Một Thuở Quế Trầm


Anh ở trọ đầu đường nhà Mẫn. Căn nhà có cái gác lửng thâm thấp. Anh treo một chậu trầu bà ở góc tường. Anh nói trầu bà dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, chỉ tưới một ít nước là đủ sống cả tuần. Nói thêm, có chút xanh lá để đỡ nhớ quê. Mẫn kỳ kèo bắt anh kể chuyện quê. Anh nói có gì đâu để kể, nhưng Mẫn cứ nhèo nhẹo đòi cho đến lúc anh phải chịu thua. Anh bảo nhà anh ở Huế, không sống với mạ và các em. Mẫn hỏi sao vậy. Anh nói ở quê anh không có trường trung học đệ nhị cấp, phải lên phố, và như vậy thì cũng phải xa nhà, cũng phải đi trọ nhà người mà chưa chắc được nhận vô Quốc Học, trong khi ở thị xã này anh đã đậu vào trường công lập lớn nhất, nên ba anh quyết định thuê chỗ trọ ấy cho anh.

Anh bảo cái ước mơ gần nhất của anh là sau khi xong tú tài sẽ về Huế, thi vào sư phạm. Học vài năm sau ra trường xong thì xin về dạy ở trường tiểu học gần nhà mạ. Và nói cái ước mơ của anh bao giờ cũng đơn giản nhưng hiếm khi được thực hiện, mơ vậy mà không biết có thành hay không. Mẫn hỏi ngoài ước mơ ấy, anh có mơ gì khác không, anh chỉ cười hiền không đáp.

Mỗi tháng Ba anh trích một phần lương trả tiền nhà cho anh. Anh đi dạy kèm từ năm chưa lên đệ nhị cấp để phụ tiền ăn uống, tiêu vặt cho mình, và cho ba anh đỡ cực. Trước, anh phụ một người thầy giáo tiểu học dạy con nít lớp vỡ lòng, sau anh được giới thiệu kèm cho học sinh luyện thi đệ thất, và rồi học sinh trung học như Mẫn. Anh nói lương lính không có là bao, ba anh tằn tiện gửi về cho mạ và các em của anh đã đủ khổ rồi.

Anh dịu dàng, hiền lành. Như ba Mẫn nói về anh. “Giao” Mẫn cho anh, ba yên tâm. Bạn ba Mẫn là cấp trên của ba anh nên đã giới thiệu anh với gia đình Mẫn. Thấy anh hiền, Mẫn cứ trêu anh mãi. Hết chuyện quê chuyện tỉnh rồi lại qua chuyện nhà. Ban đầu anh chỉ ậm ừ, nhưng về sau cũng có lúc anh kể một vài kỷ niệm nho nhỏ của mình. Và cũng về sau, Mẫn mới biết những lúc như vậy là lúc anh nhận được thư mạ hay các em của anh. Anh nhớ nhà. Nhớ gia đình.

Hoàn cảnh sống của Mẫn và anh hoàn toàn khác xa nhau. Gia đình Mẫn yên ấm, khá giả. Ngoại trừ anh chị lớn nhất của Mẫn ở nước ngoài hiếm có dịp về, cả nhà Mẫn bao giờ cũng quây quần với nhau. Mẫn không thể nào tưởng tượng ra được nỗi nhớ thương của anh. Một lần Mẫn nửa đùa nửa thật hỏi anh đàn ông con trai mà cũng nhớ nhà sao. Anh phì cười, hỏi lại chắc Mẫn nghĩ đàn ông con trai không có trái tim, hoặc không có tình cảm, cảm xúc hay sao.

Mẫn thấy cảm xúc của mình, tình cảm của mình, và trái tim của mình dường như cũng khác với anh. Trong khi anh bận bịu học hành để hoàn thành ước mơ, nhín thì giờ đi dạy kèm để đỡ đần cha mẹ, và thương nhớ quê nhà thì Mẫn hết thổn thức cho những nhân vật mới lớn trong các truyện tuổi hoa tím, tuổi học trò, lại sướt mướt với những câu thơ rất thơ dành cho lứa tuổi của Mẫn, “Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó. Về đi thôi O nớ chiều rồi” [Mường Mán], “Chiếc áo mới trắng tinh hồn mới lụa. Tuổi mười lăm thân mến giấu trong tay” [Từ Kế Tường]…

Mẫn nói không thể nào mường tượng ra được nỗi nhớ nhà da diết là như thế nào. Anh cười hiền bảo mai mốt Mẫn lấy chồng, đi làm làm dâu xa xứ sẽ thấm thía nỗi lòng “chim kêu vượn hú biết nhà ở đâu”. Mẫn đỏ mặt, lừ mắt nhìn. Anh lại cười. Mẫn kể anh chị lớn của mình thỉnh thoảng gửi thư về than buồn, than nhớ. Mẫn nói:

– Nên vì vậy mà em không muốn đi.

