Đứa Con Trai

Lời người dịch: Graham Colin Swift, nhà văn Anh quốc, chào đời tại London năm 1949, tốt nghiệp University of York; là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có những cuốn đã được quay thành phim như Waterland, Shuttlecock, Last Orders. Đặc biệt Last Orders là tác phẩm đoạt giải Booker năm 1996. Đọc truyện The Son, những người Việt sống lưu vong có thể bắt gặp những cảm giác quen thuộc trong tâm trạng của một người ban đầu nghĩ chuyện rời bỏ quê hương chỉ là tạm thời, cho đến khi chợt nhận ra rằng chốn cũ đã là nơi chốn vô cùng xa lạ, và những ký ức bi thảm hay hào hùng mình mang theo về một quê hương đã mất – có khi – cũng chỉ là những ký ức không có thật. HC.

Nhà văn Graham Colin Swift,

Đúng thế. Mọi sự đổi thay. Cái điều bạn tưởng bạn biết rõ, thực ra bạn không biết gì hết. Điều tốt hay xấu lúc này sẽ không được coi là tốt hay xấu lúc khác. Có một lần tôi cắt ngón tay mẹ ruột tôi. Bạn không tin tôi à? Thời đó đang có chiến tranh ở Athens. Mẹ tôi đã chết. Bà chết vì đói. Và bọn trẻ chúng tôi thì bận tâm về những cái bụng trống rỗng hơn là phí thời giờ khóc than. Có ba cái nhẫn to xù trên những ngón tay bà. Những chiếc nhẫn dùng để đổi thức ăn. Nhưng những ngón tay mẹ tôi sưng phù và chẳng có cách nào tuốt những chiếc nhẫn ra được. Thành ra vì là anh cả nên tôi phải quyết định nhanh chóng. Tôi lấy con dao cắt bánh mì…

Cách đây ba mươi năm, tôi cắt lìa những ngón tay mẹ ruột tôi. Bây giờ tôi xắt hành và rau cần tây trong nhà hàng. Tôi không thích cách biến chuyển của thế giới này. Ba mươi năm trước bọn Đức giết người Hy Lạp khơi khơi, cắt tay, móc mắt họ. Và bây giờ vào mùa hạ, hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau tới Hy Lạp, chụp hình những căn nhà vôi trắng, những người đàn ông hiền hòa tươi cười trên lưng lừa và phơi nắng ngoài bãi biển đến phỏng hết cả người. Chính Adoni là người nói với tôi về người Đức và những máy chụp hình của họ. Tôi thì biết gì về Hy lạp chứ. Ba mươi năm nay tôi có về đó đâu. Bạn sẽ làm gì khi quê hương bạn suy tàn, khi chiến tranh cướp đi của bạn người cha, rồi đến người mẹ. Rồi lấy đi luôn cái tương lai tươi sáng của một cơ sở thương mại gia đình đang chờ bạn? Bạn làm cái điều mà người Hy Lạp vẫn làm. Bạn tìm một cô vợ, người chịu chia sẻ một nửa những gian truân của cuộc sống với bạn. Bạn xuống tầu đi New York hoặc Anh quốc, nơi bạn sẽ mở một nhà hàng. Trong vòng năm hay mười năm, khi đã ăn nên làm ra, bạn sẽ quay về Hy Lạp.
Hai mươi năm sau, khi đã dành dụm đủ tiền để mở nhà hàng, bạn mới khám phá ra rằng cái nghề làm chủ nhà hàng cũng chẳng khấm khá gì và bạn choàng tỉnh, nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ hồi hương nữa. Ngay cả dù có ai cho bạn cơ hội bạn cũng từ chối.

Vâng, tôi thích những ngày nắng đẹp. Tôi là người Hy Lạp. Tôi đang làm gì ở con đường Caledonian này vậy? Đúng ra tôi phải ngồi ở một trong những quán cà phê đồ sộ và huyên náo ở đường Stadiou hoặc đường Ermou, gõ móng tay lên những hột chuỗi và đọc nhật báo To Vima. Nhưng mà đời là thế: bạn sinh ra ở nơi này, bén rễ ở nơi khác rồi không thể nhúc nhích gì được nữa.

Mà sao tôi lại nói “người Hy Lạp”? Có thứ Hy Lạp này và cũng có thứ Hy Lạp kia. Tôi ra đời ở Smyrna vùng Tiểu Á. Khi còn là đứa bé con, mới được vài tháng, tôi đã được bọc kỹ lại, cùng với bố mẹ, xuống một chiếc tầu Pháp bởi một bọn đồ tể khác – kỳ này không phải bọn Đức mà là bọn Thổ Nhĩ Kỳ – tràn vào đốt nhà và chém đầu bất kỳ người Hy Lạp nào chúng bắt gặp.

