Dơi, chuột và… Trung Quốc

Úc đã có công dân đầu tiên thiệt mạng vì virus corona mới vào ngày 1.3.2020, xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ Liên bang chính thức khởi động chương trình khẩn cấp để có thể sẵn sàng đối phó khi Covid-19 bùng phát thành đại dịch toàn cầu (27.2.2020). 

Nối tiếp việc cấm các chuyến bay từ Trung Quốc, Úc lại cấm thêm máy bay từ Iran trong khi Trung Quốc – thủ phạm gây ra trận dịch này – lại hăm he đòi cấm các chuyến bay từ Iran và Nam Hàn.

Trước đây, mỗi lần đọc lại những trang sử về các trận dịch lớn đã qua, chúng ta có cảm tưởng rằng “thời kỳ đen tối” đó đã qua bởi lúc đó nhân lọai còn lạc hậu,  thế giới ngày nay đã văn minh, y khoa đã phát triển. Tuy nhiên sự bùng phát của dịch Ebola tại Tây Phi năm 2014 rồi cảnh rối ren từ trận dịch Covid 19 hiện tại lại cho thấy rằng chúng ta cần phải xét lại thái độ của mình.

Ngày xưa phát hiện một vùng có dịch, chính quyền chỉ biết vây kín, nội bất xuất, ngọai bất nhập. Ngày nay xu hướng này đã lập lại khi Trung Quốc, nền kinh tế số hai thế giới, lúng ta lúng túng. Trung Quốc đã có thể bay ra ngoài vũ trụ, khống chế Tây phương trên lĩnh vực viễn thông và khủng bố thế giới mạng bằng đội ngũ tin tặc chuyên nghiệp v.v… thế nhưng lại đối phó với dịch bệnh một cách bị động, vất vảm

Như vậy, về bản chất, Trung Quốc hiện tại không khá hơn gì mười hay hai mươi, ba mươi thế kỷ trước. Dịch Covid -19 , theo những thông tin chính thức của Trung Quốc, là là phát sinh từ dơi. Tạm tin như vậy thì dù có thể bay đến cung trăng, Trung Quốc đã không thể chế ngự các mầm bệnh từ các con thú nằm dưới chân mình.

Để hiểu rõ trận dịch từ loài “dơi” hôm nay, chúng ta cần ôn lại những trận dịch đã xảy ra do… chuột.

Black Death: Cái chết từ lòai chuột

Lịch sử nhân loại đã ghi lại những trận dịch kinh hoàng với tỷ lệ tử vong rất cao, thí dụ trận dịch hạch năm 1665 ở Anh khiến 60,000 người chết. Tuy nhiên cơn dịch này không thấm thía gì với trận dịch mệnh danh Black Death (Cái chết đen) vào giữa thế kỉ 14 mà hậu quả tàn khốc hơn bất cứ cuộc chiến nào.

Cao điểm của dịch này đã bùng phát tại Âu châu trong hai năm, từ 1348 đến 1350 và theo các sử liệu thì khiến cho từ 25 đến 50 triệu người chết, tức chiếm từ 30 tới 60% dân số của châu lục này. Lúc đó trên tòan thế giới có khoảng 75 triệu người chết và dân số toàn cầu giảm từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400. Riêng Âu châu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước trận dịch.

Sức hủy diệt khủng khiếp của “Cái Chết Đen” đã khiến con người thời ấy bàng hòang, khiến Giáo hội Công giáo lúng túng, không thể giải thích được “ý Chúa” trong việc này. Vì không nắm rõ nguyên nhân, họ nghĩ đến vấn đề tâm linh, tội lỗi và biến cố này đã dẫn đến nhiều thay đổi trong xã hội châu Âu với sự phân rã hay ra đời của nhiều tôn giáo mới.

