Ðọc lại tập thơ “Tôi Cùng Gió Mùa” của Nguyễn Xuân Thiệp.

Tập thơ “Tôi Cùng Gió Mùa” của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp in năm 1998, cách nay là hơn hai mươi năm. Có nhiều nhà phê bình văn học đã có nhận xét về tập thơ này. Thời gian đã không làm phai nhòa đi những ấn tượng của tôi mà trái lại khi đọc lại những bài thơ và những bài phê bình trong tâm lại thấy nẩy ra những điều nên nói. Tại sao? Bởi vì trong sự nhận diện chân dung một nhà thơ, có nhiều phong cách khác nhau từ cảm xúc và suy nghĩ của những nhà phê bình văn học khác nhau. Có những phong cách qua sự đãi lọc của thời gian, vẫn còn giá trị. Nhưng có những phong cách qua một thời gian dài khoảng cách cần phải có sự cân nhắc lại để xác định giá trị có chính xác hay không. Tôi thú thực không phải là người phê bình văn học và chỉ là một người đọc sách để tìm trong sách vở những điều giá trị đáng học hỏi. Thành ra, những nhận xét của tôi trong bài này chỉ là góp ý và hoàn toàn không có sự phê phán. Những nhận định như thế sẽ rất chủ quan và trong cách diễn tả của tôi chỉ có chủ ý làm một công việc nâng niu một cuốn sách và nhẹ nhàng đặt lên kệ trong thái độ trân trọng.


Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp

Tập thơ “Tôi Cùng Gió Mùa” gồm hơn bốn chục bài thơ và trong đó có những bài thơ dài như “Ánh Trăng” dài 262 câu hay “Thảo Nguyên” 122 câu. Thơ của Nguyễn Xuân Thiệp có một không gian riêng của những cảm giác có một chút gần đời sống nhưng lại thấp thoáng xa xa đâu đó những nét của ẩn dụ, của những ý tưởng tuy có nét bất định nhưng lại gợi ra rất nhiều liên tưởng. Và thời gian, cũng là của những giây phút pha trộn giữa quá khứ và hiện tại. Thơ của ông nói rất nhiều nhưng nói bằng cảm xúc. Ðó là cảm giác của tôi khi đọc lại những bài thơ của “Tôi Cùng Gió Mùa”. Nếu có ai bắt tôi giải thích thì tôi cũng đành chịu. Bởi vì theo tôi mỗi người đọc thơ có phương cách riêng, miễn là tìm được những gì mà mình cảm thấy hay và được diễn tả một cách trong sáng để tìm sự chia sẻ của người đồng điệu.

Nguyễn Xuân Thiệp làm thơ với tâm nguyện:
“Tôi, áo rực tà dương, đi trong rừng Parkwoods

Như đi qua đời sấm dội

Như con chim màu đỏ vẫn hót

Tôi làm thơ

Cho bạn bè, cho những người cùng khổ

Cho sấm dội, cho đổ vỡ, cho mây xa

Tôi làm thơ

Và con chim màu đỏ

Hót một mình dưới trời mưa thưa”

 Có người phê bình hay xử dụng cách so sánh., như ông Ðặng Tiến chẳng hạn. Trong bài viết “Ðọc Thơ Nguyễn Xuân Thiệp”, ông này đã đối chiếu với hàm ý so sánh giữa thơ Nguyễn Xuân Thiệp với thơ Nguyễn Bá Trạc:

“…Tỉnh cơn mê chữ nghĩa tôi thán phục cái ông Nguyễn Xuân Thiệp, có thơ đăng từ 1954 mà tôi chưa hề được đọc được nghe danh. Từ quan cảnh học tập, cải tạo mà anh đã mơ thấy, dù là “mai mốt”, một quê ngoại thì khoáng đạt độ lượng quá. Tình cảm quê hương và trần gian vượt quá Hồ Dzếnh, đã đành và dễ thôi mà còn vượt quá cõi hoang tưởng của một Nguyễn Bá Trạc rất hiện đại ở hải ngoại, một thứ “quê ngoại”:

“Chao ôi cơn gió mùa đông cũ

còn thổi mưa lên mấy cửa thành

vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi khi tóc em vừa mới chớm xanh”.