Vâng, đời sống là thế đấy: chúng ta sinh ra trong hỗn loạn và sống trong hỗn loạn.

Tôi có thể nghe được tiếng Anna khua bát đĩa trong bếp ở tầng dưới. Bà ấy nói chuyện với Adoni như thể không có gì xảy ra, như thể mọi chuyện vẫn như cũ. Thật buồn cười khi thấy phụ nữ dễ chấp nhận những đổi thay. Chỉ có bọn đàn ông là cố chấp.

“Nghỉ ngơi đi, Kostaki mou,” bà ấy nói. “Ông mệt rồi đó. Để tôi với thằng Adoni dọn dẹp được rồi.” Tôi lên cầu thang, tháo giầy, cởi quần áo, nằm xuống trong căn phòng ngủ chật chội nơi mà không cách nào chúng tôi có thể làm bay đi mùi thức ăn. Ngày nào cũng nghỉ như thế trong khoảng thời gian giữa lúc đóng cửa nghỉ trưa và mở cửa bán lại vào buổi tối. Nhưng hôm nay tôi nghỉ lâu hơn một chút.

Mệt. Làm sao không mệt cho được. Hôm qua, cái ngày chết bầm, tôi phải dậy sớm ra phi trường đón thằng Adoni. Rồi gần ba giờ sáng còn chưa chợp mắt được. Thêm vào đó suốt hai tuần qua tôi phải làm thêm thật vất vả cũng bởi Adoni bỗng dưng nảy ra ý định muốn đi nghỉ hè ở Hy lạp. Sau ba mươi lăm năm làm việc, thằng con tôi muốn đi nghỉ hè.

Adoni, Adoni. Ai lại có thể đặt cho nó cái tên ấy chứ. Cái tên tiếng Anh không phù hợp một chút nào ấy. Adonis. Chúng tôi có đặt tên ấy cho nó đâu. Dù Adoni cũng không thông minh gì. Adonis Alexopoulos, con trai của Kosta và Anna, sinh tại Athens năm 1944 và được bố mẹ lôi đi – như tôi cũng đã được bố mẹ tha đi – đến một vùng đất mới.

Làm sao nó biết được bố ruột của nó đã vùi thây trong ngôi mộ tập thể nào đó ở Ba Lan và mẹ nó đã mất ngay khi nó vừa mới chào đời. Gia đình Anna đem nó về nuôi. Lúc ấy nhà Anna chỉ cách nhà tôi một đoạn ngắn trên đường Kasseveti và không xa nơi bố mẹ ruột của Adoni – tên là Melianos – sinh sống.

Lúc làm đám cưới Anna giao hẹn tôi phải nhận nuôi Adoni như con ruột. Tôi không chắc có phải ý bà ấy là: nếu anh muốn có em thì anh phải chịu luôn cả thằng Adoni không nhưng tôi cũng đồng ý. Tôi nghĩ: không sao. Anna cứ việc nuôi thằng Adoni và sớm muộn gì thì tôi cũng có đứa con trai của riêng tôi. Nhưng cái điều Anna không bao giờ nói cho tôi biết là bà ấy không sinh đẻ được.

Bà ta là con gái duy nhất trong gia đình mà bốn người anh trai đều là quái thai và chết khi vừa mới ra đời.

Thật đáng hổ thẹn cho một người đàn ông sống ba mươi lăm năm trời không biết rằng cha mẹ mình lại không phải là người sinh đẻ ra mình. Nhưng mà chờ để có người nói cho biết thì còn đáng xấu hổ hơn nhiều.

Chúng tôi cứ tự nhủ: khi nó đủ lớn mình sẽ nói cho nó biết. Nhưng “đủ lớn” bao giờ cũng có nghĩa là lớn thêm chút nữa. Cái điều chúng tôi trì hoãn ấy trở thành điều không thể xảy ra được. Nhiều khi chúng tôi còn nói đùa với nhau là: nó thực sự là con chúng tôi; chứ không phải con ai khác.

Chắc có lời nguyền nào đó dành cho những đứa con nuôi. Có lẽ sự kiện đứa nhỏ không có cha mẹ thật bộc lộ ra không phải một cách có ý thức mà qua cách phát triển cọc còi của chúng.

