Cột đồng Đông Hán…

Không muốn làm tiên. Chỉ muốn làm người Quế Lâm!

            Ngồi trên máy bay Air China, từ Hồng Kông đi Quế Lâm, tôi cứ có cảm giác bất an. Ngoài gia đình mình 5 người, xung quanh toàn “lạ mặt những người ta”. Trong đầu óc chợt loé lên một ý nghĩ rất ngộ nghĩnh có từ thuở nhỏ khi thường nghe bà mẹ nói: “người Ngô”. “Chung quanh lạ mặt những người Ngô” có vẻ hợp tình, hợp cảnh lúc này. Người ta cứ “xí xô xí xào” oang oang trong máy bay mà như ngoài chợ. Phải rồi: “3 người Tàu gặp nhau thì thành cái chợ” mà! Ở đây lại hơn 3 người rất nhiều. Cám cảnh hơn là mình đang để cho đầu óc tự do, suy tư rất mông lung, thì một cái miệng chõ vào “sủa” một tràng tiếng Tàu, khiến tôi ù cả tai, chỉ nghe được có mỗi tiếng “nị”. Đành lắc đầu nói “sorry”. Với tất cả trí thông minh hạn hẹp, tôi đoán mấy ông bà Tàu này chắc là “hồi hương” sau chuyến du lịch “thương mại” ở Hồng Kông.

            Hình như công an ở các nước gọi là “Xã hội chủ nghĩa” đều có chung một tác phong là xoi mói. Ở Việt Nam còn cho là “làm khó” để lấy dăm, mười Đô-la kẹp trong Passport. Ở phi trường Quế Lâm tôi cũng thấy ánh mắt soi mói, xăm soi vào trong mớ chữ và hình ảnh trong passport (mà không biết là có đọc được không? Tôi nghĩ bản chất của những người ngày xưa khi còn đi làm “hội kín” vì phải trốn tránh, dấu diếm nên biến thành đa nghi, nhìn đâu cũng thấy một âm mưu chống phá mình, nên luôn luôn e dè và đề phòng. Tàn nhẫn thì tàn nhẫn thật, nhưng đó là phản ứng của kẻ yếu và bất lực, nên mới chủ trương “thà giết lầm, hơn bỏ sót”. Ngày xưa trong thời gọi là “đi làm cách mạng” họ đã lợi dụng được tinh thần tôn trọng sự thật này của “các thế lực thù địch” nên rất có kinh nghiệm. Cái ánh mắt e dè, soi mói này chỉ biến mất khi qua những phi trường của các nước Tự do; và nhất là về đến phi trường Sydney thì nó đổi ra vẻ ấm áp, chào mừng người đi xa về “Wellcome home”. Những nỗi hồi hộp bị ngăn trở hoàn toàn biến mất. “Tôi về nhà mà! Và thật sự là tôi về nhà. Tôi hoàn toàn không có ý thức bội bạc khi cảm thấy mình là một người khách đối diện với anh “hải quan” mặt non choẹt, ngầu ngầu đang xăm soi cái passport của mình, lại còn giở từng tờ giấy, xem có cất dấu mảnh giấy nhỏ gì ở trong không? (Tôi nghĩ thế).

            Điều không may là tôi phải đi trong đoàn du lịch toàn người Tàu. Họ xí xô, xí xào thảo luận ầm ĩ những gì, mình cũng không biết. Hoặc có khi họ chửi rủa mình ầm ĩ, mình cũng chẳng hay. Cứ như một anh câm, điếc lạc vào chợ Tàu. Được cái may, biết đọc chữ, nên không đến nỗi lầm tiệm ăn ra “Câu lạc bộ Thể thao” như Nhất Linh thuật lại trong một chuyện vui, đọc trong thời còn học Trung Học: “Truyện Đi Tây”, đúng là truyện vui dí dỏm mà trí thức. Cho đến khi được theo đoàn du lịch đi thăm những cảnh đẹp của Quế Lâm, tôi mới ý thức được: tại sao những người dân ngày trước của Quế Lâm lại: “Không thích làm Tiên, mà chỉ muốn làm người Quế Lâm.”

