COVID-19: Phản ứng miễn dịch quá mức – Phe ta đánh phe mình

  • Phong Nhã

Điều khiến các bác sĩ đau đầu hiện nay khi phải tự mình quyết định liệu pháp điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 trong các ca bệnh nặng, trong khi chính họ không biết chắc chắn nguyên nhân gây bệnh nặng và tử vong là gì.

(Ảnh: Shutterstock)

Dù điều hiển nhiên là virus gây ra sự tàn phá cơ thể ở những nơi virus xâm lấn, dữ liệu lâm sàng hiện có cho thấy, sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch có đóng góp một phần vào diễn biến xấu dẫn đến tử vong ở một số bệnh nhân. 

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng rằng những ca bệnh nặng và tử vong là hệ quả của sự tàn phá cơ thể bởi virus SARS-CoV-2 hay bởi phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch của chính người bệnh. Khả năng cao là do cả hai.

Những người bị nhiễm COVID-19 thường có các triệu chứng bệnh hô hấp từ nhẹ đến nghiêm trọng với các triệu chứng sốt, ho, thở hụt hơi và khó thở. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh này có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, hội chứng hô hấp cấp tính nặng, suy thận và thậm chí tử vong. 

Phe ta đánh phe mình

Hệ miễn dịch của con người là một hệ thống tinh vi, phức tạp bao gồm rất nhiều loại tế bào miễn dịch và những hợp chất có hoạt tính sinh học hoạt động phối hợp với nhau.

Trước sự hiện diện của virus, cơ thể người bệnh phản ứng chống lại bằng cách tăng cường sản sinh các tế bào miễn dịch đến phổi để tiêu diệt vi sinh vật lạ, những tế bào chết hoặc nhiễm bệnh. Ví dụ về một vài tế bào miễn dịch thực hiện chức năng này gồm có bạch cầu trung tính (neutrophil), đại thực bào (macrophage), tế bào lympho T CD8.

Song song đó, tế bào lympho B và lympho T CD4 cũng sẽ được kích thích để bắt đầu quá trình tạo ra trí nhớ miễn dịch và kháng thể chống lại mầm bệnh trong tương lai.

Nếu hệ miễn dịch hoạt động đúng, quá trình kháng khuẩn sẽ được kiểm soát chặt chẽ và dừng lại khi đã diệt được mầm bệnh ngoại lai, bảo vệ cơ thể tránh những tổn thương quá mức. 

Khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn, phe ta có thể đánh phe mình. Lúc này, các bạch cầu trung tính hay đại thực bào có thể tiêu diệt cả những tế bào khỏe mạnh, khiến cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. 

Nói về dịch bệnh COVID-19, những nghiên cứu đầu tiên trên các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ở Trung Quốc cho thấy có hai quá trình xảy ra song song dẫn đến những ca bệnh nặng: 1) virus gây nhiễm và tàn phá các tế bào phổi, 2) phản ứng miễn dịch chống virus quá mức của người bệnh gây ra các tổn thương nặng nề không chỉ ở phổi mà còn ở các cơ quan khác.

Cụ thể hơn, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ của một số protein có chức năng điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch (gọi chung là cytokine) tăng cao ở những bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc tử vong. 

Được chú ý nhất hiện nay trong nhóm này chính là IL-6, một protein có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của đại thực bào. 

Ngoài IL-6 ra còn có những loại protein khác thuộc nhóm cytokine cũng được tìm thấy ở nồng độ cao bất thường trong những người nhiễm bệnh nặng. 

Các protein này không tăng đồng đều ở tất cả các bệnh nhân. Tùy vào bệnh nhân mà chỉ có một hay vài loại cytokine tăng cao, khiến cho việc điều trị càng thêm phức tạp.

Một lựa chọn đau đầu

Do hiện tại chưa có thuốc đặc trị virus, một trong các biện pháp được áp dụng chính là sử dụng các phương pháp điều trị làm kìm hãm phản ứng miễn dịch của cơ thể với hy vọng kìm hãm tổn thương do sự kích thích quá mức của hệ miễn dịch,

Một số bệnh viện ở Mỹ, Đan Mạch và các nước đã và đang thử nghiệm truyền kháng thể đặc hiệu để ngăn chặn hoạt động của IL-6. Loại thuốc này đã được phát triển và áp dụng rộng rãi từ trước để trị viêm khớp và các rối loạn khác. Thuốc ức chếIL-6 Actemra (tocilizumab) do công ty dược Roche (Thuỵ Sĩ) sản xuất đã được duyệt dùng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, do các kháng thể đặc hiệu như Actemra có giá thành cao, một số nơi sử dụng steroid để làm giảm phản ứng miễn dịch với phổ rộng.

