Đài Loan vs Tedros

Nghĩa Bùi

Tháng 5, 2017, tại Hội nghị Y tế Toàn cầu WHA (World Health Assembly) ở Geneva, Thụy Sĩ, lần đầu tiên đại diện 194 nước thành viên của Tổ chức Y tế Quốc tế WHO (World Health Organization) đã được quyền bầu trực tiếp người chủ tịch.

Sau nhiều tháng tranh cử gay go, ông “Tedros” Adhanom Ghebreyesus người Ethiopian đã chiến thắng với 133 phiếu thuận. Người về nhì, Bác sĩ David Nabarro của Anh, được 50 phiếu. Ông Tedros kế nhiệm Bác sĩ Margaret Chan — một công dân Gia Nã Đại gốc Hồng Kông, để trở thành người thứ 8 và người Phi châu đầu tiên giữ chức vụ quan trọng này.

Cuộc đua giành ghế chủ tịch WHO đã diễn ra khá sôi nổi và căng thẳng. Ông Tedros bị cáo buộc đã không làm tròn chức vụ khi còn là Bộ trưởng Bộ Y tế Ethiopia vì đã giấu nhẹm thông tin về mấy cơn dịch từng nổ ra trên nước mình. Tuy nhiên, nhờ sự vận động hậu trường của Trung Quốc, ông Tedros đã được Liên hiệp Phi châu (African Union) ủng hộ gần như 100%.

Nhậm chức ngày 1 tháng 7, 2017, chỉ ba tháng sau ông Tedros đã gây làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế khi tuyên bố sẽ trao chức “goodwill ambassador” (đại sứ thiện chí – gương mặt đại diện cho WHO) cho nhà độc tài sắt máu Robert Mugabe khi ấy mới có … 93 tuổi và cầm quyền Zimbabwe ngót ngét ba thập niên. Quyết định không mấy sáng suốt này của ông Tedros đã gặp sự chống đối dữ dội từ khắp nơi. Thủ tướng Gia Nã Đại Justin Trudeau gọi nó là “trò giễu dở Cá tháng Tư”. Không ít người cho rằng đây là một hành động trả ơn Tập Cận Bình khá lộ liễu và nham nhở.

Trước áp lực quốc tế, ông Tedros đành phải rút lại đề nghị của mình. Nhưng từ đó uy tín của ông bị sứt mẻ nhiều. Đã vậy, cách hành xử đối với Đài Loan của WHO dưới sự lãnh đạo của ông Tedros càng lộ rõ thái độ tùng phục Trung Quốc của ông. Trước kia, từ năm 2009 đến 2016 Đài Loan vẫn được tham dự WHA trong tư cách “quan sát viên”. Nhưng kể từ năm 2017 Đài Loan đã không được mời tham gia WHA sau khi dân chúng bầu lên nữ tổng thống đầu tiên, bà Thái Anh Văn, một người có lập trường Đài Loan độc lập mạnh mẽ. Phát biểu tại Geneva năm 2018, ông Alex Azar, Bộ trưởng Bộ Y tế (HHS) của Hoa Kỳ nói: “Thật đáng tiếc là Đài Loan đã một lần nữa không được mời đến WHA như một quan sát viên.”

Trong vụ này chỉ có một vài đảo quốc nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương có bang giao chính thức với Đài Loan lên tiếng phản đối và bênh vực Đài Loan ra mặt. Một đại biểu từ Marshall Islands tiên đoán: “Tổ chức này [WHO] có nhiệm vụ quan tâm đến sức khoẻ con người chứ không phải đến chính trị. Dịch bệnh không biết biên giới; an ninh sức khoẻ toàn cầu sẽ không đạt được cho tới khi mọi dân tộc được phép tham gia.”

Khi COVID-19 xảy ra, WHO đã không chia sẻ thông tin về coronavirus với Đài Loan. Giám đốc CDC Đài Loan, ông Chou Jih-haw nói, ông đã viết cho WHO một bức thư ngày 31/1, trong đó ông hỏi về khả năng coronavirus truyền nhiễm từ người sang người. WHO xác nhận họ có nhận được lá thư, nhưng ông Chou nói ông không hề nhận được hồi âm từ WHO.

Dẫu vậy, nhờ kinh nghiệm đối phó dịch SARS năm 2003, ngay từ hôm gửi thư đi Đài Loan đã bắt đầu khám nghiệm tất cả hành khách đến từ Vũ Hán, không chờ WHO phúc đáp. Chỉ hai ngày sau, kế hoạch phòng chống dịch bệnh soạn từ năm 2004 được khởi động trên toàn quốc một cách triệt để và quyết liệt. Nhờ vậy Đài Loan đã sớm chặn được dịch khuẩn lây ra cộng đồng, và cho đến hôm nay (9/4) cả nước chỉ có 380 ca nhiễm, 5 ca tử vong, 80 ca hồi phục.

Giờ đây không những Đài Loan đã kiểm soát được COVID-19 trong nước, họ còn có khả năng trợ giúp những quốc gia khác. Bắt đầu từ đầu tháng Tư, Đài Loan đã gởi 2 triệu khẩu trang y tế sang Mỹ. Một nửa sẽ được sung vào Kho Y liệu Quốc gia (National Strategic Stockpile); số còn lại được chuyển thẳng đến những tiểu bang cần giúp đỡ. Colorado, một trong những tiểu bang bị dịch nặng và sớm nhất, vừa nhận được 100,000 khẩu trang tiếp viện từ Đài Loan. Thượng Nghị Sĩ Cory Gardner của Colorado chia sẻ: “Đài Loan chứng tỏ họ sẵn sàng giúp thế giới dập cơn dịch COVID-19. Hành động hào hiệp khó tưởng tượng nổi này là bằng chứng hùng hồn cho thấy Đài Loan xứng đáng được gia nhập WHO.”

Nhưng giới quan chức WHO không nghĩ vậy. Trong một cuộc phỏng vấn qua video hôm 30/1, Phó Chủ tịch Bruce Aylward đã không trả lời ký giả Yvonne Tong của đài Hongkong RTHK khi cô hỏi có thể nào Đài Loan được tái cứu xét để gia nhập WHO. Ông Aylward im lặng không trả lời, xong giả vờ nói lảng rằng ông không nghe câu hỏi và đổi sang đề tài khác.

Trong khi đó thì sếp của ông Aylward vẫn tiếp tục tấn công Đài Loan mặc dù đang có nhiều tiếng nói kêu gọi ông từ chức. Cách đây vài ngày, ông Tedros cho biết mấy tháng nay ông đã hứng nhận nhiều lời chỉ trích, thoá mạ, kỳ thị sắc tộc, kể cả đe doạ đến tính mạng, nhưng “Tôi không để tâm … và … tôi đách sợ!” (I don’t give a damn). Ông còn cho rằng Đài Loan đang đứng sau lưng chiến dịch bôi nhọ mình, khiến Bộ Ngoại Giao phải lên tiếng yêu cầu ông Tedros công khai xin lỗi Đài Loan vì lời cáo buộc vô căn cứ này. Không biết mai đây vụ này sẽ kết ra sao.

Cuộc chiến chống COVID-19 còn dài; số người nhiễm bệnh và tử vong sẽ còn tăng. Chúng ta không có thì giờ hay năng lực để phí phạm cho những chuyện không đâu. Nếu phải nói một điều gì tốt về con coronavirus này, đó là nó … rất ngu. Nó hoàn toàn không biết (và cũng … đách cần biết) nạn nhân của nó da màu gì, theo đảng nào hay đến từ đâu.

Related posts