            Khi ở trên tàu xuôi dòng sông Ly đi Dương Sóc, là một dịp để “sửa sai” những ngộ nhận từ trước. Nghe phát âm thì “Ly” với “Lệ” cứ “uồm uồm “như nhau, khiến tôi cứ nghĩ con sông đẹp vào bậc nhất ở Quế Lâm là con sông “Lệ” mà Giáo sư Trần Trọng Kim khi viết văn đã lấy bút hiệu là “Lệ Thần”. Thần sông Lệ (lý do cát của sông Lệ đãi được vàng, nên thần sông Lệ chính là vàng (Kim) Chẳng biết đã có ai đãi được tí vàng nào trên sông Lệ ở Vân Nam không? Chứ dân Việt Nam thụ hưởng được nhiều công trình “tim óc” của “Lệ Thần tiên sinh” qua những tác phẩm: “Nho Giáo”, “Việt Nam sử lược” v.v…

            Đứng trên boong tàu cao, nhìn giòng sông Ly nưóc trong vắt, thấy tận đáy những đám cỏ nước (hay rong rêu?) ngả nghiêng theo sóng nước, lại nghĩ đến khi ngồi trên chiếc thuyền nhỏ (bằng sắt cho nó “hiện đại” – nhưng không thể thơ mộng bằng thứ thuyền gọi là “thuyền quế chèo lan” ngày xưa đưa người đi lễ Chùa Hương, phải qua suối Đục, suối Giải Oan. Có lẽ vì nặng tình quê hương, nên tôi vẫn cảm thấy “Suối Đục” gần gũi mình hơn. Gần gũi chẳng phải vì Suối Đục nhỏ hơn và ngắn hơn đoạn sông trên sông Ly, từ Quế Lâm đi Dương Sóc. Nhưng có lẽ vì những du khách cũng gần gũi với mình hơn, dù rằng ngày nay chẳng ai “thẹn thùng em không nói: Nam vô A Di Đà” (*). Trên giòng Suối Đục này qua bao năm tháng đã có biết mấy triệu tiếng “Nam mô A Di Đà” còn lững lờ trên mặt sóng.

            Mỗi doạn, mỗi khúc cong của sông Ly là một cảnh “sơn thủy” hữu tình. Tôi có cảm tưởng giòng sông Ly như mộttập tranh sơn thủy vẽ thủy mạc của những hoạ sĩ tài hoa lần giở từng tấm dọc theo giòng sông. Nó làm tôi thắc mắc: phải chăng tranh sơn thủy của Tàu là vẽ cách điệu, hay vẽ thực tế với bút pháp đặc biệt của họa sĩ Trung Hoa? Nhìn quanh, chỗ nào cũng thấy mấy bóng núi ẩn sau các khóm cây trong làn sương mù. Hôm ấy trời lại âm u, nên cảnh vật ngả màu tối rất gần với tranh thủy mạc. Tôi cũng chẳng lạ khi tưởng mình ở vào một nơi nào trong cõi thiên nhiên ấy, chắc hẳn rằng cái lòng sôi nổi về thế sự cũng nguội đi rất nhiều.

            Tưởng đến người xưa đi chơi Chùa Hương, để đề vào vách động mấy chữ “Nam thiên đệ nhất động” mà thấy được cái tỷ lệ nhỏ bé của mình; Mà thương cho người xưa với tài trí nhường ấy mà phải khởi nghiệp ở một góc trời Nam nhỏ bé.

            Ngồi thử trà ở một hiệu bán trà gọi là có tiếng ở Quế Lâm. Cô gái có đôi bàn tay rất đẹp, thoăn thoắt pha đủ thứ trà để giới thiệu với khách. Thử thì thử, chứ tôi không phải là đệ tử của trà đạo, nên không có được sự tinh tế để phân biệt trà ngon. Tôi ngồi nhìn qua đường sang vườn hoa dọc sông Ly thấy tượng Mã Viện nổi bật lên trên đám người nhàn du.