Sự chết chóc đã làm thay đổi thị trường và đưa đến những thay đổi lớn về kinh tế và xã hội châu Âu, tạo ra những ảnh hưởng sâu đậm tới tiến trình phát triển của Âu châu.

Về mặt xã hội, trận dịch đã thổi bùng tinh thần kỳ thị và chủ nghĩa dân tộc, đẩy đến làn sóng khủng bố nhắm vào các sắc dân thiểu số ở Âu châu như người Do Thái, Gypsie, người ăn xin và người bị bệnh phong.  Không hiểu bản chất của bệnh dịch, chính quyền hay cộng đồng dân cư tin rằng dịch này có thể do người Do Thái đầu độc nguồn nước và hậu quả là các cuộc tấn công, tàn sát nhắm vào người Do Thái: từ năm  1349 đến năm 1351 đã có 60 cộng đồng lớn và 150 cộng đồng nhỏ của người Do Thái bị tấn công, tàn sát.

Trận dịch năm 1665 thì nhân lọai biết chắc là dịch hạch nhưng trận dịch 1348-1450 thì không biết là gì, chỉ phân tích dựa vào các sử liệu để lại. Đầu thế kỷ 20 các sử gia và khoa học gia đồng ý rằng “Cái Chết Đen” là hậu quả của bệnh dịch hạch tuy nhiên thời gian gần đây nhiều nhà nghiên cứu đặt nghi vấn, cho rằng có thể nguyên nhân chính là sốt xuất huyết.

Điểm xuất phát của dịch này là bán đảo Crimea thuộc Ukraine, mới bị Nga sáp nhập.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc trận dịch tuy nhiên các sử gia đồng ý rằng từ vùng Trung Á, dịch đã lan sang cả phía Đông và phía Tây thông qua các nối thông thương trên Con Đường Lụa (Silk Road) và các cuộc hành quân của quân Mông Cổ.

Sử liệu đầu tiên về sự bộc phát của căn dịch này ở châu Âu cho thấy bệnh xuất hiện năm 1347 tại thành phố Caffa trên bán đảo Crimea năm 1347.

Sử sách còn kể lại trong cuộc bao vây kéo dài tại đây, đạo quân Mông Cổ của tướng Jani Beg (1342-1357) đã bị dịch hạch hành hạ này và họ “dĩ độc trì độc”, dùng máy bắn đá để bắn tử thi của các con bệnh vào thành phố để gây bệnh cho dân trong thành. Khi tìm cách tháo thân ra khỏi khu vực chiến tranh này, các lái nhà buôn Genova (Ý) đã mang theo luôn căn bệnh về Âu châu.

Sử liệu cho biết các thương nhân này trốn thóat trên 12 thuyền lọai “galley” vừa chạy bằng buồm vừa chạy bằng sức chèo. Đầu tiên đòan thuyền này cập đảo Sicuka và bệnh dịch bùng phát tại đây vào tháng 10 năm 1347. Sau đó thuyền đến Genoa và Venice vào đầu năm 1348, đến cuối tháng 1 thì một thuyền bị trục xuất khỏi Ý và đến  Marseill. Thuyền đến đâu dịch lan ra ỏ đó và từ đó lan tỏa kháp Âu châu, theo các thương nhân và theo các con chuột sống bám trên các tàu này.

Nhưng từ đâu dịch lan đến Caffa? Các dòng chữ  khắc trên các bia mộ của giáo hội Ki tô giáo Đông phương (Nestorian) trong thời gian từ 1338 – 1389 gần vùng Hồ Issyk Kul tại Kyrgizstan đã ghi nhận sự xuất hiện của bệnh dịch này. Các sử gia tin rằng từ đây bệnh đã có thể dễ dàng theo chân các nhà buôn và đòan quân Mông Cổ để lan về Trung Quốc và lan tới Ấn Độ.