Anh làm thinh một lúc rồi hỏi lại Mẫn nói vậy là sao. Mẫn rùn vai, chậc lưỡi:

– Ba em đó mà, sợ chiến tranh, nên cứ đứa nào xong tú tài cũng cho đi du học. Em không muốn đi xa, không muốn sống ở những nơi không được nghe tiếng rao hàng, tiếng guốc gõ trên hè phố. Cũng không muốn bị thèm những món ăn quê hương rất tầm thường ngày nào cũng có bán ở đây. Gì mà chè đậu ván cũng thèm, bắp nấu cũng thèm, sắn luộc cũng thèm thì thôi chớ đi du học làm chi!

Mẫn nói thêm, ba muốn em phải học kèm vì muốn em đậu cao để đi. Mẫn thở dài, kể:

– Không cần học bổng, cũng phải đậu từ bình tới ưu hai kỳ tú tài mới đi Pháp được. Em không muốn đi Pháp, không muốn đi đâu hết!

Và trong khi thở dài sườn sượt như thế, Mẫn đã không để ý phản ứng của anh ra sao. Kể cả lúc nghe anh nhỏ giọng buồn buồn nói “con đường trước mặt của Mẫn thênh thang, Mẫn cố gắng làm cho ba mẹ vui”, Mẫn vẫn chậc lưỡi khó chịu:

– Gắng gì chớ! Em chỉ muốn ở đây, có bạn có bè, có ba mẹ.

Rồi Mẫn quay sang anh, trêu:

– Có cả anh nữa.

Anh đỏ mặt. Mẫn đánh khẽ lên tay anh:

– Có anh kể chuyện quê chuyện nhà, kể cho em biết những chuyện em chưa bao giờ biết.

Những chuyện, chẳng hạn có một lần không rõ vì lý do gì, anh kể bên hông nhà anh ở Huế có trồng cây cơm nguội, làm Mẫn đã tròn xoe mắt lên ngó anh. Cuối cùng Mẫn bật cười:

– Cây gì mà có cái tên ngộ quá!

Anh bảo đó là một loại cây thường mọc hoang, nhưng có nhà cũng mang về trồng làm cảnh vì không cần chăm sóc, tới mùa Hè vẫn ra bông trắng xóa rất đẹp. Anh nói mạ anh thỉnh thoảng đào lấy rễ phơi khô làm thuốc trị sốt rét cho ba anh. Anh nói thêm:

– Mường Mán có bài thơ dễ thương lắm về bông cơm nguội.

Mẫn bắt anh đọc ra cho Mẫn chép vào cuốn carnet “sưu tầm” thơ của Mẫn. Anh hứa nếu có dịp, anh sẽ hái cho Mẫn một chùm cơm nguội. Anh bảo hoa thì không mang theo được, đi từ quê anh lên Huế rồi vô tới thị xã bằng xe đò chật chội và phải mất gần cả ngày, nên có đến được tay Mẫn có lẽ cũng không còn cánh hoa nào. Mẫn bảo vậy thì ép vào vở. Anh phì cười:

– Anh chưa bao giờ nghe ai ép bông cơm nguội.

Mẫn cười theo:

– Nếu vậy anh đem vô cho em cái cành trơ cùi cũng được.

Chuyện giữa anh và Mẫn, đối thoại hay chuyện kể đều không có gì lớn lao như vậy, nhưng không hiểu sao Mẫn lại thấy ấm áp, thấy cái đằm thắm và hiền hòa tỏa ra nơi anh. Và thấy được cả một mảng quê nhà của anh.

