COVID-19: là cái đí gì?

Từ khi xảy ra đại dịch, người ta nhanh chóng gọi nó bằng nhiều tên. Vì bệnh dịch này xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Wuhan), thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hubei), Trung Cộng nên có lần bổn báo gọi là dịch Vũ Hán, cúm Vũ Hán, hay cúm Tàu. Dịch này do con vi khuẩn gây ra, nên tờ Heral-Sun, xuất bản ở Melbourne có lần gọi con vi khuẩn sinh dịch này là ‘Chinese virus’. Ai rành chút y khoa thì biết đây là con vi khuẩn mới toanh: nó thuộc về chủng Corona, và sinh ra vào năm 2019. Nên nhà khoa học tạm gọi là 2019n-CoV. Còn dân nhậu thì quen với tên chai bia Corona nên gọi đây là vi khuẩn Corona cho tiện việc sổ sách.

Thoạt đầu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, viết tắt thành WHO) tạm gọi cơn dịch này là ‘2019-nCoV Acute Respiratory Disease, bệnh hô hấp cấp tính do vi khuẩn 2019-nCoV gây ra’. Sau nhiều tuần lễ loay hoay, WHO đã chính thức đặt tên cho cơn đại dịch này là COVID-19. WHO giải thích: ‘CO’ viết tắt cho Corona. ‘VI’ thay cho virus. ‘D’ là chữ đầu tiên của Disease. Và con số ‘19’ chỉ năm bắt đầu đại dịch. Vậy COVID-19 là ‘bệnh do con vi khuẩn Corona xuất hiện vào năm 2019’.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết tổ chức mình chọn tên này để không nhắc tới một sắc dân nào (ý nói người Trung Hoa), một nơi chốn nào (tức Trung Cộng) và cũng không ngấm ngầm chỉ tới một con vật nào (chắc là dơi diết, hay rắn rết gì đó). Ý của Tổ Chức Y Tế Thế Giới là thế. Nhưng thiên hạ lại nghĩ khác.

Từ Hongkong anh chàng ‘lắm chuyện’ Hoàng Chi Phong (Jushua Wong) — được biết tiếng qua phong trào Dù Vàng và các cuộc biểu tình chống luật dẫn độ — đã hót lên mạng Twitter: Nếu chúng ta không được phép gọi nó là con vi khuẩn Vũ Hán thì tôi xin được hiểu COVID-19 như sau: CONVID-19 là C hina O rignated V irus I n D ecember 2019 (Con vi khuẩn xuất phát từ Trung Cộng vào tháng 12 năm 2019).

Cùng một lúc, vài ba người khác cho rằng CONVID-19 viết tắt từ chữ khác. COVID-19 là C hina O ver V ia I gnoring D isease – 2019, chắc diễn Nôm dám thành ‘bệnh dịch bị Trung Cộng tảng lờ vào năm 2019’. Người khác lại hỏi: Sao không gọi là ‘China-originated-very-infectious-disease in 2019, Bệnh lây nhanh như gió xuất phát từ Trung Cộng vào năm 2019’? Lại thêm người khác góp tiếng vào câu chuyện cho vui nhà vui cửa: COVID-19 nghĩa là ‘C hina O utbreak V irus in D ecember -19, con vi khuẩn bùng lên vào tháng Chạp năm 2019’. Còn ai không ưa Trung Cộng thì hiểu COVID-19 là C hina O utbreak V irus I nitiated D emise 2019, con vi khuẩn bùng lên ở Trung Cộng vào năm 2019 làm cho Cộng tan tành. Bên cạnh đó, nhìn vào lối Cộng Sản đối xử với đồng bào mắc dịch, có người gọi COVID-19 là ‘C hina O fficial V irus I nhumanity D isease 2019, con vi khuẩn chính thức của Trung Cộng gây ra lối cư xử bất nhân trong năm 2019. Và cứ thế … cứ thế, người ta hiểu cái tên COVID-19 theo ý mình. Cổ Nhuế tin chắc bạn đọc cũng có lối hiểu của riêng mình.