Trong khi việc sử dụng IL-6 được sự đồng thuận của hầu hết các bác sĩ do tính đặc hiệu của nó, việc sử dụng các steroid lại làm dấy lên lo ngại của nhiều chuyên gia và bác sĩ.

Khác với IL-6 chỉ ngăn chặn hoạt động của đại thực bào, các steroid sẽ ức chế cả phản ứng của tế bào lympho T CD4 (tạo miễn dịch trí nhớ) và CD8 (những sát thủ chống virus của cơ thể), đây là những tế bào có khả năng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus với độ chính xác cao hơn đại thực bào.

Điều này có thể trở nên nguy hiểm vì có thể khiến cơ thể mất đi hoàn toàn khả năng diệt virus khi sử dụng thuốc một cách cực đoan.

Theo như Bác sĩ Daniel Chen, nhà miễn dịch học và giám đốc y tế tại Trung tâm IGM Biosciences ở Mountain View (California, Mỹ), “bạn không thể đánh sập hệ thống miễn dịch trong khi đang cần nó để chống lại tình trạng nhiễm trùng”.

Vì vậy, đến nay việc sử dụng steroid chỉ được áp dụng giới hạn cho những trường hợp bệnh nặng và không có thuốc đặc hiệu, với liều lượng tương đối thấp.

Giải pháp kết hợp

Theo giáo sư Rafi Ahmed, nhà miễn dịch học tại Đại học Emory ở Atlanta (Georgia, Mỹ), tình trạng tổn thương gây ra do cả virus và phản ứng miễn dịch không phải là hiếm gặp.

Đối với các loại virus như norovirus gây ói mửa và tiêu chảy nặng, đặc biệt ở trẻ em, nếu người mắc bệnh có triệu chứng gần như ngay lập tức sau khi bị nhiễm bệnh, thì rất có thể tổn thương là do chính virus này gây ra.

Ngược lại, những người bị nhiễm virus như coronavirus không có biểu hiện bệnh cho đến vài ngày sau. Khi đó, tổn thương thường gây ra bởi cả virus và phản ứng miễn dịch.

Trong trường hợp không thể xác định được chính xác phần trăm tổn thương do mỗi nguyên nhân gây ra, giáo sư Rafi Ahmed hy vọng sẽ tìm ra được liệu pháp kết hợp: sử dụng một loại thuốc đặc hiệu như kháng thể khángIL-6 để ức chế hệ miễn dịch và thuốc trực tiếp tiêu diệt virus.

Tuy vẫn còn nhiều lo ngại về tác dụng của các steroid trong điều trị những ca bệnh nặng, các bác sĩ vẫn thừa nhận tầm quan trọng của steroid trong thực hành lâm sàng. Bởi vì theo bác sĩ Daniel Chen, đôi khi thuốc vẫn có thể có một số lợi ích trên lâm sàng. 

Có nên tập thể dục trong mùa dịch hay không?

Liên quan đến mối lo ngại về sự kích hoạt quá mức của hệ miễn dịch bởi IL-6, cũng có người người đặt câu hỏi rằng có nên tập thể dục trong mùa dịch COVID-19 hay không. Những bằng chứng khoa học đến nay cho thấy việc tập thể dục sẽ làm tăng cường những hoạt động miễn dịch trong cơ thể, trong đó có sự gia tăng IL-6 trong máu. Do vậy đã có lo ngại rằng việc tập thể dục sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia, việc chống lại virus là kết quả tổng hợp của rất nhiều quá trình phức tạp diễn ra trong cơ thể. Quá trình này có liên quan đến rất nhiều loại tế bào miễn dịch và cytokine với các chức năng khác nhau, hoạt động phối hợp nhịp nhàng với nhau.

Điều rõ ràng là việc tập thể dục và vận động sẽ nâng cao sức khỏe miễn dịch nói chung của cơ thể. Do đó cơ thể sẽ có nhiều khả năng chống lại virus này hơn, chứ không thể chỉ đánh giá dựa vào hoạt động của một loại hợp chất hay một loại tế bào duy nhất.

Vì vậy lời khuyên hiện nay vẫn là nên tập thể dục để duy trì sức khỏe, tăng cường sức đề kháng chống bệnh.

Phong Nhã

Tài liệu tham khảo:

  1. Nature 580, 311-312 (2020), doi: 10.1038/d41586-020-01056-7
  2. Podcast This Week in Virology, episode 601

Related posts