Vì vậy lâu lâu Mẫn lại nhắc chuyện cây cơm nguội và bảo vẫn chờ để nhìn thấy chúng ra sao. Vào cái thuở chưa có những kỹ thuật công nghệ, anh lại không có máy chụp hình, càng không thể đưa Mẫn về quê anh để chỉ cho Mẫn xem, điều duy nhất anh có thể làm là mang một chùm cơm nguội vào thị xã, vậy mà cũng đã không thể thực hiện được.

Mùa Hè năm ấy anh bị động viên nhập ngũ rất bất ngờ. Ðến chỉ đủ thì giờ chạy sang nhà Mẫn báo tin để ba mẹ Mẫn tìm thầy dạy kèm khác cho Mẫn. Hôm ấy Mẫn không có nhà. Ðến trưa về học thì anh đã đi rồi. Mẫn hơi chưng hửng. Sau đó nỗi hụt hẫng làm Mẫn bàng hoàng. Mẫn có cảm giác như anh đi mà không lời từ biệt mặc dầu Mẫn biết anh không muốn vậy. Anh chỉ không kịp nói với Mẫn mấy tiếng “Anh đi nghe”, như anh vẫn thường nói mỗi bận về thăm nhà.

Anh đi rồi, Mẫn nói với ba mẹ rằng Mẫn không muốn học kèm ở nhà mà muốn đến lớp luyện thi với bạn. Ba Mẫn do dự nhưng mẹ Mẫn lại đồng ý vì bảo không thể tin ai ngoài anh. Mỗi tuần Mẫn học ngoại ngữ hai buổi ở trung tâm văn hóa Pháp và ba tối toán lý hóa. Ba Mẫn đưa đi đón về. Thời khóa biểu của Mẫn khít khao như không có chỗ để thở. Vậy mà Mẫn lại thấy lòng mình rất trống trải. Mỗi bận ngang qua căn nhà ở đầu đường, nỗi xác xao cứ hiện. Trước đây chưa bao giờ Mẫn nhìn thấy anh đứng ở đâu đó trên căn gác xép, chưa bao giờ để ý dây trầu bà anh trồng, nhưng khi anh không còn ở đó nữa, tim Mẫn đã gần như thắt lại lúc thấy một dáng người, lúc thấy những ngọn lá xanh trở màu nâu úa rồi khô cứng.

Cái sức sống biến mất trên chậu trầu bà hệt như cái hồn nhiên, vô tư biến mất trong lòng Mẫn. Không đoán nổi anh đang làm gì ở đâu, quân trường nào, hay mặt trận nào. Nhiều lúc Mẫn nhủ thầm mắc mớ gì tới mình, nhưng rồi lòng vẫn lao chao, mắt vẫn thất thần khi bất chợt bắt gặp một bóng dáng người lính nào đó trên đường. Nhất là những lúc nhìn hình ảnh một quân nhân trong tay một người con gái mặc áo dài trắng, áo dài hoa trên phố, trên truyền hình, là mặt Mẫn lại đỏ lên. Cái cảm giác như có bàn tay nào đó siết lấy cổ mình khiến Mẫn nghẹn ngào đến không thở được. Mẫn chưa bao giờ tưởng tượng ra anh là lính, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dính dáng đến một người lính nào đó nhưng không làm sao thoát khỏi cái cảm xúc buồn bã, nao lòng trước những hình ảnh dễ thương ấy hiện ra trong mắt.

Anh đi bất thần đến không thể chào từ giã, và một hôm cũng quay về, đến thăm gia đình Mẫn rất bất ngờ. Ðó là lúc Mẫn chuẩn bị đi học thêm. Bước xuống tới phòng khách thấy anh ngồi đó, tóc ngắn ngủn như con nít, quân phục xanh, và nước da đen sạm. Mẫn đã ngỡ ngàng đến mức không bước thêm được. Chân Mẫn như dính chặt xuống mặt sàn nhà. Mẫn không thể tin nổi ở mắt mình, cũng không tin nổi anh… “thành” ra như vậy.

Anh nói anh xong sáu tháng quân trường và đang chuẩn bị nhận lịnh về một đơn vị nào đó nên được vài ngày phép, muốn đến thăm gia đình Mẫn trước khi về nhà. Mẫn muốn chảy nước mắt. Muốn chạy đến thăm hỏi, nhưng vì ba mẹ đang ngồi với anh nên Mẫn chỉ chào vội một tiếng rồi quay gót trở vào phòng. Tim Mẫn đập loạn xạ và chân tay Mẫn muốn rụng rời. Mẫn không biết nên làm gì. Trái tim Mẫn nói mừng anh về, lòng Mẫn reo lên, mừng anh về, nhưng Mẫn bối rối và luống cuống.

