Một bộ ba toàn diện và căn bản về sự sống còn của loài người trên trái đất

(Đây là Lời Bạt cho bộ ba tiểu thuyết mới xuất bản của nhà văn triết gia Séc Vlastimil Podreacký gồm Hiểm Họa Da Vàng, Nhân Mạng Cuối Cùng Và Đồng Loại, và Sodoma Và Gomora.)
 
“Cái hay của việc viết văn là ta có thể mơ trong lúc tỉnh táo thật sự.”
Hakuri Murakami (1949 -)

“Lịch sử đích thực của con người phải do nhà văn viết chứ không phải do nhà sử học viết.”
Maxim Gorky (1868 – 1936)
 
Quả thế! Bạn đã có trong tay trong óc mình một “tập đại thành” về hầu hết các đề tài sinh tử của nhân loại cổ kim đông tây được văn chương hóa: Bộ ba tiểu thuyết (Trilogy) giả tưởng tiên tri của nhà văn – triết gia Séc Vlastimil Podracký được dịch thuật bởi tập thể dịch giả Việt Nam do nhà văn Đỗ Ngọc Việt Dũng/ Do.honza chủ biên.
Dân Việt chúng ta luôn dùng phương châm sau để trường tồn trên dải đất hình chữ S đầy vinh quang mà cũng lắm đa đoan: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.” Người Trung Hoa vốn sở đắc một giang san bao la, một lượng dân cư vô kể và một tham vọng vô bờ cũng thường nhắc nhau câu: “Ba chúng ta là một Gia Cát Lượng”. Trong cuộc sống thường nhật, số 3 được xem như chỉ số vững chắc – vững như kiềng 3 chân. Theo văn hóa phương Đông, con số đó tượng trưng cho phong lưu, may mắn… Trong tiếng Trung Hoa, đọc nó giống như các từ “phát triển”, “ra đời”… Còn theo phong tục phương Tây số 3 đem đến sáng tạo và hạnh phúc, hòa đồng và khách quan.

Phải chăng bởi thế bộ ba tiểu thuyết thường là cửa ải cuối cùng với các văn tài, các cây bút tầm vóc. Có thể kể ra một danh sách dài những tác phẩm lớn lao như thế giữa kho tàng văn chương nhân loại. Và từ hôm nay, thư viện của người Việt trong và ngoài Việt Nam được đón chào tác giả V. Podracký xuất hiện như một nhà văn hóa đa diện và sắc sảo với 3 đầu sách quý hiếm: Hiểm họa da vàng; Nhân mạng cuối cùng và đồng loại; Sodoma và Gomora.
Trong hình thức văn học bán hư cấu và ở thể loại truyện/tiểu thuyết khoa học giả tưởng – vốn đều là các loại hình thời thượng của văn xuôi hiện nay – ba tác phẩm đó đã đồng thanh cất lời, khi ẩn dụ viễn kiến lúc bóng gió xa xôi, nhằm góp phần trực diện và cụ thể để lý giải và phán đoán hàng loạt câu hỏi treo trên đầu loài người đương đại.
Đó là gần như toàn bộ thế giới phương Tây, rõ nhất là Châu Âu, đang lâm vào một thời kỳ bất thường về tổng thể xã hội. Đó là Trung Quốc đã hết còn danh hổ giấy, đang làm một con hổ thật sự trỗi dậy và đảo mắt vươn vai ra ngoài xứ sở Trung Hoa. Đó là nan đề Hồi giáo tự ngàn xưa cho chí ngày mai. Đó là nền kinh tế thị trường hết còn vận hành trơn tru như đã từng trong rất nhiều thập niên, thời kỳ. Đó là bối cảnh toàn cầu hóa bấp bênh với các khủng hoảng về bản chất. Đó là hai vấn nạn di dân và khủng bố như không còn lối ra. Đó là chủ nghĩa dân túy liên tiếp thắng thế trước hệ thống dân chủ tự do tưởng như là thành trì bất khả sau Chiến tranh lạnh. Đó là bình đẳng giữa 3 giới tính, nữ quyền và tương quan sinh đẻ-dân số quyết định bàn cờ chính trị thế giới, số phận cộng đồng, vận mạng sắc tộc. Đó là vân vân và… vân vi. Vân vi trước 3 câu hỏi muôn thuở, vừa siêu hình vừa sát sườn: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu?