            Tượng Mã Phục Ba tướng quân được dựng trong công viên nhỏ dọc bờ sông Ly. Tượng Phục Ba đang cưỡi ngựa đặt trên bệ tượng có tỷ lệ rất cổ điển Tây phương. Nó cho ta thấy thế nào là nghệ thuật Trung Hoa thời “Duy tân” đã dời xa nghệ thuật truyền thống. Tôi dừng suy nghĩ về nghệ thuật ở đây, để chỉ nói đến cái tên Mã Viện, đã vang vọng trong tâm thức tôi từ hồi còn ở tuổi dưới 10, nghe các chị nói chuyện Hai Bà Trưng bị Mã Viện đánh bại khiến phải nhảy xuống sông Hát tự tử. Tên Mã Viện này trong trí óc non trẻ của tôi hồi ấy là một tên “hung thần ác sát”, có 3 đầu sáu tay. Lại còn nghe chuyện quân của Hai Bà đều là nữ binh, nên khi đánh nhau, quân Tàu thua, Mã Viện bèn cho quân “cởi truồng” làm binh sĩ của Hai Bà xấu hổ, bỏ chạy, nên giặc Tàu mới thắng trận. Sao tuổi nhỏ dễ tin vào những chuyện ngộ nghĩnh. Kể cả việc “bánh trôi là để cúng Hai Bà nhắc lại việc tự trầm ở sông Hát. Cũng chẳng biết sông Hát ở đâu? Đền thờ làng Đồng Nhân thì được theo mẹ đi lễ, thấy có hai cây cột vuông rất cao ở tam quan, cùng vài cây muỗm xum xuê ở sân đền.

            Nhìn tượng vinh danh Mã Viện ở Quế Lâm này, tôi lại muốn đi thăm một số địa danh ở Quảng Tây có liên quan với lịch sử Việt Nam về biên giới Hoa Việt. Nó dường như cũng để minh chứng cho câu thơ “Giành nhau nòi giống một da vàng”.

            Hỏi thăm để đi chơi Nam Ninh, người hướng dẫn du lịch nói ở đấy không có cảnh đẹp như ở Quế Lâm này. Lại hỏi đến Ung Châu, người ta ngơ ngác. Xem ra chiều dày lịch sử của những ông Tàu này cũng “khiêm tốn”. Phải! Ai mà nghĩ ngày xưa tỉnh lỵ của Quảng Tây lại là Ung Châu. Chữ “châu” nghe vang vọng một diện tích nhỏ bé. Người Tàu ngày nay không biết là phải, vì: một là sách sử không được tự do đọc; Mà có khi họ cũng chẳng ghi nữa. Nhưng Ung Châu đối với tôi vang vọng một biến cố lịch sử, nó nhắc tới tên nhiều châu quận trong tỉnh Quảng Tây như Khâm Châu, Liêm Châu. Thành Ung Châu (Nam Ninh ngày nay) cách đây hơn một ngàn năm đã trải qua một kiếp nạn, khiến toàn dân trong thành đều bị tàn sát.(1) Tinh thần dân tộc khiến mình coi nhẹ những tàn ác của quân binh Lý Thường Kiệt với Tôn Đản đối với dân cư ở Ung Châu, mà theo Tống Sử thì là vì trọng nghĩa khí, nên nhất quyết không đầu hàng quân Việt, khiến quân nhà Lý phải vây hãm và công phá hơn 50 ngày. Hay cũng có khi vì quan trấn thủ cưỡng ép không cho đầu hàng? Cứ xem cái cách quan giết hết gia đình vợ con rồi tự tử thì sự quá khích tàn nhẫn này hẳn là không coi tính mệnh của dân chúng trong thành ra gì.