Ba đưa Mẫn đến lớp học thêm toán lý hóa trong khi anh vẫn còn ngồi tiếp chuyện với mẹ Mẫn. Thật lòng mà nói nếu có thể được, Mẫn đã chạy tới bên anh, cầm lấy tay anh và gục đầu xuống vai anh. Nhưng hẳn nhiên Mẫn không dám làm, vì ba mẹ, và vì những điều mà cô bé mười bảy tuổi của Mẫn thời ấy không cho phép. Tuy nhiên suốt buổi học, nước mắt Mẫn cứ chực trào ra, hồn Mẫn cứ chỉ muốn thoát ra khỏi người để lang thang về phía anh đang hiện diện.

Nhưng Mẫn không thể nào ngờ là anh đã đến lớp học thêm xin được gặp Mẫn. Với cái lý do giản dị là anh sẽ phải rời đi ngay chiều hôm ấy, nên thầy giáo đồng ý cho Mẫn ra khỏi lớp trước giờ tan học. Ðã phải khó khăn lắm Mẫn mới không vấp chân mình khi ra đứng với anh trên khoảng sân nhỏ dẫn ra cổng trường. Mẫn hoàn toàn chẳng còn là cô bé vẫn hay liến thoắng trêu ghẹo anh. Không là cô học trò chỉ biết bắt nạt anh những lúc không muốn học. Hai tay Mẫn không biết để đâu. Cái cặp sách dường như vẫn rất nhỏ để Mẫn níu lấy. Và bầu trời dường như vẫn không đủ chỗ để Mẫn ngước nhìn.

Anh cười nhỏ bên tai Mẫn:

– Không bị học với anh chắc Mẫn… khỏe lắm phải không?

Mẫn muốn đánh lên tay anh nhưng lại không dám. Mẫn muốn la lên nhưng miệng môi cứng khô không ngôn từ nào thốt ra được. Mẫn đã đứng yên hết ngó ra ngoài đường, lại ngó về phía khác nơi anh đang đứng như vậy cho tới khi anh nói anh sẽ gửi thư cho Mẫn khi về đơn vị, và hỏi Mẫn có thể ghé nhà bạn anh trên đường đi học để nhận thư anh không, Mẫn mới lí nhí trả lời “Dạ được”. Mẫn như “con mèo ngái ngủ trên tay anh” của Nguyên Sa. Như “ma sơ” của Nguyễn Tất Nhiên. Bé nhỏ. Thẹn thùng.

Anh đứng với Mẫn một lát rồi từ giã. Anh bảo phải về Huế. Và nói thêm sợ ba Mẫn sẽ thấy anh khi đến đón Mẫn. Lúc anh đi rồi Mẫn mới sực nghĩ ra tại sao anh có thể tìm được nơi này, và biết Mẫn học lớp nào. Tuy nhiên Mẫn có cảm giác mình cũng chẳng cần biết thêm gì. Vì lòng Mẫn vui hơn nắng nhảy múa trên con đường về nhà, rộn rã hơn cả tiếng chim sẻ hót líu lo buổi sáng. Mẫn nhận ra mình quan trọng với một người như thể nào, và người ấy cũng quan trọng với mình ra sao. Mẫn ngập chìm trong hỉ hân, vui mừng.

Mẫn nhận được thư anh khi anh về đơn vị. Rồi thư trước ngày chuẩn bị hành quân. Sau những trận đánh. Thư chiến trường, thư thấp thoáng lo âu, thấp thoáng nỗi ngậm ngùi. Nhưng thư nào cũng rất ngọt ngào và đằm thắm hệt như tính cách con người anh. Hoàn toàn không có lời tỏ tình, không nói thương nhớ, chỉ nhắc trên đường hành quân nhìn thấy hoa sim và trên đường về miền Ðông thấy bông cơm nguội, bảo tưởng chỉ Huế mới có bông cơm nguội, mà Mẫn lại biết chắc chắn anh đã “thuộc về” mình.