Tập 1 – “Hiểm họa da vàng”
Một cuốn truyện viễn tưởng lấy bối cảnh ở thế kỷ XXII, tức là khoảng 150 năm nữa, trong xung đột giữa 3 nền văn minh lớn nhất nhân loại trên hai châu lục: Ả Rập với Hồi giáo, Châu Âu/Séc với Thiên chúa giáo và Trung Quốc với Nho giáo.
Là loại tiểu thuyết luận đề về âm mưu và chiến tranh nhằm cảnh báo một cách quyết liệt (có phần cực đoan!) sự bành trướng Hồi giáo không chỉ ở phương Tây. Thử dùng một hình ảnh đời thường để hiểu văn chương chữ nghĩa trong Hiểm họa da vàng: Qua bàn tay tự tin và rắn rỏi của mình “đầu bếp” V. Podracký đã dùng “con dao” Tàu mổ xẻ “con cừu” Hồi giáo trên “cái thớt” Châu Âu có Séc là trung tâm. Cũng có thể coi đây như một tiểu thuyết địa-chính trị hay địa-văn hóa. Xung đột quân sự, bạo lực; mưu toan, tranh giành ảnh hưởng chính trị – tất cả xét cho cùng vẫn là xung đột văn hóa. Hiểm họa văn hóa! Với tác giả Podracký, đó là “hiểm họa” áo trùm Hijab; là “hiểm họa” người theo Đạo Hồi “nhốt vợ ở nhà, canh phòng các cô gái để tránh trở thành nạn nhân của thói dâm đãng Hồi giáo.”**); là “hiểm họa” không sinh con ở đa số phụ nữ Châu Âu/Séc theo chủ nghĩa tự do.
Trong tập truyện, chủ nghĩa dân tộc luôn làm đủ loại ngòi nổ cho những mưu đồ xung đột nơi mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia. “Biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc là quá mơ hồ. Bất cứ điều gì cũng có thể được coi là chủ nghĩa dân tộc.” Mà với tác giả, ở cộng đồng Hồi giáo, chủ nghĩa dân tộc hóa thân vào chủ nghĩa Hồi giáo. Nó đe dọa Châu Âu đến mức các nhân vật người Séc nòi phải tự thú “chúng ta là nền văn minh hết cơ hội”, “chúng tôi là nền văn minh mệt mỏi rồi.” Rời bỏ chủ nghĩa thần quyền đã lâu Thiên chúa giáo nay đành phải… botay.com trước Hồi giáo cực đoan.

Giữ một dung lượng không quá dài so với thể loại tiểu thuyết, Tập 1 mang đến rất nhiều, nếu không nói là quá nhiều, nội dung vừa hấp dẫn vừa khó hiểu, vừa cấp thời vừa vĩnh cửu, trên mọi lãnh vực, đề tài, vấn đề được dàn trải theo nhiều tuyến nhân vật ở nhiều vùng miền Âu – Á. Bằng bút pháp mô tả, thống kê xen kẽ trần thuật, biện luận, tác giả đã làm chủ chữ nghĩa văn chương để bàn về chính trị và tư tưởng, tôn giáo và chiến tranh, địa lý và kinh tế, tình báo và tình yêu, v.v… Trùng điệp các nhân vật, địa danh, sự kiện vừa thật vừa giả. Trùng điệp các mâu thuẫn, quan hệ quốc gia, sắc tộc, gia đình, cá nhân. Một trái núi chữ nghĩa, ý tưởng dưới bầu trời thời thế, nhân gian. Tất cả chỉ bởi một nguyên nhân: Âm mưu để gây chiến, bạo lực để chiếm đoạt nhân mạng, tài sản, cuối cùng là đất đai, lãnh thổ. Thiển nghĩ, độc giả đầu tiên của cuốn sách nên là các nhà lãnh đạo quốc gia, thế giới, các nhà chính trị, tư tưởng, lập thuyết, các nhà kinh bang tế thế. Song le, nếu chỉ thế thì có lẽ Hiểm họa da vàng là một… “hiểm họa” nhận thức với đông đảo độc giả!
Mấu chốt ở chỗ, vì là tiểu thuyết văn học, trong “âm mưu và chiến tranh” tất có “âm mưu và tình yêu”. Cuốn truyện xoay quanh nhân vật chính, một viên tướng Trung Quốc tên Chuan họ Po-lo. Chuan làm đến chức “tổng thống Trung Quốc”, “từng chỉ huy quân đội chinh phục Châu Âu năm 2108”. Tác giả rõ khéo đặt cho nhân vật chính một lý lịch đủ “yếu tố toàn cầu”: Chuan là hậu duệ bốn-năm đời của một nhà thám hiểm Châu Âu đến đất Trung Nguyên lập nghiệp, am hiểu sâu sắc văn hóa Nga ở Siberia và – tất nhiên! – kết hôn với một phụ nữ Séc, tên Lenka, từng có chồng và nguồn gốc gia đình đến từ thế giới Hồi giáo. Kết thúc câu truyện là Vašek, con trai của Chuan và Lenka, trở về tìm được vợ là Saša, người Hồi giáo Chechnya, và con gái, con dâu… Vašek được xem như người anh hùng phục vụ Trung Quốc đã chiến đấu phản gián trong lòng địch tại Tunisia mà điều đó “gắn liền với tầm nhìn xa thiên tài của Chuan”. Kết thúc có hậu, sau bao thăng trầm và tan nát, chết chóc và điêu tàn; dù cái chết cuối cùng đã xảy ra với con trai cả của Vašek khi phải cứu sống cha mình trong giây phút quyết định. Cuốn truyện dừng lại ở năm 2160, khi tướng Italy Musalione thống lĩnh liên quân quốc gia Châu Âu đã cùng với Trung Hoa – như một cảnh sát toàn cầu – đại thắng nhà nước Hồi giáo Umma.

