Một dân tộc không văn khố, bảo tàng dân gian

Bất cứ ai làm nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đều than phiền, đau xót về tình trạng thiếu, mất tài liệu, và đều muốn phục hồi. Cadière và Pelliot nhận xét: Sách sử đã rất hiếm ở nước Nam, khí hậu và chiến tranh còn góp phần tàn phá thêm nữa… Không có ở đâu người ta thấy tài sản văn hoá của một dân tộc lại tiêu tan nhanh chóng đến thế *.

Thực ra không phải chỉ do khí hậu hoặc chiến tranh, mà chính là do con người. Nếu có ý thức sưu tầm, bảo quản thì vẫn cứu vãn được phần nào; và trầm trọng hơn nếu không có chủ tâm hay vô tâm phá hủy tiêu diệt thì cũng không đến nỗi nào. Nhưng tiếc thay triều đại thay đổi thì triều đại mới xóa bỏ tàn tích văn hóa, văn khố của triều đại cũ. Gia Long ra lịnh làm sổ địa bạ mới, xong rồi ra lịnh hủy tất cả văn tự cũ do các triều đại trước đã làm. Người Pháp sang đã sưu tầm, bảo quản được đôi chút tài liệu sử cũ, nhưng khi họ ra đi, thì công trình sưu tầm đó cũng bị tiêu hao dần. Hồi năm 1968, cô Đặng Phương Nghi, tốt nghiệp Bác cổ học ở Paris về Sài Gòn nhận chức Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện, đã làm một điều trần về “Hiện trạng Nha Văn khố và Thư viện quốc gia” (tháng 3-1968, bản ronéo). Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đã lên tiếng phụ họa trên báo chí: nhóm “Nghiên cứu văn học” của Thanh Lãng ra một số đặc biệt về “Những đống rác thân yêu”, vì tài liệu văn khố bị di chuyển nhiều lần, nơi chứa càng ngày càng bị thu hẹp đến nỗi phải vứt ngoài hành lang (số tháng 7-8.I968). Số báo đăng ba bức ảnh nói lên tình trạng bảo quản văn khố qua ba thời kỳ: dưới gông cùm Pháp thuộc, ảnh một trong những tầng hầm khang trang rộng rãi lưu trữ văn khố ở trụ sở lưu trữ công văn Hà Nội; “dưới áp bức Ngô triều”, ảnh phòng lưu trữ văn khố tại trụ sở lưu trữ công văn số 72 Nguyễn Du Sài Gòn, tuy chật hẹp hơn đôi chút, vẫn còn ngăn nắp. Chế độ sau Ngô: 4 tấm ảnh chụp sách báo, tài liệu văn khố xếp đống cả ở hành lang cạnh nhà chứa xe. Một người có trách nhiệm thẩm quyền về văn hóa đã trả lời những ý kiến yêu cầu bảo vệ tài liệu văn khố: “Các ông phải tập sống cho quen không có văn khố đi chứ” (Bản điều trần, trang 3).

Nhưng nếu muốn tìm bằng cớ chứng từ chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì tìm đâu nếu không có văn khố lưu giữ những địa đồ của các triều đại xưa để lại?
Vì thế phải chăng trọng tâm vấn đề không phải những nguyên nhân khách quan, mà là chủ quan: có ý thức hay không và có ý thức đầy đủ hay không về lịch sử? Xin nói rõ: Dân tộc nào cũng có ý thức lịch sử về mình, nghĩa là về nguồn gốc hay sự hình thành dân tộc trải qua những nỗ lực chiến đấu dựng nước, giữ nước. Không có chữ viết thì có những thần thoại, truyền thuyết; có chữ viết, có thêm sử ký. Đó là dân tộc nói chung. Đối với một triều đại, có thêm ý thức lịch sử về triều đại cầm quyền cai trị của mình: nên có sưu tầm, bảo quản những thành quả sự nghiệp và sinh hoạt của triều đại mình bằng cách lưu giữ văn thư hành chính đủ loại, xây tượng đài, đặt tên đường, dựng khu lưu niệm, nhà bảo tàng cất giữ trình bày những đồ dùng vật chất của những người sáng lập, có công gây dựng triều chính. Tóm lại có văn khố và bảo tàng viện, nhưng chỉ lưu giữ những gì mật thiết liên quan đến triều đại của mình mà thôi, không phải những gì phản ảnh đời sống hàng ngày của dân chúng.