Không rõ tôi cao hứng lạc đề hay thơ Gió Mùa và thơ Cỏ Bồng cùng gợi chung một khí hậu? Dù rằng hai người đã đi những con đường trên những lãnh phận khác nhau”.

Câu nhận định trên của ông Ðặng Tiến khiến cho tôi đặt ra nhiều câu hỏi. Có phải cái “quê ngoại” mà thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp mơ thấy từ những quang cảnh của trại tù khổ sai cải tạo với “tình cảm quê hương, và trần gian vượt quá Hồ Dzếnh đã đành và dễ thôi”(?) “mà còn vượt qua cõi hoang tưởng của một Nguyễn Bá Trạc rất hiện đại ở hải ngoại” để Ðặng Tiến khen là “khoáng đạt độ lượng” không? Tôi nghi ngờ về sự chính xác cũng như ngữ nghĩa của câu văn đáng lẽ phải giải thích thêm để làm sáng tỏ ý tưởng muốn diễn tả. Câu ông Ðặng Tiến tự thú nhận “cao hứng đến lạc đề” có lẽ đúng?

Ông Ðặng Tiến lại so sánh hai bài thơ, một là Thảo Nguyên của Nguyễn Xuân Thiệp dài 122 câu và Ðất Nước của Nguyễn Ðình Thi dài 50 câu. Hai bài thơ đối lập với nhau từ lời đến ý. Nếu Ðặng Tiến nhận xét “những lời thơ âm hưởng giao thoa vì những sơ đồ thang âm và nhịp điệu” thì cảm giác khi đọc xong cả hai bài thơ sẽ ra sao? Theo tôi, bài thơ Thảo Nguyên có khuôn khổ của bài thơ 7 chữ, có âm điệu trầm trầm và ít có sự thay đổi thang âm và nhịp điệu. Lời thơ thanh thoát, nhiều hình ảnh tượng hình từ những suy tư qua ngôn ngữ:

“Mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên

gió thổi chiều xanh trôi với nắng

khoảnh khắc vầng trăng bạc nhú lên

 cánh chim theo trăng vào trời rộng

nhà ai đèn lồng soi trước hiên

 nhủ thầm nhà ta sau hàng phượng

ta đi năm năm qua thảo nguyên

cảm ơn giây phút đời giao hưởng…”

Thơ nhẹ nhàng từng đoạn, nhịp điệu khoan thai, thang âm bình bình ít thay đổi.

Bài thơ Ðất Nước của Nguyễn Ðình Thi thì ngược lại. Khuôn khổ của bài thơ tự do nên câu chữ phóng khoáng hơn. Những câu thơ có lúc trầm nhưng cũng có lúc dồn dập từ nhịp điệu theo ý tưởng diễn tả và thang âm cũng biến chuyển theo. Thí dụ như:

“… từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

đã bật lên những tiếng căm hờn

bát cơm chan đầy nước mắt

bay còn giằng khỏi miệng ta

thằng giặc tây, thằng chúa đất

đứa đè cổ đứa lột da

xiềng xích chúng bay không khóa được.

Trời đầy chim và đất đầy hoa…”

Ðọc cả hai bài thơ, độc giả có đồng tình được với nhận định của nhà phê bình Ðặng Tiến hay không? Riêng tôi, ở vị trí một người đọc thì thấy khó liên tưởng đến sự giao thoa giữa hai thang âm và nhịp điệu!