            Sau trận Ung Châu, quân nhà Lý đã “dạy cho Thiên Triều một bài học”, rồi ung dung rút quân về, bố trí ở phòng tuyến sông Cầu, ngăn quân Tàu sang đánh báo thù. Sử không mô tả nhiều đến chiến cuộc sông Cầu và nhất là tinh thần quân sĩ Tàu. Nhưng cứ xem thái độ vừa đánh vừa run của ông tướng Tàu Quách Quỳ thì rõ, tuy vâng mệnh vua, nhưng nếu lần lữa được để bảo tồn chữ “thọ” thì vẫn hơn!. Giở lại đoạn sử này để thấy ảnh hưởng của trận chiến Ung châu đối với quân của “Thiên triều” như thế nào: “Thánh nhân đối với Man di, làm chính sách không trị mà trị, thế mà trong thiên hạ không đâu là không trị. Tôi trộm nghĩ rằng, từ khi Giao Chỉ chưa hàng, ta đem quân đánh thì chỉ đánh một góc (bị chặn ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) còn cách Thăng Long mấy chục dặm) mà binh phu đã chết dọc đường nối tiếp nhau phí của nước kể hàng ức, hàng vạn. Trong hai năm nay thật là lao khổ. Thế mà chỉ được đất vài châu như Quảng Nguyên mà thôi. Đất ấy, nếu có cũng chỉ là chỗ cùng hải, cùng sơn, đầy thú ác, khí độc. Người ấy, đất ấy được thì cũng chả có ích gì cho thiên hạ.”… Vả Man di ở ngoài cõi hoang phục, phong tục khác. Thư từ phải thông dịch mới hiểu được. Với phép trị chúng ở đời Tam Đại (Nghiêu, Thuấn, Thang) tinh xảo biết bao, mà bấy giờ cũng cho rằng cũng không đáng được cai trị. Ấy vì cớ gì? Ấy vì không muốn bởi dân Man mà làm khổ dân trong nước.”(2)

            Tuy triều đình Tống chúc mừng thắng trận, nhưng ai cũng biết Tống đã bị thiệt hại to, và đã mất thể diện với thiên hạ.

            Vua Tống cho kiểm điểm binh mã. Thấy có 49,506 người, 4690 ngựa. Lúc về đến nơi, trừ số chết bệnh hay vì cớ khác, chỉ còn 23,400 binh và 3174 ngựa. Phí tổn cả thảy mất 5,190,000 lượng vàng (3)

            Theo “Việt Sử Lược” thì quân Tống bị thủy quân Việt đánh cho thiệt hại nặng, nên phải rút chạy chứ không phải như sách “Lý Thường Kiệt” của Hoàng Xuân Hãn viết: “Sau khi quân ta thất trận ở Kháo Túc, mất hai hoàng tử (Chiêu Văn, Hoành Chân), Lý Thường Kiệt nghĩ đến kế hoãn binh. Vả ta biết rằng quân Tống cũng mỏi mệt lắm rồi (*). Hễ chúng rút quân về, thì quân ta lại khôi phục dễ dàng những châu đương bị chiếm.

            Vì vậy, Thường Kiệt bèn dung biện sĩ để “bàn hoà”. Không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu mủ, mà bảo được tông miếu” (4)

            “Mùa thu tháng 7 (Ất Mão -1075)Tống lấy Quảng Tây tuyên phủ sứ Quách Quỳ, Triệu Cao làm Chiêu Thảo sứ, thống lãnh 9 tướng quân tới đánh nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem thủy quân chống cự. Hai hầu Chiêu Văn, Hoành Chân đều bị chết đuối. Hai quân giữ nhau ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) hơn một tháng. Thường Kiệt biết rằng quân Tống sức lực đã khốn, ban đêm sang sông đánh úp, đại phá được quân Tống, 10 phần chết đến 5, 6, bèn lui giữ châu Quảng Nguyên.”(5)

            Cũng về việc Tống rút quân này, sách “Đại Việt Sử ký Tiền biên” chép gần giống như “Việt Sử Lược”: “Vua sai Lý Thường Kiệt đón đánh quân Tống ở sông Như Nguyệt. Quách Quỳ lui quân về lấy châu Quảng Nguyên (*). Thường Kiệt đón đánh tan quân Tống ở song Như Nguyệt, quân Tống chết đến hơn nghìn người. Quách Quỳ đem quân rút lui lại lấy các châu Quảng Nguyên của ta.”