Thiêt tình Cổ Nhuế tán thành hai tay hai chưn nguyên tắc không kỳ thị do WHO đưa ra khi gọi đại dịch này là COVID-19. Tuy nhiên, có người cho rằng ông giám đốc WHO đương nhiệm phải bả Cộng Sản nên chìu ý Tập Cận Bình mà tránh những chữ Cộng Sản, Trung Cộng, Vũ Hán … khi chọn tên cho cơn dịch. Trong thực tế, WHO muốn gọi cơn dịch là gì thì cứ gọi; dân đen thì bạ đâu gọi đó. Nhớ lại ở Việt Nam, ông bà mình vẫn gọi một thứ ghẻ là ‘ghẻ tàu’. Gọi vậy mà chảng chết thằng Tây nào! Gần đây, có dạo người mình gọi một thứ cúm là ‘cúm Hongkong’. Cũng chả làm chìm xuồng của một chú Ba nào cả. Ngoài ra, còn thêm ‘cúm heo, cúm gà’ mà không thấy heo gà lên tiếng phản đối gì cả. Không phải chỉ người mình bạ đâu đặt tên đó, thế giới cũng thế. Ta quen với cái tên dịch Ebola, dịch Zika. Ebola là tên con sông ở Congo, nơi cơn dịch này khởi sinh. Con sông này không bị ố danh gì cả, mà còn nổi danh nữa là. Zika là tên của cánh rừng bên Unganda. Rừng Zika vẫn khác với dịch Zika, à nghe.

Lại nữa báo chí vẫn gọi ‘Middle East Respiratory Syndrome, cúm Trung Đông’ hay ‘Spanish flu, cún Tây ban nha’ mà WHO chả dám động đến cái lông chưn của nhà báo. Riêng ‘cúm Tây ban nha’ hoành hành vào năm 1981, lây cho gần nửa tỷ người và giết chết chừng 50 triệu người. Tức 5% dân số thế giới vào lúc đó. Gọi là ‘cúm Tây ban nha’ không phải vì thứ cúm đó do Tây ban nha chế ra hay chỉ hoành hành trong nước Tây ban nha mà thôi. Thực ra đây là cúm …gà H1N1 cùng khắp châu Âu và lây sang tận Hoa Kỳ.

Ông Hun Sen hun bà Mỹ

Sau khi ‘bỗng dưng’ tăng vọt con số người bị nhiễm COVID-19 (thêm 4,113 người chỉ trong một ngày từ 11.2 sang 12.2.20), Trung Cộng báo tin số người bị COVID-19 xem chừng chậm lại. Nhưng số người mất mạng cứ một đường đi lên. Khi Cổ Nhuế viết bài này, đã hơn 2 ngàn người chết vì COVID-19. Như vậy, tính theo con số thì COVID-19 đã lây bệnh và giết nhiều người hơn SARS. Nhớ lại dịch SARS trong năm 2003 đã lây cho chừng 8 ngàn người và giết chết chưa đầy 800 bệnh nhân. Năm nay COVID-19 chưa dứt mà đã lây cho hơn 70 ngàn người và giết chết gần hai ngàn người. Nghĩa là COVID-19 đã lan rộng hơn SARS gấp tám lần và giết người nhiều gần gấp ba lần.

Gần hết con bệnh và người chết ở bên trong Trung Cộng nhưng thế giới không lấy gì an tâm vì lần đầu tiên có người ở ngoài Trung Cộng chết vì COVID-19. Khởi đầu là ba nơi Hongkong, Nhật Bản và Phi Luật Tân. Mỗi nơi có một người chết vì COVID-19. Rúng động ở châu Âu là một người đã chết trong bệnh viện Paris vì mắc dịch. Nhưng tin rúng động này đã dịu xuống khi người ta biết nạn nhân là ông lão 80 tuổi người Trung Hoa sang Pháp du lịch. Ngược lại, ở Vũ Hán đã có một người mang quốc tịch Mỹ chết. Sau đó lại thêm một người ở Đài Loan mất mạng vỉ COVID-19. Ông này lái xe taxi, chưa hề đi Trung Cộng mà con COVID-19 cũng không tha. Người ta cho rằng hành khách từ Trung Cộng đã lây dịch cho ổng.