Nhiều chương đoạn được viết theo bút pháp tường thuật, điều tra lịch sử – văn hóa. Thực chất không phải là giả tưởng về thi pháp nghệ thuật, mà giả tưởng ở thời tương lai nào đó khả dĩ của tư tưởng. Cho nên nhà văn đã làm chúng ta thưởng thức dễ dàng các chuyện chưa/không thành hiện thực. Từng là chuyên gia về tin học – điện toán, tác giả thành thục (đôi chỗ hơi sa đà “cho bõ nhớ nghề xưa”) khi phân tích, giảng giải các đề tài khoa học, với chủ tâm không nhắm nhiều đến công nghệ hiện đại lúc bấy giờ, thế kỷ XXII, mà chỉ quan tâm tới quan hệ, tư duy con người tiến triển hay thụt lùi. Điều này khiến người đọc thấy gần gũi, yên tâm bên các trang văn cồng kềnh, rắc rối từ nội hàm đến ngoại diên.
Trong thi pháp sử thi, cuốn truyện được cấu trúc đúng theo mô típ “Nghìn lẻ một đêm” Ba Tư xưa. Mỗi chương truyện chỉ như một câu chuyện ngắn, như một mảnh kính trong bức tường vạn hoa. Mỗi tên chương mục đều được “hộ tống” bởi một câu tục ngữ, châm ngôn đa phần từ thế giới Ả Rập, còn lại là từ kho tàng văn hóa Trung Hoa. (“Còn ai trồng khoai đất này” nữa cơ chứ?!) Không ít chương độc lập nhau, độc lập với cặp nhân vật chính Chuan và Lenka.
Hiểm hoa da vàng, do quá nhiều kỳ vọng, nên tinh thần chung là muốn làm pho sách giáo huấn – chính trị pha màu văn chương lãng mạn, lâm ly. Hành văn khoa học, rõ ràng. Sự lắt léo nằm ở tu duy thời cuộc, ở logic triết học của câu chuyện. Mới đọc qua tưởng như khô và khó.

Hướng tới mục tiêu rõ tỏ như thế, độc giả vẫn thoải mái dù có thái độ thế nào với tương quan chân vạc Hồi giáo – Trung Quốc – Châu Âu, dù có thể “đi guốc trong bụng” tác giả ở việc pro et contra ai và ai. Ấy cũng nhờ văn phong đến từ một cao thủ ngôn ngữ – một kiểu văn phong nước đôi, thậm chí nước ba nước tư! Ngay khi nhận chân quan điểm của tác giả là chống Hồi giáo cực đoan bành trướng, cổ xúy việc dùng Trung Quốc để thực thi điều đó. Có thể hiểu cách nói hoán vị lập lờ: “Thảm họa da vàng” là “thảm họa Trung Quốc” nhưng là thảm họa với Hồi giáo cực đoan.

Chương ”Báo cáo thật sự về hiện trạng Châu Âu” làm nền tảng truyện. Như một đoản văn chính luận sắc gọn và lôi kéo, tác giả giải thích tệ nạn di cư tại các nước phát triển ở Châu Âu qua ví dụ là Séc. Từ đó chỉ đạo toàn tập sách: Tại sao nền văn minh tự do Châu Âu không kháng cự nổi đạo Hồi? Lời một nhân vật thế này: “Các giá trị văn hóa Châu Âu hay Hồi giáo? Châu Âu trên ngã rẽ con đường. Hai nền văn minh không tương thích, trong đó một bên tàn lụi vì khả năng sinh sản thấp, tương đối hóa các giá trị của mình và bên kia là hoàn toàn xa lạ, bùng nổ và bành trướng… Phải làm gì đây? Cô lập trong sự suy sụp, kiệt quệ của mình hoặc là để bị nghiền nát? Nhưng ở đây còn lựa chọn thứ ba: Tiếp nhận kịp thời Hồi giáo, loại bỏ các giá trị suy đồi và tự bảo vệ như một sắc tộc. (…) Tôi nhận ra Kitô giáo hiện nay bất lực…”