Nó đã trở thành cái gì vậy, thằng con trai Adonis của chúng tôi ấy mà. Học hành thì dở, e dè trước chúng bạn; im lặng; bí mật. Hàng năm, chúng tôi chờ nó nở rộ như cánh hoa bé nhỏ. Chúng tôi bảo nhau một ngày nào đó nó sẽ chạy theo tụi con gái; một ngày nào đó nó sẽ đi chơi khuya và gần sáng mới mò về; một ngày nó sẽ đứng thẳng người cự tay đôi với bố nó và bảo, Con không muốn dính líu gì đến cái ý tưởng mở nhà hàng điên khùng của ba, rồi đóng cửa sầm cánh cửa vào mặt chúng tôi trước khi bỏ đi. Tôi thực sự mong những điều đó xảy ra, bởi vì đó là cách cư xử đúng nhất của những đứa con trai với bố ruột mình.

Nhưng không điều nào xảy ra hết. Năm mười tám tuổi, chúng tôi mua nhà hàng, và khi còn tinh khiết và điều độ như một ông thầy tu, nó khoác chiếc áo bồi bàn lên người mà không một tiếng than phiền. Nó học nấu món dolmades và soudsoukakia. Mỗi sáng nó dậy sớm để dọn dẹp lau chùi những rác rưởi còn sót lại của đêm hôm trước rồi đi mua thịt mua rau, và khi làm những công việc ấy, nó không một lời bông đùa với những người bán hàng, nó chỉ việc trỏ ngón tay chuối mắn vào món hàng muốn mua. Tối đến, nó không hề nhảy cỡn lên và vội vã như đám bồi bàn thường làm; mà lầm lũi giữa dãy bàn ghế như một con gấu lớn. Bởi vì ngay cả về vóc dáng thằng Adonis này cũng là điều tương phản với chính cái tên của nó. Da nó xanh và thịt nó bủng. Ở tuổi ba mươi lăm, trông nó bề thế như một người đàn ông già hơn nó hai mươi tuổi. Tôi có thói quen giới thiệu gia đình mình với những khách hàng nhiệt tình, khi tôi nói, như một ông chủ nhà hàng người Hy Lạp đầy tự hào hay nói, “Đây là Anna, vợ tôi, đây là con trai tôi, Adonis” (bởi tôi nói dối như thế với già nửa khách hàng ở Camden), tôi thấy cái cười khẩy trên mặt họ bởi cái tên hoàn toàn không phù hợp. “Adonaki,” Tôi bảo nó, “Hãy biểu lộ cái vẻ thu hút, hấp dẫn của mình – con biết mà – cái vẻ lôi cuốn ấy mà.” Nhưng cố gắng làm khuôn mặt bánh bao của nó tươi nên một chút là chuyện vô ích.

Đúng ra tôi cũng không nên than phiền: nó làm việc siêng năng; không bao giờ làm đổ thức ăn hay tính lộn hóa đơn. Nó mở nút chai nhẹ nhàng như vặt lông gà. Và chính tôi là người trong bao nhiêu năm tháng, đã học cách biểu lộ sự thu hút. Tối đến, tôi mặt mũi tươi cười, đùa giỡn với khách hàng; gài một nhánh rau thơm trên vành tai – thành ra tôi có thể tưởng tượng họ bàn bạc về tôi: cái ông Kosta trong nhà hàng, ông ấy vui tính ghê đi. Và ngay cả khi tôi nằm nghỉ trưa trên giường, như cục bột khổng lồ sắp rữa trong lớp áo lót vàng ố, tới giờ mở cửa buổi chiều, không bao giờ tôi quên đóng trọn vai trò của mình và mang theo cái nheo mắt thân thuộc. Người Hy Lạp chúng tôi như thế đấy: lúc nào cũng sống động, chúng tôi diễn xuất, cho dù như những đóa hoa héo rũ bị tạt nước cho tươi.

Anna đi lên thang lầu. Những bậc thang cọt kẹt. Bà ấy nặng hơn tôi. Bà ấy sắp nghỉ trưa. Còn Adoni thì không. Nó sẽ ngồi trong nhà hàng, một chân gác lên ghế, hút thuốc và đọc báo hoặc một cuốn sách nào đó mượn từ thư viện – Những Sự Huyền Bí Của Quá Khứ, Điều Bí Mật của Năng Lực Tinh Thần – chậm rãi và đúng phương pháp. Thằng nhỏ ấy dẫu chậm hiểu nhưng thích đặt câu hỏi. Rồi tìm lấy câu trả lời. Đúng vậy. Cứ cho nó đủ thời gian, nó sẽ tìm tòi ra mọi thứ.