Ghê sợ hơn hết là khách du lịch bằng tàu. Ở Nhật Bản chiếc du thuyền Diamon Princess chở 3,700 người phải neo ngoài khơi thành phố Yokomaha vì COVID-19. Giới chức y tế Nhật Bản cho rằng gần 500 hành khách trên du thuyền này đã mắc dịch COVID-19. Sau khi Hoa Kỳ, Canada và Hongkong di tản chừng 400 hành khách công dân nước mình từ tàu về nước thì tinh thần của số hành khách kẹt lại càng xuống giốc. Các nước Ý, Nam Hàn phải cứu xét giải pháp di tản. Được biết trên tàu còn có hơn 200 người mang thông hành Úc và ít nhất 26 người Úc mắc dịch. Vào thứ Tư tuần qua, Úc đã mướn máy bay Qantas đón công dân nước mình. Khi về lại Úc, số người này sẽ sống cô lập 14 ngày ở Darwin. Cũng trong tuần qua, những người bị cô lập ở đảo Christmas sau khi được di tản khỏi Vũ Hán đã được đặt chân lên đất liền của Úc. Các công dân Úc bị cô lập tại Dawin cũng hết hạn 14 này cô lập và trở về sum họp với gia đình. Tất cà người Úc di tản từ Vũ Hán về nước đều không dính con COVID-19. Lành thay!

Ngoài chiếc Diamon Princess, còn thêm chiếc MS Westerdam chở hơn ngàn du khách tìm nơi cập bến mà không chỗ nào mở cửa. Nhật Bản, Đài Loan, Guam, Phi Luật Tân và Thái Lan đều từ chối. Cuối cùng Westerdam ghé bến Sihanoukville ở Cambodia. Đích thân thủ tướng Hun Sen – không chút mặt mạ mặt niết gì cả — ra đón ở tận bến tàu. Từ Cambodia hơn ngàn hành khách tìm đường về nước. Trong số này một bà lão 83 tuổi mang thẻ thông hành Mỹ tới Mã Lai thì bị dính COVID-19. Nghe đâu chính bà lão này đã được thủ tướng Hun Sen ôm hun! Thế là phe đối lập ở Cambodia tung tin ngài thủ tướng ‘chơi bạo lấy tiếng ngu’ nhà ta đã dính COVID-19. Nhưng tin này lại được Hà Nội đính chính!

Nhức đầu cho chính phủ các nước (trong đó có Úc) khi hành khách từ chiếc MS Westerdam về nước. Trên tàu này đã có 35 người Úc được coi chưa dính COVID-19 và chừng chục người khác chưa biết có dính hay không. Phần lớn dư định tiếp tục những ngày du lịch qua ngả Thái Lan vì không có đường bay trực tiếp từ Cambodia với Úc. Tin mới nhất cho hay: Thái Lan đã từ chối nhập cảnh hành khách của MS Westerdam.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Ở Trung Cộng, sau khi không giấu giếm được nữa, Trung Cộng đã cô lập các nơi có người mắc dịch. Bắt đầu là thành phố Vũ Hán có 11 triệu người. Rồi lan ra 48 thành phố khác trong bốn tỉnh lớn. Dịch lan ra tới đâu, Trung Cộng cô lập tới đó. Đến nay, không dưới 760 triệu người ở Trung Cộng đã bị cô lập.

Từ khi Trung Cộng cô lập dân nước mình thì thế giới cũng đóng cửa không cho người Trung Cộng bước chân vào. Đã một lần Úc ra lệnh không cho những ai không phải công dân Úc từ Trung Cộng bước chân vào đây. Rồi thêm một lần nữa, Úc kéo dài lệnh này thêm một tuần lễ nữa. Nghe vậy, nhân viên tại toà đại sứ Trung Cộng ở Canberra than phiền. Nhưng mặc cho Trung Cộng than phiền Úc phải cẩn thận để tránh COVID-19 lan tới đây. Tiếng than phiền này cho thấy Bắc Kinh quá lúng túng khi đối phó với COVID-19.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố đich thân chỉ huy trận đánh này nhưng chính ông biệt tăm mấy tuần lễ. Lẽ ra chính ông phải thân hành tới Vũ Hán nhưng lại sai Lý Khắc Cường tới đó. Mới nhất, Tập Cận Bình chỉ xuất hiện tại Bắc Kinh với mặt mạ chình ình trên mặt và ấm ớ nói rằng mình biết dịch COVID-19 xảy ra ở Vũ Hán từ … khuya. Xem chừng chính viện Vi Trùng Học Vũ Hán của quân đội Trung Cộng đã ‘lỡ tay’ để cho con vi trùng độc hại do họ chế ra xổ lồng. Vi trùng xổ lồng hồi trước tết con chuột lận kìa. Tập đã được đàn em báo cáo nhưng giấu nhẹm vì lúc đó Thành Uỷ Cộng Sản ở Vũ Hán họp đại hội. Khi Cộng Sản họp thỉ chỉ có tin vui mà thôi.