Các đoạn lãng mạn, tình tứ tuy cực kỳ ít nhưng đủ gợi cảm, dẫu về dàn dựng văn chương chưa hẳn thấu tình đạt lý. Đây, chuyện tình tình báo Vašek và Saša như là những trang mượt ướt nhất tập truyện.
“Cô ngủ ngon và họ làm tình với nhau nhiều lần. Vào buổi sáng cô bỗng nức nở: “Vašek ơi, chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa đâu. Em sẽ không thể đến được Umma, nó cực kỳ nguy hiểm. (…) Nó thực sự chỉ dành cho các chiến binh dày dạn. Và em là mẹ của ba đứa trẻ, ai biết được sẽ không phải là đứa thứ tư. Em phải dành cho chúng. Ngoài ra, để có thể kể cho chúng nghe về những hành động dũng cảm của cha mình…” (…) Cô ôm chầm lấy Vašek. “Em yêu anh và sẽ không bao giờ yêu ai khác. Anh hãy đến, dẫu chỉ là một lát có thể…”.; “Dưới trái tim mình em mang đứa con anh (…)”; “Vašek hỏi đi hỏi lại: “Mà sao phải có con lúc này em?“. “Buộc phải giải quyết vậy thôi. Em không thể làm tình với cả hai. Em nghĩ, ông già [tức là ông ngoại của Vašek] sẽ không chịu nổi. Em có thể làm chết ông ta vì điều đó. Mà em không có lệnh ấy của tình báo.”

Tựu trung, phải ngăn chặn sự lan tràn của cả Hồi giáo lẫn đạo Hồi cho đến chủ nghĩa Hồi giáo với những mặt trái không thể cải tạo được, từ cái khăn trùm kín bưng cho chí tham chiếm quyền lực – đó là đích văn chương của nhà chính trị theo chủ nghĩa bảo thủ V. Podracký trong tiểu thuyết Hiểm họa da vàng. Vai trò của Trung Hoa chỉ như con dao pha cho bàn tiệc thế thời bất khả kháng của thế giới đương đại không-Thánh-Allah mà Châu Âu là điểm nóng nhất. Nga và nhất là Hoa Kỳ chỉ là các VIP có tiếng không có miếng. Tư tưởng thời cuộc thế giới như vậy hẳn còn xa lạ với độc giả Việt Nam, ít nhất trong văn học?! Chúng tôi cả nghĩ, dù cao tay ấn cách mấy, trong lối diễn ngôn trung dung thế nào, thì cái sự dùng độc trị độc – lấy “bành trướng” này diệt “bành trướng” nọ – của tác giả vẫn toát ra sự khinh khi vị trí và tham vọng của Trung Hoa, ngay cả trong “tiểu thuyết” và ở dạng “giả tưởng”. Phải chăng văn tài Podracký vững tin ở điểm nhìn rằng, về nghệ thuật thi pháp nó vẫn OK Salem? Nào, mời bạn đọc Việt vào cuộc…

Tập 2 – “Nhân mạng cuối cùng và đồng loại”
“Tiểu thuyết là sử thi của đời tư.” (V. Belinski). Tập 2 giữa bộ ba tiểu thuyết giả tưởng này là về “đời tư” của nhân vật chính Bogadyr. Song, đích thực sự của tác giả lại là tiểu thuyết luận đề, thành thử cuốn sách đã như một sử thi của nhân loại – sử thi của cả cộng thể loài người trong giai đoạn cuối cùng. Vào năm 3156 khi giống người cáo chung trên trái đất, bởi khủng hoảng trong lối sống của mình. Mà người đàn ông cuối cùng có tên Bogadyr là đại biểu duy nhất. Đã vượt lên và hóa thân từ linh hồn loài-người-cũ để trở thành người đàn ông đầu tiên mang xương thịt mới cho loài-người-mới. Bogadyr là chàng Danko của thời đại con người bị nô lệ bởi thế giới siêu ảo trong không gian siêu mạng!

Lịch sử và Thượng đế đã chọn Bogadyr là kẻ tái sinh loài người. Bởi dù là một trong 25 người bình thường (trong truyện gọi là người vật lý) cuối cùng, anh đã can đảm và thông minh quyết định từ bỏ sống tập trung trong Korpus – nơi toàn những người sống ảo chỉ ham tìm giải trí và cảm xúc lạ bằng mũ kukla, ăn đồ sẵn mana, ở căn hộ soba có robot phụ giúp. Tất cả đã khiến người ảo không phải lao động để kiếm sống, không có tình yêu để sinh đẻ, không thèm học tập để tu dưỡng trí tuệ, phát triển cơ thể… Bogadyr nhận ra bản chất của thế giới ảo: Dù có khung thể chế qua hiến pháp dân chủ, có lãnh tụ tài ba (mang tên Human1), có cơ chế xã hội tự do, phổ thông đầu phiếu, có trường học không bắt buộc, có diễn đàn công khai; song cuộc sống ảo chỉ là phòng thí nghiệm chăm bẵm các xác sống, hoàn toàn tách khỏi Mẹ-thiên-nhiên, Cha-hành-động và nhất là khước từ sự sinh trưởng của giống người như một sinh vật bình thường. Vì thế anh phải ra đi, về cội nguồn của loài-người-cũ để, nói theo cách của người Việt đương đại,“làm một cái gì đó”.
Có thể xem Nhân mạng cuối cùng và đồng loại như một cuộc tổng kiểm thảo phong cách sống nơi con người về nhân sinh quan, thế giới quan, về khoa học, tư tưởng, nhân cách, giáo dục, quan hệ người-người, người-vật, con người với thiên nhiên, thám hiểm, về giới tính, tình yêu… Như các cụ nhà ta răn dạy: Sống không ra sống thì chỉ có đường chết. Theo quan niệm và cách sáng tạo của mình, tác giả đã lần lượt đưa lên bàn mổ những thói hư tật xấu của con người thời hậu hiện đại để chứng tỏ thế nào là “sống không ra sống” và cuối cùng đi đến tất yếu: “chỉ có chết”.