Nếu vi khuẩn dịch hạch (hay virus sốt xuất huyết) gây ra “Cái Chết Đen” thì cái gì đã khiến vi khuẩn hay virus này nảy sinh? Các sử gia nhìn sang những điều kiện kinh tế, xã hội: chiến tranh, dân số bùng nổ, nạn đói.

Giai đọan này Âu châu trải qua thời kỳ biến đổi thời tiết với những mùa đông kéo dài và thời tiết lạnh đã dẫn đến  “Nạn đói lớn” kéo dài từ năm 1315 đến năm 1317 ở Tây Bắc Âu. Trước đó thì Âu châu lại trải qua tình trạng bùng nổ dân số khiến nông nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của dân số. Tình trạng suy dinh dưỡng dẫn đến giảm sức đề kháng nên bệnh dịch dễ lây lan hơn.

Thêm một yếu tố khác làm nạn đói thê thảm hơn nữa là chiến tranh và chính sách thủ địch giữa càc triều đình tại Âu châu thì dụ Pháp cấm bán hạt giống cho người Anh. Thậm chí năm 1337 ngay trước khi Cái Chết Đen bùng nổ, Anh và Pháp đã lao vào cuộc chiến được gọi là “Cuộc Chiến Trăm năm”.

Dịch Ebola: cái chết từ loài dơi

Năm 2014 thế giới báo động và riêng nước Úc bị chửi vì bệnh dịch Ebola, thứ bệnh mà phải hơn năm năm, đến cuối năm ngoái Mỹ mới có thể sản xuất thành công thuốc chủng ngừa.

Đây là một thứ bệnh sốt xuất huyết do siêu vi khuẩn(virus) Ebola gây ra ở người, lây lan đến người do tiếp xúc với máu hoặc các dịch thể lỏng của động vật bị nhiễm, thường là khỉ vá nhầt là một dơi ăn trái. Điểm nguy hiểm là lòai dơi này lại miễn nhiễm với virus này, vẫn sống mạnh sống khỏe dù mang virus Ebola trong cơ thể, do đó thỏai mái nuôi dưỡng mầm bệnh này để hại con người.

Cho đến nay, việc truyền virus qua đường không khí trong môi trường tự nhiên vẫn chưa được chứng minh. Tuy nhiên khi một người bị nhiễm bệnh, mậm bệnh cũng có thể lây lan từ người này sang người khác.  Nam giới sống sót sau khi nhiễm bệnh Ebola có thể truyền bệnh qua tinh dịch trong gần 2 tháng.

Phải mất từ 2 ngày đển 3 tuần sau khi nhiễm virus thì bệnh mới thể hiện các triệu chứng như sốt, đau họng, đau cơ bắp, nhức đầu. Sau đó thì thêm triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy, suy gan, suy thận và xuất huyết… Do đó để chẩn đoán bệnh thì đầu tiên , trước tiên cần phân biệt loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự chẳng hạn sốt rét, dịch tả và các bệnh sốt xuất huyết do siêu vi khuẩn khác. Để xác định bệnh, mẫu máu được xét nghiệm để tìm kháng thể siêu vi khuẩn, ARN của siêu vi khuẩn, hoặc chính con siêu vi khuẩn Ebola.

Bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, từ 50% đến 90% con bệnh mất mạng và mãi đến cuối năm ngoái (12.2019) Mỹ mới công bố việc sản xuất thành công thuốc chủng ngừa Ebola.

Bệnh được ghi nhận đầu tiên ở Sudan và Congo vào năm 1976. Lúc đó tại Congo có 318 người bị nhiễm bệnh trong đó 280 người tử vong. Tại Sudan có 284 bệnh nhân và trong đó 151 người chết. Tại Congo dịch chủ yếyy tập trung tại làng Yambuku, nơi có đến 11 trong tổng số 17 nhân viên y tế tử vong vì bệnh.

