Mừng Xuân trong tinh thần đoàn kết tôn giáo

Hàng năm tới đêm 24 tháng 12, tín đồ Kitô giáo (Thiên Chúa giáo) khắp nơi hân hoan đón mừng Giáng sinh của Chúa Giêsu. Hơn 2,000 năm về trước, một con người siêu phàm đã được sinh ra trong một hang đá tại Bethlehem ở Palestine thuộc hướng nam của Jerusalem trong vùng Tây ngạn. Biến cố này đã được nhân loại ấn định làm dương lịch. Chúa Giêsu mang đức tin tôn giáo và cứu độ chúng sinh chấp nhận cái chết khổ đau trên thập tự giá. Trong vài trăm năm đầu, Kitô giáo lan truyền nhanh chóng từ Trung Đông đến châu Á rồi khắp mọi nơi trên thế giới. Hiện nay, Kitô giáo là tôn giáo có đông tín hữu nhất ước lượng khoảng 2.2 tỷ so với 1,6 tỷ người Hồi giáo, 1 tỷ người Ấn độ giáo và 500 triệu người Phật giáo.

Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày tại Đông Nam Á. Thái Lan có dân số gần 70 triệu dân mà trong đó 95% theo Phật giáo. Nhưng Phật giáo không phải là Quốc giáo. Hiến Pháp Thái Lan bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho tất cả công dân nhưng vua Thái phải là một người theo Phật giáo Nam tông hoặc Tiểu thừa (Theravada). Tuy tín đồ Kitô chỉ có khoảng 1% dân số nhưng Giáng Sinh đang dần dần được đón mừng ở mọi nơi. Có nhiều du khách cùng với các giáo viên Anh ngữ và công nhân từ Philippines tham dự Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh tại Nhà Thờ ở Bangkok. Theo Ký giả Eunice Barbara C Novio, người dân ở miền Đông Bắc Thái trong khu vực Isaan đã đón mừng Giáng Sinh từ năm 1881 khi tín đồ Kitô đầu tiên đặt chân đến đây. Đa số họ là người Công giáo Việt nam trốn chạy lệnh truy nã của vua Tự Đức. Có 3 triệu cư dân trong khu vực Isaan mà trong đó ước lượng có khoảng 54,000 người Công giáo.

Gần đây, câu chuyện của cô gái Saudi 18 tuổi từ bỏ gia đình xin tỵ nạn tại Thái Lan đã tạo sự chú ý của dư luận quốc tế. Rahaf Mohammed al Qunun bay từ Kuwait đến Bangkok với mục đích là xin tỵ nạn tại Úc. Giới chức Thái muốn buộc cô quay về nhưng cô cố thủ dùng bàn ghế đóng cửa phòng khách sạn và lên facebook để kêu cứu. Cô cho biết là đã quyết định từ bỏ đạo Hồi và lo sợ là sẽ bị gia đình giết chết nếu quay về. Sau khi lời kêu cứu của cô loan ra thì Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đã nhanh chóng tiến hành phỏng vấn và chấp thuận tư cách tỵ nạn của cô. Cô muốn đi Úc nhưng Bộ Di Trú cũng như chính quyền Úc hiện nay không có nhiều thiện cảm với người tỵ nạn. Rất may là Canada sẵn sàng đứng ra nhận và Rahaf đã đáp xuống phi trường Toronto chỉ vài ngày sau khi được công nhận tư cách tỵ nạn. Cô cho biết là sẽ theo đuổi mục tiêu tranh đấu nhân quyền cho nữ giới tại Ả rập.

