Đi xe buýt ở Sài Gòn

Dắt chiếc xe gắn máy ra khỏi nhà đạp hoài không nổ mới hay bình xăng cạn queo không còn một giọt, tôi đãng trí ưa quên đổ xăng nên cứ đụng trường hợp này hoài. Đẩy xe trở vào, tôi định kêu xe ôm. Trước kia chỗ nào cũng có bến xe ôm, thậm chí đi bộ vài bước là xe ôm đã chạy ngang qua vẫy gọi rối rít, nhưng nay thay thế bằng xe ôm công nghệ. Gọi qua tổng đài, xe ôm sẽ đến tận nơi đón khách với giá khá rẻ. Nhưng hôm nay còn sớm, tôi sẽ đón xe buýt. Nhà ngay trung tâm thành phố nên rất thuận đường xe buýt đi khắp nơi. Đa số dân thành phố thường làm biếng, bước ra khỏi nhà leo ngay lên yên một chiếc xe gắn máy, ít chịu cuốc bộ một quãng đến trạm xe buýt hay chịu khó đợi ở đó một lúc.

Trạm xe buýt gần nhà mất năm phút đi bộ, có băng ghế và mái che đàng hoàng nhưng thường hiếm ai ngồi đợi. Ghế phơi nắng mưa bụi bặm suốt ngày nên chẳng tội gì mang quần của mình ra lau! Nhiều người sợ dơ còn cẩn thận trèo lên ngồi chồm hổm trên ghế hay cheo leo tuốt đầu thành ghế cho đôi giầy được thả xuống ngự trị trên lòng ghế. Vả lại đôi khi cho tới lúc mặt trời đã lên chói chan, băng ghế vẫn là nơi ngả lưng của người vô gia cư, chỗ để hai anh chị nào đó ngồi xổm chăm chú nặn mụn cho nhau hay dân cái bang, dân chích choác, dân lang thang cứ ngồi đó hoài lơ mơ nhìn đời giết thời gian, không kể móc túi lảng vảng chờ cơ hội.

 Ít có dân văn phòng đón xe buýt đi làm. Hầu hết là người buôn bán nhỏ, đi công chuyện và nhất là sinh viên, học sinh. Từ khi nhà trường cấm dùng xe gắn máy phân khối lớn thì số học sinh đi xe buýt tăng lên bởi xe một trăm phân khối bị cấm, còn xe năm mươi phân khối thì chẳng được sản xuất bao nhiêu. Buổi sớm, học sinh đứng đầy các trạm. Ở xứ Á Đông này hình như vẫn âm thầm tồn tại quan điểm “nam nữ thọ thọ bất tương thân” nên chi đám nam sinh đứng riêng ra, lâu lâu vuốt tóc và phủi phủi tay áo trắng tinh, là ủi thẳng thớm. Nhóm nữ sinh cũng tách xa xa, mới sáng sớm mát mẻ chưa nắng nôi gì cả mà nhiều chị đã “xắn váy quai cồng” tức là dắt tà áo lên lưng quần cho gọn, cứ như sắp sửa lâm trận vậy.