 Ông Ðặng Tiến lại viết: “Nguyễn Xuân Thiệp ra tù 1982, sang Mỹ 1995. Khi cho đăng thơ trên tạp chí Văn Học (Mỹ) tháng 7-1997 và tháng 4-1998 anh không ghi thời điểm sáng tác 1980, giữa thời gian học tập cải tạo. Nói khác đi anh không khoe công đã từng kinh qua “đáy địa ngục” hay “đại học máu”. Anh cần người đọc nhận định giá trị đích thực của thi ca, thơ hay thơ dở không cần “con tem”. Anh không thuộc loại người làm thơ để ném vào sứ quán…”

 Tôi thật ngạc nhiên và thắc mắc không hiểu tại sao nhà phê bình lại có luận cứ như thế. Bài thơ quan trọng là ngôn ngữ, vần điệu, ý tưởng. Ghi hay không ghi thời điểm sáng tác liệu có làm thay đổi nội dung và giá trị của nó không? Tôi nghĩ là không và thật là hồ đồ khi nói rằng không ghi thời điểm sáng tác là không đề cập đến những ngày tù ngục mà ông Ðặng Tiến đã mỉa mai là “không khoe công đã kinh qua “đáy địa ngục” hay “đại học máu”. Cũng như ông Ðặng Tiến đã thay cho nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp mà phát biểu một cách chủ quan của riêng ông Ðặng Tiến: “Anh cần người đọc nhận định giá trị đích thực của thi ca thơ hay thơ dở, không cần “con tem”. Anh không thuộc loại người làm thơ để ném vào sứ quán.”

Phát biểu này không có một chút gì căn cứ lý luận bởi đã trật đường từ khi khởi đầu từ chuyện đăng thơ trên Văn Học không ghi thời điểm để suy luận đến chuyện thi sĩ không muốn đề cập đến những ngày tù ngục của mình. Có một số tác giả ở trong nước thường rêu rao một cách bỉ thử rằng trong văn học Việt Nam hải ngoại những người bị tù khổ sai cải tạo thường dùng những ngày lao ngục để coi như một loại huy chương và là “con tem” để minh chứng cho lý lịch của mình trong văn chương. Và họ cho rằng những loại văn chương của tù cải tạo, của thuyền nhân vượt biển chỉ có giá trị nhất thời vì không nêu ra được tượng hình của con người muôn thuở. Theo tôi thì khác. Tôi nghĩ chắc chắn một điều những người nói lên sự thực lúc nào cũng cần thiết để làm sáng tỏ hơn lịch sử. Những tác phẩm mà ông Ðặng Tiến nêu tên như Ðáy Ðịa Ngục của nhà văn Tạ Tỵ hay Ðại Học Máu của nhà văn Hà Thúc Sinh hoặc thơ Nguyễn Chí Thiện mà ông Ðặng Tiến gọi là “loại người làm thơ để ném vào sứ quán” cũng rất cần để văn chương làm dấu tích ghi lại cho lớp người sau tình cảnh của một thời đại Việt Nam thống khổ.

Ông Ðặng Tiến thường nhìn văn học qua lăng kính của một người phản chiến chống chiến tranh và những thiên kiến chính trị đã ảnh hưởng rất nhiều trong phương cách nhận định. Ông nhìn những bi thảm của đất nước sau 1975 một cách hơi dửng dưng và coi những chứng nhân của sự thực như những người vượt biên, những người tù cải tạo là những người chống chế độ Cộng sản quá khích vì lòng thù hận và văn chương của họ không có giá trị nhiều. Ông khen thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp đã làm thơ với phong cách của người đã trải nhiều khổ nạn và vượt qua được. Ðiều đó đúng, theo tôi. Nhưng nếu cho rằng thơ của Tôi Cùng Gió Mùa tuyệt vời vì không muốn nhắc đến thời lao ngục và không muốn dán “con tem” lên thi ca của mình như ông Ðặng Tiến nhận định thì phải xét lại.

Huống chi tôi biết trong hai bài thơ trên, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp không hề có ý định như Ðặng Tiến viết. Bằng chứng là trong tập thơ, ông đã ghi rõ thời điểm sáng tác là năm 1980. Và thi sĩ cũng xác nhận rằng ông làm thơ về những ngày lao ngục như nói lên một sự thực mà ai cũng hiểu biết và nhận thức.

