ảnh lại”.

                 ***

Tháng Ba, năm 1993, Liên Hiệp Quốc tin rằng những bức ảnh thê thảm về nạn đói kinh hoàng nầy sẽ đánh động lương tâm nhân loại để loài người có thể chung tay góp thêm tài lực hầu cứu trợ những người dân khốn khổ nơi đó.
Kevin Carter thấy cơ hội làm một phóng viên nhiếp ảnh tự do để tường trình về nhưng vấn nạn của nhân loại. Ông đến Nam Sudan đang chìm đắm trong cuộc nội chiến và nạn đói đang hoành hành trên đất nước miền Trung vùng Đông Phi nầy.
Và bức ảnh gây xúc động “The vulture and the little girl” (Con kên kên và em gái nhỏ) diễn tả một em gái nhỏ vì đói cúi gặp mình xuống mặt đất; trong khi một con kên kên đứng chực chờ gần bên để ăn xác gầy đói của em.
Tờ ‘The New York Times’ in bức ảnh vào ngày 26, tháng Ba, năm 1993 làm chấn động lương tâm con người trên toàn thế giới. Hàng trăm độc giả đã gởi thư hoặc gọi vào Tòa soạn ‘The New York Times’ để tìm biết số phận của em gái nhỏ nầy sau đó ra sao? Tòa soạn, một lần rất hiếm hoi, đã trả lời là: “Sau khi con kên kên bị đuổi đi, em bé gái không biết có đủ sức để đến được nơi phân phát thực phẩm chống đói của cơ quan cứu trợ Liên Hiệp quốc hay không?”

Câu trả lời của ban biên tập tờ ‘The New York Times’ gây ra phản ứng rất dữ dôi từ độc giả. Một số người nói rằng Kevin Carter, phóng viên ảnh đã chụp bức ảnh này, là vô nhân đạo! Tại sao không bỏ máy ảnh của mình ra để chạy đến giúp em gái khốn khổ nầy?
(Sự thực là trong vài ngày, Kevin Carter đã đến những ngôi làng đầy những người chết đói. Lính Sudan có trang bị súng ống đầy đủ ngăn không cho ông can thiệp; ngay cả khi ông quyết định giúp đỡ đứa bé, những người lính cũng không cho).
Tháng Tư, năm 1994, bức ảnh đoạt giải ‘the Pulitzer Prize for Feature Photography’, Kevin Carter bước lên đỉnh vinh quang! Cuộc tranh cãi về bức ảnh như bị giải thưởng danh giá nầy đổ dầu vào lửa, bùng lên ác liệt hơn. Làm tác giả, phóng viên ảnh, Kevin Carter bị chấn thương trầm trọng về tâm lý!
(Năm 2011, thân phụ của đứa bé khốn khổ trong ảnh cho biết thật ra đó là một bé trai tên là: ‘Kong Nyong’. Sau dó đã tìm đến được Trung tâm giúp đở về thực phẩm của Liên Hiệp Quốc. Nhưng buồn thay năm 2007, em đã chết vì bị bệnh sốt Châu Phi.)

                    ***

Ngày 24, tháng Bảy, năm 1994, Carter lái xe về quê cũ thời thơ ấu. Ông tự sát bằng cách nối ống xả khói từ chiếc xe bán tải của mình rồi từ giã cõi đời vì ngộ độc khí ‘carbon monoxide’ khi chỉ mới vừa 33 tuổi.
Thư tuyệt mạng để lại, Kevin Carter trăn trối: “Tôi thật sự thật sự rất tiếc. Nỗi đau của cuộc sống đè lên niềm vui đến mức niềm vui không tồn tại…. chán nản… không có điện thoại… không trả được tiền mướn nhà… tiền giúp vợ cũ nuôi con… không tiền trả nợ… tiền!!!…
Tôi bị ám ảnh môt cách dai dẳng bởi những ký ức sống động về giết chóc và xác chết & sự tức giận và đau đớn… về những đứa trẻ bị bỏ đói hoặc bị thương, của những kẻ cuồng sát bệnh hoạn một cách sung sướng, thường là cảnh sát, (lại) là những tên chuyên hành quyết giết người… ”. “Thôi tôi đi gặp ‘Ken đây”.