Bệnh nguy hiểm vậy như vẫn bị lơ là vì lẽ từ đó cho đến năm 2013 chỉ xảy ra lai rai, mỗi  năm có chưa tới 1000 người bị nhiễm bệnh, chủ yếu  tại những quốc gia cận Sahara của Phi châu. Năm 2014 dịch này hòanh hành tại Guinea, Sierra Leone, Liberia và số liệu thống kê công bố ngày 19.10.2014 cho thấy 9216 người nhiễm bệnh, trong số đó đã có 4555 người thiệt mạng.

Sự bùng nổ cơn dịch này vào năm 2014 đã làm thế giới báo động và gây lên nhiều tranh cãi, trong đó Úc bị chỉ trích mà không chịu đưa bác sĩ và y tá sang tận nơi chống dịch!

Trong mối quan hệ giao thuơng của thời đại tòan cầu, bất cứ lúc nào, virus Ebola cũng có thể theo người để  xâm nhập nước khác bằng đường hàng không, nên chính quyền Úc cẩn thận, không chịu gởi chuyên viên y khoa đến Tây Phi mà chỉ tuyên bố tài trợ $2.5 triệu cho Tổ chức Y tế thế giới, $2.5 triệu cho Tổ chức Y sĩ không biên cương (Medecins Sans Frontieres: MSF), thêm vào $ 2 triệu Úc kim cho chính phủ Anh, nước đã gởi tóan nhân viên y tế đang chống dịch tại Phi châu.

Tuy nhiên đại diện MSF tại Úc đã từ chối nhận tiền, tuyên bố “thay vì cho tiền”, Úc nên gới bác sĩ và y tá đến Tây Phi. Cùng lúc, nguyên hủ tướng Anh David Cameron kêu gọi những nước khác chung tay “thể hiện trách  nhiệm” của mình trong cuộc chiến này, thay vì để mặc ba nước Mỹ, Anh và Pháp gồng mình xoay xở,.

Lúc đó nguyên Ngọai trưởng Julia Bishop tuyên bố chính phủ Úc sẽ không “hành xử vô trách nhiệm” là gởi nhân viên y tế của mình đến khu vực đại dịch mà không đạt được cam kết chắc chắn rằng họ sẽ được di tản sang Mỹ, Anh hay Âu châu để chữa trị nếu không may mắc bệnh.

Thay vào đó, chính phủ Úc tuyên bố hỗ trợ 10 triệu Úc kim cho Qũy Ebola của Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó thì tại Mỹ nguyên Tổng thống Barack Obama bị tỷ phú Donald Trump chỉ trích dữ dội vì đưa người sang Tây Phi chống dịch. Trong bài phát biểu hàng tuần vào ngày 18.10.2014 ông Obama đã nhấn mạnh sự hoảng loạn sẽ chỉ làm tình hình thêm khó khăn và người dân không xác định được những thông tin chính xác. Mỹ sẽ tiếp tục đi đầu và thúc đẩy nỗ lực đối phó toàn cầu trước đại dịch Ebola. Tức thì ông Trump – đang xem xét chuyện ra tranh cử — đã lên tiếng kêu gọi chính phủ cấm cửa hòan tòan. Tuyên bố trên mạng Twitter của mình, ông Turmp nhấn mạnh: “Không cho những kẻ nhiễm bệnh EBOLA vào nước Mỹ. Chữa bệnh cho họ, với mức cao nhất, ở tại chỗ. Nước Mỹ đã có đủ khó khăn lắm rồi!”. Trump còn gọi ông Obama là một kẻ mắc bệnh tâm thần: “Tôi bắt đầu nghĩ rằng tình trạng tâm thần của Tổng thống Obama bị trục trặc một các nghiêm trọng. Tại sao ông ta không chấm dứt các chuyến bay này”.

Thái độ của ông Trump lúc đó cũng là thái độ của một số đông người Mỹ và một số dân biểu, đang cố lấy lòng cử tri. Họ muốn bế quan tỏa cảng, chấm dứt mọi họat động giao thương, cấm người dân các nước Liberia, Sierra Leone và Guinea tới Mỹ.