Anna ì ạch bước vào phòng ngủ. Tôi làm bộ đang ngủ và tôi theo dõi bà ấy bằng một mắt khép hờ. Bà ấy đá đôi giầy qua một bên, rồi cánh tay mập mạp mò mẫm cởi áo. Chiếc áo tuột xuống không cần bà ấy tiếp tay tháo bỏ, như một tượng đài tới giờ tháo bức màn che. Trong bộ đồ lót, nhìn bà ấy giống một cái bánh cuốn khổng lồ bên trong lớp vỏ bọc trắng, trong. Bà ấy lăn người trên giường về phía bà ấy vẫn nằm, lên dây và căn giờ đồng hồ báo thức. Bao giờ bà ấy cũng làm chừng đó công việc phòng hờ ngủ quên. Nhưng bao giờ bà ấy cũng thức dậy, ra khỏi giường trước khi đồng hồ kịp báo thức. Bà ấy như thế đấy: luôn làm những việc phải làm. Cái thân thể phì nhiêu của bà ấy được tạo nên để đổ mồ hôi trong nhà bếp và lau chùi soong chảo. Đàn ông chúng tôi, chúng tôi thích những mộng tưởng của chúng tôi, một chút gia vị nóng bỏng trong chiếc váy đầm, thế nhưng nếu không có những vai u thịt bắp để bương chải thì chúng tôi sẽ đi về đâu?

Bà ấy nằm xuống cạnh tôi và khám phá ra là tôi còn thức. Tôi mở mắt. “Không sao đâu, Kostaki,” bà ấy nói. “Không có gì quan trọng cả. Mình đâu có phải ông to bà lớn gì mà sợ!”

Thân thể bà ấy nồng nặc mùi dầu bếp và bột tẩy. Làm sao cái dạ con của bà ấy – lúc này chẳng còn cưu mang được gì – đã hơn một lần cho ra đời không phải là con người mà là những hình hài dị dạng? Vì đâu nên nỗi bà ấy trở thành một núi thịt phì nhiêu như thế này? Vậy mà cũng đã có một lần – chuyện dường như không thể nào xảy ra được – trong những bụi cây rậm rạp ở Hymettos, khi tôi còn là gã trai tơ mười tám tuổi, bà ấy nói, “Ela pethi mou,” rồi kéo tay tôi nhét vào giữa cặp đùi non của mình.

Đôi khi tôi tự hỏi không biết Adoni nghĩ gì về đàn bà. Tôi dám thề là ở tuổi hai mươi lăm, nó chưa hề chạm tay vào một người đàn bà nào hết. Tôi thường cứ cách một đêm lại bảo nó, “Tối nay nghỉ đi, Adoni à, bố mẹ làm cũng xong,” để cho nó cơ hội; nhưng nó nhún vai, lắc đầu và tiếp tục mải mê xâu thịt nướng. Rồi chúng tôi mướn cô chạy bàn. Nếu như bạn có thể trang trải được thì mướn những cô chạy bàn xinh đẹp cũng là một ý kiến hay. Ngoài chuyện làm nhẹ bớt công việc cho mình, còn thu hút thêm khách hàng. Nhưng thâm ý của của tôi trong việc thuê những cô chạy bàn là để khuyến khích Adoni. Tôi vốn là một cha già vô luân. Đầu tiên là Carol, tới Diane, rồi Christine. Trong ba con bé, Christine là được nhất. Đêm xuống, sau khi đóng cửa nhà hàng, tôi rủ Anna đi ngủ sớm, để mặc cho Adoni và cô chạy bàn dọn dẹp. Tôi thường nằm trong giường vểnh một tai lắng nghe, thầm nghĩ: “Không sao đâu, Adoni, đừng áy náy gì hết. Hãy chụp lấy thời cơ. Sống cho xứng đáng với cái tên của mình. Mày không muốn con bé Christine sắc sảo ấy sao? Bộ nó không làm máu mày nóng lên à? Đem nó lên phòng mày, chơi một cái đi cho bố mẹ nở mày nở mặt coi – bố mẹ không thắc mắc gì hết.”

Nhưng không xảy ra bất cứ chuyện gì. Và tệ hơn nữa là tôi lại không kiềm chế được, thành ra hơn một lần đã vỗ bàn tay lên mông cái con bé Christine ấy, và thọc ngón tay sâu xuống phía trước ngực áo con nhỏ. Và dù chẳng ai biết chuyện ấy, con bé cũng xin nghỉ việc, cô chạy bàn chúng tôi mướn sau đó – có lẽ như vậy lại là một điều hay – trông như con chuột nhắt mà mũi lúc nào cũng khụt khịt.