Là tiểu thuyết hư cấu dựa trên các yếu tố khoa học – xã hội phi hư cấu, cuốn Nhân mạng cuối cùng và đồng loại dùng phong cách ngụ ngôn hiện đại không ngoài đích chỉ ra các lý do khiến xã hội đương đại thường xuyên bị khủng hoảng. Trong tiểu thuyết thì là câu chuyện tuyệt chủng của loài người đến từ nhiều nguyên do mà quyết định tại bởi người sống ảo tự cho mình là dân chủ và toàn năng, luôn khống chế để tìm cách tiêu diệt hơn hai tá người vật lý cuối cùng.
Ta thử coi lại hai trích đoạn đặc trưng về sự thảo luận giáo dục gia đình của thế giới ảo: “Quan điểm đa số các bộ não dân chủ lại chiến thắng, phần lớn họ sống ảo, những người chưa bao giờ có con: “Người mẹ không thể đặc quyền với con cái. Mỗi người không thể có quyền trên người khác. Nếu xuất hiện một nhân thể đòi hỏi sự chăm sóc, bất kể cho dù đó là đứa trẻ hoặc người không đủ năng lực, thì việc chăm sóc này phải được thực hiện chỉ bởi Trí tuệ tối cao, đại diện của Thâm nhập não người được uỷ quyền bởi Human1.”
Và, “Human1 phát biểu: ”Con người hoàn toàn độc lập và thực sự tự do, như hiến pháp chỉ ra, để chúng ta thực hiện, chỉ dành người có cuộc sống ảo. Trong không gian ảo con người muốn làm gì thì làm. Trong cuộc sống thể chất, tự do luôn bị hạn chế và hiến pháp không bao giờ được thực thi. Lúc nào cũng có bạo lực và mất tự do, lúc nào quyền bất khả xâm phạm của con người cũng bị vi phạm. (…) Chấp hành hiến pháp có nghĩa là đưa trẻ em vào các soba và đội kukla cho chúng…”

So với tập đầu, tập giữa nghiêng về văn chương hơn hẳn, ít bàn luận tư tưởng, bớt tranh biện tôn giáo hơn hẳn. Cấu trúc truyện cũng liền một khối dù chi tiết, sự kiện cũng tản mạn, phân biệt từ các mảng câu chuyện, tư liệu ghép nên con tàu liên hoàn. Một tiểu thuyết thứ thiệt! Không thể đọc nhảy cóc, ít nhất như ở Tập 1. Văn tài Podracký được tung tăng hơn, có thể nói đạt đỉnh hân khoái về trí tưởng tượng và óc khoa học. Là một cuốn truyện giả tưởng lạ kỳ, triết lý mạnh bạo, mà không quá cao xa so với mặt bằng văn hóa đọc và tầm đón đợi ở Việt Nam. Bởi đối tượng của nó là tất cả những ai là-người còn muốn làm-người. Vui mà thật: Độc giả Số 1 của Tập 2 ắt sẽ là các bạn – từ tuổi teen cho đến lứa ông bà teen – đang thành các con nghiện mạng xã hội, điện thoại thông minh, chơi máy chơi game…
Càng đọc càng hồi hộp. Tập sách lại như một phát kiến văn học tuyệt vời khác của “nhà phù thủy” ngôn ngữ và tư tưởng Podracký. Còn nhìn về nội dung (ví dụ chỉ đọc Mục lục, như “Cuộc sống tươi đẹp của những người thể chất”, “Những yêu cầu thân xác”; “Để bảo vệ trẻ em”; “Điếu văn về sự tồn tại thể chất loài người”; “Chế tạo con người”…) thì đây thực chất là một đề án, một công trình khảo cứu. Một nghiên cứu khoa học xuất sắc! Một thử nghiệm văn học độc đáo về nhân học, lịch sử học cho sự phát triển con người theo các tiêu chuẩn và giá trị xã hội.