            Quân Tống thua chạy còn thấy ở một chi tiết nhỏ: “Quách Quỳ đã định ngày rút quân. Nhưng sợ quân ta theo đánh, cho nên không ban bố cho mọi người biết trước. Đang đêm. Quỳ cho lệnh rút lui lập tức. Các bộ binh và kỵ binh không kịp sắp thứ tự, hoảng hốt dày xéo nhau mà đi. Tống sử chép việc này, kể thêm rằng: “Quân Giao Chỉ đóng bên kia sông, rình thấy như vậy; nhưng biết rằng tướng Đào Bật cầm hậu quân đi sau, cho nên không dám đuổi theo.””(6)

            Dõi theo lịch sử, ta thấy Ung Châu chính là nơi tập trung quân để đi xâm lược Giao Chỉ theo hai đường: bộ là vào Lạng Sơn; thủy là Khâm Châu và Liêm Châu để qua Vân Đồn, vào Bạch Đằng. Nhưng thực tế là Tàu “hơi kém” về thủy quân (Thật là ứng với câu “Nam tri chu, Bắc tri mã”). Nên thủy quân chỉ dùng để chở lương chứ không thể là mũi tấn công quyết định được; trong khi thủy quân của Việt Nam đời Lý rất mạnh, đã làm cho chiến thuật hai mũi giáp công của Quách Quỳ không thực hiện được, khiến Tàu bị thua trận ở sông Như Nguyệt: “Nguyên trong kế hoạch dự định, hai tướng Hoà Mân và Dương Tùng Tiên phải đem thuyền vượt bể, vào trong sông thuộc nước ta để liên lạc với lục quân và đón quân qua sông. Nhưng thủy quân đã thất lợi ngay ở vùng biên giới và không liên lạc được với Quách Quỳ”.(7)

            Ung Châu bây giờ là Nam Ninh cũng vẫn là nơi tập trung quân để đánh vào Việt Nam. Thời nhà Minh, sau khi quân Nguyên đã chiếm được Vân Nam, thì quân Minh được lợi thêm một đường xâm nhập là từ Vân Nam tập trung ở Lê Hoa để vào sông Hồng (thuở ấy còn gọi là sông Lô) mà tiến thẳng xuống Thăng Long. Thời nhà Thanh, cũng chính đạo quân của Sầm Nghi Đống theo đường Vân Nam vào, nhưng rồi ông tướng Sầm Công này không về qua Vân Nam nữa.

            Cũng chính Ung Châu này gieo cho tôi nỗi buồn khi nhớ lại thời hai Vua Bà bị Mã Viện đã hội quân ở Ung Châu (Thời Đông Hán thuộc 3 huyện Phương, Quảng, Uất (quận Uất Lâm)(8). Quân Mã Viện lại theo đường thủy, mở núi lấp sông mà vào đánh hai Vua Bà ở Lãng Bạc. Dù rằng “Đại Nam Quốc sử diễn ca” có nói: “Nữ nhi chống với anh hùng được nao”, nhưng Viện đã rất khốn đốn và chịu nhiều hao tổn mới đánh được. Sách sử không chép nhiều về chiến cuộc xảy ra giữa quân Mã Viện và Hai Bà. Chắc hẳn không dễ dàng như chỉ vài lời ngắn ngủi của sách (Tiền Biên): “Mã Viện men theo đường biển mà tiến (chắc là theo châu Khâm), san núi làm đường, hơn một ngàn dặm đến hồ Lãng Bạc, đánh nhau với Trưng Vương. Trưng Vương thấy quân Hán mạnh, tự nghĩ quân mình ô hợp sợ không chống nổi, lui quân về giữ đất Cấm Khê; quân cũng cho rằng vua là đàn bà không địch nổi quân Hán, bèn chạy tan tác. Quốc thống lại mất.”(9)