Có thể lúc đầu, triều đại được dân chúng ưa thích, nhưng cầm quyền rồi, thường càng ngày càng sa đọa, bị dân chúng oán ghét, đi vào một quá trình “tự tiêu diệt” hay bị tiêu diệt. Triều đại khác lên xóa bỏ, huỷ diệt những tàn tích của triều đại cũ. Đôi khi một chút gì đó được giữ lại làm di tích lịch sử hay địa điểm du lịch, rất ít có ý nghĩa thiết thân đối với dân chúng. Du khách, nhất là thanh niên ngày nay vào khu biệt thự của Bảo Đại ở Đà Lạt, trả tiền vé để được ngồi vào “ngai vua”, mua cái thú được làm vua trong chốc lát, thế thôi.

Tóm lại, toàn thể dân tộc có ý thức lịch sử về dân tộc mình (về nguồn gốc, sự sống còn) qua việc tưởng nhớ, tôn thờ những danh nhân có công sáng lập, giữ nước, nhất là trong thời kỳ đất nước bị đe dọa xâm lược, tiêu vong. Một số người thuộc một triều đại có ý thức lịch sử về đời sống hàng ngày của mình (nếp sinh hoạt về các mặt) nên nghĩ tới việc tổ chức thiết lập văn khố, bảo tàng viện nhưng không phải văn khố, bảo tàng viện tàng trữ những đồ vật phản ảnh nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Một triều chính nếu thực sự lưu lâm tới dân, trọng dân như lưu tâm đến chính họ thì đã lập những văn khố, bảo tàng viện tàng trữ các giấy tờ không liên quan đến hành chính của nhà nước, mà liên quan đến những đồ dùng, phương tiện đi lại, làm ăn canh tác, giải trí như thường thấy ở các quốc gia khác, chẳng hạn những chiếc xe ngựa, xe thổ mộ, xe kéo, xe tay,xe ô-tô thời kỳ phôi thai. Gần đây người Pháp sang làm mấy phim ở Việt Nam, đã phải chở những chiếc xe ô-tô cũ kỹ từ Pháp sang vì không thể tìm thấy bất cứ đâu trên đất Việt Nam những cái xe cũ kỹ đó. Một thanh niên Việt Nam sống ở thành thị ngồi một chốc trên ngai Bảo Đại, có thể nghĩ đến một cái gì xa xưa nhưng xa lạ đối với mình, còn nếu lại được ngắm cái cày, cái bừa, xe đạp nước, cối xay lúa, giã gạo, cái nơm cá, cái giường, cái phản, cái điếu cày, bát sành, nồi đấtv.v… – những đồ vật mà họ có thể được biết đến qua sách vở học ởtrường, nhưng chưa hề được thấy”nhãn tiền” -có thể sẽ cảm thấy những cái đó gần gũi họ, thiết thân hơn đối với họ, vì đó là những hy sinh, lao lực khó nhọc của chính cha ông, họ sẽ có những ý nghĩ khác về dân tộc và chắc không bao giờ đi đập phá những bảo tàng viện dân gian khi triều đại dựng nên nó đã bị thay thế.

Nhưng còn chính người dân thì có ý thức lịch sử về nếp sống hàng ngày của mình không? Một số ít người trí thức thì có, nhưng có hai lý do làm cho ý thức trên không thể thực hiện được hoặc không thể thực hiện lâu dài được:

  1. Nghèo khó: Nhà ở chật chội, mấy người có phòng làm việc riêng, thư viện riêng? Sách báo mua đọc xong đành bán đi, hay sử dụng vào việc khác cần thiết: gói đồ, bán ve chai…
  2. Ổn định chính trị: Ngay cả trường hợp có điều kiện thuận lợi (chỗ để lưu giữ, tủ bàn đầy đủ) cũng không dám giữ những cái thuộc về chế độ cũ (sách báo, mọi thứ giấy tờ, vật dụng) vì sợ liên lụy, nên dành tiêu hủy tất, vì miếng ăn quan trọng hơn sách vở, và sự sống, sự tồn tại càng quan trọng hơn nữa? Nói cách khác: người dân chỉ có quyền sống với hiện tại trước mắt, không thể nghĩ đến tương lai và nhất là không được phép nghĩ về quá khứ…