Bút pháp văn xuôi của tác giả biến hóa vô lường. Truyện khoa học viễn tưởng (Sci-fi) toàn về các chủ đề “khủng”, các tư duy phức tạp, các phương tiện công nghệ lằng nhằng, thế nhưng đọc vẫn bị thu hút. Các trường đoạn trữ tình, gay cấn trong truyện (ví dụ, giữa một chàng Bogadyr bô trai, cơ bắp và sáng láng với một “tiểu đội phụ nữ” bên mình!) đủ làm nên những con sông tắm mát cả pho tài liệu khô khan và bao la.
Sự thán phục của riêng chúng tôi về tiểu thuyết giả tưởng Nhân mạng cuối cùng và đồng loại được thăng hoa bởi yếu tố ngẫu nhiên sau đây… Mấy hôm trước, trên mạng có bài viết của nhà báo Lê Học Lãnh Vân, từng là một khoa học gia người Việt lâu năm ở Pháp. Xin phép lọc lược và nhấn mạnh: “Vợ chồng tôi thường nhìn những đứa con mình đã hay sắp trưởng thành. Chúng tôi (…) hồi hộp theo từng bước chân vào đời của chúng… Chúng cũng yêu ba mẹ. Mà sao hai thế hệ đứng hai bên rào nhìn nhau (…) mơ hồ chợt hiểu, chợt không… Vợ chồng tôi thường bàn nhau, không biết thế hệ con cháu mình, trong cơn lốc chóng mặt của đổi thay công nghệ dẫn theo đổi thay nếp sống, tâm lý, triết lý sống… chúng nó có hạnh phúc không? (…) Chúng có bày tỏ tình yêu thương như cha mẹ chúng không? Chúng có sẽ sinh con đẻ cái như thế hệ chúng tôi không hay sẽ bằng một công nghệ sinh học nào đó?” Và tác giả bài báo cho biết sự giải tỏa nỗi lo âu đã được tìm thấy khi ông đọc hai bài thơ nọ từ nữ sĩ Vũ Lập Nhật xuân xanh đang nổi ở Việt Nam.
Dám thưa văn sĩ – triết gia V. Podracký, cứ tin rằng đang và sẽ có nhiều độc giả như Lê Học Lãnh Vân cần đến Nhân mạng cuối cùng và đồng loại!

Tập 3 – “Sodoma và Gomora”
Cùng dung lượng (ít hơn Tập 1) và khác hẳn về thể tài với Tập 2 (rất “hậu hiện đại” ở thời tương lai), tập chót trong bộ ba tiểu thuyết mà chúng ta đang có thuộc vào thể cổ điển cả về thời gian lẫn không gian nghệ thuật. Nghiêng về văn hóa – nhân loại học – lịch sử, nó phục hiện quá khứ mà răn bảo hiện tại và định hướng tương lai. So với hai tập trước, tập cuối cùng tỏ vẻ hiền và lành về bút pháp, cũ và xưa về nội dung, diễn ngôn chậm rãi mà quả quyết về các giá trị văn hóa, tâm linh, tư tưởng, địa dư, kinh tế, đạo đức… Tóm lại, sâu sắc và bình dị. Chúng tôi ngờ rằng ở Việt Nam Sodoma và Gomora sắp được là của hiếm về sách dịch. Còn về sáng tác, chắc chẳng mấy tay bút ta nào viết thể tài tương tự như “ông Tây/Tiệp” đây? (Cũng có nghĩa, văn sĩ Việt còn có thể sáng tạo những gì na ná Hiểm họa da vàng hay Nhân mạng cuối cùng và đồng loại hơn!)