Những lá thư đi theo Mẫn năm tháng dài. Không lâu sau đó là binh biến. Cả đất nước tao loạn. Nhà Mẫn chạy tháo theo mọi người lên một chiếc xà lan, sau chuyển sang một chiếc tàu lớn vào tới Nha Trang rồi vào Vũng Tàu. Ở đó, mọi người tiếp tục chạy về Sài Gòn. Ba mẹ Mẫn cũng muốn về Sài Gòn với cái hy vọng mảnh đất cuối cùng của miền Nam sẽ không mất. Nhưng chỉ chạy tới cầu Cỏ May là cả nhà phải dừng chân. Ðoạn đường mấy mươi cây số mới về tới thủ đô không dài, nhưng mẹ Mẫn do không quen dãi dầu, không quen mưa nắng đã ngã bịnh rất nặng, đến cuối cùng cả nhà phải quyết định dừng lại ở giữa đường. Ở ven đường thì đúng hơn.

Không người thân, không quen biết ai ở đó, chỉ cái tên cầu Cỏ May là nghe rất quen, rất thân thuộc với Mẫn. Trong một lá thư, anh kể có khoảng thời gian ngắn đóng quân gần khu vực này. Lúc còn ở thị xã, Mẫn từng nghe nói người miền Nam chân chất và tốt bụng, lúc những người không quen ở cầu Cỏ May cưu mang gia đình Mẫn suốt thời gian mẹ Mẫn lâm bịnh mà không chịu lấy tiền hay bất cứ hiện vật nào, Mẫn mới hiểu rõ hơn. Sau này khi miền Nam sụp hoàn toàn, dù đã chạy về tới Sài Gòn nhưng không được chấp nhận nhập cư, ba mẹ Mẫn đã quyết định về đó để sống một phần cũng vì những ân tình ấy.

Trước đó ba Mẫn đã chạy về thị xã để xem tình hình, thì biết ra căn nhà của gia đình Mẫn đã bị chiếm đoạt bởi vì gia chủ không có mặt lúc Ủy ban Quân quản chiếm thành phố. Căn nhà trở thành một trụ sở hành chánh và sau này thành nhà của một cán bộ. Ba Mẫn sững sờ, nhưng bạn bè chung quanh khuyên tốt hơn hết là nên tránh xa vì thị xã không còn là đất để dung thân. Ba Mẫn trở vào Sài Gòn với nỗi đắng cay và đau đớn, nhưng cuối cùng cũng phải đành chấp nhận số phận đã bị những người chiến thắng định đoạt cho mình.

Lại gói ghém, lại chạy đôn chạy đáo rời Sài Gòn trước khi chính sách hồi hương bị đẩy mạnh. Gia đình Mẫn về Phước Tuy. Số vàng vòng ba mẹ Mẫn mang theo được, đổ vào vài sào đất để được hợp lý hóa thủ tục hành chánh, được coi như là dân địa phương. Cuộc sống bắt đầu trở nên thê lương dầu không chỉ riêng một mình gia đình Mẫn, nhưng đối với Mẫn, thật quá mức để có thể tưởng tượng ra được.

Mẹ của Mẫn, người chưa hề làm gì nặng trước đó, bỗng dưng trở thành nhân vật chính kiếm miếng cơm cho gia đình. Thành người bán tôm bán cá ở chợ, lam lũ như một người dân miền duyên hải từ bao đời. Ba Mẫn vào một tổ hợp làm lưới, cái nghề nghiệp chỉ từng “nghe nói” trước đây nhưng chưa bao giờ thấy, chưa hề biết nó như thế nào. Và Mẫn không còn đi học, ngày ngày cùng với đứa em út cúi mặt trên đám rẫy sau nhà.

Không một lần Mẫn dám nghĩ tới ngày tháng cũ. Không một lần dám mở tập carnet có mấy lá thư anh viết mà Mẫn đã kỹ lưỡng gìn giữ như báu vật trên đường chạy loạn. Cuộc đời không còn hương còn vị đối với Mẫn. Tuổi thanh xuân của Mẫn cũng qua đi như đám cỏ xác xơ ven đường. Mẫn không hề muốn có một người bạn, càng không muốn có người yêu và không muốn đời sống hôn nhân như những cô gái khác cùng thời. Mà cả ba mẹ Mẫn thật lòng cũng không muốn thấy Mẫn sẽ thành thân với bất cứ người thanh niên nào nơi ấy, nên xem như đã chấp nhận những nghĩ suy và quyết định của Mẫn.