Gần đến sinh nhật thứ ba mươi của Adoni, tôi bắt đầu xấu hổ vì nó. Thằng con trai của tôi ấy – nó không phải là một thằng đàn ông, nó không phải là một người Hy Lạp; nó không là bất cứ thứ gì. Nhưng đấy, lại cái điệp khúc cũ: “con trai tôi”. Tôi lấy tư cách gì mà hổ thẹn như thế chứ? Tôi lấy tư cách gì để mơ tưởng cái điều xa xỉ của một người cha là mong cho con trai mình có được ít nhiều vui thú thời trai trẻ hơn là tôi đã có trong những năm đói kém khốn khổ tôi đã trải qua ở Athens? Sự thật là tôi thèm có một đứa con trai thực sự, đứa con tôi tạo ra chứ không phải cái thằng người gỗ thế chỗ kia. Nhưng mà Anna đã tắt kinh rồi. Tôi cũng đến tuổi hồi xuân. Đôi khi tôi khóc thầm.

Và rồi tôi bắt đầu nghĩ: Đó là sự trừng phạt. Tại vì chúng tôi đã không nói cho Adoni biết ngay từ đầu. Nếu chúng tôi nói cho nó biết, biết đâu nó lại chẳng đã phát triển một cách bình thường, bởi vì ít ra nó cũng biết nó là ai. Không nên có chuyện giấu giếm một điều gian lận khi điều ấy liên hệ đến máu mủ, huyết thống. Tôi bắt đầu nghĩ: chắc nó biết, chắc nó đang cố tìm hiểu qua một thứ giác quan thứ sáu nào đó và chính nó đang trừng phạt chúng tôi. Bởi vì chúng tôi không phải là bố mẹ ruột của nó thành ra nó cư xử như thể nó chẳng là gì của chúng tôi hết.

Tôi tự nhủ: bất cứ lúc nào nó cũng có thể nói thẳng ra: “Anna, Kosta, tôi không thể gọi ông bà là bố mẹ được nữa.” Và tôi làm cách nào để ngăn cản nó? Bằng cách bảo, “Adoni, con đã ba mươi tuổi rồi – lúc này nói cho con biết cái điều bí mật kia là hợp lý lắm rồi.” Tôi bắt đầu tìm tòi những dất vết của sự nghi ngờ, của sự nổi loạn ở nó. Nó chỉ cần hơi lạnh lùng với Anna chút xíu thôi – ví dụ như không trả lời ngay khi Anna đặt câu hỏi – là tôi sẽ bừng bừng nổi giận.

A! Chẳng phải là tôi đã nói là tôi đang tuổi hồi xuân đó sao? Chẳng phải là tôi đã nói tôi bị hoang tưởng đó sao?

Và rồi – chuyện gì xảy ra? Adoni xin nghỉ việc ít lâu. Nó bắt đầu đi chơi đêm, và cả ban ngày nữa. “Không sao,” tôi nói. “Cứ đi chơi nguyên ngày cho vui.” Tôi bắt đầu cảm thấy dễ thở hơn. Không nói gì nữa nhưng tôi chú ý đến những biểu hiện khác thường. Nó có bôi nhiều kem cạo râu không? Nó có chải tóc cho mượt không? Nó có đang tìm cách làm tan bớt lớp mỡ dày trước tuổi và học thêm vài bước khiêu vũ tân kỳ? Và tôi nghĩ: khi tình thế đã chín mùi tôi sẽ bảo nó, Nào, lại ngồi đây với ba, uống chút rượu. Rồi nói cho ba biết xem, con bé dễ thương nào vậy?

Nhưng tôi chẳng ngửi được mùi kem sau khi cạo râu; và mặc dù buổi tối có đi ra ngoài Adoni cũng không về khuya; trong mắt nó không lấp lánh ánh sao; và thỉnh thoảng tôi thấy nó đọc những cuốn sách dầy cộm, loại sách mà bạn thường phải dùng phất trần phủi cho sạch bụi.

“Adonaki,” Tôi nói, “con thường làm gì mỗi khi đi ra ngoài?”

“Con đến thư viện.”

“Mày đến thư viện làm cái mẹ gì ở đó?”

“Để đọc sách, Baba à!”

“Nhưng mà mày đến lúc mười, mười một giờ. Thư viện nào còn mở cửa giờ đó nữa?” Nó cúi đầu, tránh tia nhìn của tôi, và tôi mỉm cười. “Nói đi, Adonaki, nói cho ba nghe đi mà.” Và tôi đã ngạc nhiên vì cái điều nó nói.

