Đi ăn cưới ở Việt Nam

Thông thường sang tháng 11 tây- hết mùa mưa- là bắt đầu mùa cưới kéo dài đến Tết ta là cao điểm. Sau Tết ta vẫn cưới nhưng thưa hơn cho đến cuối tháng Tư hết mùa khô. Sáu tháng mùa mưa rất ít đám cưới. Chiều tối mưa ào ào một trận dù chưa ngập lụt cũng chẳng ai đi dự tiệc, chủ nhân có mà khóc ròng.

Vào mùa, đám cưới nhất tề cử hành khắp nơi rộn ràng quá thể. Thiệp đám cưới gửi đi như bươm bướm làm người nhận rầu rĩ. Dân trung lưu trở lên khỏi bàn nhưng từ công tư chức trung bình trở xuống mà nhận được hai ba thiệp mời một tháng quả thật vui người mà héo mình. Tiền chợ cũng như mọi chi tiêu tháng đó cắt giảm liền lập tức nhường chỗ cho việc ăn cưới.

Có khi một ngày trùng hai đám cưới. Đám con của sếp đương nhiên có mặt, đám bạn chí cốt từ thủa trung học lẽ nào vắng nên chi đành chạy sô, đầu giờ đi đám này, lượn qua lượn lại cho gia chủ thấy mặt, ký tên rồi chạy qua đám sau. Nhất là vào những hôm tốt ngày, một buổi sáng ra ngoài đường đụng năm sáu xe rước dâu là thường. Vào công viên hoặc trung tâm thành phố gặp ngay vài đám cưới đụng nhau ầm ầm. Một góc tường gạch rêu phong, gốc cây cổ thụ, vạt cỏ, đàn chim, nhịp cầu… lọt vào ống kính phó nháy đẹp như phim nên các cặp tha hồ đứng chờ đợi phiên nhảy vào chụp hình.

Thiệp mời tiệc rất đẹp vì mẫu mã ngày càng phong phú, mặt sau là sơ đồ nhà hàng để hướng dẫn khách khỏi đi tìm đường, thậm chí còn ghi chú thêm một câu rất “vừa lòng khách đến, hài lòng khách đi” là Gửi xe miễn phí!

Nhận được tấp thiệp, khách được mời tính toán lẹ làng nhanh như máy tính. Thân hay sơ, đi dự hay không, nhà hàng sang hay thường, ăn tiệm hay ăn nhà… Số tiền bỏ vào phong bì mừng bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào những điều kiện đó. Trước đây vài năm, giá mừng cho tiệc ngoài nhà hàng là hai, ba trăm ngàn đồng, nếu mời ăn tại nhà chỉ một, hai trăm thôi. Dần dần vật giá leo thang. Nay thì một bàn tiệc xoàng ở nhà hàng đã tăng lên khoảng bốn triệu chưa kể bia, nước ngọt… tính ngoài. Tiền mừng cũng phải tăng lên năm trăm ngàn một ngườiNếu không dự thì bỏ phong bì hai tram. Nhà hàng sang nhảy lên bạc triệu. Đa số vẫn theo giá căn bản vì nếu phải mừng tùy mức độ nhà hàng như Continental, Windsor… thì chắc hầu hết ở nhà “cáo bệnh” luôn chứ làm sao đi nổi. Cho nên đám cưới thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu này ít… lời!

Do vật giá gia tăng, đáng lẽ giá mừng đám cưới đã phải tăng từ lâu nhưng vì thu nhập mỗi người không tăng và giá mừng chẵn chứ không thể lẻ. Vì thế tiền mừng đành dậm chân tại chỗ đợi thời cơ mới nhảy vọt lên một lần. Chủ nhân khi mời cũng nhắm chừng loại khách nào túi lép nên bớt bớt, hướng mũi dùi tới đám khách có “khả năng” thì tiện cho cả đôi bên hơn…!