Nhưng đến bệnh dịch Covid- phát sinh từ Trung Quốc thì điều này đã trở thành hiện thực: nhân loại của thế kỷ 21 này đã trở về với thời  nhiều thế kỷ trước: nơi nào có dịch là phong tỏa, bao vây, nội bất xuất, ngọai bất nhập!

Cần nhớ là trận dịch Covid-19 này xuất phát từ Trung Quốc nhưng hiện tại Trung Quốc cũng hung hăng áp dụng hình thức này với các nước khác.

Chuyện trớ trêu từ Trung Quốc

Tuần qua, khi tốc độ lây lan của Covid-19 tại đây “chửng” lại theo công bố của chính phủ Trung Quốc, dư luận nước này lại thể hiện có tâm lý e ngại trước “nguy cơ bùng phát dịch bệnh” khi người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc.

Con virus độc hại này có xuất xứ từ Trung Quốc, lan sang Ý, Nam Hàn, Iran, biến ba quốc gia này thành ba ổ dịch dữ dội nhất bên ngoài trung Quốc. Bây giờ Trung Quốc lại có tâm lý e dè ba nước này.

Tuần qua, ngày 27/2/2019 cả chính quyền trung ương lẫn một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã loan báo ý định hay quyết định tăng cường kiểm soát du khách đến từ  ba nước trên. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc xác nhận việc xem xét “các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát có đối tượng cụ thể”, nhắm vào những người nhập cảnh Trung Quốc.

Riêng chính quyền Bắc Kinh, ngày 26.2.2020 đã công bố quyết định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia bị dịch bệnh “ảnh hưởng nghiêm trọng”nhưng lại lập lờ, không nói rõ đó là những nước nào.

Trong thực tế, hàng trăm hành khách Nam Hàn đã bị cách ly ở phía đông Trung Quốc, sau khi phát hiện ra một số trường hợp nghi nhiễm bệnh Covid-19 trên hai chiếc máy bay.

Phản ứng cũng xuất hiện trên báo chí Trung Quốc. Nhiều tờ báo đã yêu cầu chính quyền phải kiểm soát nghiêm ngặt người đến từ những nước có dịch khác. Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng khách đến từ Nhật và Nam Hàn “không nên được đối xử ưu đãi, vì điều đó sẽ cho phép họ dễ dàng lọt qua mạng lưới phòng ngừa và kiểm soát của Trung Quốc”.

Du luận trên mạng xã hội Trung Quốc cũng bày tỏ sự “cảnh giác” này. Ngày 27.2.2020 mạng xã hội weibo của Trung Quốc đã dậy sóng sau khi có tin về việc một người Trung Quốc từ Iran trở về đã bị nhiễm virus corona, nhưng vẫn tự do đi lại nhiều nơi, đến tận vùng Ninh Hạ ở miền bắc sau khi nhập cảnh ở Thượng Hải, thành phố phía nam.  Một cư dân mạng tỏ thái độ phẫn uất: “Chúng ta không thể phá hỏng tất cả những nỗ lực ở Trung Quốc, chỉ vì một người đến từ nước ngoài”.

Về mặt y tế thì những đòi hỏi này cũng hợp lý. Nhưng điều trớ trêu là con virus độc hại này xuất phát từ Trung Quốc, vì Trung Quốc ém nhẹm thông tin nên mới lan ra ngoài. Càng trớ trêu hơn, khi dịch bệnh mới bùng lên, Trung Quốc đã không ngần ngại gay gắt đả kích các nước đã nhanh chóng đóng cửa với Trung Quốc nhưng bây giờ thì họ lại áp dụng cùng một sách!

Nhưng xem ra  Trung Quốc còn có những trớ trêu lịch sử khác thú vị hơn mà chúng ta sẽ bàn vào kỳ tới.

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts