Covid-19 và sau nữa

Phạm Văn

Ngày 02/4/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Covid-19 đã lây nhiễm cho 896.450 người, và làm chết 45.526 người, trong đó có 4.924 người mới chết. Những số liệu kể trên dựa theo báo cáo của các nước thành viên gửi về, và được tổng hợp với các cuộc điều tra và phân tích riêng của WHO. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều, vì có người bị nhiễm và chết vì siêu vi khuẩn này mà không được xét nghiệm và không biết, hoặc vì chính quyền địa phương che giấu. Tiên đoán của các tổ chức y tế đưa ra những con số rất đáng sợ về trận dịch có thể sẽ kéo dài qua mùa hè năm nay. Phản ứng của chính quyền và người dân ở mỗi nước mỗi khác, từ hoảng loạn tới kiêu ngạo coi thường, từ coi trọng mạng sống tới coi trọng giá chứng khoán, từ tỉnh táo đối phó bằng sự hiểu biết tới chối bỏ hoặc giấu diếm để giữ sĩ diện hão, lừa dối và mị dân…

Từ khi có trí khôn, lịch sử loài người đã trải qua và ghi nhận nhiều tai hoạ lớn. Và từ những kinh nghiệm ấy các nhà khoa học và tư tưởng đã đưa ra nhiều nhận định thích hợp với thời đại của họ.

Thomas Malthus (1766 – 1834), tu sĩ người Anh, đưa ra thuyết dân số tăng lên một mức nào đó sẽ dẫn tới thiếu thức ăn, và từ đó dịch bệnh, thiên tai hoặc chiến tranh sẽ là những yếu tố để đưa mọi thứ trở về mức cân bằng, và trình tự đó sẽ lặp đi lặp lại. Từ lâu, thuyết Malthus đã không còn đúng cho toàn thế giới, và cũng mong là nó đừng bao giờ đúng trở lại.

Thánh kinh Do Thái và Kitô thường kể những câu chuyện đáng sợ về bệnh dịch như một cách Thượng đế trừng phạt loài người vì tội lỗi của họ, như thể ốm đau bệnh tật có thể phân biệt người tốt và kẻ xấu. Ngày nay, phần lớn các tổ chức tôn giáo dựa trên bộ Thánh kinh ấy, và cả các tôn giáo khác với các bộ kinh khác, không giải thích nôm na tương tự như vậy nữa, nhưng cũng mong là con người đừng lại bắt đầu nói như thế. Ngày 27/3, Giáo hoàng Francis đã làm một gương tốt khi đứng giảng một mình giữa quảng trường vắng tanh rộng mênh mông, khác với những kẻ kêu gọi tín đồ vào nhà thờ để rao giảng và cầu nguyện bất chấp lệnh cách ly hoặc yêu cầu tránh tụ tập. Từ hiện tượng này, chúng ta trong thế kỷ 21 dường như vẫn có thể chia loài người ra làm hai loại: tin và không tin vào khoa học.

Văn chương cũng mô tả dịch bệnh, những mặt tối và sáng, mặt “phi lý” của con người khi đối phó với hoàn cảnh tuyệt vọng. Chẳng hạn,“The Masque of Red Death” (“Mặt nạ của Thần chết Đỏ,” 1842) của Edgar Allan Poe, The Scarlet Plague (Bệnh dịch đỏ, 1912) của Jack London, La Peste (Dịch hạch, 1947) của Albert Camus, Ensaio sobre a Cegueira (Mù loà, 1995) của José Saramago…

Masque_of_the_Red_Death_promo_image

Ngay từ câu đầu tiên của truyện ngắn “Mặt nạ của Thần chết Đỏ,” Edgar Allan Poe mô tả các triệu chứng của một thứ bệnh truyền nhiễm cấp tính:

“Thần chết đỏ” đã tàn phá lãnh thổ một thời gian dài. Chưa có trận dịch nào gây chết người và kinh khủng như thế. Máu là Hoá thân, là điềm báo của nó – sắc đỏ và sự kinh hoàng của máu. Bắt đầu là cái đau nhói, và cơn chóng mặt bất ngờ, rồi lỗ chân lông chảy máu tràn trề, rồi chết. Vết đỏ tươi trên cơ thể, nhất là trên mặt nạn nhân, là dấu hiệu mắc bệnh khiến đồng bào hắn không trợ giúp và thương cảm. Và căn bệnh sẽ bùng lên, tiếp diễn và kết thúc trong nửa giờ.