Người Thái năm nay cũng nhận được một món quà Giáng Sinh đáng giá đó là chính quyền quân phiệt tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24/02/2019 sau nhiều lần trì hoãn. Tiến trình dân chủ của Thái Lan trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với hàng chục các cuộc đảo chánh. Trong thời gian gần đây, mối xung đột chính là giữa giới bảo Hoàng với sự hậu thuẫn của quân đội và chính khách con buôn của dòng tộc tài phiệt Shinawatra. Nhưng trong mấy ngày gần đây, Hoàng gia công bố là vua Rama X (Vajiralongkorn) sẽ chính thức đăng quang trong tháng 5 sau hơn 2 năm thương khóc vua cha Bhumibol băng hà vào tháng 10 năm 2016. Do đó, có nhiều nguồn tin là giới tướng lãnh sẽ viện cớ này mà hoãn lại bầu cử một lần nữa. Vào ngày 23/1, Ủy ban Tổ chức Bầu cử tuyên bố là vua Thái đã ký sắc lệnh cho phép cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 24/3 sắp tới đây. Trước đó, chính quyền quân phiệt đã cho thông qua Hiến pháp mới bảo đảm là quân đội sẽ kiểm soát Thượng viện và Tướng Prayut Chan-o-cha vẫn có thể tiếp tục làm thủ tướng dù chỉ với 1/3 tỷ lệ ủng hộ tại Hạ viện. Lần này, các tướng lãnh cũng lập ra một đảng để tranh phiếu. Chỉ trong một đêm gây quỹ họ đã kiếm được hơn 20 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên, họ cũng kêu gọi người dân Thái gồm có phe áo vàng và phe áo đỏ, giới thôn quê và thành thị cũng như nông gia và trí thức phải tìm cách xích lại gần nhau trong tinh thần hòa giải và đoàn kết để xây dựng đất nước dưới bản Hiến pháp mới. Trong khi đó, báo chí tung tin là hai anh em cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck đang sống lưu vong ở nước ngoài đã cùng về thăm quê cha đất tổ ở Quảng Đông. Truyền thông Trung quốc cũng cho biết là Yingluck đã sử dụng giấy thông hành do Cam bốt cấp để thành lập công ty tại Hongkong hồi năm ngoái.

Riêng tại Trung Quốc, năm nay quan chức ra lệnh cấm mọi nghi lễ đón mừng Giáng Sinh. Tuy Giáng Sinh không phải là ngày lễ chính thức nhưng từ lâu, nhiều học sinh và thương gia trang trí lớp học và cửa tiệm bằng cây thông, đèn thành phố tuyết, vòng quế nguyệt, ông già Nô-en và chú tuần lộc…Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì chính sách mới là tuyên chiến với tôn giáo và văn hóa tây phương để đưa người dân Trung Quốc trở về với thời Trung hoa cổ đại. Theo AP (Associated Press), có ít nhất là 10 trường học trong 4 thành phố nhận lệnh cấm không được đón mừng Giáng Sinh. Tại Lang Phường (Langfang) thuộc tỉnh Hà Bắc, cán bộ ra lệnh cho các cửa tiệm dẹp sạch mọi trang trí Giáng Sinh và cấm không được dùng Giáng Sinh làm chủ đề kêu gọi khách hàng mua đồ. Tại Trường Sa (Chengsha) thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, cục giáo dục gửi thư đến nhiều trường học khuyến cáo là thầy cô giáo không được cho phép học sinh đón mừng Giáng Sinh và những hình thức văn hóa ngoại lai để giữ cho văn hóa Trung Hoa được tinh khiết. Trước đó, công an bố ráp và đàn áp các nhà thờ “chui” (underground church) không có xin phép đăng ký với nhà nước cũng như giải tán các nhóm đọc Kinh Thánh và cầu nguyện tập thể ở Quảng Châu. Ngoài ra, công an tại Thành Đô đã bố ráp và đóng cửa Hội Thánh Giao ước Mưa Đầu Mùa (Early Rain Covenant Church) và bắt giữ 100 tín đồ trong chiến dịch Hán hóa Kitô giáo. Theo bản báo cáo Open Doors World Watch List 2019, ước lượng có khoảng 100 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo tại Trung Quốc, nhiều hơn số đảng viên của Đảng CSTQ. Chừng một hai thập niên nữa, Trung Quốc sẽ là quốc gia có nhiều người Thiên Chúa Giáo nhất.

Tại Việt nam thì Giáng Sinh không chỉ dành riêng cho người Công giáo mà đã đi vào đời sống văn hóa của người dân miền Nam trước năm 1975. Hình ảnh các cửa tiệm trên Đại lộ Nguyễn Huệ trưng bày cây thông Nô-en, đèn ông sao, hang đá và các vòng dây kim tuyến cùng với các loại mũ Giáng sinh đầy màu sắc rực rỡ đã được nhiều lính Mỹ ghi chụp lại. Sau ngày 30/4, Đảng CSVN muốn áp đặt đạo “Mác” và đạo “Hồ” lên miền Nam như họ đã làm tại miền Bắc. Nhưng chẳng bao lâu thì người ta cũng nhận ra là Đảng treo đầu heo bán thịt chó. Kết cuộc đạo Mác và Hồ không còn ăn khách. Ngày nay, Đảng không quên cử lãnh đạo Bí thư Thành ủy đến thăm và tặng quà cho Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà nội và nhắc nhở giáo dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng và nhà nước.