            Trong bài biên khảo “Thân thế và sự nghiệp của hai Bà Trưng” Tiên Đàm có viết: “Mã Viện họp một đạo quân 20.000 người ở gần Bắc Hải(*) định dùng 2000 chiến thuyền vượt bể sang đánh nước ta. Nhưng trong khi sửa soạn đem quân đi thì viên thủy sư là Toun Tchê (?) bị bệnh mất. Mã đành phải kéo quân theo bờ bể mà tiến. Vì cách dùng binh rất khôn khéo, binh đi đến đâu các bộ lạc đều ra hàng hết. Binh nhà Hán mới thẳng đường kéo xuống trung châu, rồi do triền sông Thái Bình vào sông Thương kéo lên đánh kinh đô Mê Linh.

            Hai Bà đem binh chống giữ, giao chiến ở địa phận Sơn Tây- Hà Nội. Quân Tàu bị thua, phải lui về đóng ở giáp hồ Lãng Bạc.

            Nhưng đến đầu năm Quý Mão, vua Quang Vũ (nhà Hán), giúp cho Mã Viện thêm 50.000 binh. Quân này ngầm vào Nam bộ (*) nước ta, hợp với binh Mã Viện. Quân Trưng Vương tiến đánh, vì quân ít, bị thua to, chết hại nhiều, phần thì tan vỡ, còn phần thì theo Hai Bà về giữ kinh đô Mê Linh.

            Mùa thu năm Quý Mão (43) Mã Viện sai phó tướng là Lưu Long đem binh vây đánh Mê Linh. Nhưng vì kinh đô ấy núi non hiểm trở, Hai Bà cố thủ ròng rã mấy tháng trời. Quân nhà Hán thật đã vất vả vì quân Nam dùng lối du kích. Về sau quân Hán phải dụ quân Nam đến Cấm Khê (Sơn Tây) gần sông Đáy mới phá tan được.

            Chị em Trưng Vương thất thế, phải gieo mình xuống cửa sông Hát Giang mà tự tận” (10)

            Ở Quảng Tây có nhiều địa danh liên quan đến lịch sử Việt Nam. Cái khát vọng của một kẻ hậu sinh là đến những địa danh nơi lịch sử đã diễn ra những vinh quang hào hùng, hay đau thương uất hận. Như mới đây được nghe chuyện, nhân ngày lễ kỷ niệm Mã Phục Ba ở Đông Hưng (một thị trấn ở cạnh biên giới Viêt Hoa thuộc Quảng Tây) Đảng bộ, hình như Móng Cáy, gửi các văn công sang tham dự để đóng vai Hai Bà Trưng, dâng lễ tạ tội với Mã Viện, kẻ đã giẹp được công cuộc khởi nghĩa và mở đường tự chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam của Hai Bà.

            Sao lại phải tạ tội, xin lỗi kẻ xâm lược? Nỗi nhục này không phải chỉ những người văn công phải đóng vai Hai Bà Trưng dâng lễ tạ tội; mà là mối nhục chung của tất cả con dân Việt đã từng hãnh diện: “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc (Tàu) Nam (Việt) cũng khác.”

            Họ dùng Đông Hưng để làm nơi tế lễ vinh danh Mã Viện vì chỗ đó rất gần Bắc Hải là nơi Viện tập trung quân để đánh Hai Bà vào năm (43). Sau khi đánh được Hai Bà rồi, Viện thu hết võ khí đem nấu rồi đúc thành cột đồng, dựng ở biên thùy Giao Chỉ: “Phục Ba mới dựng cột đồng, Ải quan truyền dấu ghi công cõi ngoài.”(Đại Nam Quốc sử diễn ca)

            Một câu thơ cổ nói đúng hành vi hỗn xược của Mã Phục Ba khi ghi công chiến thắng vào cột đồng:

                                                Ai đấy chép công, ta chép oán

                                                Công riêng ai đó, oán ta chung.