Khác Tập 1 và gần như Tập 2, nội dung Tập 3 khá nhất quán, như một bộ biên sử nhân loại kinh sợ mà tự nhiên về văn hóa – xã hội. Tác giả nói ngay ở Lời giới thiệu, đó là về “sự vô đạo đức và suy đồi văn hóa len vào cuộc sống con người”; cụ thể hơn: Về quan hệ cách mạng và tiên tri trong đích “cố gắng cứu vớt cho con người”; về phân công lao động; đặc biệt về luyến ái, hôn nhân, nữ quyền, sinh đẻ… Truyện lịch sử thời cổ đại song sát sườn mỗi chúng ta qua mỗi sự kiện, vấn đề.
Vẫn mang âm hưởng chính trị bảo thủ, V. Podracký với Sodoma và Gomora muốn cảnh báo lần thứ ba – lần cuối và mãi mãi: Hỡi loài người, hãy cảnh giác; về vấn nạn tuyệt chủng của các nền văn minh, xứ sở, quốc gia!
Dường như trong thập niên qua, từ sau năm 2005, tác giả đã theo cùng dư luận, báo chí rộ lên với các nhà khảo cổ: Tại khu vực Tall el-Hammam ở Jordan lần đầu tìm thấy dấu tích hai thành phố Sodoma và Gomora bị, theo Kinh Thánh, “Chúa trời phá hủy bằng lưu huỳnh và lửa”. Đa số thông tin về hai vương quốc Sodoma và Gomora đều là từ sách Sáng Thế, rằng hai vùng đất thịnh vượng xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 3500 đến 1540 trước Công Nguyên và được cho là bị hủy diệt rất đột ngột.
Cuốn tiểu thuyết như chúng ta vừa đọc đã tương đối trung thành theo nguyên mẫu. Kinh Cựu Ước nói, Đức Chúa trời hủy diệt hai thành phố mỹ lệ và giàu có nhất với toàn bộ cư dân đều là những kẻ mắc tội lỗi xấu xa (đồng tính luyến ái!?), trừ duy nhất một người đàn ông gương mẫu cùng với vợ con được thoát hiểm. Cây bút Podracký đặt tên người may mắn và tốt lành đó là Lot, một nhà tiên tri, sống cùng gia đình ở Sodom. Còn nhân vật chính – nhân vật hư cấu có lẽ hoàn toàn? – là Kesulot, được dựng truyện như nhà doanh nhân tài ba, chính trị gia bảo thủ không nhiều tham vọng nhưng mang ý thức cộng đồng cao rộng, và có người vợ thứ là Shura, một phụ nữ trẻ đẹp và phóng khoáng. Vấn đề ở chỗ Shura thuộc vào thế hệ Đứa trẻ hoa (ẩn dụ cho thế hệ Hippy) ra đời sau một cuộc cải tổ vương quốc. Những Đứa trẻ hoa của Podracký ở Tập 3 cũng là anh chị em của Người sống ảo trong Tập 2: Ham hưởng hạnh phúc, lười nhác lập gia đình ổn định, nhất quyết không sinh con nhưng phóng khoáng, tốt bụng, chuộng dân chủ…
Đối thoại của hai công nhân trong đó có một người Dazars – dân hạng hai so với dân bản xứ:“Chị có nhớ chồng không?” Người phụ nữ trẻ hơn, rõ ràng là người xứ Gomorrah, hỏi. “Chị không yêu anh ấy lắm. Các ông bố bà mẹ tổ chức đám cưới cho thôi.“ Cô gái trẻ phản ứng: “Em không có vấn đề như vậy, em chưa kết hôn và không có con. Cha mẹ đặt cho em một ‘con sâu cái’ từ khi còn ở trường.” “Chị cũng có đấy.” Cô gái để lại đứa con cho bố mẹ chồng nuôi, nói. Chủ lao động thường tạo điều kiện đặt cho nữ nhân viên “sâu cái’ với chi phí nho nhỏ. Bây giờ đã có phương pháp mới, không bắt buộc phải là vàng, mà chỉ cần một loại đá gì đấy mịn xay từ thạch anh.”
Ngoài chuyện sai quấy về quan niệm đạo đức, tình yêu, sinh sản, hàng loạt tệ nạn khiến cả hai thành phố bị “Thiên Chúa nổi giận” đã được cuốn tiểu thuyết nêu ra, ngoài thông tin có được từ Kinh Thánh: Luật sở hữu đất đai không hiệu quả; thiếu cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế; hàng rẻ phá giá lan tràn; tương quan bất xứng giữa hưởng thụ và cống hiến ở các thế hệ, gia đình…
Xuyên qua chính trị gia thủ cựu Kesulot của thời “đồ đá đồ đồng”, nhà chính trị bảo thủ Podracký giữa thời @ đã đề xuất nhiều dự án có tầm quốc gia, toàn cầu. Trước nhất, về tư tưởng – tâm linh, vẫn cứ theo sách kinh lời thánh song cần đổi mới cập nhật thời thế. “Phải có cả hai: phải có Thư chính tắc và nhà tiên tri hiện tại, giảng giải theo tinh thần thời đại.” Lời reo Eureka của nhà khai phá Kesulot trong tiểu thuyết!
Kỹ thuật dựng truyện và lối viết của tác giả lại thêm một lần nữa cao cường, nhuần nhụy. Văn giản dị, hồn nhiên mang tải đề tài lớn và rộng, khó và khô. Không ít tình tiết, tình huống, chủ đề đơn điệu (như chuyện kinh doanh, luật lệ hành chính, kiến thiết xứ sở…). Kết thúc kinh hoàng (như thực tế lịch sử và giống trong Kinh Thánh) mà logic tự nhiên, nếu không nói là tất nhiên.
Vẫn là thể tiểu thuyết luận đề dạng giả tưởng trong lối dựng truyện “sử giả” hấp dẫn, Tập 3 mang cốt truyện từ tốn hơn nhiều so với “liền chị liền anh” của mình. Nhân vật hư cấu vẫn tưởng như thực, tình huống truyện có cao trào dù chậm, tứ truyện đeo mâu thuẫn dai dẳng… Đúng là một tiểu thuyết chứ không phải là thứ mô phỏng Kinh Thánh. (Nói vậy e phạm thượng: Thật ra Kinh Thánh đã là một đại tiểu thuyết!)