“Con đến Neo Elleniko, Baba à.”

Tôi cũng có nghe nói đến Neo Elleniko. Đấy là một hội quán ở Camden dành cho dân Hy Lạp mệnh danh là lưu vong. Nơi đầy những ông già kể đi kể lại những chuyện trên trời dưới đất và muốn tin rằng họ là những kẻ lưu vong thảm sầu có sự thông minh tầm vóc quốc tế. Tất cả họ là những trellí. Còn gì nữa không, hai phần ba trong số ấy không phải dân Hy Lạp. Họ là mấy ông nội điên vùng đảo Cyprus. Tôi không có thì giờ cho hội quán Neo Elleniko.

“Mày làm gì với mấy cha già lẩm cẩm ấy?”

“Con nói chuyện với họ, Baba. Con đặt câu hỏi.”

Bây giờ tới phiên tôi nhìn xuống. Thì ra Adoni chơi trò thám tử. Nó muốn câu trả lời. Có phải có tia sáng lấp lánh trong mắt nó không? Có thể ông già nào đó trong hội quán Neo Elleniko trước đây đã sống trong khu xóm chúng tôi ở Nea Ionia trong thời chiến, hoặc cũng có thể họ quen biết những người đã sống ở đó. Nó đang cố gắng tìm cho ra sự thật.

“Bọn họ sẽ chẳng nói cho con biết chuyện gì ngoài vlakíes.” Tôi hung hăng nói văng cả nước miếng ra ngoài.

“Sao Baba lại nổi nóng vậy?”

“Tao không nổi nóng. Đừng gọi tao là Baba. Mày đâu còn là đứa con nít nữa.”

Nó nhún vai. Và bỗng nhiên khuôn mặt tròn, nhẵn bóng và ít nhiều xa vắng của nó trở thành khuôn mặt một người nào khác, một người cùng lứa tuổi với tôi – người mà bạn có thể gặp thoáng qua trong lúc buôn bán, bắt tay với họ, rồi quên đi. “Được rồi. Nếu con thích giao du với mấy ông già – vì không còn chuyện nào đáng hơn để làm – con cứ việc tới Neo Elleniko. Đừng bắt tội ba phải đi theo.”

Dạo ấy là mùa xuân. Tôi tự nhủ: chỉ là vấn đề thời gian. Tôi cảm thấy mình như tên tội phạm. Chúng tôi sẽ phải giải thích thế nào với những người đã nghe chính miệng chúng tôi nói rằng Adoni là con ruột của chúng tôi? Anna bảo, “Đừng lo, glikó mou. Không có chuyện gì xảy ra hết. Tất cả đã là quá khứ. Không còn kịp thay đổi bất kỳ chuyện gì nữa.”

Và rồi, vào một ngày tháng bẩy, nó bảo, “Bà à, năm nay con muốn nghỉ hè. Có sao không ba? Bao nhiêu năm nay con chưa nghỉ hè lần nào.”

Tôi nhìn sâu vào mắt nó mong đọc được những điều không tiện nói ra.

“Được – nếu con muốn nghỉ hè thì cứ nghỉ. Con tính đi đâu?” Hỏi nhưng tôi đã biết rõ câu trả lời.

“Con muốn đi Hy Lạp, Baba.”

Thế là nó đi sắm va li, quần áo mỏng và mua vé máy bay. Nó có thể mua sắm những thứ ấy một cách thoải mái bằng khoản tiền kiếm được mà lẽ ra nên xài để bao gái. Và tôi biết làm cách nào để ngăn cản nó? Tôi còn muốn ganh với nó – bước ra khỏi máy bay vào cái nóng nhơm nhớp ở Glyfada.

Chuyến nghỉ hè của nó đã được chọn nhất định đúng hai tuần trong tháng chín. Tôi trở nên nhân nhượng. Cứ để nó đi. Nó ba mươi lăm tuổi rồi. Số mạng cả. Cũng như hoàng đế Oedipus, nó phải đặt những câu hỏi ngớ ngẩn như thế. Nó phải tìm cho ra cội nguồn của nó.

Anna bảo: “Việc gì anh phải mang cái vẻ đau khổ như thế, Kostaki? Con trai Adonis của mình – rất nghiêm trang, rất sovaró – nó đi nghỉ hè ít ngày. Nó thèm chút nắng ấm.