Lặng lẽ. Nặng và dài. Ngày tháng buồn bã trôi như giòng nước sông Cỏ May trước mặt nhà Mẫn. Ðến cuối cùng, mặc dầu hồ sơ bảo lãnh của anh Mẫn chậm trễ, và trục trặc từ cả hai phía, gia đình Mẫn cũng rời được nơi muốn rời đi. Thời gian sống ở tỉnh lỵ miền duyên hải, cảm xúc thương yêu trìu mến để lại rất ít trong lòng Mẫn, nhưng hôm xe đò chạy ngang qua cầu Cỏ May, bất giác Mẫn cũng đã quay đầu nhìn lại. Nước mắt Mẫn bỗng lưng tròng. Mẫn nhận ra mình đã cúi mặt mà sống chỉ vì đâu đó trong Mẫn, cái tên vùng đất đã níu Mẫn xuống. Rõ ràng chưa có gì sâu nặng để gọi đó là tình yêu. Chưa có gì ray rứt đến khôn nguôi để Mẫn đem lòng chờ đợi. Nhưng mọi thứ dường như đã khép lại, đã đóng băng ở cái vạch mức ngày anh có mặt trong đời sống Mẫn.

Miền Nam nước Pháp đón Mẫn cũng buồn bã và ảm đạm không kém gì những tháng ngày trải dài ở cầu Cỏ May. Mẫn đã không còn đủ thanh xuân, không còn đủ sức để lăn xả vào cuộc sống mới tìm ra cho mình một tương lai rực rỡ nào đó. Hoàn cảnh khổ cực lâu ngày đã làm Mẫn nhuốm cái thói quen chậm chạp với cuộc đời. Mỗi ngày Mẫn đến trường học tiếng Pháp vài tiếng, rồi vào trường dạy nghề một cách vô cùng khó khăn. Mẫn không muốn nghĩ đến câu người đời vẫn thường hay nói, “trâu chậm uống nước đục”, nhưng đồng cỏ xanh thật sự đã hết chỗ dành cho một người ở vào lứa tuổi như Mẫn.

Cuối cùng Mẫn dừng lại ở một công việc tầm tầm trong tiệm làm bánh ngọt cuối phố. Nhưng vậy đó mà nỗi ngậm ngùi, cay đắng vẫn không chịu dừng lại với Mẫn. Mẫn đã không tài nào hiểu nổi tại sao mọi thứ trên đời đều trễ tràng với mình. Ðến cả chuyện tình cờ gặp một người quen cũ cũng đớn đau. Mẫn đã phải nghe thêm một đôi điều lẽ ra không nên nghe, không cần nghe qua người ấy, rằng anh từng có lần về tìm Mẫn, nhưng không ai biết gia đình Mẫn ở đâu. Người ấy nói thêm, anh hiện giờ đang sống ở Hoa Kỳ.

Lúc người ấy đi rồi, Mẫn mới sực nhớ mình đã không hỏi gì thêm tin tức khác về anh, về nơi anh đang định cư. Hệt như ngày xưa từng quên mất không hỏi tại sao anh biết trường Mẫn học thêm. Mọi sự đều lỡ làng, Mẫn nghĩ. Về đến nhà, Mẫn run tay mở tập carnet, mở những lá thư anh viết. Mẫn đọc lại mấy câu thơ bông cơm nguội của Mường Mán. “Hái bông cơm nguội bên thềm cũ. Nhớ thuở quế trầm chưa mất nhau. Loài hoa anh tặng em ngày ấy. Giờ hết nguội rồi bỗng biết đau”. Mẫn nhìn ra cửa sổ. Hai mắt cay nồng. Thời xưa cũ hiện ra nhưng Mẫn biết mình đã không có cái hân hạnh nhận được chùm bông cơm nguội.

Mẫn rưng lòng. Muốn bật khóc thương thân. Mẫn tự hỏi tại sao từng sống ở nơi có rừng, có đất, từng làm việc với cỏ cây, bông trái bao nhiêu năm, vậy mà vẫn chưa hề có lần được nhìn thấy loài hoa ấy. Trong lá thư cuối của anh có mấy chữ, “anh đã nhớ Mẫn vô cùng khi bắt gặp đám bông cơm nguội trắng xóa trên đường hành quân”.

Hoàng Nga

Related posts