            Cái cột đồng ấy đã mất dấu từ lâu. Nhiều học giả Pháp cũng như Việt ở tiền bán thế kỷ 20 đã loay hoay đi tìm cái cột đồng ấy. Người cho là ở miền Trung; người là ở biên giới Việt Nam với tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa. Cái tò mò khoa học này đôi khi cũng động đến một quá khứ buồn mà người Việt muốn quên đi. Có thể người ta chỉ tò mò muốn biết những chữ khắc trên cột đồng là gì? Có phải là “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (cột đồng mà gẫy đổ thì Giao Chỉ bị diệt vong). Thông điệp chính trị hỗn xược này đành là vu khoát, vì sự diệt vong của một dân tộc nào phải do cái cột đồng gẫy hay là còn. Thực tế là vào những thời nhà Lý, nhà Trần, nó không những đã không gẫy mà còn biến mất, thế nhưng dân tộc ta lại dành được độc lập, và nhiều khi còn gây hoảng sợ cho cái nước Thiên Triều cuồng ngạo kia.

            Trong một bức thư trả lời cho vua Minh (Hồng Võ) năm 1397 nhắc rằng quân Việt: “Lại bảo hạ quốc (nói nhún nước Việt của vua Trần) vượt qua đồng trụ hơn 200 dặm để xâm chiếm 5 huyện như Khâu Ôn v.v… Xét kỹ thời Hán Vũ thứ 19, sai Mã Viện đến Giao Chỉ đánh dẹp người con gái họ Trưng, lập đồng trụ, xét đến nay đã hơn 1350 năm. Dưới một ngàn năm, gò lũng đã biến đổi, ai mà biết được đồng trụ ở đâu?

            Lại bảo rằng đã hỏi ông già là Hoàng Bá Nham, nói như vậy. Bá Nham người cùng phủ Tư Minh, há lại không cùng ý nguyện. Dù hỏi một ngàn Bá Nham cũng chẳng đáng tin!”(11)

            Mấy người Tàu sau này không tìm thấy cột đồng Mã Viện, bèn căn cứ vào núi Phân Mao để xác quyết là cột đồng ở gần đấy. Theo sách “Tiền Biên” thì: “Theo sách “Minh Thông Chí” thì cột đồng ở trên động Cổ Sâm. Mã Viện có lời thề rằng:”Cột đồng gẫy thì Giao Chỉ bị diệt (đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt)> Người Việt ta mỗi lần đi qua, thường lấy đá đắp vào bèn thành gò cao vì sợ cột gẫy đấy. Khâm Châu ở phương Tây châu Hải Đông(*) của nước ta, cách 300 dặm có núi Phân Mao (*)ở giữa núi có cột đồng lớn hơn hai thước. Trong năm Nguyên Hoà nhà Đường, Đô Hộ là Mã Tổng lại dựng cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán. Chỗ ấy có thể là của Tổng dựng để nêu rõ là con cháu Mã Viện.”(12)

            Cái gọi là lời nguyền của Mã Viện: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” này hiển nhiên là không hề ứng nghiệm. Từ lâu ta không thắc mắc khi đọc chi tiết: “Dựng cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán”. Tại sao lại phải dựng ở chỗ cũ? Tức là cột ấy mất chứ không phải gẫy, vì nếu dân đã ném đá thành đồi để giữ cột không gẫy, thì cột nằm trong đống đá ấy, làm sao mà gẫy được!.