Ngay cả lúc người bạn thân nhất, Ken Oosterbroek bị bắn chết thì Carter cảm thấy người bị bắn phải là mình; vì lúc đó Carter không có mặt, bởi bận trả lời phỏng vấn của báo chí về việc giành giải Pulitzer.

                   ***

Mang măc cảm tội lỗi vì chứng kiến nhưng cái chết tàn khốc của nạn nhân mà mình bất lực, không làm được gì để cứu họ. Đối phó với nỗi kinh hoàng do nghề nghiệp gây ra, Kevin Carter tìm đến ‘cocaine’ và các loại ma túy khác để tìm quên vô số vụ giết người tàn bạo! Từ đánh đập, đâm chem., bắn giết. Và hành vi man rợ nhứt, Kevin Carter từng chứng kiến bọn thủ ác quàng quanh cổ nạn nhân một chiếc ‘lốp’ chứa đầy dầu rồi châm lửa đốt.
Kevin Carter thường tâm sự với người bạn Judith Matloff, phóng viên chiến trường, về cảm giác tội lỗi khi mình không thể cứu được chỉ lo chụp ảnh họ khi họ đang bị giết.

                ***

Kevin Carter đã dành hết phần lớn cuộc sống của đời mình vào việc vạch trần sự tàn ác xấu xa của chủ nghĩa apartheid (phân biệt chủng tộc) và bây giờ – theo một cách nào đó – nó đã kết thúc; khi Nelson Mandela ra khỏi tù, sau 27 năm bị gian cầm, để trở thành Tổng thống Nam Phi vào ngày mùng Mười, tháng Năm, năm 1994, chỉ sau một tháng ngày Kevin Carter đoạt giải Pulitzer.
Và cũng nhờ bức ảnh đáng nhớ nầy về nạn đói, Sudan đã được cả thế giới biết đến. Carter cuối cùng đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trên lương tâm của cả địa cầu!

               ***

Thế giới, bây giờ, chủ nghĩa dân túy hẹp hòi tràn lan khắp địa cầu như bịnh dịch. Các chánh trị gia mị dân đầy thủ đoạn, lợi dụng lòng ái quốc cực đoan của một số người, ngầm cổ võ, khuyến khích sự dửng dưng trước nổi thống khố của con người Ngay cả nước Úc, từng nổi tiếng bao dung, cũng không thoát khỏi vòng xoáy khắc nghiệt, dã man đó.
Thân phận của một người tị nạn, người đã từng chứng kiến biết bao là tội ác trong đời nhưng dẫu vậy bức ảnh cũng làm tôi cực kỳ xúc động!
Nên đêm nay, mùa Đông Melbourne, ngoài Trời nhiệt độ xuống tới 5 độ C, lạnh buốt! Nhà được sưởi ấm, nhìn qua khung cửa sổ, trời đang lắc rắc mưa; lại nghĩ đến những người cùng khổ của quê mình, của quê người, của toàn thế giới, tôi viết một bài thơ:
“Thằng da trắng mập; chạy vòng vòng vì sợ mập.
Em da đen gầy còm lết đi tìm một miếng ăn
Con kên kên kên kiên nhẩn chờ em chết.
Khi tử thần quanh quẩn ở đâu đây!
Nhà nhiếp ảnh thản nhiên nhìn, tay bấm máy!
Thế giới gì tàn nhẩn vậy Chúa ơi?”

Già rồi! Tuyến lệ của tôi đã cạn đã lâu rồi nhưng có những nỗi đau đớn của đời người, thì biết bao nhiêu nước mắt cho đủ chớ?!

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.

Related posts