Hai điều kiện: đủ ăn đủ mặc, dư thừa đôi chút mới có thể nghĩ đến việc giữ gìn tài liệu, sách báo, nhưng điều cốt yếu nhất đó là có ổn định chính trị không, và đây là điều không có – kể cả trong thời bình, không chiến tranh với ai… Nếu đối với số ít người có ý thức, nhưng vì không có điều kiện, nên không thực hiện được, dù đối với đa số dân chúng, sự kiện thiếu những điều kiện thuận tiện đã không thể làm nảy nở, phát huy được ý thức lịch sử về nếp sống hàng ngày trong quan hệ tam giác. Hiện tại gắn bó với quá khứ và hướng tới tương lai, nên thật không lạ gì khi thấy cả những viên chức nhà nước cũng hoàn toàn vô tâm trước sợ cần thiết có văn khố, bảo tàng viện như phản ánh đã nêu ở trên. Ở Âu châu, nhà nghiên cứu có thế viết những bộ sách nhiều tập hàng nghìn trang một cách nghiêm túc, có cơ sở về sinh hoạt, kinh tế, cách ăn mặc hay đời sống tư riêng của một người dân thời trung cổ, những thế kỷ XVII, XVIII v.v… vì có đủ dữ kiện: các con số thống kê, giấy tờ hành chính, tang vật lưu trữ được. Ở Việt Nam, tòa Đại sứ Ấn Độ ở Sài Gòn trước 1975 cho người đi tìm ở các thư viện công những tấm hình chụp Tagore lúc ông thăm Sài Gòn, thì không tìm thấy vết tích gì, nhưng đến thư viện của nhà báo Nam Đình lại có – mà thư viện đó ngày nay cũng tan tác cả…
Nếu một người nghiên cứu hay phụ trách dựng tuồng muốn xem những tranh, bìa quảng cáo các vở tuồng đã diễn thời xưa, làm sao có thể tìm thấy ở các thư viện công, nhưng đến hỏi nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì có; ông cho mượn rồi mất luôn (theo lời kể của Vương Hồng Sển).
Giữ ở nhà không được, gửi tàng thư viện cũng không có gì đảm bảo nên còn ai nghĩ đến tìm mua. Cách đây mấy năm, một toán người Pháp thuộc hãng sản xuất mobylette sang Sài Gòn ngồi canh ngoài phố để tìm chiếc mobylette xưa cũ nhất. Cuối cùng họ tìm ra,và cái người nghèo túng (nên mới đành phải đi chiếc mobylette xưa cũ nhất) nọ lại gặp may vì được tặng một quà thưởng lớn: một chiếc xe mobylette đời mới để đối lấy chiếc mobylette cũ kỹ sẽđược mang về trình bày ở bảo tàng viện bên Tây.

Hiện nay muốn biết đôi chút về đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, có thể căn cứ vào những tài liệu nôm, quốc ngữ đã được đem về Âu châu lưu giữ ở các thư viện công, tư bên đó. Chẳng hạn, cuốn ký của Philippe Bỉnh Sách sổ sang chép các việc (Viện đại học Đà Lạt xuất bản 1972, chụp lại nguyên bản chép tay) cho người đọc biết lúc đó ngoài chợ buôn bán ra sao, giá cả thế nào, người Tàu lừa đảo làm sao v.v… Hoặc những thư riêng viết tay (1659) như của Bentô Thiện (Hoàng Xuân Hãn, tạp chí Đại học số 10, tháng 7.1959; hay Đỗ Quang Chính, Lịch Sử chữ quốc ngữ, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972, trang 98-107). Tôi cũng đã được đọc mấy trang nhật ký, thư riêng của Trương Vĩnh Ký gửi từ Huế về cho gia đình trong tập tài liệu mà gia đình ông gửi tặng Viện Khảo cổ (nay là Thư viện của Viện Khoa học Xã hội). Những tài liệu này cho phép người đọc thấu hiểu và thông cảm tác giả thế nào, như Lê Thanh đã tả lại. Chẳng hạn một đoạn nhật ký: 7.12.1892, Trương Vĩnh Ký đi xem tướng về, ghi lại cảm nghĩ: “Số thì vậy, mà chưa thấy chi là thong thả, việc nợ nần nương nấn còn mê mê, tính phương này thế kia cũng chẳng ra chi, cứ biết râu ông nọ giật cằm mụ kia”.