Quả là lâm trận. Vào xẩm tối, các chuyến xe buýt thưa dần nhưng vào ban ngày không phải đợi lâu lắm. Ngày xưa xe buýt chưa tới trạm đã nghe rất to tiếng xì… xì… kéo dài thở hồng hộc vì quá mệt trước khi kêu đánh “xình” một cái, lợi dụng lúc đón khách dừng lại nghỉ chút xíu lấy sức rồi tiếp tục nặng nhọc lết đi. Bây giờ thì một chiếc xe mới toanh êm ái trờ tới. Cả đám ùa lên, hành khách ngồi ghế nhưng toàn bộ học sinh đều đứng. Xe bốn mươi bảy chỗ ngồi tới lúc cao điểm cũng nhét được khoảng một trăm. Áo dài kiểu hiện nay tà lướt tha lướt thướt như hồi thập niên sáu mươi nên không xắn lên thì đúng là vướng víu. Bác tài nhìn qua kính chiếu hậu vui vẻ hỏi hôm nay thuộc bài không mà mặt mũi méo xẹo vậy, mẹ cho tiền ăn sáng chưa… Hai ba tiếng tranh nhau trả lời cùng lúc. Bài làm bị “ốc toọc” nên mẹ không cho tiền ăn sáng, ăn có bốn tô cơm từ tối qua đến giờ nên cái mặt đói meo méo xẹo, thôi đừng xé vé chị ơi… Dĩ nhiên cô tiếp viên chẳng bao giờ xé vé cho những tên mồm miệng đỡ túi tiền như vậy. Tôi cũng tức cười khi nhớ hồi học lớp Ba, buổi trưa tan học, thỉnh thoảng nhỏ bạn thân hay rủ nhảy xe buýt về dù nhà chỉ cách trường hai trạm. Nhảy tức là đi xe không mua vé. Ông soát vé cầm chiếc cùi gồm nhiều loại vé tùy xa gần và đeo chiếc túi nhiều ngăn ở thắt lưng đựng các loại tiền khác nhau. Con nít chẳng bao giờ bị thu tiền nên có lần hai con bé ngẩn người ngạc nhiên khi thanh tra bất ngờ xuất hiện kiểm vé. Một người hành khách đứng lên sửa soạn xuống xe đưa vé của ông ta ra cho. Đâu có đứa nào dám cầm chiếc vé “bất hợp pháp” đó nên vẫn cứ giương đôi mắt tròn xoe ngước nhìn đến nỗi ông soát vé phải dúi tấm vé vào tay tôi. Thế là từ đó tới lớn chấm dứt luôn chuyện nhảy xe.

Vào giờ bình thường xe thường vắng và thời gian đợi không quá lâu. Ghế nệm êm ái, máy lạnh và nhạc êm êm. Cô tiếp viên mặc đồng phục váy xanh, áo trắng thắt nơ, nói năng nhỏ nhẹ rất chi dễ chịu. Cứ một lần lên xuống năm ngàn. Xe chạy qua các trạm quen thuộc. Không thấy người ta mang hàng nhiều chứ một thời gian rất dài trước kia, phía sau của xe buýt bao giờ cũng thuộc về dân buôn bán ồn ào cãi cọ giá cước với các gói kiện thúng mủng hàng hóa chất chồng ngổn ngang, náo nhiệt hơn bây giờ rất nhiều vì bến xe luôn túc trực đội quân hàng rong mời chào. Trà đá, chewing-gum, báo chí, sách bói toán, kính mát, vé số, hành khất… và đôi khi xuất hiện cả thứ hàng dường như chỉ độc quyền trên xe đò là cao đơn hoàn tán trị bách bệnh từ nhức răng, ghẻ Tàu, trẻ biếng ăn cho đến… ung thư! Trước những thành phần bát nháo này thì việc duy nhất hành khách nên làm là lo ôm khư khư thật chặt cái túi trước người và kín đáo phòng thủ túi quần, túi áo. Những loại hàng này bây giờ không thấy. Xe buýt cấm lên vì sợ móc túi và cũng chẳng ai mua những thứ hàng bát nháo đó.

Thật ra, tuyến xe trung tâm chạy trên con đường bộ mặt thành phố nên không khí trên xe bao giờ cũng mang vẻ hòa nhã, lịch sự. Hàng chữ điện tử chạy phía trên cho biết tên trạm sắp tới để khách chuẩn bị xuống. Nhiều tuyến khác, chẳng ai thèm đọc hàng chữ ấy cả nên tiếp viên vẫn cứ phải hét lên thông báo như thông lệ từ xưa đến giờ. Chợ Nhỏ, Chợ Nhỏ… bà con ai xuống… Con đường gần đó đông nghẹt khách trung chuyển từ các văn phòng xe tốc hành xuống bến xe miền Tây thường không còn chỗ chen chân. Hành khách nhao nhao la ó bỏ trạm đi, rước thêm khách nữa chịu sao nổi. Tài xế gào lại với lơ trạm này có một khách thôi, thằng này sao giống sinh viên quá, biểu nó đừng lên được không chứ bỏ trạm, trễ giờ học, ngày mai nó viết thư lên báo bây giờ. Lơ đập thành xe thình thình, nhào xuống đường cẩn thận hỏi ý kiến, “thằng sinh viên” nọ đồng ý không lên xe. Những trạm sau không có tên nào tướng sinh viên cả nên tài xế bỏ trạm chạy qua cái vù.

Nạn kẹt xe lúc nào cũng là chuyện đau đầu của thành phố. Chỗ nào cũng kẹt xe, kẹt cầu, kẹt đèn xanh đèn đỏ, kẹt bùng binh, kẹt trường học… nên dân chúng được khuyến khích bớt đi xe gắn máy. Mấy tấm panneau dựng lên khắp nơi để hô hào dân chúng đi xe buýt. Vô số tuyến đường mới được mở ra len lỏi khắp nơi dù ít khách. Tuyến Saigon-Tân Sơn Nhất từ công trường Quách thị Trang ngược xuống Bùi Viện chật hẹp, rẽ Cống Quỳnh một cách vất vả vì thường tắc nghẽn khi trường Chu văn An (Hưng Đạo cũ) tan học, quành lên Phạm Ngũ Lão, chen chúc vào Đề Thám hòng vớt đám Tây ba lô, tiếp tục vòng vo tam quốc qua các khách sạn khu trung tâm. Kiên nhẫn vậy mà chẳng có khách ngoại quốc nào bước lên xe, chắc tại hành lý đường xa quá lỉnh kỉnh và chẳng ai mất thì giờ như vậy làm gì thay vì đi taxi và xe ôm không mắc lắm và nhanh hơn. Tuyến quận Năm – quận Tư cũng vậy. Đường Bến Chương Dương đã giải tỏa nhà sàn để thành đường Võ văn Kiệt nên chỉ còn dân cư một bên đường. Chiếc xe buýt thảnh thơi chạy qua các khu chung cư mới xây.

Quốc lộ thường xảy ra tai nạn giao thông đã bắt đầu đông khách. Dọc những con đường này không còn thấy ruộng vườn đâu nữa, nhà cửa san sát như mặt tiền đường lớn cùng với cửa hàng, văn phòng công ty… Thỉnh thoảng mới thấy sót vài nền trống cỏ mọc um tùm với hàng rào cột ciment chờ lên nhà.

Từ khi xe buýt phát triển cũng nảy thêm nhiều vấn đề. Do quy định đúng giờ, trễ bị phạt nên nhiều khi xe phóng ào ào, tông vào xe gắn máy như điên. Hành khách chưa kịp xuống xe đã chạy, người nào chậm chạp thì lơ cầm tay quăng xuống đường hay kéo xếch lên nên đã xảy ra vụ khách bị cán chân. Thành thử nhiều tuyến xe buýt được ưu tiên chạy ngược chiều đã bị bãi bỏ.

Dẫu sao, ngoài việc là phương tiện lưu thông thì đi xe buýt cũng có điều thú vị. Nhìn ngắm sinh hoạt trong xe cho mỗi người cảm giác gần gũi, hòa lẫn vào cuộc sống bình thường đang hằng ngày cuộn chảy ào ạt trong thành phố. Chiếc xe chạy qua những con đường khác nhau. Nhìn ra ngoài cửa sổ của xe buýt là dòng xe gắn máy tuôn tràn vô tận không ngơi nghỉ, khách bộ hành và những người gánh hàng rong cần cù trên vỉa hè, các cửa hàng mở san sát, đám trẻ nhỏ và mẹ bồng con đang níu kéo khách du lịch để bán bản đồ lưu niệm và bưu thiếp, một chiếc xe rác chậm chạp đẩy qua, vũ trường và quán bar với các dáng dấp quần áo đẹp đẽ như người mẫu thời trang, những dinh thự lộng lẫy và dãy nhà tẻ nhạt… Tất cả hình ảnh và cuộc sống muôn màu muôn vẻ của thành phố diễn qua trước mắt, chỉ đơn giản khi làm người hành khách ngồi trên chuyến xe buýt.

Hàm Anh

Related posts