Theo báo cáo của đặc phái viên tôn giáo Liên Hiệp Quốc Heiner Bielefeldt phổ biến vào năm 2014, giới chức Việt Nam cho biết là 24/90 triệu người Việt có tôn giáo (tức 27% dân số). Có nghĩa là 66 triệu (73%) thuộc vào diện vô thần không có tôn giáo??? Nhà nước chính thức công nhận các cộng đồng tôn giáo gồm có 11 triệu người Phật giáo, 6.2 triệu người Công giáo, 1.4 triệu người Tin Lành, 4.4 triệu người Cao Đài, 1.3 triệu người Hòa Hảo và khoảng 75,000 người Hồi Giáo. Không biết các con số này chính xác đến đâu vì theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì có tới 45 triệu phật tử đã quy y tam bảo với khoảng 45,000 tăng ni và 15,000 tự viện. Phật giáo Đại thừa (Mahayana) được truyền vào vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Cũng có giả thuyết cho rằng Phật giáo Tiểu thừa đến Việt nam trước theo đường biển từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên nhưng chuyển thành Đại thừa do ảnh hưởng từ phía Bắc. Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo phổ biến nhất tại Việt Nam.

Với Kitô giáo thì tín đồ Công giáo chiếm đa số. Công giáo La Mã đã đến Việt nam từ thế kỷ 16 khởi đầu là những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha mà nổi bật nhất là Alexandre de Rhodes người đã sinh sống và làm việc tại Việt nam trên 20 năm từ 1624 tới 1644 và có thể được gọi là cha đẻ của chữ Quốc ngữ. Tuy mục đích là để giúp công tác truyền bá nhưng có lẽ đây là sự kiện “thoát Trung” đầu tiên (về mặt văn hóa) trong lịch sử Việt nam.

Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Bihane) đóng một vai trò trọng yếu trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Vào cuối thế kỷ 18, ông vận động Pháp hỗ trợ cho chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh bạy Tây sơn thành lập triều Nguyễn vào năm 1802. Theo Linh mục Trần Công Nghị, (Catholic Church in Vietnam with 470 years of Evangelisation), vào lúc đó Việt nam đã có 3 giáo xứ với 320,000 tín đồ và 120 linh mục người Việt.

Sử gia Joseph Buttinger tác giả của nhiều quyển sách về lịch sử Việt nam gồm có: The Smaller Dragon – a Political History of Vietnam (1958); Vietnam: a Dragon Embattled (1967); Vietnam: a Political History (1968); A Dragon Defiant: a Short History of Vietnam (1972); và Vietnam: an Unforgettable Tragedy (1977) viết rằng khi Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh qua đời vào năm 1801, đúng ra Gia Long phải truyền ngôi cho cháu đích tôn Nguyễn Phúc Mỹ Đường là con trưởng của Thái tử Cảnh theo truyền thống của chế độ phong kiến. Nhưng Gia Long lại chọn Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng) là con trai của người vợ thứ hai Trần Thị Đang vì Minh Mạng theo truyền thống Nho giáo và có xu hướng bài ngoại. Gia Long mang nặng ân tình với Giám Mục Bá Đa Lộc nên đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc truyền giáo nhưng cốt lõi vẫn là một nhà vua thủ cựu không thoát khỏi truyền thống bảo thủ của vương triều.

Nguyễn Phúc Cảnh sinh ngày 6/4/1780 tại Gia Định và là người con trai thứ hai của Nguyễn Phúc Ánh với người vợ thứ nhất là Tống Thị Lan. Con trai trưởng của Gia Long là Nguyễn Phúc Chiêu mất sớm từ thưở bé. Khi mới 3 tuổi, Hoàng tử Cảnh đã tháp tùng Giám mục Bá Đa Lộc đến Paris yết kiến vua Louis XVI và ký Hiệp Ước Versailles vào năm 1787. Thái tử muốn rửa tội nhưng Giám mục Bá Đa Lộc không chấp thuận vì không muốn tạo phản ứng tiêu cực từ cận thần triều Nguyễn. Vào năm 1873, Nguyễn Phúc Cảnh được lập làm Đông cung (tức Thái tử) nhưng người đời vẫn quen gọi là Hoàng tử Cảnh. Ông mất sớm vào năm 21 tuổi vì bệnh đậu mùa. Con cháu bên dòng họ của Thái tử Cảnh đều theo đạo Công giáo.