Chuông báo thức reo. Anna đã thức dậy trước đó và đang gài nút áo. Tôi thì chưa chợp mắt được phút nào. Tôi ngồi dậy, gãi bụng. Chẳng bao lâu chúng tôi sẽ lại phải trở lại chuyện ấy từ đầu, cái nghi thức quen thuộc hàng đêm. Hai bàn tay mập mạp của Anna sẽ trộn xà lách. Adoni sẽ thơ thẩn quanh bàn. Và tôi sẽ tiếp tục đóng vai anh chàng Zorba người Hy Lạp.
Trời mưa bên ngoài. Anna săn tay áo lên như một người đàn ông quen làm việc nặng. Bên Anh quốc bây giờ đã là mùa thu. Nhưng ở Athens đêm vẫn hực nóng như hỏa lò và những lề đường thơm nồng mùi bánh nướng.

Thế là bốn giờ sáng tôi lặn lội ra phi trường đón nó, tim tôi đập lao xao, như gã tù trong phòng giam chờ phiên xử. Tôi thấy nó đi qua Quan Thuế và tôi có thể nói ngay – có cái gì đó trong dáng đi của nó – rằng nó đã biết chuyện. Tôi không thể dối mình mãi rằng nó là con ruột của tôi. Tôi ôm nó và vỗ vai nó như những ông bố vẫn thường làm, tôi hình dung đến hình ảnh những người cha gặp những đứa con trai sau một thời gian dài xa cách, nơi những xứ sở xa xôi, ngoài biển khơi, trong chiến tranh, và tôi không nhìn vào mắt Adoni vì ngại nó bắt gặp ngấn nước trong mắt mình.

“Ơ, Adonaki – Con coi khỏe mạnh quá nhỉ. Đi chơi vui không? Ở đó như thế nào kể ba nghe coi? Con có đến Vouliagmeni? Sounio? Có đi tàu ra Idra không? Ê, kể ba nghe, Adoni mou, con gái Athens, chúng nó vẫn còn – “ Tôi đưa bàn tay lên, chụm những đầu ngón tay lại với nhau “- phrouta?”

“Con phải đi lấy va-li, Baba.” Nó chớp mắt như thể thực lòng nó không muốn nói ra cái chữ Baba ấy, và nó gỡ tay tôi ra để đi về phía khu nhận hành lý.

Trong xe tôi chờ nghe nó phun ra. Tôi có thể thấy cái điều muốn nói vướng trên môi nó. Được, thì ra mày đã đi rảo ở Nea Ionia, mày đã hỏi dò. Mày không thực sự đi nghỉ hè gì hết. Nói đi. Nói ra một lần cho xong đi, Trời ạ. Nhưng nó không nói ra. Cũng có thể nó sợ phải nói ra.

Thay vào đó nó nói với tôi về Athens. Bây giờ ở đâu cũng thấy du khách, và ở trung tâm thành phố không kiếm đâu ra được một quán ăn ra hồn. Khu nghỉ mát Vougliameni? Ô. Lúc nhúc những người và mình phải chi tiền mới có được một khoảnh bãi biển sạch sẽ. Còn Idra ấy à? Đầy dân Đức đua nhau bấm máy chụp hình.

Và tôi hiểu ra rằng cái nước Hy Lạp đổ nát nhưng đầy tình nghĩa mà tôi biết trước đây và Adoni hình dung được qua những gì tôi kể lại qua trí nhớ, không còn nữa.

“Còn đám con gái, Adonaki?”

Ngay ngày hôm ấy nó lại khoác chiếc áo choàng của bồi bàn, tiếp tục cắt bánh mì và mở nút chai, như thể nó chưa hề vắng mặt ở chỗ làm. Tôi vẫn kiên nhẫn chờ nó lấy hết can đảm để nói ra. Chúng tôi tiếp tục nhìn trộm nhau mỗi khi ôm chồng đĩa đi lướt qua nhau, và trong bếp Anna nhìn tôi với nỗi lo âu.

Thế mà mãi đến khi chúng tôi đóng cửa nghỉ tối, giây phút nghiêm trọng ấy mới đến. Bởi vì tôi không hề lầm lẫn: Tôi biết giây phút ấy sẽ phải đến. Chúng tôi ngồi trong cái nhà hàng trống rỗng, nhấm nháp cà phê, hỏi chuyện Adoni về Athens. Đột nhiên Adoni nhắc đến chuyện gì đó khơi dậy cái điều Anna muốn nói. Mắt bà ấy sáng lên. Bà ấy bắt đầu nhớ lại Nea Ionia trước khi chiến tranh xảy ra: những căn nhà cũ có ban công, những gia đình sống dọc theo con phố, nhà Vasilious, nhà Kostopoulous, nhà người đàn ông chột mắt bán trái vả, nhà Triandaphilos. Tôi hằn học nhìn bà ấy. Bà ấy nên biết rằng bà ấy đang gợi ý xa xôi. Nhưng có lẽ ý bà ấy muốn thế.

“As to! Koutamares! Đi pha thêm cà phê!”

Anna lết thết bước đi, và tôi biết giây phút đợi chờ đã đến – tôi cũng biết Anna sẽ chờ, vểnh tai lên khi đứng bên bếp lò, cho tới khi giây phút ấy qua đi.

Nó mồi một điếu thuốc lá.

“Ba biết không – Con cố tìm cho ra đường Kasseveti. Con đường ấy vẫn còn, dù nhà cửa xây lại mới hết. Và – ba biết không? Con gặp được một người trong dòng họ Vassilous – Anh Kitsos Vassoliou, anh ấy lớn tuổi hơn con một chút. Anh ấy dẫn con đi tìm ông cụ Elias Tsobanidis. Ba nhớ ông ấy không?”

Vâng, tôi nhớ. Lúc tôi còn là một cậu bé thì ông ta dường như đã gần bẩy mươi. Tôi ngỡ ngàng khi nghe nói ông ta còn sống. Nó loay hoay với ly cà phê. Cái im lặng nặng nề phủ lấy chúng tôi.

“Ba biết con sắp nói gì rồi, phải không ba?” Đột nhiên khuôn mặt nó không còn là cục bột mềm làm bánh mà như thể tạc từ đá tảng.

“Ừ, ừ. Con nói đi. Nói đi.”

“Elias Tsobanidis bảo con – ồ không, ông ấy nói xa xôi để con tự hiểu ra – là tên họ thật của con không phải Alexopoulos – mà là Melianos. Mẹ con chết khi con mới sinh ra và ba con chết trong chiến tranh.”

“Đúng rồi, đúng rồi. Đúng như thế đấy!” Tôi ao ước – như một lão già tội lỗi – nói ra đươc những lời ấy. “Tha thứ cho ba, Adonaki.”

Nhưng nó nhìn tôi bằng gương mặt chai đá – Nó đem được cái mặt ấy từ đâu về vậy? Nó rít một hơi thuốc lá. Những ngón tay to thô nhám, dầy cục. Và bỗng nhiên nó không chỉ là một người đàn ông chững chạc nhưng là một lão già, nó đánh mất cái tuổi trẻ nó chưa bao giờ có.

Đặt điếu thuốc xuống bàn, nó chồm người ra trước, và nói, lạnh băng như nước đá:

“Elias còn nói cho con biết vài điều khác nữa. Ba biết những gì ông ấy nói chắc chắn phải đúng mà, phải không? Ông ấy bảo tên ba cũng không phải là Alexopoulos. Nhà Alexopoulos là láng giềng của bố mẹ ba ở Smyrna – họ làm nghề trồng cây thuốc lá – và chính họ đã đưa ba xuống tàu tỵ nạn. Bố mẹ của ba đã chết khi bọn Thổ Nhĩ Kỳ đốt phá thành phố.

Tôi nhìn nó chăm chăm như nhìn một bóng ma. Tôi thấy Anna đứng ở cửa. Bà ấy cũng giống một hồn ma và bà ấy nhìn tôi chăm chú như thể tôi là một bóng ma.

Tất cả chúng tôi là những hồn ma. Nhưng cùng một lúc tôi biết, tôi sẽ nhìn sự việc ấy đơn thuần như bất cứ việc gì khác – chúng tôi sẽ tiếp tục sống như thế. Bận rộn với công việc nhà hàng như không có chuyện gì xảy ra, đánh lừa mình là cái người đúng ra không phải là mình.

“Elias Tsobanidis là cha già nói láo!” Tôi hét vào mặt “đứa con ruột” mà tôi đã lừa dối suốt một đời.

Hãy nói cho tôi biết, chúng tôi là ai? Điều nào quan trọng còn điều nào thì không? Có phải cứ thà không biết gì hết thì tốt hơn không? Suốt một đời tôi mang mặc cảm tội lỗi vì tôi đã cắt những ngón tay của mẹ tôi, và bây giờ tôi mới biết đấy không phải là mẹ mình. A! Và trong số rất nhiều cái đầu mà bọn Thổ chặt đứt ở Smyrna, có một cái của bố tôi và một cái của mẹ tôi.

A! A! Làm sao tôi có thể ưa thích được cái lối xoay vần của thế giới này.

Bản tiếng Việt  – Hoàng Chính

Graham Colin Swift

Hoàng Chính dịch

Related posts