Do tiền mừng trở thành “vấn đề” như vậy nên ảnh hưởng mạnh mẽ đến số người đi dự. Một cặp đi tiệc hiện nay phải chi tối thiểu năm trăm ngàn mỗi người nên thói quen từ xưa hai vợ chồng khoác tay nhau đi đám cưới không còn nữa. Hiện nay đi ăn đám cưới, chỉ một người đại diện chứ hai vợ chồng toi cả triệu còn gì. Họ nhẩm tính lại túi tiền, chỉ định một người đi, hoặc vợ hoặc chồng tùy thuộc vào đám cưới thân với bên nào hơn với câu thoái thác quen thuộc: Bà xã hoặc ông xã tôi hôm nay bận mắc đi đám khác. Việc này đã thành thông lệ ngầm nên chi chính chủ tiệc tuy bao giờ cũng lịch sự ghi thiệp mời ông bà nhưng dư biết bao giờ cũng chỉ một người: một ông hay một bà dự mà thôi.

Phân công hai người đi hai nơi hay một người dự hai nơi. 17 giờ có mặt tại nhà hàng trong quận Năm, giơ cao chiếc phong bì bỏ vào thùng, vui vẻ chụp với cô dâu chú rể một tấm rồi loay hoay biến. Chạy gấp sang nhà hàng quận Tân Bình trễ mất hai món đầu vẫn tính là kịp. Cuối năm nhà hàng nào cũng chật cứng. Do đó phải nhìn kỹ tên cô dâu chú rể trong tấm thiệp với tên cô dâu chú rể dựng trước sảnh cưới. Ngày cưới, cô dâu nào cũng đẹp như nhau, dễ lộn lắm. Đã có chuyện mấy sảnh cưới liền nhau và khách mời đi nhầm vào sảnh này thay vì sảnh bên cạnh. Bỏ tiền mừng vào thùng rồi mới nhận ra đi lộn phòng thì chỉ có nước… cười mếu.

Tiền mừng, vì bây giờ không ai mừng bộ ly tách hay mùng mền như xưa, mà thực tế mừng tiền để sau đó cô dâu chú rể kịp thời thanh toán chi phí nhà hàng ngay sau bữa tiệc. Trước cổng bao giờ cũng có cuốn sổ hay tấm vóc ký tên lưu niệm bên cạnh là thùng tiền hình giỏ hoa hay trái tim. Bỏ phong bì vào thùng không lưu ý đôi khi cũng gặp phiền chứ chẳng chơi. Nếu chỉ một đàng trai hay đàng gái chi tiền nhà hàng thì chỉ có một thùng nhưng nếu đám cưới chưa góp gạo thổi cơm chung, có nghĩa mạnh bên nào bên đó trả tiền nhà hàng riêng, sẽ hiện diện hai thùng trên bàn, mỗi thùng có đại diện hai bên trông coi, kiểm soát. Một ông khách đàng gái lơ đễnh bỏ phong bì vào thùng quà đàng trai. Vào ngồi bàn hồi lâu, khi biết mình lầm, ông đã phải chạy ra xin lỗi đàng trai cho mở thùng, lấy lại phong bì bỏ lại vào thùng kia. Hơi tức cười trước nhưng “được lòng sau”!

Có nhiều đám cưới, chủ nhà giao thiệp rộng quá, bàn xếp chật ở bên cánh gà mà khách còn lố nhố ngoài tiền sảnh. Trường hợp này, khách dày dạn kinh nghiệm ăn cưới thường mang trong túi hai phong bì, nếu “lọt” được vào phòng ăn thì bỏ vào thùng Hai quả tim hay Hai con chim bồ câu đúng giá năm trăm ngàn. Xem chừng phải đi về “bụng không” bỏ phong bì hai trăm thôi, tương đương với… ăn cơm nhà!!!

Mấy tuần nay cuối mùa bão, những cơn mưa rớt bão cuối mùa cộng với triều cường khiến nhiều đám cưới phấp pha phấp phỏng. Ngày tốt đã xem rồi chỉ sợ tiệc ế, mà ế có nghĩa là… lỗ vốn. Lắm đám cưới mời rất đông. Ngoài bạn bè họ hàng của cô dâu chú rể, còn bạn bè của cha mẹ, anh chị em. sáu chục bàn hơn bảy trăm người nhét chật cứng vào một cái sảnh, hai họ không len vào nổi để chụp hình từng bàn.