Cuộc đời của Nguyễn Phúc Cảnh thật là bạc phước. Khi còn bé đã mang thân phận con tin rời xa cha mẹ bôn ba khắp chân trời gốc bể để cầu viện. Được phong làm Thái tử trong tuổi thanh xuân chưa được hưởng vinh hoa phú quý thì lại mất sớm để lại một người vợ trẻ có nhan sắc khuynh thành cùng với hai đứa con nhỏ dại mà sau này phải chịu đọa đày thảm khốc. Nguyễn Phúc Mỹ Đường bị gán cho một cái tội ô nhục là thông dâm với mẹ rồi giáng xuống làm thường dân. Mẹ của Mỹ Đường (tức là vợ của Thái tử Cảnh) thì bị dìm nước chết. Truyền thống Nho giáo có nhiều cái hay những cũng có nhiều thứ tàn bạo như chính sách nhổ cỏ tận gốc để trừ hậu họa.

Một số đại thần gồm có Tả Quân Lê Văn Duyệt phản đối quyết định của Gia Long vì có cảm tình với tín đồ Công giáo cũng như lo rằng Minh Mạng sẽ áp dụng triệt để chính sách bảo thủ của Nho giáo bế quan tỏa cảng tạo khó khăn cho việc mua vũ khí tối tân của Pháp. Theo Giáo sư Mark McLeod (University of Delaware History Department) và tảc giả của quyển sách “The Vietnamese Response to French Intervention 1862 – 1874”, sau khi lên ngôi Minh Mạng bắt đầu trấn áp tín đồ Công giáo chẳng hạn như ban chiếu ra lệnh cho các giáo sĩ về kinh đố Huế để dịch sách nhưng mục đích là không cho họ rao giảng ở thôn quê cũng như bắt buộc tín đồ Công giáo phải bỏ đạo. Lê Văn Duyệt cùng với một số quan quân ở miền Nam không tuân lệnh nên sau khi ông mất, Minh Mạng hạch tội và bãi chức Tổng trấn Gia định. Con nuôi Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi khởi binh làm loạn dương cờ phục hoạt ngai vàng cho hậu duệ của Thái tử Cảnh nhằm tranh thủ sự hậu thuẫn của các giáo sĩ và tín đồ Công giáo. Vào năm 1833, quân của Khôi chiếm được hết 6 tỉnh miền nam. Hơn 2,000 tín đồ Công giáo gia nhập dưới sự chỉ huy của Linh Mục Nguyễn Văn Tâm.

Sau 3 năm, quân của Khôi bị đánh bại. Khôi bị bệnh mất ngay trong thành Phiên An khi thành đang bị bao vây. Linh mục Joseph Marchand bị xử tử hình. Cuộc nổi dậy này để lại hậu quả thảm hại cho tín đồ Công giáo. Minh Mạng ra lệnh truy bắt và xử chết những nhà truyền giáo cũng như càn quét các làng Công giáo. Tín hữu Kitô giáo bị khắc chữ “tà đạo” trên trán. Ước lượng có khoảng 130,000 tới 300,000 người Công giáo bị bách hại. Vào ngày 19/06/1988, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã chính thức phong thánh cho 117 Thánh tử đạo Việt nam trong đó có 58 vị hy sinh dưới thời Minh Mạng và 50 vị dưới thời Tự Đức. Lịch sử hình thành và phát triển Kitô giáo tại Việt Nam thắm đầy máu và nước mắt. Nhưng không thể bỏ qua hoàn cảnh và yếu tố lịch sử gồm có sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa cũng như chính sách thực dân của các đế quốc tại châu Âu tạo ra thái độ nghi kỵ của người bản xứ.