TheScarletPlague

Trong Chương 3 của cuốn truyện dài Bệnh dịch đỏ, Jack London để cho một ông cụ kể lại cho ba đứa cháu về những ngày trận dịch bắt đầu bùng phát 60 năm trước, và ông cụ đi đến kết luận như sau:

“Có một tiệm tạp hoá – một nơi bán thực phẩm. Ta biết rõ người đàn ông chủ tiệm – một anh chàng trầm lặng, tỉnh táo, nhưng khờ khạo và bướng bỉnh, ông ta đang phòng thủ trong đó. Tủ bày hàng và cửa ra vào đã bị đập vỡ, nhưng ông ta nấp bên trong, phía sau quầy, nhả đạn vào đám người trên vỉa hè đang phá vào. Ở lối vào có vài xác chết – ta nghĩ đó là những người đã bị ông ta giết hôm ấy. Tuy quan sát từ xa, ta thấy một kẻ cướp đang phá tủ kính của tiệm kế bên, nơi bán giày, và cố tình châm lửa đốt tiệm. Ta đã không tới giúp ông chủ tiệm tạp hóa. Thời điểm để hành động như vậy đã qua. Văn minh đang đổ sập, và mỗi người tự lo cho mình.”

Blindness Cover

Mù Loà của José Saramago nói về một bệnh mù lan ra trong một thành phố không tên. Câu chuyện trải theo kinh nghiệm của một nhóm nhỏ, trong đó có người đàn bà duy nhất không bị mù, từ nỗi hoảng sợ ban đầu, tới tình hình trong khu cách ly, điều kiện vệ sinh, thực phẩm, đạo đức… Đến khi cả thành phố mù, mọi người đều bình đẳng trước dịch bệnh, lừa dối và áp bức lại xảy ra như trước, tuyệt vọng và hy vọng và một trật tự mới phải được thiết lập, để tồn tại hay diệt vong dưới một hình thức nào đó chưa rõ. Saramago kể bằng câu văn rất dài và lạnh của ông:

Họ [người đàn bà sáng mắt cùng người chồng mù đi tìm thức ăn] băng qua công viên nơi các nhóm người mù giải khuây bằng cách nghe bài diễn thuyết của những người mù khác, thoạt nhìn hình như không nhóm nào mù, các diễn giả sôi nổi quay đầu về phía thính giả, người nghe ngước đầu chăm chú về phía người nói. Họ đang tán dương các ưu điểm của những nguyên tắc cơ bản trong các hệ thống tổ chức lớn, quyền tư hữu, thị trường tiền tệ tự do, nền kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán, hệ thống thuế khoá, lãi suất, sự sung công và truất hữu, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, cung và cầu, nghèo và giàu, thông tin, trấn áp và tội phạm, xổ số, nhà tù, luật hình sự, luật dân sự, luật lưu thông, từ điển, điện thoại niên giám, mạng lưới mãi dâm, xưởng quân cụ, các lực lượng quân đội, nghĩa trang, cảnh sát, buôn lậu, ma túy, hợp pháp hóa buôn lậu, nghiên cứu dược phẩm, cờ bạc, giá của tu sĩ và lễ tang, công lý, vay mượn, đảng phái chính trị, bầu cử, nghị viện, chính quyền, các tư tưởng lồi, lõm, ngang, dọc, nghiêng, hội tụ, khuếch tán, lơ lửng, tiếng khàn của dây thanh quản, sự chết của lời.

Và sau cùng, Saramago dùng lời đối thoại của người đàn bà mắt sáng và người chồng đã mù (mỗi chữ viết hoa sau dấu phẩy là bắt đầu câu nói của người kia, theo cách ngắt câu của tác giả), để kết luận theo kiểu riêng của ông về sự mù lòa:

Em không nghĩ chúng ta đã hoá mù, em nghĩ chúng ta mù, Mù nhưng thấy, Những người mù có thể nhìn, nhưng không thấy.

Albert Camus, nhà văn Pháp sinh ra ở Algérie, triết lý hoá câu chuyện của ông một kiểu rất “Tây” và rất thời thượng vào thời điểm sau thế chiến thứ hai, bằng cách dẫn lời Daniel Defoe trên trang đầu của cuốn Dịch hạch: “Mô tả một kiểu giam cầm này bằng một kiểu giam cầm khác cũng hợp lý như mô tả một điều gì không thực sự hiện hữu bằng một điều không hiện hữu.” Ông mô tả một bệnh dịch “phi lý” qua những thái độ ứng xử dường như “phi lý” của các nhân vật trong truyện. Hay nói một cách khác, ông kể câu chuyện của một giống loài không thể hiện hữu bằng một biến cố không có thật.

The Plague Camus

Nhưng văn chương tùy thuộc vào sức tưởng tượng của nhà văn, những người có khả năng giới hạn, không thể mô tả hết thực tế đã-đang-sẽ và không xảy ra, không thể hư cấu hết mọi ngóc ngách phức tạp trong đầu của sinh vật cùng loài với họ, không thể trình bày rõ ràng hay bóng bẩy hay gai góc một ý tưởng bằng mọi cách ngang-dọc, nghiêng-thẳng, sấp-ngửa, nông-sâu. Những gì đang xảy ra trong những ngày gần đây đôi khi hoang tưởng hơn bất cứ câu chuyện hư cấu kỳ lạ nhất nào nhà văn có thể nghĩ tới. Chẳng hạn, những cuộc họp báo của chính quyền về bệnh dịch, hoặc trong tầm vóc nhỏ hơn, người ta đổ xô đi mua súng đạn và giấy vệ sinh, hoặc tin tức về ba người thợ xây dựng bị dân địa phương ở tiểu bang Maine kéo cây đổ chặn lối ra khỏi nhà vì xe của họ có bảng số New Jersey, một nơi bị coi là điểm nóng trong trận dịch này.