            Điều thứ hai là vì cột đồng Mã Viện đúc để ghi công chiến thắng Hai Bà của Viện, nên giòng dõi Mã Viện là Mã Tổng đời Đường mới phải dựng cột khác chắc để tôn xưng công nghiệp của tổ tiên. Cây cột đồng Mã Tổng đời Đường dựng cũng đã bị vùi lấp mất. Không biết khi dựng cột đồng, Mã Tổng có lập lại lời của tổ tiên hắn không? mà cột cũng mất, để vua quan nhà Trần viết sự thật là không còn cột đồng để làm căn cứ biên giới.

            Không thể nào có việc người dân đi qua ném đá rồi lâu ngày thành đồi lấp mất cột. Cũng vì cột chôn làm biên giới thì với sinh hoạt ngày xua, bao nhiêu lâu mới có người qua lại. Các quan lại Tàu thì chắc chắn là không làm việc “phản động” này. Mà phải nghĩ rằng: chắc trên cột khắc những chữ “hỗn xược” huênh hoang, nên dân Việt đã lén triệt hạ. Cũng có thể trong việc lấn đất đai ở những thời trước: Tiền Lê, Lý và đầu đời Trần họ đã nhổ cột cho mất dấu tích phân chia địa giới.

            Theo sử, Mã Viện trồng cột đồng ở hai đầu biên giới Bắc, Nam của Giao Chỉ. Ở Bắc là gần động Cổ Sâm; ở Nam là giáp giới với Lâm Ấp. Tất cả nay đã mất dấu tích. Cái đồng trụ ở miền Nam ấy bị “chiết” lại ứng vào việc nước Lâm Ấp bị diệt vong bởi chính cái dân tộc mà Mã Viện đã nguyền cho bị diệt.

            Một buổi tối, cũng trên giòng sông Ly, ở ngay cận thị xã Quế Lâm, tôi ngồi tàu ra xem những người làm nghề bắt cá bằng chim. Con chim bị đeo (có lẽ hợp thời thì phải là “được”) một cái khoen ở cổ. Nó bơi lặn dưới nước bắt cá. Cá nhỏ trôi qua ngưỡng cổ bị thắt bởi cái khoen là của chim được hưởng. Cá lớn mắc nghẹn ở cổ, chúng lại bay đua về cho chủ chài hưởng. Tôi chợt nghĩ người dân trong những nước Cộng Sản có khác gì những con chim bắt cá cho chủ. Huê lợi tốt về cán bộ lãnh đạo. “Nhân dân anh hùng” chỉ được hưởng những gì gọi là “lọt sàng xuống nia.”

   Lê văn Ngọc, Sydney 3/2019

Chú thích:

(*) Thơ Nguyễn Nhược Pháp – Đi chơi Chùa Hương: “Thuyền đi Bến Đục qua, Mỗi lúc gặp người ra, Thẹn thùng em không nói: Nam vô A Di Đà”        

(1) Xem “Lý Thường Kiệt – Hoàng Xuân Hãn

(2)Hoàng Xuan Hãn – Lý Thường Kiệt, trg 310

(3) nt trg 312  

(4)nt trg 306

(5) Việt Sử Lược, trg 102

(*) Chính Thúc kể chuyện thiếu lương, phải thở ra câu này: “May mà có lời giặc xin quy thuận. Không thì làm thế nào” (LTK trg 307)

(6) Hoàng Xuân Hãn – Lý Thường Kiệt trg 307 – 308

(7) nt, trg 300

(8) Hồ Bạch Thảo – Đất Trung Quốc giáp biên giới V.N. qua các đời – Q Thượng, trg 94

(9) Tiền Biên, trg 74

(*) Bắc Hải thị ở gần Khâm Châu, vẫn là con đường thủy tiện lợi để xâm phạm vào tỉnh Quảng Ninh của nước Việt ta, hay vào sông Bạch Đằng.

(*) Nam Bộ đây là vùng phía Nam của châu thổ sông Hồng

(10) Tri Tân số 38, trg 530

(11) Hồ Bạch Thảo – Đất Trung Quốc… Quyển thượng trg 160 – 161

(12) Tiền Biên trg 77

Related posts