Thay lời cuối
Nếu nhìn nhận thể loại tiểu thuyết khi thì làm nền móng lúc lại là mặt tiền cho một lâu đài văn học, thì rõ ràng văn xuôi Séc đương đại đáng kiêu hãnh với bộ ba tiểu thuyết của tác giả V. Podracký. Và nhóm dịch giả, đứng đầu là Đỗ Ngọc Việt Dũng/ Do.honza cũng đáng hãnh diện. Thiển nghĩ: Đấy, chuỗi tác phẩm để đời của tác giả; đấy, bộ sách dịch để đời của dịch giả! Cho dù xem xét toàn bộ pho tiểu thuyết còn các khiếm khuyết nhất định, bởi đặc tính thể loại và thể tài, cũng bởi văn bút cá nhân tác giả. Cho dù – không khó nhận ra – bản dịch lần đầu xuất bản còn không ít điều có thể hoàn thiện.
Trong những hình thái văn chương giả tưởng – tiên tri dùng lịch sử pha khoa học, các tác giả thường nắm đằng chuôi ở chức năng dự báo của văn học. Với V. Podracký chắc chắn vậy! Nhớ, mỗi lần giải Nobel văn học kéo về, dư luận lại trở tới trở lui, rằng tác giả nọ đã nói ra sự huyền bí nơi tâm tưởng chúng ta về quan hệ với giới tự nhiên, rằng văn chương liệu còn là nó không nếu chẳng vì con người, rằng tác phẩm lớn khi biết cảnh tỉnh nhân loại…
Theo cách hiểu của chúng tôi, pho tiểu thuyết đứng tên V. Podracký là tác phẩm lớn! Chính vì, nội dung đã mang tải những điều lớn lao để nói với các thế hệ loài người. Chính vì tác giả đủ tài năng diễn đạt nội dung qua một cấu trúc nghệ thuật lớn lao. Và chính vì – may mắn sao! – nhà văn vốn là một kỹ sư điện toán, trong 3 năm liên tiếp 2007 – 2009 đã cho xuất bản bộ ba tiểu thuyết vô cùng kinh điển mà cực kỳ thời sự, đúng vào thời kì phát triển mạnh khó lường của công nghệ vi tính và kỹ thuật mạng.

Cuối cùng cho tất cả:
Thưa tác giả, các dịch giả và biết bao độc giả thân kính! Hãy cho phép bài viết gấp được kết thúc qua liệt kê 3 vấn nạn đại sự hiện thời đều rất nóng bỏng, khiến chúng tôi dốc tâm trí, gắng góp chút phần nhỏ bé cùng các thân hữu, bạn văn trong việc biên tập bản dịch một bộ sách 3 tập toàn diện và căn bản về tính sinh tử của loài người trên trái đất, trong đó có mỗi chúng ta cùng toàn dân tộc Việt và Tổ quốc Việt Nam, toàn dân tộc Séc và đất nước CH Séc.
Một, khủng hoảng người di dân: Liên minh EU và Hoa Kỳ với hàng loạt luật lệ, quy chế mới tựa hồ bất lực trong đôi năm qua.
Hai, khủng hoảng khủng bố, hận thù người ngoại quốc: Hai sự kiện tội phạm nhãn tiền và điển hình ở sự công khai, bài bản và tàn ác của hai tay súng người da trắng điên cuồng bắn vào đám đông người nhập cư tại siêu thị Walmart ở Mỹ ngày 3/8/2019, và “nguồn cảm hứng” cho chính nó trước đó xảy ra tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand ngày 15/3/2019.
Ba, khủng hoảng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc: Sự kiện Bãi Tư Chính trong hơn hai tháng nay đang căng thẳng từ diễn biến hiện trường cho đến ngoại giao quốc gia và có thể còn leo thang vô lường về mặt quân sự, làm sôi sục trên từng diễn đàn báo chí, nơi mỗi người Việt lo âu nguy cơ lãnh thổ bị trắng trợn xâm chiếm.
Cũng hên xui có dịp được gọi là cho ra một cuốn tiểu thuyết thời sự về vấn nạn Trung-Việt sau sự kiện Giàn khoan Hải Dương 981 hồi năm 2014, người viết xin giương lên câu sau đây từ bộ tiểu thuyết lớn của nhà văn Séc Vlastimil Podracký làm lời kết bài bạt nhỏ: “Không có gì hệ trọng đối với đất nước hơn là chuẩn bị đối phó cho một cuộc tấn công của kẻ thù.”

Vancouver – hoàn thành 3 giờ sáng ngày 18/8/2019

Đỗ Quyên
 
Chú thích:
*) Đây là phiên bản ngày 28/8/2019 đã được tu chỉnh, sửa nhiều lỗi câu chữ… từ lời bạt chung in ở mỗi tập trong bộ ba tiểu thuyết của Vlastimil Podracký – Hiểm họa da vàng; Nhân mạng cuối cùng và đồng loại; Sodoma và Gomora; Đỗ Ngọc Việt Dũng và Nhóm dịch giả thực hiện. Hai tập sau do NXB Hội Nhà văn ấn hành Quý 3 năm 2019.
**) Trong bài, tất cả các câu, đoạn in nghiêng giữa ngoặc kép được trích từ mỗi tập truyện đang bàn đến. Ví dụ, câu vừa dẫn là trích từ Tập 1, Hiểm họa da vàng. .

Related posts