Quan hệ tôn giáo trở nên tệ hơn sau biến cố Phật giáo năm 1963 với sự kiện tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức và cuộc đảo chánh và hành quyết thảm khốc đối với Tổng Thổng Ngô Đình Diệm cùng với bào đệ Cố vấn Ngô Đình Nhu dẫn đến sự sụp đổ của nền Đệ Nhất VNCH. Đã có rất nhiều sử gia và học giả quốc tế thực hiện các công trình nghiên cứu một cách khách quan và khoa học về biến cố lịch sử này nhất là khi họ phải mổ xẻ nguyên nhân thất bại của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng có lẽ thế hệ người Việt hôm nay khó thoát khỏi định kiến chủ quan vì mang nặng tư duy của người trong cuộc. Cụ thể nhất là “biến cố” giữa Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW (CĐNVTD/NSW) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan (Giáo Hội) diễn ra trong tháng 11 năm 2018 vừa qua.

Vào tháng 10 năm 2018, Ban Chấp Hành CĐNVTD/NSW ra thông báo là CĐ sẽ tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 4/11/2018 tại Trung tâm Văn hóa và Sinh hoạt Cộng đồng. Ngay sau đó, có một vị hòa thượng trong hàng giáo phẩm gửi một tin nhắn (sms) cho một số người phản đối quyết định này. Tiếp theo là một nhà báo người Công giáo đưa nội dung tin nhắn này lên facebook cùng với một số lời bình phẩm. Thế là một cuộc “thánh chiến” nổ ra trên mạng với nhiều lời lẽ mạt sát, thóa mạ cả tu sĩ lẫn tôn giáo. Theo Thông Tư của Giáo Hội phổ biến vào ngày 29/10/2018, Giáo Hội đã cử một phái đoàn gồm có 5 vị hòa thượng dẫn đầu bởi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hội Chủ Hội Đồng Điều Hành đến họp với BCH/CĐ vào ngày 23/10/2018. Trong phiên họp, hai bên quyết định là sẽ thảo luận lại trong nội bộ một vài đề nghị dung hòa và sẽ tái họp vào trưa ngày thứ năm 25/10/2018. Nhưng tới sáng ngày hôm sau 24/10, BCH liên lạc và báo cho Giáo Hội là sẽ không có phiên họp dự trù vào trưa thứ năm vì BCH giữ nguyên ý định ban đầu không có gì thay đổi. Mặt khác, BCH tổ chức một phiên họp khác vào tối ngày thứ năm tại Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt Cộng đồng. Lễ Tưởng Niệm diễn ra vào ngày 4/11 với sự tham dự của đông đảo đồng hương. Vào đêm 24/11, CĐ tổ chức Đêm Thấp Nến cầu nguyện cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Vào ngày 30/11/2018, BCH phát hiện có người xịt sơn “chửi tục” trước cổng Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt Cộng đồng.

Từ nhiều năm qua, Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã do một nhóm trong cộng đồng đứng ra tổ chức không có vấn đề gì. Năm nay, BCH muốn CĐ đứng ra tổ chức. Có lẽ BCH không lường trước được sự phản đối mạnh mẽ của Giáo Hội. Hàng năm, BCH/CĐNVTD/Victoria vẫn đứng ra tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhưng Giáo Hội không có phản ứng. Đại diện của Giáo Hội giải thích rằng vì Giáo Hội không biết và nếu biết thì chắc chắn là cũng sẽ phản đối. Victoria là tiểu bang có số người Việt khá đông không thua NSW bao nhiêu và trong đó chắc chắn cũng có nhiều phật tử. Không hiểu tại sao Giáo Hội có vẻ như không mấy quan tâm tới sinh hoạt của CĐ Victoria như là đối với CĐ tại NSW?

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Facebook có thể giúp cô gái Saudi cố thủ trong phòng trọ gửi thông điệp cầu cứu trên toàn thế giới. Nhưng facebook cũng tạo phương tiện cho người ta đổ dầu vào lửa đốt sạch tình người và mọi quan hệ thân thương nhất. Khi nói đến đề tài tôn giáo và chính trị thì việc sử dụng văn phong, ngôn từ nhẹ nhàng, nhã nhặn và tương kính là vô cùng cần thiết. Rất tiếc là khi đưa lên mạng để tranh luận thì có nhiều người không còn tự chủ được bản thân nữa. Có những người khi bình thường thấy có vẻ trầm tĩnh nhưng khi bình luận trên facebook thì bộc lộ ra hết bản tính hung hăng, đanh đá. Cũng có người lợi dụng diễn đàn để mạ lỵ, xỏ xiên người khác vì tư thù. Nói chung là tạo nên một hình ảnh không mấy đẹp đẽ cho người Việt tại Úc.