Thông thường đi ăn cưới bằng xe gắn máy. Bây giờ kẹt xe, khói bụi mù mịt, mặt mũi tô son trét phấn, đầu tóc uốn chải phết keo mà đội cái mũ bảo hiểm thì hư hết đầu, diện váy dài váy ngắn tới được nhà hàng mặt mũi bơ phờ, mồ hôi mồ kê vì đứng chịu trận hít khói ở vài cái lô cốt. Thôi thì cùng chung hãng xưởng hay cùng xóm, ta ráp nhau kêu taxi grab, chia ra đầu người cũng rẻ chán.

Hà Nội đa số làm cơ quan chuộng đi ăn đám cưới vào ban ngày. Họ tận dụng thời gian nghỉ trưa để ăn cưới, quay lại sở kịp giấc chiều rồi về nhà. Quần áo đi làm đến thẳng nhà hàng luôn. Dân Saigon trọng bữa tiệc cưới hơn. Thích đi hay không thì đó cũng là dịp làm đẹp và “lên” quần áo. Vì thế ít người Saigon muốn tổ chức tiệc cưới vào buổi trưa và do vậy tiệc trưa giá cũng rẻ hơn tối. Tiệc ban ngày cũng như giữa tuần đều thua thiệt hơn tối cuối tuần. Để tổ chức tiệc cưới vào ngày lý tưởng cuối tuần, thường phải đặt cọc nhà hàng từ nhiều tháng trước, thậm chí từ năm trước qua năm sau.

Tiệc vào tối thứ Bảy và Chủ nhật là đẹp nhất. Buổi tối thời gian rộng rãi người ta có thể đi giày cao gót, mặc áo dài nhung, áo đầm kim tuyến, bới đầu cao, sơn móng tay… Trong một đám cưới, không những chỉ cô dâu chú rể mà ngay cả những người tham dự cũng mặc đẹp, điều đó làm bữa tiệc cưới trở nên trang trọng nhiều.

Thật ra đến nhà hàng ngồi vào một chỗ, đâu có ai đi tới đi lui khoe quần áo để thấy y phục của ai đẹp xấu thế nào. Bây giờ đi ăn đám cưới, ngoại trừ những người đứng tuổi hoặc trong buổi lễ: lễ hỏi, lễ gia tiên, rước dâu… các bà các cô mới mặc áo dài, còn đi ăn tiệc cưới đa số mặc đầm gọn hay quần tây với vest chứ ít người diện áo dài buổi tối.

Ngày xưa thiệp cưới chỉ có câu “Xin hân hạnh được đón tiếp anh, chị… vào lúc 18 giờ ngày…” Nhưng thông lệ của người Việt ta là nếu đi đúng 18 giờ thì sợ mang tiếng “ham ăn” nên 18 giờ mới bắt đầu rời khỏi nhà. Nay thì thiệp cưới ghi rõ: 17 giờ đón khách; 19 giờ nhập tiệc. Vì ghi rõ như thế nên chẳng ai đến đúng 5 giờ chiều cả. Nếu không đến trễ thì không phải là người VN! Vả lại đến đúng 5 giờ sau khi chào hỏi chụp hình với cô dâu chú rể hai phút xong, khách ngồi tò ho mấy tiếng đồng hồ ở chiếc bàn trống lốc không có ai nói chuyện và không thể nói chuyện với ai vì nhạc dạo thường vặn rất lớn, chẳng có cả nước uống vì chủ thường nói nhỏ với bồi không rót nước, nhất là bia trước giờ khai tiệc quá sớm vì … hao dữ lắm! Cho nên chắc ăn hơn cả thì nên đến nhà hàng vào lúc 7 giờ hay… muộn hơn!!

Khách không ngồi lẫn lộn mà chia rõ rệt từng bàn: họ hàng, chòm xóm, hạn bè, cơ quan… theo tờ giấy ghi để sẵn trên bàn.

Khách ngồi lâu quá, đưa mắt ngắm thơ thẩn quang cảnh các sảnh đám cưới kiến trúc đẹp mắt với cây cột Hy Lạp đỡ mái cong Á Đông, trên tường treo tranh lập thể hay tĩnh vật… Nói chung tùy ý người thích kiểu Á, Việt, Âu… đều hài lòng cả. Tuy nhiên nếu không phải thuộc quận Năm đặc Hoa thì các nhà hàng thường trang trí theo kiểu Tây để phù hợp với cô dâu thay một buổi ba, bốn bộ soirée cũng như các loại váy nhiều kiểu lộng lẫy của người đi dự. Ngồi hoài ngồi hủy đến bảy rưỡi mới bắt đầu khai mạc. Màn trình diễn thêm nửa tiếng nữa mới thực sự nhập tiệc. Đèn tắt, cô dâu chú rể từ ngoài cổng tiến vào trong bản nhạc The Wedding muôn thuở, người giới thiệu chương trình ba hoa xích đế hai trẻ quen nhau từ lúc tắm mưa, hai bên thông gia từ nay có dâu hiền rể quý, rót rượu giao bôi, múa trống cơm tới màn hai họ lên sân khấu “Cám ơn quan khách không ngại đường xa… Xin bỏ qua những điều thất lễ… Cuối cùng xin mời quý vị… Dzô”.

Công nghệ đám cưới ngày càng phát triển. Cô dâu chú rể ngồi kiệu, xe song mã hay xe hơi mui trần, rước đuốc, rước hoa hay pháo bông… Đôi uyên ương đứng trong lồng chim từ trên trời rơi xuống hay dưới đất chui lên… Bong bóng nổ lạch tạch thay tiếng pháo nghe vui tai lắm.

Vừa ăn cỗ vừa nghếch mắt xem văn nghệ, hoàn toàn không thể nói chuyện được vì âm thanh quá lớn. Đủ loại hát dân ca hay hát tân nhạc, nhạc Việt hay nhạc ngoại quốc; áo tứ thân múa đèn, áo đầm múa ballet hay bikini múa sexy, quần thụng nhảy hiphop… đều đủ cả không thiếu tiết mục gì.

Do karaoke phổ biến nên từ đó đào luyện nên rất nhiều ca sĩ nghiệp dư. Lắm khi không cần đến văn nghệ nhà hàng mà chỉ giọng hát của thực khách đã không đủ thời giờ để trình diễn. Sân khấu kéo đến gần khán giả. Một bà mẹ vợ quá sức vui vì đẩy được cô con gái bướng bỉnh lên xe hoa cũng cầm micro ca một bài xa xưa, trẻ con leo lên bứt bong bóng nhảy nhót trên sân khấu, ông say xỉn ca bài Tình thôi xót xa

Tiệc cưới giữa miền Nam và Bắc cũng có sự khác nhau. Hà Nội theo kiểu cổ, cỗ cưới nhiều món hơi giống bữa giỗ, có khi cả cơm tám giò chả và mỗi món nhiều ê hề. Miền Nam ít hơn, và các món thường vừa đủ, không thừa nhiều mà vừa khít. Trừ phi quá sang hay quá bình dân, còn thì thông thường bao giờ cũng năm món: súp hay gỏi, heo quay hay gà quay bánh bao, cá chẻm sốt chua ngọt, bò ra gu bánh mì… Bao giờ cũng kết thúc bằng cơm chiên, lẩu đồng quê gọi thế chắc vì nhiều rau hay lẩu hải sản gồm cá, mực và mấy con nghêu ngao ăn với mì hay bún để thực khách không còn cớ phàn nàn về nhà lục cơm nguội, tráng miệng bánh flan hay sương sa… Chén súp bé hơn chén chè, con gà nhỏ xíu, vài lát nem chua khai vị khiến ai nấy no lưng lửng, không đói và cũng không thừa phí.

Đang gắp miếng chả giò thì chị ngồi bên phải bỏ nhỏ “Đừng ăn, tôi nghe có mùi tôm tanh, chắc chiên chưa chín”. Vội cầm chai nước tinh khiết lên thì anh bên trái ngăn “Đừng uống, nước nhãn hiệu Cool Water này hôm nọ báo đăng lấy nước từ phông tên rồi đưa thẳng vào chai đó”. Chuyện này nhỏ thôi, đôi khi xảy ra ở ngoại thành nơi tiệc cưới thuê người về nấu từ khuya.

Bắt đầu ăn món lẩu cuối thì bà, cô nào đi xe gắn máy lo rút sớm lấy xe, giống như đi xem hát ấy mà, chứ một nhà hàng lớn thường có 3- 4 sảnh, mỗi sảnh chừng vài chục bàn tan cùng một lúc lại bị kẹt xe mất.

Ra được ngoài đường thoáng mát, nhẹ cả người. Sực nhớ tuần sau lại có cái đám cưới nữa…

Saigon cô nương

Related posts