Nhìn lại mấy tuần qua: Để chống dịch, họ Tập không làm gi khác hơn giấu nhẹm, hay căng biểu ngữ. Ở Trung Cộng, người sợ bị mắc dịch nhất chính là Tập Cận Bình. Ông này sợ COVID-19 đến độ kê luôn ba chiếc bàn ngăn cách với giám đốc WHO, khi tiếp ông này này từ Geneva đến Bắc Kinh. Chỉ một chuyện nhỏ này cho thấy Bắc Kinh lúng túng khi đối phó với con COVID-19. Mới nhất, Bắc Kinh chống COVID-19 bằng cách thu tiền khỏi tay người dân. Bắc Kinh cho biết phải giữ lại tiền trong vòng 14 ngày để con COVID-19 chết. Lệnh này càng làm cho người dân thêm hoang mang. Ai cũng biết tiền dơ bẩn nhưng chưa có bằng chứng con COVID-19 sống trong tờ giấy in hình Mao. Những việc làm vớ vẫn này càng khiến cho dân chúng thêm hoang mang.

Thuốc chủng ngừa COVID-19

Khi COVID-19 mới nhem nhúm ở Vũ Hán, Úc báo tin bắt được con vi khuẩn Corona. Thật vậy, phòng thí nghiệm Doherty Institute, thuộc đại học Melbourne đã về nhất trong cuộc chạy đua với đại học Queensland và nhiều đại học khác ở châu Âu, Hoa Kỳ. Giữa trưa ngày 12.2.20 Phòng thí nghiệm của đại học Melbourne đặt tại thị trấn Geelong, phía Tây Nam thành phố Melbourne, báo tin ‘đã bắt được’ con Corona.

Đây là tin rất vui khiến cho người ta tưởng sắp có thuốc chủng ngừa tới nơi. Thật ra, thông thường từ lúc ‘bắt’ được con vi khuẩn cho tới khi có thuốc chủng ngừa cho con người thì cần chờ thêm từ hai cho đến năm năm nữa. Ngoài ra, có người tưởng nhờ về nhất trong cuộc đua ‘bắt’ con 2019-nCoV, Úc sẽ thu về bạc tỷ. Bé cái lầm! Để chế ra thuốc chủng ngừa, một Doherty Institute sẽ không làm nên non mà cần nhiều bàn tay từ nhiều phòng thí nghiệm khắp thế giới chụm lại. Sau khi biết được bộ tịch (RNA) của con vi khuẩn, các nhà khoa học sẽ dùng con vật (thường là chuột) để thí nghiệm thuốc chủng ngừa. Không phải một phóng thí nghiệm mà cần nhiều nơi cùng thử trên con vật. Sau đó mới thử thuốc này với con người. Khi đã thấy thuốc có hiệu lực và không gây là phản ứng nguy hiểm, viện bào chế bắt đầu thủ tục xin cơ quan y tế quốc gia cho phép lưu hành. Để khoảng cách từ nay cho đến ngày ấy thu ngắn chỉ còn chừng 18 tháng, chính phủ Úc đã tài trợ thêm $2 triệu cho các đại học Úc đẩy mạnh nghiên cứu. Đồng thời, Úc kêu gọi nhiều nước khác tiếp tay.

Thuốc ngừa vẫn chỉ trong giấc mơ. Thế mà, trên đường phố Sài-gòn đã thấy lén lút dúi vào tay nhau những lọ ‘vắc-xin 2019-nCoV’ cho là do Mỹ chế ra (!?). Việt Nam tài thiệt.

Cổ Nhuế

Related posts