Với phân nửa dân số thế giới được khuyến cáo (hoặc bắt buộc) giới hạn ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết, trận dịch Covid-19 chắc hẳn đã làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của mọi người, từ đó có thể đưa đến nhiều suy nghĩ, nếu có suy nghĩ: nhu cầu thiết yếu là gì – thực phẩm và giấy vệ sinh và vũ khí; từ nay đeo khẩu trang hoặc che mặt ngoài đường có bị dè bỉu, hành hung, thậm chí bị phạt tiền và tù; mối liên hệ giữa người với người và muông thú và thiên nhiên sẽ ra sao; giá trị rốt ráo của cuộc sống là gì… Một biến cố (dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai) có thể tiêu diệt toàn bộ sự sống trên trái đất nhỏ bé này có làm cho mỗi người nhìn xa hơn cuộc sống của bản thân mình và nghĩ về các thế hệ mai sau?

Nếu qua được nạn dịch Covid-19 này, loài người và các quốc gia có thể có nhiều cách hành xử, nhiều phản ứng trái ngược, và sau đây chỉ là ba thái cực:

1) Mọi chuyện vẫn như cũ, cứ tiếp tục tiêu xài và lạm dụng thiên nhiên, bất kể môi trường sống bị phá hoại và có thể tạo ra những thứ bệnh mới nguy hiểm hơn. Thái độ này dường như có khả năng xảy ra nhất, vì thói quen khó bỏ, mà sống tiêu dùng thả cửa thì … sướng.

2) Mỗi người, mỗi nước tự co cụm, tự tích lũy để lo cho riêng mình, để nếu tai hoạ xảy ra thì mình sẽ là kẻ chết sau cùng. Trong lúc đó, họ rất ý thức chờ ngày tận thế do chính họ gây ra, bằng cách này hay cách khác! Một dạng khác của thái độ này là tinh thần bài ngoại, dưới các tên gọi đôi khi khá mơ hồ và trừu tượng như quốc gia-dân tộc-chủng tộc-địa phương-gia đình-cá nhân, sẽ thống trị sinh hoạt chính trị và xã hội của một nước, một cộng đồng, một bộ tộc, một người.

3) Mỗi người, mỗi nước thấy tất cả cùng một rọ, và cùng giúp nhau tìm cách cứu vãn trước khi hết thuốc chữa. Tàu, Tây, ta, mũi lõ mũi tẹt, da trắng da đen, da vàng da đỏ, giàu nghèo sang hèn, đều cùng một xuồng, chìm thì chết cả đám vì không có cái xuồng thứ hai, hoặc nếu xô hết được kẻ khác xuống nước cho chết chìm để sống một mình thì có lẽ cũng chẳng sáng sủa gì.

Viễn cảnh người giúp người, quốc gia giúp quốc gia dường như khó xảy ra.

Thế thì vợ chồng con cái cùng nhau đóng cái thuyền như ông Noah!?

Câu tục ngữ đã có từ lâu: “Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Phải chăng có lời khuyên đó chỉ vì bản tính của bầu là không thương lấy bí?

Quran 49:13: “Hỡi nhân loại! Ta tạo ra ngươi từ một người nam và một người nữ, và đưa các ngươi vào các quốc gia và bộ lạc để ngươi có thể nhận ra nhau, chứ không để ghê tởm nhau.” Phải chăng có lời nhắc nhở đó chỉ vì bản chất con người và các quốc gia là muốn tranh giành và giết hại lẫn nhau để đi đến tự hủy diệt?

Phải chăng, như người phụ nữ trong Mù loà đã nói, chúng ta là những người mù có thể nhìn nhưng không thấy?

California 02/4/2020

Phạm Văn

Tham khảo:

– World Health Organization, “Coronavirus disease (COVID-19) situation report”, https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/situation-reports/

– Centers for Disease Control and Prevention, “Coronavirus (COVID-19)”, https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/index.html . Trang mạng tiếng Anh này có thêm tiếng Tây Ban Nha, Trung Hoa phồn thể, Việt Nam và Đại Hàn.

– Paul Duggan và Rachel Weiner, “Gun and ammunition sales rise amid pandemic fears”, The Washington Post, 22/3/2020, https://www.washingtonpost.com/local/public-safety/gun-and-ammunition-sales-rise-amid-pandemic-fears/2020/03/21/6000640e-6b08-11ea-abef-020f086a3fab_story.html

– Aimee Ortiz, “’Group of local vigilantes’ try to forcibly quarantine out-of-towners, officials say”, The New York Times, 29/3/2020, https://www.nytimes.com/2020/03/29/us/maine-coronavirus-quarantine-tree.html

Related posts