Lịch sử cho thấy những việc tưởng chừng như không quan trọng có thể dẫn đến một chuỗi phản ứng dây chuyền rồi leo thang trở thành biến cố như tàn thuốc lá lan theo cơn gió mạnh biến thành một trận bão lữa đốt trụi cả khu rừng tràm. Tại sao lãnh đạo của Giáo Hội không gửi thư riêng cho BCH/CĐ hoặc cho ông chủ tịch mà phải gửi tin nhắn? Rồi nhà báo nghĩ sao mà đưa tin nhắn lên facebook? Tại sao BCH/CĐ quyết định hủy phiên họp trưa thứ năm với Giáo Hội cự tuyệt cơ hội tiếp xúc, thảo luận và cứu xét giải pháp dung hòa và nếu cần thiết có lời giải thích lý do tại sao minh định lập trường của mình mà BCH lại tổ chức phiên họp Cộng đồng vào tối hôm đó để có người tham dự cho biết làm họ liên tưởng đến các cảnh đấu tố trong thời Cải cách Ruộng đất? Có lẽ khi tổ chức Đêm Thấp Nến cầu nguyện cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ, BCH/CĐ cũng muốn bày tỏ thiện chí xoa dịu phần nào tổn thương của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội có đón nhận như vậy hay không hay chỉ coi đó là một phản ứng vội vã mang tính cơ hội “mượn hoa cúng Phật” làm gia tăng thêm khoảng cách?

Chúng ta không thay đổi được quá khứ nhưng có thể dùng nó để làm hành trang cho các cuộc hành trình đầy gay go, hiểm hóc ở phía trước. Hậu quả không thể chối cãi được là mối quan hệ giữa tổ chức CĐ và Giáo Hội từ nay tạm thời bị “đóng băng”. Giáo Hội đại diện cho 43 tự viện trên toàn nước Úc với hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn phật tử nhưng tại sao tiếng nói và quan điểm của Giáo Hội có vẻ như không có trọng lượng đáng kể hoặc không được ghi nhận đúng mức? Chỉ mới hơn một tháng trước đó vào tháng 9, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng cùng đông đủ đại diện Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo đã đồng hành với Chủ tịch CĐ Liên bang cùng với các Tiểu bang tham dự họp báo trong Quốc Hội Úc lên án tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam làm mọi người phấn khích. Từ lâu mọi người hằng mơ ước sẽ thành lập được một Hội đồng Liên tôn tại Úc yểm trợ cho Cộng đồng trong công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân cho quê hương Việt Nam nhưng giờ đây thì giấc mơ này chắc là đã tan thành mây khói.

Tổ chức CĐ không phải là chính quyền có thu thuế hoặc ban hành luật, có khả năng thuê mướn công chức và cảnh sát để thi hành luật. Lợi thế chính của CĐ là tư thế trung dung có thể điều hợp và liên kết các tổ chức, đoàn thể với nhiều khuynh hướng tôn giáo và chính trị khác nhau rồi từ đó tạo lên tiếng nói và sức mạnh tập thể. Đánh mất thế trung dung thì chẳng khác gì tự chặt tay, chặt chân của mình. Trách nhiệm và ưu tiên hàng đầu của các vị lãnh đạo phải là duy trì và gia tăng tinh thần đoàn kết trong Cộng đồng.

Không chỉ đối với Giáo Hội, đa số những người Phật tử thuần thành sẽ không lên tiếng vì họ cũng không muốn mang nặng khẩu nghiệp vướng vào những chuyện thị phi ở cõi ta bà. Nhưng im lặng không có nghĩa là không bất mãn dẫn đến thái độ bất hợp tác hoặc tẩy chay. Một cơ thể mà các bộ phận không làm việc với nhau thì cơ thể đó trở thành bệnh hoạn. Một tập thể mà các nhóm hoặc thành viên không hợp tác với nhau thì tập thể đó không thể nào ‘’khoẻ mạnh’’ được.