Trong tuyển tập phỏng vấn văn học “Lên Rừng Ðếm Lá” của nhà văn Triều Hoa Ðại, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đã trả lời nhiều câu hỏi về thơ của những ngày bị tù ngục của mình.

Thí dụ như trả lời câu hỏi: “Trong lao tù, anh vãn làm thơ, những bài ấy có mang chia sẻ với những người đòng cảnh ngộ hay không? Anh không sợ “tai vách mạch rừng à?”:
“Làm thơ trong tù, nhất là nhà tù Cộng Sản là một khổ nạn. Tôi làm thơ lúc còn cuốc đất, phát nương, đốn tre, đốùn nứa, đẩy xe đá, đào hốc sắn trên đồi… viết âm thầm, đêm và ngày. Thời gian đầu, không dám chia sẻ cùng ai, nhưng khi về đến Thanh Chương, Nghệ Tĩnh rồi thì anh em đồng một lòng, bất khuất thì hết sợ. Chúng tôi làm thơ, chép cho nhau đọc, bình thơ ngay giữa hội trường. Ðọc thơ trong lán trại giữa đêm khuya. Phải canh chừng và đề phòng dữ lắm, cố nhiên. Nói đúng ra đám ăng ten hồi đó cũng ngán anh em chúng tôi, không dám lập công, hại bạn như trước. Thế mà cũng có đôi bài thơ bị bắt và một vài anh em văn nghệ bị biệt giam”.

Triều Hoa Ðại hỏi “Những bài thơ trong Tôi Cùng Gió Mùa anh đã viết như một tuyên ngôn. Anh có nghĩ mình đang thực hiện một sứ mạng?

-Nguyễn XuânThiệp: “Nói nghe dễ sợ quá. Tôi không nghĩ mình làm tuyên ngôn hay tự cho mình một sứ mạng. Ðơn giản tôi chỉ biểu tỏ một thái độ sống và viết. Như con chim màu đỏ hót dưới trời mưa thưa và sấm dội.

-Triều Hoa Ðại: Người ta viết văn và làm thơ vì nhiều lẽ, trong tác phẩm của anh đọc thấy những gì anh viết vượt lên trên những đau thương và thù hận. Anh làm thơ cho những lý lẽ ấy hay còn những điều gì khác.

–   Nguyễn Xuân Thiệp: Sau những năm đi tù về sống trong một xã hội tơi tả có lần anh em nói với nhau Dante viết Thần Khúc (Comédie Divine) tả cảnh địa ngục là tả qua trí tưởng tượng. Chúng tôi những thi sĩ của một thời đại điêu đứng (chữ của Thanh Tâm Tuyền) viết về một địa ngục có thực. Thế nhưng, nói cho cùng nó là một khổ nạn rồi sẽ qua đi như một cơn bão mùa mà thôi. Cho nên thơ tôi có những bài cứ nhẹ thênh, có vẻ như không hận thù đau thương. Tuy nhiên cũng phải nói qua một chút về hận thù và đau thương bởi nó có thực.

Ðau thương. Ðau lắm chứ – trên da thịt và trên hồn ta. Xin mượn lời của Tường Phong, bạn tôi: Thân biến, quốc biến, gia biến- hỏi lấy chi không đau? Nhưng đôi khi tôi không còn để ý đến nó nữa, như trong Thảo Nguyên và Mưa Ở Ðây Như Mưa Ở Quê Nhà. Xin đừng cho tôi có ý muốn hư vô hóa bất hạnh, cái đau vẫn cảm thấy đây đó trong thơ tôi. Nhưng có lúc tôi vượt qua đau khổ cũng như tia nắng mặt trời xuyên qua mây mù. Ấy cũng là nhờ tâm hồn tôi lúc nào cũng tươi mát, tôi mở lòng ra với thiên nhiên, con người và cuộc sống. Cũng như Bùi Giáng tôi yêu từng mầm cây, ngọn cỏ, yêu đàn dê con, lũ chuồn chuồn, đàn ngan, cả đến con sâu cái kiến nữa. Phần khác, nói có thể Triều Hoa Ðại không tin, là nhờ có bạn đồng hành và…trà. Ở trong trại tù Cộng Sản nếu không có bạn bè cùng chia sẻ nhọc nhằn, đắng cay với mình thì e khó chịu nổi. Còn trà, trà đem lại cho ta nguồn hứng khởi để nghĩ tới những điều tốt đẹp. Tôi mê uống trà, trà đậm đặc, có thể uống bất cứ giờ khắc nào trong ngày. Hồi lưu đày ở Bắc Thái và Nghệ Tĩnh, có thời gian tôi làm ở đội trà tha hồ mà uống. Những lúc khác thì đã có Chu A Hạnh (nay không còn nữa) hái trộm mang về cho, rồi nhờ Dũng nhà bếp sao cho uống. Uống trà vào thì, như một thi nhân đời Ðường là Lô Ðồng viết, hồn lâng lâng như chắp cánh bay về nơi bồng lai tiên cảnh.

Thù hận. Hồi mới ra khỏi trại, khốn khổ và ô nhục đến cùng cực, tôi định viết một lúc bốn bài oán gọi là Tứ Ðại Oán. Nhưng mới được hai bài- Trà Oán và Bài Oán Thi Ðêm Phương Nam- thì ngưng. Ngưng không phải vì cạn ý hết hứng mà vì tôi nghĩ viết như vậy để làm gì. Oán oán chập chùng. Chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho đời ta mà thôi- chẳng khác nào gánh đá đi trong bùn vậy. Tôi không phải là nhà tranh đấu mà chỉ là nhà thơ.

Triều Hoa Ðại: Có phải khi viết Tôi Cùng Gió Mùa, anh nghĩ rồi đây ít nhiều cũng sẽ dẫn đến bình yên và thanh thoát cho những ai tìm đến nó?

Nguyễn XuânThiệp: Viết Tôi Cùng Gió Mùa tôi chỉ muốn có người đồng cảm và chia sẻ. Tôi đã đi qua chiến tranh, lưu đầy, nghĩa là đã qua khổ nạn của dân tộc và lịch sử, để từ đó thoát ra, đạt tới sự bình yên. Trong thơ tôi, như nhiều người nhận xét quả có sự bình yên thanh thoát vừa nói. Ðó là trạng thái tĩnh lặng tìm thấy giữa bão tố và những thảm kịch. Tất nhiên, tôi mong những người đến với thơ tôi sẽ gặp được sự bình yên thanh thản đó.”

Ông Ðặng Tiến viết tiếp: “Thậm chí tòa soạn Văn Học cũng không biết nên đã giới thiệu “bài thơ mới nhất” (số 135 trang 2) làm 17 năm trước đó. Tác giả thư tòa soạn thường là Nguyễn Mộng Giác lại là người “tận tri thiên hạ sự”. Chúng ta cần ghi nhận ở đây sự liêm khiết kiêu hãnh của văn học- không cứ gì của riêng Nguyễn XuânThiệp. Nhưng trường hợp anh là tiêu biểu là cơ may hiếm có vì thơ anh hay. Chẳng may thơ dở thì biết đâu lại chẳng phải cần đến “con tem”? Thơ Nguyễn XuânThiệp như muốn “cải tạo” trại học tập thành một kiểu tiếu ngạo giang hồ không có ý đồ xúc phạm chỉ nuôi tham vọng (ảo vọng?) đánh dấu chấm dứt một giai đoạn hỗn mang trong tâm thức Việt Nam”

Tôi đọc câu văn này nhiều lần và nghĩ hoài mà chưa hiểu được cái “xâu xa” về thủ thuật phê bình của ông Ðặng Tiến. Tại sao một người “tận tri thiên hạ sự” như tác giả thư tòa soạn Văn Học Nguyễn Mộng Giác không biết bài thơ viết đã 17 năm nên giới thiệu là “bài thơ dài mới nhất” khiến Ðặng Tiến viết rất khẳng định “Chúng ta cần ghi nhận ở đây sự liêm khiết kiêu hãnh của văn học, không cứ gì riêng Nguyễn Xuân Thiệp.”? Có điều gì mà nhà phê bình văn học Ðặng Tiến lại quả quyết như thế? Tại sao một sai lầm về thời điểm của bài thơ lại được Ðặng Tiến xưng tụng bằng những lời lẽ phức tạp như vậy?

Ðộc giả đã đọc ở phần trên thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp viết Tôi Cùng Gió Mùa như thế nào thì liệu có chấp nhận được không câu văn của ông Ðặng Tiến:

“…Nhưng trường hợp anh là tiêu biểu là cơ may hiếm có vì thơ anh hay. Chẳng may thơ dở thì biết đâu lại chẳng cần đến “con tem”? Thơ Nguyễn Xuân Thiệp như muốn “cải tạo” trại học tập thành một kiểu tiếu ngạo giang hồ không có ý đồ xúc phạm chỉ nuôi tham vọng (ảo vọng?) đánh dấu chấm dứt một giai đoạn hỗn mang trong tâm thức Việt Nam”.

Ðọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp và sau đó hỏi trực tiếp rằng anh có ý định “cải tạo trại học tập thành một kiểu tiếu ngạo giang hồ không có ý đồ xúc phạm” không thì nhà thơ lắc đầu ngụ ý làm gì có cái “tham vọng (ảo vọng?)” ấy. Tôi nghĩ chỉ có những người không dám nhìn vào sự thực và tưởng tượng ra những điều không thể nào xảy ra trong thực tế mới muốn “cải tạo” trại học tập thành một kiểu tiếu ngạo giang hồ mà thôi!

Ðọc thơ và bình thơ có nhiều phương cách nhưng hiểu thơ thì chỉ có một, phải chính xác và không dùng thơ và thi sĩ để nói về tâm trạng và ý muốn của cá nhân người phê bình. Ông Ðặng Tiến đã làm công việc phê bình văn học nhiều năm có lẽ cũng hiểu điều ấy.

 Nhưng tôi nghĩ làm sao để tiếp cận được giữa hai nhân dáng, một thi sĩ tâm hồn trong veo nhẹ tênh luôn đi tìm những ý vị trong cuộc sống qua giây phút bay bổng của thi ca và một thì cứ quanh quẩn vào những ý định mang văn học phục vụ cho những mục tiêu cá nhân về chính trị, về hòa giải hòa hợp ảo tưởng trong khi nhận định văn chương.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đang sửa soạn tái bản thi tập Tôi Cùng Gió Mùa và cũng in thêm hai tác phẩm mới trong tháng tới. Chúc mừng nhà thơ. Dù là thơ hay văn, ông cũng viết với tâm hồn của một thi sĩ. Những bài viết trên tạp chí Phố Văn do ông chủ trương là những bài tùy bút đi gần với cuộc sống hiện tại nhưng là những ý nghĩ lãng mạn và thú vị của một người tìm được ý nghĩa của cuộc nhân sinh. Thơ của ông trầm lắng, không phải là những suy tư xốc nổi mà là những giọt nước thuần khiết nhỏ xuống từ những mạch ngầm tưởng như thinh lặng mà ngầm chứa những xao động như sóng cuộn ở tâm tư. Ðọc thơ về thời kỳ tù ngục lưu đầy đã qua của Nguyễn Xuân Thiệp hay đọc thơ Thanh Tâm Tuyền tôi đã hiểu được sự nâng niu nghệ thuật và thái độ sống thực viết thực của kẻ sĩ Việt Nam trong cơn biến động của lịch sử…

 Nguyễn Mạnh Trinh

Related posts