Thư: Huế, Quảng Trị 16 Juillet 1886. Cơ mật, Conseil privé de Sa Majesté: “Mẹ con cùng cả nhà bình an mạnh khỏe. Khuyên mẹ con chịu khó ở nhà coi sóc nhà cửa, coi con cho nó vui chơi. Hễ hỏi ra thì đã về, vì nhớ thằng Tống lắm. Thôi, mình có lòng ngay Chúa cũng phù hộ chẳng bỏ đâu mà sợ, rán một ít lâu cho thành cuộc, kẻo bán đồ nhi phế, đã mất công nghiệp lại người ta cười. Vậy nên phải bóp bụng mà chịu, lòng những lo sợ cho mẹ nó buồn mà sinh đau ốm, nên cầu xin Chúa cùng Đức mẹ giúp cho mau thành cuộc cho được hưởng cái tiếng với nhau cho bõ những lúc cay đắng cực lòng khi trước”.

Trương Vĩnh Ký là một người Công giáo nhưng hình như không viết, nói gì về đạo (giới thiệu, quảng bá), công khai chỉ thấy bộc lộ là một nhà nho. Có được đọc thư riêng gửi cho người thân như trên mới hiểu ông có lòng tin đạo thể nào như trăm nghìn người Công giáo xưa nay. Tôi không rõ những tài liệu này bây giờ còn không, hay còn đọc được không trong hộc tài liệu Trương Vĩnh Ký ở Viện Khảo cổ nay là Thư viện Khoa học Xã hội? Trương Vĩnh Ký là người có ý thức lịch sử trọn vẹn, về mặt nguồn gốc, sự sống còn của dân tộc và nhất là về mặt đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam bình thường. Ý thức sau chắc hẳn đã được củng cố trong những chuyến đi nhiều nước ngoài, đã cho ông có dịp thăm các thư viện, văn khố, bảo tàng viện. Suốt đời ông, hầu như lúc nào cũng lo sưu tầm gom góp những mảnh vụn của văn hóa dân tộc. Từ những tác phẩm lớn đến những câu đôi ba chữ phản ảnh mọi khía cạnh đời sống dân gian. Ông không có phương tiện, tiền bạc để nhờ người cộng tác, mặc dù ông rất đông học trò, đồ đệ, nhưng họ cũng phải lo kiếm sống không thể giúp không ông được, hoặc để in các tập “Miscellanées”.

Ông đã chết vì lao lực (bệnh lao), để lại biết bao những mảnh vụn văn hóa… Con trai út ông kế nghiệp cha, nhưng cũng không xuất bản được gì nhiều và nhất là không giữ nổi sự nghiệp văn hóa của cha… vì thời cuộc, khí hậu, chiến tranh. Tôi có dịp thăm nhiều lần một thư phòng khác tương tự của Trương Vĩnh Ký. Đó là căn nhà và thư viện của ông Vương Hồng Sển. Có lần tôi đã đề nghị thành lập một Thư viện hay Bảo tàng viện Vương Hồng Sển, mà vẫn để gia đình cộng tác với một hội tư bảo quản. Nhưng ngay bây giờ Vương Hồng Sển còn sống mà hình như thư phòng đã bắt đầu bị phân tán, mất mát…. Và rồi đây sẽ còn gì sau khi ông mất… Xét cho cùng, không phải lỗi ở ai cả, mà phải chăng chỉ vì dân tộc này là một dân tộc không có thói quen, truyền thống lập và giữ gìn văn khố, bảo tàng viện dân gian?

Một dân tộc không có văn khố, bảo tàng viện liên quan đến nếp sống của dân chúng, sẽ có những hậu quả nào về tâm lý dân tộc, về sự phát triển, và sau cùng về chính số phận của dân tộc đó?

Nguyễn Văn Trung

Ghi chú:
*Trích lại Lê Văn Siêu trong Việt Nam văn minh sử Tập thượng – Bộ Giáo dục. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1972, tr. 115.
.

Related posts