Nếu như giới lãnh đạo BCH/CĐ coi Giáo Hội không có tầm vóc hoặc vai trò quan trọng trong Cộng đồng thì không có gì để nói. Bằng không thì BCH/CĐ có trách nhiệm chủ động đi tìm giải pháp hàn gắn vì dù muốn dù không quyết định của BCH đã tạo ra biến cố này. Đây không phải là lúc huênh hoang say men chiến thắng với những đại ngôn từ như “Ý Trời lòng dân” mà phải suy tư, lắng động, nhún nhường để nhận thức được những thiệt hại, mất mát và đổ vỡ to lớn trong quan hệ tổ chức và cá nhân trong nội bộ Cộng đồng. Thiện chí hàn gắn không phải chỉ là lời nói suông mà phải được thể hiện qua thái độ và hành động cụ thể. Không phải tự nhiên trưng bày một vài tấm hình có y phục tôn giáo là có đoàn kết tôn giáo. Cũng không thể kêu gọi, hô hào đoàn kết tôn giáo bằng những lời phát biểu hùng hồn nhưng đầy ý khiêu khích. Muốn có hàn gắn, hòa giải thì phải chấp nhận thỏa hiệp và tương nhượng để không có ai thua mà mọi bên đều có phần thắng. Tương nhượng và thỏa hiệp không phải là biểu lộ cho sự yếu đuối mà là sức mạnh và bản lĩnh của người lãnh đạo khi biết đặt quyền lợi của tập thể cộng đồng lên trên hết. Có điều là muốn hàn gắn và hòa giải thì phải có tiếp xúc và đối thoại nhưng trong thời đại @ ngày nay, làm sao mọi người có thể an tâm để đối thoại khi nội dung thương thảo có thể xuất hiện trên facebook và bị diễn dịch một cách sai lệch để thiên hạ tấn công là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Nếu BCH/CĐ thật sự bày tỏ thiện chí hàn gắn thì Giáo Hội cũng có trách nhiệm đón nhận và đáp trả với tấm lòng bao dung, từ bi hỉ xả. Biến cố 1963 diễn ra cách đây hơn 50 năm mà lòng người Việt Phật giáo và Công giáo vẫn còn có khoảng cách quá lớn. Ngay tại Úc là một quê hương thứ hai hiền hòa, cởi mở mà còn như vậy thì ở trong nước sẽ như thế nào? Cho dù du nhập từ phương Đông hoặc phương Tây trong bối cảnh lịch sử khác nhau, ngày nay Phật giáo và Công giáo là hai bộ phận quan trọng của dân tộc. Có thể nói là Việt Nam may mắn thụ hưởng hai nền triết lý tôn giáo tinh hoa của nhân loại làm cho văn hóa Việt Nam càng phong phú và sâu sắc hơn. Vấn đề là làm sao dung hòa và tận dụng các giá trị Đông Tây để giúp Việt Nam phát triển hết tiềm năng trở thành một quốc gia phú cường, văn minh và tiến bộ hầu có đủ sức mạnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trước người láng giềng khổng lồ đầy dã tâm từ phương Bắc. Phật giáo hay Công giáo đều là người Việt Nam. Khi nói tới Lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm hoặc của cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức, cứ là người Công giáo thì bênh còn Phật giáo thì chống và ngược lại thì người Việt tự do coi như đã thua rồi. Điều quan trọng là tổ chức như thế nào để tránh gây tổn thương và tạo thêm chia rẽ. Dân tộc đang đối diện với hiểm họa diệt vong vì đạo Mác và đạo Hồ. Nếu Phật giáo và Công giáo không thật sự hòa giải để cùng với các tôn giáo khác chung tay hiệp sức thì Việt Nam khó tránh được đại họa.

Như mọi năm, thông điệp Giáng Sinh vừa rồi của các vị lãnh đạo tinh thần là đoàn kết lúc nào cũng đánh bại chia rẽ. Câu này nói thốt lên thật quá dễ nhưng thực hiện thì vô cùng khó khăn, đặc biệt là đối với người Việt vốn mang nặng tư duy bè phái. Trong những ngày sắp tới, Cộng đồng sẽ đón xuân Kỷ Hợi trong bầu không khí ấm cúng, chan hòa hay là với lòng người ly tán và ghẻ lạnh? Có lẽ chỉ có nhân viên của Tòa Đại sứ và Lãnh sự quán CHXHCNVN năm nay mới mừng Giáng Sinh và ăn Tết vui vẻ nhất vì họ bất chiến nhưng đã tự nhiên thành.

Ls Nguyễn Văn Thân

Related posts